ĐI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI



70) Bà Ðà Ma Yết Tất Ðà Dạ

 

Bà Ðà Ma. Hán dịch là “Hồng liên hoa”.
Yết Tất Ðà Dạ. Hán dịch là “Thiện thắng”.

 

Hồng liên hoa này là siêu việt tất cả mọi loài và thành tựu vô lượng công đức. Khi quý vị tu tập Hồng liên hoa thủ nhãn ấn pháp này thành tựu rồi, nếu quý vị muốn sanh ở cõi Trời thì ước nguyện ấy rất dễ thành tựu như ý.

 


ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI XUẤT TƯỢNG


70. Bà Ðà Ma Yết Tất Ðà Dạ


PADMAKÉSTAYA (PÁT ĐƠ MẠ KÊ SÍT TA DA)


 

 NGÀI LINH-HƯƠNG-THIÊN BỒ-TÁT



Kệ tụng :


Bồ tát vô sự qua công tác

Tọa bảo liên hoa phóng quang minh

Thọ chư chúng sanh đại giác ký

Viên mãn niết bàn chứng vô dư




THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU

CHƠN-NGÔN-ĐỒ



Đức Phật lại bảo ngài A Nan: - Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát có ngàn mắt ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sanh. Đó cũng là do tâm Đại Bi của vị Đại Sĩ ấy hóa hiện. 


 PHỤ CHÚ .- Những chân-ngôn sau đây, chỗ có 2 vạch ngang (--) là chữ đọc kéo hơi dài ra, chữ có 1 vạch ngang (-) là hai chữ đọc hiệp lại làm một. Muốn cầu điều gì, đọc chân-ngôn theo điều ấy. 

 


42 Thủ Nhãn Ấn-Pháp




 NAM-MÔ NGÀI LINH-HƯƠNG-THIÊN BỒ-TÁT MA-HA-TÁT


Hồng-Liên-Hoa Thủ Nhãn Ấn Pháp

Thứ Hai Mươi Lăm



Bà Đà Ma Yết Tất Đà Dạ [70]
  

Án-- thương yết lệ, tát-phạ hạ.




Kinh nói rằng: “Nếu muốn được sanh lên các cung trời, nên cầu nơi Tay cầm
                       Hoa-Sen-Hồng.”



Thần-chú rằng:
 Bà Đà Ma Yết Tất Đà Dạ [70]
Chơn-ngôn rằng: Án-- thương yết lệ, tát-phạ hạ.




Kệ tụng:


Chư thiên khoái lạc thắng nhơn gian

Phát nguyện vãng sanh đa trở nan

Đản tự thủ trì hồng liên hoa

Đàn chỉ vãng sanh phi đẳng gián.




MAHAKARUNA DHARANI



70. PADMAKÉSTAYA 

   

PADMA means “red lotus.”

KÉSTAYA means “good victory.”

 

The Red Lotus is victorious over all and brings about accomplishment. When you cultivate this Dharma, the Red Lotus Hand and Eye, then if you want to ascend into the heavens, it’s very easy to be born in any heaven you wish.

 


MAHAKARUNA DHARANI ILLUSTRATIONS



70. PADMAKÉSTAYA 


Having nothing to do, Bodhisattvas go looking for some work.

As they sit on exquisite lotuses, their brilliant light radiates.

Bestowing predictions of full enlightenment on all beings,

They perfect Nirvana that is certified to be without residue.



THE FORTY-TWO HANDS



25. The Red Lotus Hand and Eye


The Sutra says: “For rebirth in all heavenly palaces, use the Red Lotus Hand.”


The Mantra: Bwo two mwo jye syi two ye.
The True words: Nan. Shang jye li. Sa wa he.


The verse:


The joys of the heavens surpass those of humankind.
Between the vow for heavenly birth and its fulfillment lie many difficulties.
But only maintain this Red Lotus Hand,
And you’ll be reborn there in a finger-snap, without waiting around.



with the commentary of

 

THE VENERABLE TRIPITAKA MASTER HSUAN HUA

 

Translated into English by

BHIKSHUNI HENG YIN

 

THE BUDDHISH TEXT TRANSLATION SOCIETY

SAN FRANCISCO

1976


ĐẠI BI CHÚ

Tác giả: Hòa thượng Tuyên Hóa

Bản dịch của THÍCH NHUẬN CHÂU

CÚ GIẢI
(Giảng giải từng câu)

 

MAHAKARUNA DHARANI

Hòa-Thuợng THÍCH-THIỀN-TÂM dịch từ PHẠM-VĂN ra VIỆT-VĂN









Ẩn-Tu Ngẫu Vịnh

Như-Ý Giảng giải 

 

 

TRĂNG in NƯỚC bích LÒNG THIỀN rạng,

GÍO LỘNG non hồng Ý ĐẠO thanh.


Nương mình tựa án xem NGƯỜI CỔ,

ẨN BÓNG trong gương ngẫm chuyện đời.

 

 

HÒA THƯỢNG TÔN SƯ

Ngài Tam-Tạng Pháp-Sư  Thích Thiền-Tâm, hiệu Vô-Nhất.


BÀI SỐ  45


 

Ẩn tu khuyên khách mến giang hồ !

Nên học Liên phương niệm Phật đồ

Về cõi Bảo Hoa đi dạo khắp

Muôn trời tịnh diệu nét Xuân tô !

 


NHƯ Ý :  PHƯƠNG LIÊN là PHƯƠNG XỨ HOA SEN tức chỉ cho cõi CỰC-LẠC. Niệm Phật đồ là Bức đồ Niệm Phật Công cứ có in hình Hoa sen, để khi Niệm Phật đủ 1 NGÀN hay 1 MUÔN câu lại ghi vào Mỗi Cánh SEN hoặc Hạt Sen một điểm. Đây là cách Sách tấn hàng Liên Hữu Cầu sanh Tây Phương.

Thuở  xưa bậc Thanh-cao hay hạng TAO NHÂN MẶC KHÁCH thường đề huề Túi thơ Bầu rượu đi du Lãm nơi danh lam thắng cảnh, thời nay các nước có phong trào Tổ chức đi du ngoạn các Cảnh đẹp ở Bản xứ hay khắp Thế giới.

Nhưng nếu có AI mến thích du ngoạn, thì tốt nhất là nên tu NIỆM PHẬT CÔNG CỨ cầu sanh Tây Phương, về được cõi BẢO HOA đó rồi, mỗi bữa Mai thường cùng chư THƯỢNG THIỆN, mang  HOA  bay khắp Mười phương Thế giới để cúng dường Chư Phật, mà cảnh Đẹp tươi Trong sạch Mầu lạ ở các Tịnh Độ, thì miền Bồng Tiên cũng không thể sánh kịp trong Muôn Một .



( TAO NHÂN là Người phong nhã

MẶC KHÁCH là Người ưa thích làm Thơ phú Văn chương)

 

XÓA TÁNH ƯA THÍCH DU NGOẠN



Dạo chơi thắng cảnh
Thu đẹp xuân kiều!
Túi thi đàn rượu khắp ngao du!
Non nước vài thân hữu
Mưa khói mờ hoa liễu!
Ôi chà chà!
Ráng hồng suối bạc sánh phong lưu
Đâu nghĩ ngày mai hậu?
Sáng tối thoáng qua mau
Thảng thốt quay đầu suy, bịnh, lão!


Bởi thế nên đem
Phong nguyệt tình vui xóa sạch làu!

 

XÓA SẠCH DUYÊN TRẦN
(Phỏng dịch “Thất Bút Câu” của ngài Liên Trì)

 

 

 

Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi nước của Đức Phật đó, thường trỗi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời MẠN-ĐÀ-LA.

 

Chúng-sanh trong cõi đó thường vào lúc SÁNG sớm, đều lấy đãy hoa đựng những HOA tốt đem cúng-dường mười muôn ức Đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn-quốc ăn cơm xong ĐI-KINH-HÀNH.

 

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.



PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ

 

( Hán dịch, nhà Dao Tần Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch )

 

( Người nước Cực Lạc đều có THẦN-TÚC-THÔNG, trong nháy mắt có thể đi trải qua VÔ-LƯỢNG THẾ GIỚI.


ĐI-KINH-HÀNH là đi vòng quanh chậm rãi,vừa đi vừa suy gẫm tưởng niệm những pháp lành. Phật, Pháp, và Tăng. Đi kinh hành có hai điều lợi ích:

1.-Thâu nhiếp tâm tưởng vào CHÁNH NIỆM, phục trừ tà niệm LOẠN TƯỞNG cùng biến lười ngủ nghỉ.

2.- Điều hòa thân thể, HUYẾT KHÍ lưu thông, TIÊU HÓA dễ dàng.)


Tiết 7 - Muốn Sớm Thoát Khổ, Nên Tu Tịnh Độ

 

Nhiều vị học Phật, vì ưa chuộng huyền lý cao siêu, cho môn Niệm Phật là của ông già bà cả, hạng căn cơ thấp kém. Nhưng họ đâu biết Tịnh Độ là cửa mầu thâm diệu đi sâu vào Phật tánh, là con thuyền chí bảo để mau thoát khỏi luân hồi.

Cho nên có những bậc thượng căn vì chưa nhận thức Tịnh Độ, mà mãi bị trầm trệ trong nẻo mê tân. Và có kẻ căn tánh chỉ tầm thường, nhưng do tu Tịnh Độ mà sớm bước lên đường giải thoát. Xin thuật ra đây đôi chuyện để chư học giả so sánh.

 

Đời Đường bên Trung Hoa, nơi chùa Hương Sơn đất Lạc Dương có sư Thích Giám Không. Sư nguyên tục tánh thọ Tề, người ở Ngô Quận.

Thuở còn nhỏ ông nghèo khổ, tuy học hành siêng năng nhưng ít ghi nhớ. Lớn lên, ưa làm thi văn song chỉ tầm thường. Ông hay đi lại vùng Ngô, Sở yết kiến hàng hầu bá, nhưng không được sự giúp đỡ bao nhiêu. Khi có tiền đầy xâu thì sanh đau yếu, tiền hết bịnh mới lành.

Đầu niên hiệu Nguyên Hòa, ông dạo chơi xứ Tiền Đường, gặp năm mất mùa, nghĩ đến chùa Thiên Trúc để cầu thực. Nhưng vừa đi tới phía tây Cô Sơn Tự, ông đói quá không thể tiến bước nổi, liền lại ngồi bên bờ suối tuyết, rơi lệ ngâm vài câu bi phẫn.

Thoạt có vị Phạn tăng theo dòng suối đến ngồi nhìn ông mĩm cười hỏi: "Pháp sư đã nếm đủ hương vị lữ du chưa?" Ông đáp: "Hương vị lữ du có thể gọi đã nếm đủ, nhưng bỉ nhơn tục danh là Quân Phòng, đã từng làm pháp sư đâu?" Phạn tăng nói: "Ông không nhớ lúc giảng kinh Pháp Hoa ở chùa Đông Đức hay sao?" - Đáp: "Tôi từ khi sanh thân đến nay đã bốn mươi lăm tuổi, hằng bàng hoàng nơi vùng Ngô, Sở, chưa từng để bước đến kinh đô, đâu lại có chuyện giảng kinh ở miền Lạc Trung như thế?"

Phạn tăng bảo: "Chắc ông bị lửa đói thiêu đốt, nên quên cả việc xưa rồi!" Nói xong, liền lần trong đãy lấy ra một quả táo lớn ướt bằng nắm tay, trao cho và bảo: "Quả táo này sản xuất ở nước của ta, bậc thượng trí ăn vào biết rõ việc quá khứ vị lai; người hạ căn cũng có thể nhớ được chuyện kiếp trước." Ông tiếp lấy quả táo ăn xong, vóc nước suối uống, thoạt mờ mệt muốn ngủ, liền tựa đầu, gối vào đá mà nằm. Giây phút tỉnh dậy, nhớ tiền thân làm pháp sư giảng kinh, cùng những bạn đồng tu, rõ rệt như việc ngày hôm qua, nhân rơi lệ hỏi rằng: "Chấn Hòa Thượng bây giờ ở đâu?"

Phạn tăng đáp: "Công chuyên tinh chưa tới mức, nên chuyển sanh làm vị tăng ở đất Tây Thục, nay cũng đã dứt được vọng duyên." Lại hỏi: "Thần thượng nhơn và Ngộ pháp sư hiện thời ra sao?" - Đáp: "Thần thượng nhơn túc duyên trả chưa xong. Còn Ngộ pháp sư bởi đứng trước tượng đá chùa Hương Sơn phát nguyện giỡn: “Nếu kiếp này tu không chứng đạo, thân sau nguyện là bậc quý thần”, nên hiện đã sanh làm đại tướng.

Trong năm người bạn vân thủy khi xưa, duy ta được giải thoát, ba vị kia thì như thế, riêng ngươi còn đói khổ nơi đây!" Ông thương khóc nói: "Tôi kiếp trước hơn bốn mươi năm, ngày chỉ ăn một bữa, thân duy đắp một y, việc phù tục quyết dứt căn nguyên, cớ sao còn kém phước để đến nỗi hôm nay phải ra người đói khổ?"

Phạn tăng đáp: "Khi xưa ông ngồi trên pháp tòa hay nói nhiều việc dị đoan, khiến cho thính chúng sanh lòng nghi hoặc, lại giới hạnh còn có chỗ kém khuyết, nên phải bị báo ứng như hôm nay." Nói đoạn, lấy trong bát ra một chiếc gương hai bề đều trong suốt, bảo rằng: "Việc đã qua ta không làm sao hơn được, nhưng ông muốn biết số phận sang hèn thọ yểu về tương lai, cho đến việc đạo pháp hưng suy, nên nhìn vào sẽ rõ."

Ông tiếp lấy gương xem hồi lâu rồi giao lại tạ rằng: "Sự báo ứng, lẽ vinh khô, nhờ ơn đức của Ngài, nay đã biết được." Phạn tăng cầm gương cất vào bát, nắm tay ông cùng đi, độ mười bước liền biến mất.

Đêm ấy ông vào chùa Linh Ẩn xin xuất gia, hiệu là Giám Không, sau khi thọ giới Cụ Túc liền đi du phương tu hành, sự khổ tiết, cao hạnh ai cũng khen ngợi. Về sau Giám Không thiền sư gặp ông Liễu Sính ở chùa Thiên Trúc, tự trần thuật tiền nhân và bảo"Tôi sống được bảy mươi bảy, tăng lạp ba mươi hai, nay chỉ còn chín năm nữa là thọ số mãn. Sau khi tôi tịch, Phật pháp còn được như ngày hôm nay chăng?"

 

Sính nghe nói lạ, gạn hỏi. Sư không đáp, chỉ đòi bút viết mấy hàng nơi vách bắc lầu Tàng Kinh như sau: "Hưng hạt cát, suy cát sông Hằng. Thỏ đã bị lưới, chó vồ săn. Trâu cọp giao tranh sừng với răng. Ánh hoa đàm vẫn sáng nghìn năm." Đây là lời tiên tri của sư.

Câu trước nói về đạo pháp sẽ suy. Câu thứ hai chỉ cho sự phá đạo rất tàn khốc. Câu thứ ba ghi rõ thời gian hủy pháp ở vào năm Ất Sửu tiếp qua Bính Dần. Câu sau cùng nói: Tuy nhiên Phật pháp vẫn còn, ánh đạo không bị hủy diệt.

Lời sấm trên ứng vào việc phá Phật pháp của Đường Võ Tôn. Ông vua này đã ra lịnh hủy hoại bốn mươi bảy ngàn ngôi chùa, ép buộc hơn hai mươi vạn bảy ngàn tăng ni hoàn tục.

(Trích Cao Tăng truyện, thiên Cãm Thông, tập 3)

 

Đời Nguyên bên Trung Hoa, vào năm Canh Ngọ niên hiệu Chí Thuận ở vùng Triết Tây bị thất mùa liên tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường. Mỗi buổi sáng, quan phòng chánh mướn người khiên tử thi chở đem bỏ xuống hang núi, sau tháp Thái Hòa. Trong số tử thi có thây một bà lão hơn mười hôm không hôi thúi, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác.

Chúng lấy làm lạ, vòng giây kéo đem lên, soát trong người thấy có túi vải đựng ba bức đồ niệm công cứ A Di Đà Phật. Việc này truyền đến quan Hữu Tư, Ngài cho mua quan quách tẩn liệm và đem ra thiêu hóa. Khi củi đốt lên, trong khói lửa hiện ra tượng Phật, Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm Phật.

(Trích Sơn Am Tạp Lục)

 

Xem sự tích trên, ta thấy như ngài Giám Không kiếp trước từng làm giảng chủ; phù tục đã dứt căn nguyên, tu trì cũng nhiều tinh khổ, nhưng vì chưa chứng quả lại còn chút tì vết, nên phải chuyển thân làm kẻ sĩ đói khát khốn cùng. Kiếp xưa năm bạn đồng tu, chỉ một mình Phạn tăng được giải thoát.

Ngoài ngài Giám Không lại còn sự tích cao tăng Viên Quán, do chưa sạch nghiệp, nên không thoát khỏi bào thai của nàng Vương Thị.

Truyện Tỳ Khưu Pháp Vân từng làm đại pháp sư, nhân vì tham lợi dưỡng, sẻn Phật pháp, nên bị đọa làm thân trâu.

Truyện ngài Hải-Ấn cũng thuộc hàng danh tăng, vì thọ người cúng dường, phải chuyển sanh làm con gái cho nhà thí chủ.

Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm, nhưng bởi túc nghiệp từ vô lượng kiếp phát hiện, nên luân hồi làm kẻ ngu khờ, ghét người tu niệm.

Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm tăng, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát.

Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm, bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.

Truyện một Ni Cô tụng Kinh Pháp Hoa ba mươi năm, vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ, tiếng thanh sắc đẹp nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.

Truyện vị cao tăng non Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối, do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm, song vì mê quyền quí, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.

Xem truyện tích xưa, còn biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy nếu tự lực tu hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười người đã rớt hết tám chín. Còn như bà lão niệm Phật, tuy dốt đạo lý, chẳng hiểu chút chi về tông về giáo, nhưng nhờ thành tâm niệm Di Đà mà sau khi chết diễn ra nhiều điều kỳ lạ, đã chứng minh bà lão vãng sanh về Cực Lạc không còn nghi ngờ.

Cho nên tham thiền, tụng kinh cùng tu các môn khác là những điều quí báu nên làm, và đáng khuyến khích. Nhưng giữa thời mạt pháp này, cần phải tu thêm môn Niệm Phật, rồi đem tất cả công đức ấy hồi hướng về Tây Phương, mới bảo đảm khỏi luân hồi mê đọa. Nếu không lấy Tịnh Độ làm nơi quy hướng, thì công đức tu các môn khác chỉ gây căn lành phước báo, và nhân duyên đắc độ về sau mà thôi.

 

Như thế, e cho khi chuyển sanh hôn mê tạo nghiệp phải bị trầm trệ lâu trong cảnh khổ luân hồi. Mấy ai thông minh như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người, sau trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát.

Những vị ỷ mình cao minh, ngoài miệng nói suốt lý huyền, chỉ trọng tự lực khinh thường niệm Phật, cũng nên xem gương trên mà để tâm suy nghĩ.

 

BÀI KỆ THỨ  65


Một câu A Di Ðà
Sạch trần duyên phiền não
Như sư tử dạo chơi
Kinh rã bầy chồn cáo!

( Nhứt cú Di Ðà
Trần duyên tự đoạn
Sư tử du hành
Dã can kinh tán!)



LƯỢC GIẢI


Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, vì mê Chân Tánh khởi tham sân si, đắm sâu trong vũng bùn lầy duyên phiền não, kết thành sức nghiệp tự ràng buộc lấy mình. Một hiền giả đã than: "Tâm đắm nhiễm của con người như vực sâu không đáy, như biển rộng mênh mông. Ðem dâng hết sắc đẹp trong thiên hạ cũng không vừa đủ lòng DỤC. Hiến khắp hết tiền của trong thiên hạ cũng không vừa đủ lòng THAM!".

 

Bởi thế, tuy gặp thắng duyên bước lên đường tu, nhưng nghiệp tham sân si trong muôn kiếp không dễ gì trừ dứt. Nhưng nếu hành giả chí tâm giữ một câu Phật hiệu, dù chẳng khởi niệm dứt trừ nghiệp hoặc, trần duyên phiền não cũng sẽ tự tiêu trừ.


Tại sao thế? Bởi phiền não là vọng niệm hư huyễn, Phật hiệu là chánh niệm chân thật. Vọng niệm như chồn cáo, chánh niệm như sư tử. Chánh niệm khởi lên, vọng niệm tự diệt, 
như sư tử ra khỏi hang, các loài chồn cáo đều kinh hãi tan rã bỏ chạy. Vọng niệm như nhà tối muôn năm, chánh niệm như ngọn đèn to sáng, diệt ngay tất cả sự tăm tối. Cho nên nếu nhiếp tâm nơi chánh niệm, tất vọng niệm tự trừ. Ngoài điều ấy ra, sáu chữ hồng danh là kết tinh công đức phước huệ của Phật A Di Ðà đã tu từ vô lượng a tăng kỳ kiếp. Cho nên, Phật hiệu có công năng diệt nghiệp rất mau chóng.


Trong Trí Ðộ Luận, Long Thọ Bồ Tát đã khai thị: "Môn Niệm Phật tam muội hay dứt trừ tất cả phiền não nghiệp chướng đời này cùng đời trước. Các tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm mà không thể trừ nghiệp sân. Có môn trừ được nghiệp sân, si mà không thể trừ nghiệp tham, dâm. Có môn trừ được tham, sân, si, nhưng chẳng thể trừ những tội nghiệp đời trước.

Niệm Phật tam muội có thể trừ sạch nghiệp tham, sân, si, cùng tất cả trần duyên phiền não và tội chướng đời trước.


Lại nữa, Niệm Phật tam muội hay sanh trí huệ phước đức rộng lớn, có thể độ chúng sanh. Chư Bồ Tát nếu muốn độ sanh mà tu các môn tam muội khác, tất kết quả rất chậm kém. Bởi các môn tam muội khác phước đức không bằng Niệm Phật tam muội. Tại sao thế? Vì Phật là đấng Pháp Vương, phước huệ đều viên mãn, nên vô lượng phước đức trí huệ của hành giả, tất phải từ nơi Phật mà tăng trưởng và thành tựu mau chóng.


Lại nữa, do vì niệm Phật luôn, tâm không rời Phật, nên hành giả thường được gặp chư Phật...".


Những lời khuyên dạy trên, chứng tỏ niệm Phật hay trừ sạch trần duyên phiền não.

 

KIM VINH HIÊN


Kim Vinh Hiên người Lô Giang, tinh An Huy, nhân buôn bán thua lỗ ôm lòng uất ức, lần đến phát cuồng. Nhưng, tuy thần kinh thác loạn, ông rất thích vào chùa đốt hương, kính thành lễ Phật.

Về sau có một vị thông hiểu nội điển là nữ sĩ Vương Kim Phạm, biết hiện tượng đó do túc nghiệp chiêu cảm, nên dạy cho biết pháp môn Tịnh độ, và bảo phải niệm Phật sám hối cầu sanh về Tây phương. Kim Hiên nghe nói vui mừng, liền trường trai niệm Phật.

Mỗi buổi sáng sớm sau khi súc miệng rửa mặt xong, ông đều ngồi chắp tay hướng về Tây, cao tiếng xưng hồng danh A Di Đà. Ngoài ra, các thời khác cũng thường trì niệm. Có nhiều người hỏi: “Niệm Phật mãi như thế để làm chi? Có lợi ích gì?” Kim Hiên gạn lại: “Cứ niệm như tôi đi rồi sẽ biết. Tại sao không chịu niệm, lại cứ hỏi tôi?”

Khi đi ngoài đường thấy trẻ con chơi đùa, ông liền to tiếng xưng hồng danh, rồi khuyên chúng niệm Phật. Lũ trẻ cũng đùa lại, niệm theo. Người nơi chợ phố thấy Kim Hiên vừa đi vừa nghêu ngao niệm Phật, đều chỉ chỏ cười ngạo bảo: “Xem kìa, cái ông điên khùng!” Kim Hiên cũng quay lại cười ngạo nói: “Chính mấy người mới thật là điên khùng!”

Mùa thu năm Nhâm Thân thời Dân Quốc, Kim Hiên nằm liệt giường bịnh, không ăn được chỉ uống nước trong, song vẫn niệm Phật không dứt. Vừa sang đông, ông bỗng nói: “Gấp gấp quy căn, tôi đi đây!” Người nhà đều cho là bịnh cuồng tái phát. Cư sĩ Từ Tử Diêu nhân đến thăm, nghe biết bảo: “Quy căn là trở lại nguồn gốc, ý nói lá rụng về cội. Hay là ông ta muốn quy y Tam Bảo, để sanh về Tây phương chăng?”

Kim Hiên nghe qua lộ sắc vui mừng nói: “Tốt lắm! Rất đúng!” Từ cư sĩ liền đi thỉnh Tế Lâm pháp sư đến truyền thọ Tam quy, đặt cho pháp danh là Kim Khiết. Trước đó Kim Hiên nằm nhằm mắt, chỉ còn hơi thở mong manh thoi thóp, nhưng đến lúc làm lễ quy y, tinh thần chợt tỉnh táo phấn chấn. Người nhà thử hỏi pháp danh, đều đáp rành rẽ.

Ba ngày sau, vào giờ Dậu, ông bỗng gọi vợ bảo: “Tôi sắp vãng sanh, cô nên phát tâm gắng chí niệm!” Người nhà nghe nói, đều vây quanh đồng thanh trợ niệm. Kim Hiên gượng ngồi dậy, chắp tay hướng về Tây, an lành mà thoát hóa, hưởng dươmg được bốn mươi mốt tuổi.

Ngày kế nhập liệm, sắc diện ông tươi tỉnh như sống. Cô vợ nhân đó, sanh lòng tin ăn chay niệm Phật, mỗi buổi sáng đều hướng dẫn con cái trì tụng để truy tiến cho chồng. Hàng nhơn sĩ địa phương nghe thấy việc nầy, một số đông người phát lòng tín hướng.

 

KHUYÊN TU TỊNH ĐỘ

của Tỉnh Am đại sư

 

I


Di Đà thệ lớn há nguyên không?
Mười niệm xưng danh chẳng uổng công
Chớ ngại cõi trần rồi vắng khách
Chỉ e lưới nghiệp vấn trăm vòng
Muôn sông về biển bờ đâu ngập?
Trăm nước chầu vua điện vẫn không
Dễ đến không người, thôi đáng tiếc!
Việc chi còn mến cảnh lao lung?

 

Giải Thích:

Liên tiếp tám bài thi trong đoạn nầy, đều là của Tỉnh Am đại sư. Để được dễ trực nhận, bút giả xin giải thích ngay từng bài:

Có kẻ hỏi: “Nếu khuyên mọi người vãng sanh hết, thì cõi nầy còn ai ở? Và nếu tất cả người đều về Cực Lạc, nơi đó đất đâu mà dung chứa?” Đại sư đáp: “Chớ vội lo cõi nầy không có người ở, chỉ e cho ngay trước mắt lưới nghiệp vây quấn khiến liền bị sa đọa! Lại như muôn sông đổ dồn về biển, biển đâu bị tràn ngập? Sứ giả trăm nước đến chầu vua, điện Hàm Dương vẫn rộng thông. Cảnh Tịnh độ tùy nguyện lực của Phật biến hiện cũng như thế. Chỉ tiếc cõi Cực Lạc dễ về mà người đời còn mến cảnh lao tù tam giới, không chịu cầu vãng sanh đó thôi!”

II


Người đồn Thiên Trúc chính Tây phương
Thiên Trúc, Chi Na 
(Trung Quốc) chỉ cách tường
Nghiệp ở cõi nhơ bàn tịnh uế
Thân nơi nhà lửa luận viêm lương
Ba ngàn thế giới trong luân chuyển
Muôn ức càn khôn thật cố hương!
Đến đến chớ sầu đường cách trở
Niệm tâm vừa tịnh thấy Không Vương.

 

Giải Thích:

Đương thời có nhiều kẻ lầm nhận cõi Tây phương tức Tây Thiên Trúc, cách xứ Chi Na là nước Trung Hoa mười muôn tám ngàn dặm. Lại có người luận mười muôn tám ngàn tức chỉ cho Thập bát giới gồm sáu căn sáu trần sáu thức, diệt mười tám giới sẽ thấy cảnh Tây phương của tự tâm. Đại sư đáp: “Thiên Trúc với Chi Na chỉ cách tường vách nghĩa là rất gần nhau, cũng đồng ở nơi nhà lửa ngũ trược của Ta Bà, đâu phải là Cực Lạc? Còn luận về Cực Lạc tự tâm tức Duy tâm tịnh độ, thì chỉ nên để cho bậc đã đắc vô sanh nhẫn. Đối với phàm phu đầy nghiệp chướng, thân còn ở trong nhà lửa mà vội không hóa sự nhơ sạch, nóng mát theo luận thuyết duy tâm, không chịu niệm Phật, tất sẽ bị xe luân hồi quay, lửa tam giới đốt mà thôi. Chúng sanh nơi tam thiên đại thiên thế giới còn ở trong vòng luân hồi. Chỉ cõi Cực Lạc ngoài mười muôn ức Phật độ kia mới thật là quê hương, vì khi được về đó tất không còn bị nổi trôi luân lạc nữa”.

 

III


Ai rằng:  mọi chỗ tức Tây trì
Cao, thấp, sạch, nhơ cổ ngại gì!
Nhà xí khi vào sao bịt mũi?
Vũng tầy quá bước vén xiêm y?
Ốm đau lắm, lại thương thân khổ
Nắng gió chiều, than trái tiết thì!
Chớ nói lời suông sai thật hạnh
Hồi tâm mau sớm niệm A Di.

 

Giải Thích:

Có kẻ vịn câu nói của cổ đức: “Cao sơn bình địa tổng Tây phương”, rồi bảo: “Chỉ cần tâm ta thanh tịnh, thì mọi nơi như núi cao đất bằng, các chỗ nhơ sạch đều là Tây phương Tịnh độ, là ao báu hoa sen cả, không có chi chướng ngại, cần gì phài cầu vãng sanh?” Phải biết câu nói trên là cảnh giới của bậc đã chứng ngộ, phàm phu bắt trước theo chỉ thành ra lời suông vô ích. Chính những kẻ nói như thế, khi vào nhà xí còn bịt mũi, bước qua chỗ lầy lội phải vén áo xiêm, ốm đau vẫn thấy khổ, nắng gió mưa nhiều cũng than trách, có điều chi là vô ngại đâu?

 

IV


Thường chê niệm Phật việc người ngu
Công việc người ngu, Phật cũng tu!
Long Thọ biện tài đâu ngốc Hán?
Văn Thù trí huệ há phàm phu?
Từ chương nhã luận còn Cư Dị?
Công cứ theo mình hỏi Đại Tô?
Nhắn kẻ thông minh nên nghĩ lại
Diêm La xét tội chẳng hồ đồ.

 

Giải Thích:

Những vị thông minh có học thức thấy kẻ quê mùa cũng niệm Phật được, thường chê rẽ cho đó là lối tu của hạng ngu dốt. Nên xét nghĩ, như Thiên Thai Trí Giả tương truyền là hóa thân của đức Thích Ca, Vĩnh Minh đại sư là hóa thân của đức Di Đà, hai vị đó đều là Cổ Phật, mà còn tu Tịnh độ để làm mô phạm hướng dẫn chúng sanh. Và các ngài như Văn Thù, Long Thọ, hai vị Bồ Tát ấy đâu phải là phàm phu, kẻ ngốc, mà vẫn khen ngợi cùng hành trì theo môn nầy. Lại còn như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, hai bậc văn hào từ chương tao nhã, kẻ chuyên niệm Phật, người thì đem Tây phương công cứ luôn theo bên mình, là hạng người gì, ngu dốt hay trí thức? Vậy nên suy nghĩ, đừng vội phỉ báng mà mang tội.

 

V


Nếu nói sanh Tây còn thuộc vọng
Trụ nơi cõi trược há thành chân?
Đông Tây chẳng chấp càng phi lý
Tịnh uế đều quên cũng pháp trần
Sanh vốn không sanh, sanh bốn cõi
Thấy như lìa thấy, thấy ba thân
Biết chăng chân vọng nguyên đồng thể?
Mê ngộ đểu do tại bản nhơn.

 

Giải Thích:

Có kẻ lại bảo: “Bản tính vốn vô sanh, cầu sanh Tây phương là còn thuộc vọng!” Đáp: “Nói thế thì trụ mãi ở cõi nầy, lại thành ra chân thật hay sao? Nếu nói: tôi không cầu sanh về Tây, không chấp trụ ở Đông, tùy ý thọ sanh, lại càng phi lý. Vì chỉ có bậc Pháp thân đại sĩ mới tùy ý thọ sanh được. Còn hàng phàm phu, nếu không cầu sanh Tây phương để mau tiến tu giải thoát, tất phải theo nghiệp chịu luân hồi ở cõi nầy, rồi từ đó dễ tạo nghiệp bị sa đọa. Nếu lại bảo: tôi không chấp tịnh uế, nên không cầu cõi sạch chán cõi nhơ! Khởi một niệm như thế cũng thuộc về pháp chấp rồi, làm sao nói là không chấp được? Cho đến bậc thức đạt, dù sanh về Tây phương, từ cõi Đồng cư tiến lên Thường tịch, mà vẫn thấy không sanh. Dù chứng ngộ ba thân, vẫn lìa sự thấy biết về chứng ngộ. Thế thì có gì trái với lý vô sanh vô chứng đâu?”

 

VI


Chớ chấp Đàn Kinh bài bác Tịnh
Tổ cơ, lời Phật thảy viên dung
Mượn lời chỉ lý tuyên thiền đạo
Được ý quên lời hiểu diệu tông
Thập thiện đều tu đâu phải tội?
Chư hiền đồng niệm há thành không?
Đông tây một thể vô lai khứ
Pháp giới linh minh cõi đại đồng!

 

Giải Thích:

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ có nói: “Người ở Đông phương tạo tội cầu sanh Tây phương, người Tây phương tạo tội cầu sanh về cõi nào?” Lời nầy chỉ là cơ phong của Tổ, mượn đó để đưa hành nhơn ngộ thẳng vào chân tánh, chớ chẳng phải bác rằng không có Tịnh độ, cùng bảo đừng nên cầu sanh. Kẻ thức đại học đạo cần phải được ý quên lời, chớ nệ chấp lời mà hại ý. Đối với Phật, chư Tổ là hàng hậu lai. Phật còn khuyên niệm Di Đà cầu sanh, lẽ đâu Tổ lại bác? Lại nên biết, hành giả sanh về Tây phương đều tu thượng phẩm Thập thiện, thì người Tây phương đâu có tạo tội? Và chư hiền thánh xưa nay rất nhiều vị niệm Phật, hành động đó đâu phải nông nổi lầm lạc, hay luống uổng không hư?

 

VII


Niệm Phật quả như nên súc miệng?
Tụng kinh môi ngậm cũng ưng cần!
Thuốc dùng trị bịnh, sao gây bịnh?
Lửa để điều thân, lửa đốt thân!
Phàm niệm vẫn đầy, chê thánh niệm
Phật tình chưa khỏi nói trừ nhân!
Lời xa hiện thật, khuyên ngưng lại
Lo gấp đời nầy thoát khổ luân!

 

Giải Thích:

Khi xưa, ngài Triệu Châu có nói: “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe. Nếu niệm Phật một câu, phải súc miệng ba ngày!” Nhiều kẻ vịn vào hai lời trên đây bảo: “Thiền sư Triệu Châu vốn bậc danh đức, Ngài đã nói như thế, tất niệm Phật là điều thấp kém lỗi lầm, không cần thiết!”

Tỉnh Am đại sư gạn hỏi lại: “Nếu niệm Phật là lỗi lầm cần nên súc miệng, thì xưa nay các bậc cao đức cho đến Tăng Ni ở khắp tòng lâm, lúc tụng kinh trong những thời khóa tụng, tất cũng ưng cần ngậm miệng đừng hé môi mới phải! Và như thế, lý ấy có đúng không? Phải biết Triệu Châu đại sư là bậc chứng ngộ, muốn hướng dẫn hạng thượng thượng căn phá mối chấp kiến về Phật, nên mới nói những lời ấy, chớ đâu phải ý ngài cốt bác phá sự niệm Phật! Đại khái, tất cả những cơ ngữ bên thiền, lời ở nơi nầy mà ý điểm khác. Cẳng hạn như Tổ Quy Sơn nói: “Sau khi lão tăng viên tịch, sẽ chuyển kiếp làm con trâu ở dưới chân núi!” Lời nầy đâu phải ý chỉ định chuyển kiếp làm trâu? Nếu nhận là thật, rồi cứ theo lời nói mà giải thích, thì đã sai lầm còn gây thêm tội lỗi. Ví như lửa có công dụng sưởi ấm điều hòa thân thể trong tiết lạnh, cho đến nấu chín thức ăn, nếu biết dùng thì rất lợi ích. Bằng trái lại, tất sẽ bị thiêu thân cháy nhà. Lửa trí huệ Bát Nhã cũng thế, hay trị bịnh kiến chấp. Nhưng nếu chẳng biết dùng, lại trở nên gây bịnh, lạc vào lối chấp thiên không bác phá nhân quả, rồi sẽ bị sa đọa. Phần đông người học Phật thời mạt pháp đều là hạng trung, hạ căn, phàm tình phiền não đầy dẫy. Nếu khinh chê phá không dùng đến thánh niệm xưng Phật danh để tiêu trừ nghiệp chướng, thì làm sao giải thoát? Trong tâm phiền loạn ấy, chính ngay Phật tình như câu hồng danh, mà còn chưa khởi sanh niệm lên được, nói chi đến việc cao siêu, dứt trừ Phật kiến? Luận cho cùng, với bậc thượng căn, khi niệm Phật không thấy mình là người hay niệm, Phật là vị được niệm, chúng sanh kiến cùng Phật kiến đều rỗng không. Niệm Phật như thế cũng đâu có chi trái với ý ngài Triệu Châu, mà bảo không cần niệm? Nhược bằng căn hạnh chưa được như vậy, tốt hơn là mặc dù còn chấp thấy Phật, cũng nên mau niệm Phật để thoát khỏi luân hồi, đừng nói những lời xa vời vô ích trái với hiện thật.

 

VIII

 

Niệm Phật viên thông nhiếp sáu căn
Nhĩ căn ai bảo chiếm ưu phần?
Âm văn nếu chính viên thường thể
Danh tự đâu là khởi diệt nhân!
Dùng niệm niệm danh, danh vẫn thiết
Đem nghe nghe Phật, Phật càng gần!
Xét ra hai thánh đều huynh đệ
Đồng giúp Di Đà tiếp vãng sanh.

 

Giải Thích:

Trong kinh Lăng Nghiêm, về phần Tuyển trạch viên thông, đức Văn Thù có bình luận môn tu Niệm Phật của ngài Đại Thế Chí bằng mấy câu:

“Các hành là vô thường. Niệm tánh vốn sanh diệt. Nhân quả nay sai khác. Làm sao được viên thông?”

Và kết cuộc Văn Thù Bồ Tát đã chọn lấy lối tu phản văn thuộc về Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm với hai câu:

“Phương nầy chân giáo thể, Thanh tịnh bởi âm văn”.

Có kẻ khi đọc tới đoạn trên đây, chấp rằng: “Đức Văn Thù đã bình luận lựa chọn như thế, thì ngồi tịnh lắng nghe vào trong là môn tu cao siêu hơn cả, chẳng nên niệm Phật làm chi cả!”

Đại sư giải thích: “Thật ra chân không vẫn ở trong huyễn hữu. Luận về phần tương đối phiến diện, thì các hành đều vô thường sanh diệt. Nhưng bàn sâu đến chỗ viên dung toàn diện, chính các hành là thể chân thường tịch diệt. Cho nên tất cả môn tu của hai mươi lăm vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, đều đủ ba nghĩa: viên, thông, thường. Để chứng minh, như đức Văn Thù đã nói phần âm văn tức nghe tiếng, là để viên thường. Thế thì âm thanh danh hiệu A Di Đà, đâu phải là nhân sanh diệt? Và chính ngài cũng lại nói: “Thánh tánh vô bất thông. Thuận nghịch gia phương tiện”. Thánh tánh thảy đều thông, tất biết pháp nào cũng là viên thường. Như vậy đủ rõ tánh cách niệm danh hiệu đâu phải sanh diệt, chẳng qua tùy cơ nghi thuận nghịch mà nói thế thôi. Cho nên phải nhận thức chỗ bình luận của đức Văn Thù, thuận hay nghịch, hơn hoặc kém, cũng đều là phương tiện tùy cơ mà quyền nói. Bởi duyên kinh Lăng Nghiêm phần lớn khai thị về lối tu thiền theo không môn, đức Văn Thù phải tùy ứng theo đường cơ mà lựa chọn như thế, chớ chẳng phải tu pháp Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm là cao siêu hơn hết đâu!

Lại còn nhiều bằng chứng như trong nhều kinh đại thừa khác, Văn Thù Bồ Tát đã rất khen ngợi môn NỊệm Phật, cho Niệm Phật tam muội là pháp công đức cao dễ tu dễ tiến nhứt. Môn Niệm Phật nhiếp cả sáu căn, ý căn là chủ, năm căn kia thuộc phần phụ. Lối tu Nhĩ căn chỉ từ một cửa mà vào, niệm Phật thì cả sáu căn đều thâu nhập. Cho nên Nhĩ căn không nhiếp niệm Phật. Niệm Phật gồm nhiếp Nhĩ căn và thích hợp với cả ba cơ thượng, trung, hạ. Tóm lại, hai lối tu của đức Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí thật ra đều đồng đẳng, không phân cao thấp. Và hai ngài cùng là pháp hữu, cùng phụ đức A Di Đà tiếp dẫn loài hữu tình mười phương sanh về Cực Lạc, cùng thân thiết chẳng cách xa nhau vậy”.

Như trên, vì lòng từ bi Tỉnh Am đại sư đã dùng thi văn phá lối nhận thức sai lầm của một số đông người học Phật, để đưa họ vào con đường thẳng ích. Chủ tâm của Ngài chẳng phải có ý muốn đề cao Tịnh độ hơn các môn khác, bởi lẽ Ngài cũng là một đại thiền sư. Tập thi văn còn nhiều, bút giả chỉ chọn dịch và giải thích mấy bài trọng yếu.


Comments

Popular posts from this blog