39. Đảnh-Thượng-Hóa-Phật Thủ Nhãn ấn pháp

  

Bồ-Ðà Dạ [47]

  Án-- phạ nhựt-rị ni,

                                            phạ nhựt-lảm nghệ, tát-phạ hạ

 UM! BÚT RUM!  HÙM! 



KINH VĂN:

 

“BỈ ĐẲNG CHƯ PHẬT, VI CHƯ HÀNH NHÂN TU HÀNH LỤC ĐỘ VỊ MÃN TÚC GIẢ, TỐC LINH MÃN TÚC CỐ; VỊ PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM GIẢ, TỐC LINH PHÁT TÂM CỐ; NHƯỢC THANH VĂN NHÂN VỊ CHỨNG QUẢ GIẢ, TỐC LINH CHỨNG CỐ; NHƯỢC TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI NỘI, CHƯ THẦN TIÊN NHÂN VỊ PHÁT VÔ THƯỢNG BỒ-ĐỀ TÂM GIẢ, TỐC LINH PHÁT TÂM CỐ; NHƯỢC CHƯ CHÚNG SANH VỊ ĐẮC ĐẠI THỪA TÍN CĂN GIẢ, DĨ THỬ ĐÀ-LA-NI UY THẦN LỰC CỐ, LINH KỲ ĐẠI THỪA CHỦNG TỬ PHÁP NHA TĂNG TRƯỞNG. DĨ NGÃ PHƯƠNG TIỆN TỪ BI LỰC CỐ, LINH KỲ SỞ TU, GIAI ĐẮC THÀNH BIỆN.”

 

“Các đức Phật đó vì những hành giả tu hành Lục Độ chưa được đầy đủ mà khiến cho mau đầy đủ, vì những người chưa phát tâm Bồ Đề mà khiến cho mau phát tâm. Như hàng Thanh Văn chưa chứng quả thì khiến cho mau chứng quả; như các vị thần, tiên nhân trong Tam thiên đại thiên thế giới chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì khiến cho mau phát tâm.  

Nếu các chúng sanh nào chưa được tín căn Đại Thừa, thì do sức oai thần của Đà La Ni này, sẽ khiến cho mầm Pháp của hạt giống Đại Thừa tăng trưởng; lại do sức từ bi phương tiện của Ta, mà khiến cho sự mong cầu của họ đều được thành tựu.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

[Quán Thế Âm Bồ-tát lại bảo Đại Phạm Thiên Vương:] “Các đức Phật đó vì những hành giả tu hành Lục Độ chưa được đầy đủ mà khiến cho mau đầy đủ.” Tất cả chư Phật đó có thể khiến cho những người tu tập hạnh Lục Độ mà còn chưa viên mãn, thảy đều được đến chỗ viên mãn.  

Lục Độ tức là sáu Độ—bố thí độ san tham, trì Giới độ hủy phạm, nhẫn nhục độ sân nhuế, tinh tấn độ giãi đãi, thiền định độ tán loạn, Bát Nhã độ ngu si.

 

1)  Bố thí độ san tham. Người nào nếu có lòng tham lam, bỏn sẻn, thì nên tập tu hạnh bố thí. Thế thì, những kẻ không có lòng tham lam, bỏn sẻn có cần phải thực hành hạnh bố thí chăng? Tất nhiên là họ càng cần phải làm bố thí hơn nữa! Cho nên nói rằng, nếu có thể làm hạnh bố thí, thì không còn tham lam, bỏn sẻn nữa. Đó chính là “bố thí độ san tham” vậy.

 

2)  Trì Giới độ hủy phạm. “Trì giới” tức là có thể giữ gìn quy củ, phép tắc. Người không tuân thủ quy củ tức là người không trì giới; người không trì giới tức là người không tín ngưỡng Phật Pháp. Sau khi Phật diệt độ, thì giới luật chính là thầy của các tín đồ Phật giáo.

 

3)   Nhẫn nhục độ sân nhuế. Nếu quý vị là người có tánh hay nóng giận thì quý vị nên tu hạnh nhẫn nhục. Quý vị không nên vì những chuyện nhỏ nhặt, cỏn con mà nổi giận; cũng đừng nên có lòng ích kỷ, nhỏ nhen. Không có tâm ích kỷ thì sẽ không dễ sanh lòng nóng giận, bực tức; mà không nóng giận thì đó chính là nhẫn nhục vậy!

 

4) Tinh tấn độ giãi đãi. Quý vị có thói lười biếng ư? Thì quý vị hãy tu tập hạnh tinh tấn, siêng năng ngay đi!

 

5) Thiền định độ tán loạn. Nếu quý vị cứ thích khởi vọng tưởng, luôn sanh tâm phan duyên, thì quý vị cần phải tu tập công phu thiền định. Có công phu thiền định rồi thì cái tâm tán loạn của quý vị cũng được “độ” mất, không còn nữa.

 

6) Bát Nhã độ ngu si. Sở dĩ chúng ta còn ngu si là vì chúng ta chưa có trí huệ; nếu chúng ta tu dưỡng trí huệ thì sẽ không còn ngu si nữa vậy.  

Khi bậc Bồ-tát tu hành Lục Độ mà chưa được viên mãn, rốt ráo, thì hãy phát tâm tu Đại Bi Pháp, bấy giờ hạnh tu Lục Độ của các ngài sẽ được viên mãn rất mau chóng.  

“Vì những người chưa phát tâm Bồ-đề mà khiến cho mau phát tâm.” Đối với những ai chưa phát tâm Bồ-đề Vô-thượng, nếu họ niệm Chú Đại Bi, thì họ sẽ được mau chóng phát Bồ-đề tâm.     

 “Như hàng Thanh Văn chưa chứng quả thì khiến cho mau chứng quả.” Nếu những người hàng Thanh Văn Nhị Thừa chưa chứng đến Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, hoặc Tứ quả A La Hán, mà niệm Chú Đại Bi thì họ sẽ được chứng đắc quả vị rất mau chóng.  

“Như các vị thần, tiên nhân trong Tam thiên đại thiên thế giới chưa phát tâm Vô-thượng Bồ-đề thì khiến cho mau phát tâm. Trong cõi Tam thiên đại thiên, hết thảy các vị thần, tiên nhân nào chưa phát tâm Bồ-đề song lại có thể niệm Chú Đại Bi, thì họ đều sẽ được mau chóng phát tâm Bồ-đề Vô-thượng.  

“Nếu các chúng sanh nào chưa được tín căn Đại Thừa. Nếu hết thảy các chúng sanh chưa có được tín căn của Pháp Đại thừa, chưa tin tưởng Pháp Đại Thừa, song lại có thể niệm thần chú Đại Bi Đà La Ni Tổng Trì, thì do sức oai thần của Đà La Ni này, sẽ khiến cho mầm Pháp của hạt giống Đại Thừa tăng trưởng--thiện căn Đại Thừa, mầm pháp Bồ-đề của chủng tử Đại Thừa được lớn mạnh.  

“Lại do sức từ bi phương tiện của Ta, mà khiến cho sự mong cầu của họ đều được thành tựu.” Quán Thế Âm Bồ tát dạy rằng: “Ta dùng sức từ bi phương tiện của chính mình mà làm cho tất cả chúng sanh được toại nguyện, họ cần thứ gì thì đều được thứ ấy.” Sở cầu mãn nguyện, toại tâm như ý—đó gọi là “thành biện”. Chỉ cần quý vị niệm Chú Đại Bi là mọi sở cầu, sở nguyện đều được thành tựu; bất cứ việc gì cũng đều thực hiện được cả.


 

KINH VĂN:  

 

“HỰU TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, U ẨN ÁM XỨ, TAM ĐỒ CHÚNG SANH, VĂN NGÃ THỬ CHÚ, GIAI ĐẮC LY KHỔ. HỮU CHƯ BỒ-TÁT VỊ GIAI SƠ TRỤ GIẢ, TỐC LINH ĐẮC CỐ; NÃI CHÍ LINH ĐẮC THẬP TRỤ ĐỊA CỐ; HỰU LINH ĐẮC ĐÁO PHẬT ĐỊA CỐ, TỰ NHIÊN THÀNH TỰU TAM THẬP NHỊ TƯỚNG, BÁT THẬP TÙY HÌNH HẢO.

NHƯỢC THANH VĂN NHÂN VĂN THỬ ĐÀ-LA-NI, NHẤT KINH NHĨ GIẢ, TU HÀNH THƯ TẢ THỬ ĐÀ-LA-NI GIẢ, DĨ CHẤT TRỰC TÂM NHƯ PHÁP NHI TRỤ GIẢ; TỨ SA-MÔN QUẢ, BẤT CẦU TỰ ĐẮC.

NHƯỢC TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI NỘI, SƠN HÀ THẠCH BÍCH, TỨ ĐẠI HẢI THỦY, NĂNG LINH DŨNG PHẤT; TU-DI SƠN CẬP THIẾT-VI SƠN, NĂNG LINH DAO ĐỘNG, HỰU LINH TOÁI NHƯ VI TRẦN; KỲ TRUNG CHÚNG SANH, TẤT LINH PHÁT VÔ THƯỢNG BỒ-ĐỀ TÂM.”

 

“Lại nữa, các chúng sanh trong Tam Đồ, chốn u ẩn hắc ám của Tam Thiên Đại Thiên thế giới, mà nghe được Chú này của Ta thì thảy đều được xa lìa khổ sở; có chư Bồ tát chưa ở ngôi vị Sơ Trụ thì khiến cho mau đắc được, thậm chí khiến cho đắc được Thập Trụ Địa, lại khiến cho đắc tới Phật Địa, tự nhiên thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tùy hình.

Nếu người Thanh Văn nghe Đà La Ni này thoảng qua tai một lần, rồi tu hành, biên chép Đà La Ni này, đem tâm chất trực mà như pháp an trụ, thì quả vị Tứ Sa-môn sẽ không cầu mà tự nhiên chứng đắc.

Trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới, tất cả núi, sông, vách đá, nước trong bốn biển lớn có thể bị làm cho sôi sục trào dâng, núi Tu Di cùng núi Thiết Vi có thể bị làm cho dao động, lại còn bị làm cho vỡ nát thành mảy bụi, các chúng sanh ở trong đó đều khiến cho phát tâm Vô thượng Bồ đề.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Quán Thế Âm Bồ-tát nói tiếp: “Lại nữa, các chúng sanh trong Tam Đồ, chốn u ẩn hắc ám của Tam Thiên Đại Thiên thế giới...”

Trước đây, trong các buổi giảng kinh, chúng ta đã nhiều lần giảng về “tam thiên đại thiên thế giới,” song e rằng vẫn có người không còn nhớ, cho nên tôi sẽ giảng lại lần nữa.

Một nhật nguyệt (tức là một mặt trời và một mặt trăng), một núi Tu Di, một Tứ thiên hạ hợp lại thì gọi là một thế giới. Một ngàn nhật nguyệt, một ngàn núi Tu Di, một ngàn Tứ thiên hạ hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới hợp lại thì thành một Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới hợp lại thì thành một Đại thiên thế giới. Nhân vì chữ “thiên” (ngàn) được lặp lại đến ba lần (tức là ba lần ngàn thế giới kết hợp lại), cho nên gọi là “tam thiên đại thiên thế giới” (ba ngàn đại thiên thế giới).

Tuy rằng trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới này có rất nhiều mặt trời và mặt trăng, cùng rất nhiều núi Tu Di như thế, nhưng vẫn có rất nhiều nơi còn u ám tối tăm. “U” có nghĩa là đen tối; “ẩn” nghĩa là bị che đậy khiến người ta nhìn không thấy. Chốn “hắc ám” tức là nơi không có ánh sáng rọi vào—nơi mà người ta không trông thấy, cũng không nghe thấy được gì cả.

Thế thì, nơi tối tăm hắc ám đó là nơi nào? Đó chính là Tam Đồ! “Tam Đồ” là ba nẻo đường--địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; lại cũng có thể nói rằng “Tam Đồ” là huyết đồ, đao đồ và hỏa đồ. Nói chung, đó là ba nơi không được tốt đẹp. Tuy rằng không phải là nơi tốt để ở, nhưng vẫn có loại chúng sanh do vì nghiệp báo của chính mình hiển hiện, nhất định phải trú ngụ ở những nơi đó. Song le, nếu các chúng sanh bị đọa lạc trong chốn tối tăm u ám, vĩnh viễn không thấy được ánh sáng mặt trời này “mà nghe được Chú này của Ta thì thảy đều được xa lìa khổ sở, được sự an vui.”

Vậy, đó là Chú gì? Đó là Chú Đại Bi - Đại Bi Tâm Đà La Ni. Vì sao các chúng sanh đó được xa lìa khổ ải, đạt được an vui? Đó là nhờ được nghe Chú Đại Bi nên tất cả bọn họ đều được thoát khổ! Đây là các chúng sanh trong ba đường ác nhờ nghe Chú Đại Bi mà đạt được sự lợi ích như thế.

Lại nữa, nếu như “có chư Bồ tát chưa ở ngôi vị Sơ Trụ thì khiến cho mau đắc được, thậm chí khiến cho đắc được Thập Trụ Địa.” Đây có lẽ là nói về các bậc Bồ tát sơ phát tâm, chưa chứng đắc quả vị Sơ Trụ. Quý vị có biết “Sơ Trụ” là gì không? Không có người nào biết sao? Hiện giờ, chữ đó nằm ở dòng đầu tiên trên bảng, được viết thật rõ ràng rành mạch; và Quả Tu đã giảng cho quý vị nghe rồi, quý vị quên cả rồi hay sao?

Phát Tâm Trụ chính là Sơ Trụ. Vậy, nếu có vị Bồ tát nào chưa đắc quả vị Phát Tâm Trụ mà trì niệm Chú Đại Bi thì vị ấy liền được phát tâm, đắc được Phát Tâm Trụ rất nhanh chóng; thậm chí cả Thập Trụ và Thập Địa cũng đều có thể đắc được.

Trong Thập Trụ thì trụ vị thứ mười là gì? Đó là Quán Đảnh Trụ. Trong Thập Địa, khởi đầu là Hoan Hỷ Địa, thứ đến là Phát Quang Địa, cho đến địa vị thứ mười là Pháp Vân Địa.

“Thập Trụ Địa” là gì? Thập Trụ là gồm từ Phát Tâm Trụ cho đến trụ vị thứ mười là Quán Đảnh Trụ. Chữ “Địa” này là nói về Thập Địa—từ Hoan Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa.

“Lại khiến cho đắc tới Phật Địa. Các vị Bồ tát đó còn có thể chứng được quả vị Phật Địa--Phật Địa chính là Diệu Giác--tự nhiên thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tùy hình.” Và, các ngài cũng sẽ tự nhiên thành tựu được ba mươi hai tướng tốt đẹp của bậc đại nhân, cùng tám mươi vẻ đẹp tùy hình.

“Nếu người Thanh Văn nghe Đà La Ni này thoảng qua tai một lần, rồi tu hành, biên chép Đà La Ni này, đem tâm chất trực mà như pháp an trụ ....” Giả sử có những người Nhị Thừa Thanh Văn nghe được Kinh Đại Bi Đà La Ni, dù chỉ một lần thoáng qua tai, và sau đó áp dụng tu hành, hoặc dùng bút mực để biên chép Chú Đà La Ni này. “Tâm chất trực” tức là lòng ngay thẳng chơn chất, không quanh co, cong vạy. “Trực tâm là đạo tràng”—quý vị dùng tâm chất trực mà tu hành thì sẽ đạt được quả vị mà mình hằng mong muốn.

“Trụ” cũng chính là tu hành. “Như pháp nhi trụ” tức là y theo Đại Bi Pháp mà an trụ, nương theo pháp này mà tu hành.

“Thì quả vị Tứ Sa-môn sẽ không cầu mà tự nhiên chứng đắc.” Bốn quả vị Sa môn là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả; trong đó, quả vị Tứ Sa môn chính là quả vị A La Hán. Cho dù chính bản thân những người Thanh văn đó không hề mong cầu, thì họ cũng vẫn đắc được quả vị Tứ Sa môn.

“Trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới, tất cả núi, sông, vách đá, nước trong bốn biển lớn có thể bị làm cho sôi sục trào dâng... Quý vị niệm Chú Đại Bi thì có thể khiến cho nước biển trong tứ đại hải nóng sôi lên sùng sục, núi Tu Di cùng núi Thiết Vi có thể bị làm cho dao động, lại còn bị làm cho vỡ nát thành mảy bụi, các chúng sanh ở trong đó đều khiến cho phát tâm Vô thượng Bồ đề.”

Núi Tu Di tức là núi Diệu Cao; còn núi Thiết Vi chính là dãy núi sắt bao quanh bốn phía của địa ngục.

Quý vị niệm Chú Đại Bi thì có thể khiến cho nước biển trong tứ đại hải nóng lên và sôi sùng sục, và cả núi Thiết Vi lẫn núi Tu Di cũng đều bị rúng động. Ngoài ra, đá và sắt ở trên núi Tu Di cùng núi Thiết Vi cũng có thể bị vỡ vụn thành mảy bụi; đồng thời tất cả chúng sanh ở trong núi Tu Di và núi Thiết Vi đều được khiến cho phát đại Đạo tâm Vô thượng Bồ đề.



Chú thích:  


- Thập Trụ là mười trụ vị, mười địa vị an trụ của Bồ tát Đaị Thừa : Phát tâm trụ, Trì địa trụ, Tu hành trụ, Sanh quý trụ, Phương tiện cụ túc trụ, Chánh tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ và Quán đảnh trụ.

 

- Thập Địa là mười địa vị của Bồ tát Đại Thừa: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diễm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.



KINH VĂN:

 

NHƯỢC CHƯ CHÚNG SANH HIỆN THẾ CẦU NGUYỆN GIẢ, Ư TAM THẤT NHẬT, TỊNH TRÌ TRAI GIỚI, TỤNG THỬ ĐÀ-LA-NI, TẤT QUẢ SỞ NGUYỆN; TÙNG SANH TỬ TẾ CHÍ SANH TỬ TẾ, NHẤT THIẾT ÁC NGHIỆP TỊNH GIAI DIỆT TẬN; TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI NỘI, NHẤT THIẾT CHƯ PHẬT BỒ-TÁT, PHẠM THÍCH TỨ THIÊN VƯƠNG, THẦN TIÊN LONG VƯƠNG, TẤT GIAI CHỨNG TRI.  

 

Nếu các chúng sanh trong đời hiện tại có cầu nguyện điều gì, thì trong hai mươi mốt ngày nên tịnh trì trai giới, tụng Đà La Ni này, tất sẽ đạt được sở nguyện; từ ranh giới của sanh tử tới ranh giới của sanh tử, tất cả nghiệp ác đều được tiêu trừ. Trong Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chư Phật, Bồ-tát, Phạm, Thích, Tứ Thiên Vương, thần, tiên, long vương, thảy đều chứng tri.  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

(Quán Thế Âm Bồ-tát nói tiếp:) “Nếu các chúng sanh trong đời hiện tại có cầu nguyện điều gì…” Giả sử có những chúng sanh ở ngay trong đời này có kỳ vọng hay mong cầu việc gì và muốn cho nguyện vọng của họ được viên mãn, “thì trong hai mươi mốt ngày nên tịnh trì trai giới, tụng Đà La Ni này, tất sẽ đạt được sở nguyện.” “Tịnh” là thanh tịnh; “trì” tức là thọ trì Chú Đại Bi; “trai” là chay tịnh, không ăn các thứ có vị tanh nồng; và “giới” tức là phải nghiêm trì giới luật. Nếu các chúng sanh đó có thể giữ gìn trai giới thanh tịnh, đồng thời tụng niệm Đại Bi Đà-la-ni này trong suốt ba tuần lễ, thì chắc chắn họ sẽ được toại nguyện.

“Từ ranh giới của sanh tử tới ranh giới của sanh tử, tất cả nghiệp ác đều được tiêu trừ.” Chẳng những thế, mọi ác nghiệp mà họ đã trót tạo tác từ nhiều đời trong quá khứ, từ nơi sanh tử này đến nơi sanh tử kia, thảy đều tiêu tan, không còn nữa.

“Trong Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chư Phật, Bồ-tát, Phạm, Thích, Tứ Thiên Vương, thần, tiên, long vương, thảy đều chứng tri.” Tất cả đức Phật, tất cả Bồ-tát, tất cả Đại Phạm Thiên Vương, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương, cùng với hết thảy thần, tiên, và long vương trong Tam thiên đại thiên thế giới đều có thể làm chứng cho các chúng sanh đó, nói rằng họ đã dứt sạch được mọi nghiệp tội của chính họ.



KINH VĂN:

 

NHƯỢC CHƯ THIÊN NHÂN TỤNG TRÌ THỬ ĐÀ-LA-NI GIẢ, KỲ NHÂN NHƯỢC TẠI GIANG HÀ ĐẠI HẢI TRUNG MỘC DỤC, KỲ TRUNG CHÚNG SANH ĐẮC THỬ NHÂN MỘC THÂN CHI THỦY, TRIÊM TRƯỚC KỲ THÂN, NHẤT THIẾT ÁC NGHIỆP TRỌNG TỘI TẤT GIAI TIÊU DIỆT, TỨC ĐẮC CHUYỂN SANH THA PHƯƠNG TỊNH ĐỘ, LIÊN HOA HÓA SANH, BẤT THỌ THAI THÂN, THẤP NOÃN CHI THÂN, HÀ HUỐNG THỌ TRÌ ĐỘC TỤNG GIẢ?

NHƯỢC TỤNG TRÌ GIẢ HÀNH Ư ĐẠO LỘ, ĐẠI PHONG THỜI LAI, XUY THỬ NHÂN THÂN MAO PHÁT Y PHỤC, DƯ PHONG HẠ QUÁ; CHƯ LOẠI CHÚNG SANH ĐẮC KỲ NHÂN PHIÊU THÂN PHONG XUY TRƯỚC Y GIẢ, NHẤT THIẾT TRỌNG CHƯỚNG ÁC NGHIỆP TỊNH GIAI DIỆT TẬN, CÁNH BẤT THỌ TAM ÁC ĐẠO BÁO, THƯỜNG SANH PHẬT TIỀN. ĐƯƠNG TRI THỌ TRÌ GIẢ, PHÚC ĐỨC QUẢ BÁO BẤT KHẢ TƯ NGHỊ.

 

Nếu chư thiên nhân tụng trì Đà La Ni này đến tắm trong sông, hồ, biển cả, và nếu các chúng sanh ở đó được nước tắm thân của chư vị này nhuần thấm thân thể, thì tất cả ác nghiệp trọng tội của họ đều được tiêu trừ, và họ liền được chuyển sanh về cõi Tịnh Độ ở phương khác, hóa sanh từ hoa sen, không còn thọ thân thai bào hoặc thân thấp, noãn; huống là người thọ trì đọc tụng?

Nếu người trì tụng đang đi trên đường và có gió lớn thổi tới, tạt qua râu tóc, y phục của người này, thì nếu các loài chúng sanh được luồng gió đã lướt qua thân người đó thổi  chạm vào y phục, hết thảy trọng chướng ác nghiệp của họ đều được tiêu trừ, càng không phải thọ quả báo trong Tam ác đạo, mà luôn được sanh ra ở trước Phật. Nên biết quả báo phước đức của người thọ trì là bất khả tư nghì!  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

 “Nếu chư thiên nhân tụng trì Đà La Ni này đến tắm trong sông, hồ, biển cả …” Giả sử có các thiên nhân trì niệm Chú Đại Bi đến tắm trong sông, trong hồ, hoặc trong biển cả, “và nếu các chúng sanh ở đó được nước tắm thân của chư vị này nhuần thấm thân thể …” Nếu tất cả chúng sanh đang ở trong các sông, biển, ao hồ đó được thấm ướt bởi nước tắm của chư thiên nhân này, thì tất cả ác nghiệp, trọng tội của họ đều được tiêu trừ, và họ liền được chuyển sanh về cõi Tịnh Độ ở phương khác, hóa sanh từ hoa sen. Các chúng sanh đó đều sẽ được sanh về cõi Tịnh Độ khác và được sanh ra từ hoa sen. Họ không còn thọ thân thai bào hoặc thân thấp, noãn; huống là người thọ trì đọc tụng?” Họ còn không phải thọ sanh từ trong thai bào, không phải thọ sanh từ nơi ẩm ướt, cũng không phải thọ sanh từ trứng; thế thì, huống chi là bản thân người thọ trì đọc tụng!  

“Nếu người trì tụng đang đi trên đường và có gió lớn thổi tới, tạt qua râu tóc, y phục của người này…” Giả sử có vị hành giả biết niệm Chú Đại Bi và trong những lúc đi đường đều trì niệm Chú này. Bấy giờ, có một luồng gió lớn thổi tới và thổi tạt vào thân thể của người niệm Chú Đại Bi, chạm vào râu tóc hoặc áo quần của người đó.

"Thì nếu các loài chúng sanh được luồng gió đã lướt qua thân người đó thổi chạm vào y phục…” Nếu luồng gió thổi lướt qua thân thể của người trì tụng Chú Đại Bi, rồi lại thổi tới thân thể của các chúng sanh nào, thì “hết thảy trọng chướng ác nghiệp của họ đều được tiêu trừ. Tất cả mọi trọng chướng ác nghiệp do sát sanh hại mạng như giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu … của các chúng sanh đó đều đồng thời được dứt sạch. Họ càng không phải thọ quả báo trong Tam ác đạo, mà luôn được sanh ra ở trước Phật.” Hơn thế nữa, họ vĩnh viễn không còn bị khổ báo đọa lạc trong ba đường ác—địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; mà sẽ thường được sanh vào thời có Phật.

 “Nên biết quả báo phước đức của người thọ trì là bất khả tư nghì!” Thế thì, nhờ ngọn gió thổi qua thân người thọ trì Chú Đại Bi mà các chúng sanh khác đều đạt được sự lợi ích, tiêu trừ được mọi trọng tội ác nghiệp. Cho nên, quý vị cần phải biết rằng nếu ngay trong đời này quý vị thọ trì Chú Đại Bi thì phước đức đạt được cùng quả báo thọ được lại càng khó thể nghĩ bàn hơn nữa, có nói thế nào cũng không có cách gì biết rõ được!

Đề tài nói chuyện hôm nay là “Ở thời đại khoa học, vì sao có người Tây phương muốn xuất gia?”

Ngày nay, khoa học phát triển một cách phi thường, càng ngày càng tiến bộ, càng ngày càng có nhiều phát hiện mới lạ; thế nhưng, sự phát hiện này đến bao giờ mới là tột đỉnh, mới là rốt ráo? Sự “rốt ráo” này có thể nói là sẽ xảy ra ở vào bất cứ thời điểm nào, song cũng có thể nói là bất tận—không có ngày cùng tận, không thể nào hoàn tất được. Hiện tại, nền khoa học của chúng ta được gọi là tiến bộ, nhưng sau 500 năm thì sự tiến bộ của khoa học ngày hôm nay lại bị xem là lạc hậu! Nền khoa học của 500 năm sau sẽ là tân kỳ; song đến 500 năm sau nữa, thì cái được mệnh danh là “khoa học tân kỳ” của 500 năm về trước lại trở thành lạc hậu, còn khoa học của 500 năm sau lại là mới mẻ. Hiện giờ người ta cho rằng những gì của quá khứ là xưa cũ; song sau 500 năm nữa, trong tương lai, tất cả những thứ tân kỳ của hiện tại cũng đều sẽ bị xem là xa xưa, lỗi thời. Cho nên, khoa học và triết học không có ngày cùng tận; có thể nói là “càng chạy càng xa,” chẳng có kết thúc.

Đặc biệt là khoa học và triết học ngày nay tuy có phát triển, nhưng những lợi ích mà chúng mang lại cho con người thì ít hơn so với những điều bất lợi! Đó chính là tình trạng “cái hại nhiều hơn cái lợi” —đối với nhân loại thì sự giúp ích không nhiều hơn sự sát hại. Vì sao? Trước kia, khi khoa học chưa phát triển đến thế này thì người ta không bị chết nhiều như vậy; song le, hiện tại khoa học phát triển càng nhanh chóng thì trong tương lai, nhân loại sẽ bị chết càng nhiều hơn, thậm chí có thể đi đến chỗ tận diệt! Nếu loài người bị hủy diệt thì khoa học, triết học còn ích dụng gì cho nhân loại nữa chứ? Chắc chắn là không còn hữu dụng nữa!

Hiện tại tuy rằng khoa học và triết học phát triển như thế, nhưng đối với những tai họa trên thế giới, thì vẫn chưa thể tiêu diệt được. Thí dụ như việc nảy sanh nhiều căn bệnh quái lạ mà với sự phát triển của khoa học, con người vẫn chưa có cách nào chữa trị hoặc trừ khử được—đó là một điểm. Rồi lại còn chiến tranh nữa—khoa học phát triển đến cực điểm thì chiến tranh sẽ càng khốc liệt bởi các vũ khí giết người mỗi ngày một tinh vi, kỳ diệu hơn; sự tinh vi kỳ diệu đó chẳng phải sẽ đưa nhân loại vào chỗ chết sao? Nước này gây chiến với nước khác, nhà nọ tranh chấp với nhà kia, người này gây gổ với người nọ—tất cả đều hỗ tương tàn sát lẫn nhau; cứ như thế thì biết đến bao giờ mới chấm dứt được? Anh đề phòng tôi, tôi đề phòng anh; anh muốn hủy diệt tôi, tôi cũng muốn hủy diệt anh—tất cả đều hỗ tương hủy diệt lẫn nhau. Và rốt cuộc sẽ có một ngày tất cả đều “cùng về chỗ chết,” và lúc đó thì mọi người đều sẽ không còn việc gì để làm nữa!

Không phải chỉ có nạn chiến tranh là khó ngăn chận, khó dập tắt thôi đâu, mà còn có nào là nạn lũ lụt (không biết được là sẽ xảy ra lúc nào, ở nơi đâu), nạn hỏa hoạn (suốt ngày toàn nghe tiếng xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi, ồn ào hơn tất cả), nạn gió bão (hễ cuồng phong thổi tới thì gây chết chóc cho biết bao nhiêu người)… Chỉ mấy hôm trước đây, ở Đài Loan có nạn gió bão xảy ra gây thiệt hại cho cả mấy trăm người. Vào lúc khoa học tiến bộ đến dường này, vẫn chưa có cách nào khiến cho những tai ương như thế biến mất, không còn xảy ra. Trông thấy tình trạng này, nếu muốn tiêu diệt tai ương, chúng ta cần phải nghiên cứu đạo lý của nhân sinh, cần phải thấu hiểu các chân lý của nhân sinh, rồi sau đó mới có thể biết được căn nguyên, mầm mống của các tai ương. Thế thì, muốn tránh tai ương, điều thiết yếu là mọi người đều phải “sửa sai, hướng thiện”! Vì sao những tai ương này xảy ra? Đó đều là do cộng nghiệp của mọi người cảm vời ra; nghiệp tụ tập lại với nhau nên mới có loại tai họa này xảy ra. Rồi lại còn nạn động đất nữa—đây là một thứ tai họa rất đáng sợ, nó khiến mọi người đều nơm nớp lo âu. Rất nhiều người ở thành phố San Francisco lo sợ sẽ có nạn động đất xảy ra. Thế nhưng, chẳng có cách gì tiêu diệt được các tai ương này bởi vì đó là do nghiệp chướng của chúng sanh chiêu cảm mà ra!

Nói đến “nghiệp” thì chỉ có Phật giáo mới có thể giải thích một cách tường tận về nguồn gốc, đạo lý của tướng nghiệp mà thôi. Do đó, chúng ta cần phải phát tâm xuất gia, nghiên cứu Phật Pháp; phải hiểu rõ Phật Pháp thì mới có thể chẩn cứu toàn thể nhân loại, thật sự cứu vớt nhân loại ra khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng được. Chúng ta phát tâm xuất gia là để nghiên cứu đạo lý của Phật giáo, dùng tinh thần từ bi vĩ đại của Phật giáo mà dấn thân cứu độ tất cả chúng sanh, khiến cho mọi tai ương trên thế giới đều vô hình trung bị tiêu diệt. Cho nên, bây giờ chúng ta cần phải phát tâm buông bỏ các pháp của thế gian để nghiên cứu pháp xuất thế gian.

Trong lúc cả vũ trụ người ta đang hỗ tương cạnh tranh, đua nhau sáng chế các lợi khí giết người để sát phạt nhau một cách điên cuồng, thì kỳ lạ thay, có những người lại muốn xuất gia, muốn học tập pháp môn không giết người! Có thể nói rằng sự kiện này sẽ làm cho toàn thể nhân loại trên khắp vũ trụ đều phải vô cùng kinh ngạc! Tôi hy vọng trong lúc nhân loại còn đang trong cơn kinh ngạc, thì quý vị đều có thể tỉnh ngộ, mọi người đều biết hồi quang phản chiếu, học tập pháp môn không giết người này.

Thế giới này là do tâm con người tạo thành. Con người có tâm hiếu sát, thích chém giết, thì cả thế giới này sẽ biến thành một bãi chiến trường—một thế giới của chiến tranh. Con người có lòng hiếu sanh, độ lượng, thì thế giới này sẽ biến thành một thế giới hòa bình, hạnh phúc. Thế nên, hiện nay có được những người Tây phương có thể giác ngộ trước, phát tâm học tập về tôn giáo, về pháp môn không hiếu sát, đối với hiện tại mà nói thì đây là một bước khởi đầu. Tôi hy vọng sau này, tất cả người Tây phương cũng như người Đông phương, đều sẽ sửa đổi tâm hiếu chiến thành tâm từ bi, từ bỏ tâm sân hận để đổi lấy tâm từ bi hỷ xả, và có thể cùng nhau nghiên cứu đạo Phật. Đây đối với người Tây phương chỉ là mở đầu của sự giác ngộ; mong rằng trong tương lai chúng ta có thể chuyển hóa các vị tổng thống của phương Tây trở thành những vị tổng thống ủng hộ Phật giáo!

Bây giờ tôi sẽ công bố tên của những người Tây phương xuất gia (tại Chùa Kim Sơn Thánh Tự).

Người thứ nhất tên là Quả Tiền, tự là Hằng Khiêm. Trước đây, khi chưa xuất gia, chú ấy cho rằng thế giới này không có gì đáng trân trọng, và đã sống như một khách nhàn du, chu du đây đó, không có gia đình để trở về. Thế nhưng, bây giờ gặp được Phật Pháp rồi, chú bèn lấy chốn xuất gia làm chỗ nương tựa để quay về.

Người thứ hai tên là Quả Ninh, tự là Hằng Tịnh. Quả Ninh vốn cũng tự cho rằng đời người thật vô vị, chẳng có ý nghĩa gì cả. Về sau, khi nhân duyên đến, chú ấy đã gặp được Phật Pháp và biết được rằng chân lý chân chánh vốn nằm trong giáo lý đạo Phật, nên bèn xin xuất gia.

Người thứ ba tên là Quả Hiện, tự là Hằng Thọ. Quả Hiện là một thanh niên trẻ tuổi cũng rất khác người. Chú ấy có ý muốn nghiên cứu về chân lý của nhân sinh, muốn tìm hiểu nơi quay về rốt ráo, cùng vấn đề sanh tử, cho nên chú đã xuất gia.

Người thứ tư tên là Quả Dật, tự là Hằng Ẩn. Cô thanh nữ này trước kia cũng có ý tưởng muốn chân chánh thấu hiểu về vấn đề nhân sinh, nay gặp được Phật Pháp mới biết rằng đây chính là những gì đáng cho con người nghiên cứu tìm hiểu, cho nên cô đã xuất gia tu hành.

Người thứ năm tên là Quả Tu, tự là Hằng Trì. Quả Tu vốn đã nhận thức rất rõ ràng về thế giới này, cô ta đã có được cái nhìn thấu suốt và đã có thể buông bỏ hết mọi thứ, một lòng tha thiết muốn tu Đạo. Cô ta có nói mấy câu như sau:

Quả tất năng đắc,

Tu chư phúc đức,

Hằng niệm Định, Huệ,

Trì Giới thành Phật.

 

(Quả sẽ đắc được,

Tu mọi phước đức,

Hằng nhớ Định, Huệ,

Trì Giới thành Phật.)

 

Bốn câu này là do chính Quả Tu sáng tác, rất có ý nghĩa.

Trên đây chỉ là sơ lược về nhân duyên xuất gia của năm Phật tử người Tây phương; nếu muốn kể chi tiết e rằng phải cần nhiều thời gian mới nói hết được!



KINH VĂN:

 

“TỤNG TRÌ THỬ ĐÀ LA NI GIẢ, KHẨU TRUNG SỞ XUẤT NGÔN ÂM, NHƯỢC THIỆN NHƯỢC ÁC, NHẤT THIẾT THIÊN MA, NGOẠI ĐẠO, THIÊN LONG QUỶ THẦN VĂN GIẢ, GIAI THỊ THANH TỊNH PHÁP ÂM, GIAI Ư KỲ NHÂN KHỞI CUNG KÍNH TÂM, TÔN TRỌNG NHƯ PHẬT.”

 

“Người trì tụng Đà La Ni này, khi miệng thốt ra lời nói gì, hoặc thiện hoặc ác, thì tất cả thiên ma, ngoại đạo, thiên long, quỷ, thần, đều nghe thành tiếng Pháp âm thanh tịnh, đối với người đó khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.”

 

 

 LƯỢC GIẢNG:

 

[Quán Thế Âm Bồ-tát lại bảo Đại Phạm Thiên Vương:] “Người trì tụng Đà La Ni này…” Nếu quý vị chỉ nhớ Chú Đại Bi, học Chú Đại Bi một cách đơn thuần mà thôi chứ không tụng cũng không trì thì chẳng có tác dụng gì cả! Quý vị cần phải trì tụng! “Tụng” tức là lìa khỏi sách vở, không nhìn vào sách vở mà đọc tụng; còn “trì” nghĩa là kiên trì, đều đặn, không gián đoạn. “Trì tụng Đà La Ni” tức là mỗi ngày đều tụng niệm—chẳng phải là hôm nay tụng niệm, rồi ngày mai thì không tụng niệm, đến ngày mốt lại tụng niệm tiếp... Quý vị hôm nay tụng 108 biến, thì ngày mai cũng phải tụng 108 biến, ngày mốt cũng phải tụng 108 biến—ngày ngày phải liên tục, đều đặn, tinh tấn tụng niệm, không hề ngưng nghỉ—như thế mới gọi là “trì tụng”; nếu gián đoạn thì chẳng phải nghĩa “trì tụng” vậy!  

Có người nói rằng: “Tôi thuộc rồi, tôi thuộc nằm lòng Chú Đại Bi rồi, cần gì phải tụng niệm nữa!” Song le, như thế thì không có công dụng gì cả! Quý vị cần phải “triêu ư tư, tịch ư tư,” nghĩa là buổi sáng thì tu hành như thế, buổi tối cũng tu hành như thế, không hề gián đoạn, chẳng có mảy may lười biếng, trễ nải—đó mới đích thực là “tụng trì Đà La Ni” vậy! Đà La Ni này chính là “tổng trì Đại Bi Chú.” “Tổng trì” có nghĩa là “tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa”; và cũng có nghĩa là tổng trì ba nghiệp thân, khẩu, ý, không sai phạm. Quý vị nếu thân không gây tạo sát, đạo, dâm; tâm không sanh khởi tham, sân, si; miệng không nói lời hung ác, dối trá, thêu dệt, đâm thọc, như vậy gọi là “tam nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh,” và mới đúng là một hành giả chân chánh trì tụng Đà La Ni. Nếu quý vị thường xuyên tụng niệm Chú Đại Bi, “khi miệng thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác…” Người trì niệm Chú Đại Bi thì vốn đã không nên có những lời lẽ độc ác, bất thiện rồi, song cũng có đôi khi do vô tình mà trót phạm phải tội ác khẩu, “thì tất cả thiên ma, ngoại đạo, thiên long, quỷ, thần đều nghe thành tiếng Pháp âm thanh tịnh.” Nói như thế không có nghĩa là: “A! Tôi cứ tha hồ mắng chửi người khác, bởi những lời ác độc, nguyền rủa, cũng là  ‘thanh tịnh Pháp âm’ kia mà!” Không phải như thế! Nếu vô hình trung quý vị ngẫu nhiên gây tạo nghiệp ác khẩu, thì ngay lúc bấy giờ, đối với những người khác, đương nhiên đó vẫn là lời nói hiểm ác; nếu như người nào nghe mà không biết đó là lời nói hiểm ác, thì người ấy đích thị là một kẻ chẳng biết phân biệt thiện ác vậy!  

Ở đây là nói đến các thiên nhân, thiên ma, hàng ngoại đạo, chúng rồng ở cõi trời, hoặc các quỷ thần, mặc dù họ có thể có Ngũ Thông, nhưng thần lực bất khả tư nghì của Chú Đại Bi sẽ khiến cho nhĩ căn của họ bị gián đoạn; cho nên âm thanh mà họ nghe thấy toàn là “Pháp âm thanh tịnh,” đối với họ đều là lời thuyết Pháp.  

“Đối với người đó khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.” Ngày ngày họ đối với người tụng Chú này đều nhất mực cung kính và trân trọng lễ bái. Họ tôn trọng người tụng Chú Đại Bi này như tôn trọng mười phương chư Phật đời quá khứ vậy!  



KINH VĂN:

 

“TỤNG TRÌ THỬ ĐÀ LA NI GIẢ, ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN TỨC THỊ PHẬT THÂN TẠNG, CỬU THẬP CỬU ỨC HẰNG HÀ SA CHƯ PHẬT SỞ ÁI TÍCH CỐ.”  

“Người nào trì tụng Đà La Ni này, nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Người nào trì tụng Đà La Ni này, nên biết người ấy chính là tạng Phật thân.” Mọi người nên biết rằng người này, kẻ có thể trì tụng Chú Đại Bi, chính là “Phật thân tạng,” có nghĩa là nhất định sẽ thị hiện thân Phật. Vì sao vậy? Đó là nhờ sức gia trì của Tam-muội. Tuy rằng người trì tụng này chưa thành Phật, song người ấy cũng có thể khiến cho chân tướng của mình được sáng chói như thân của Phật vậy—đây chính là sức mạnh do sự gia trì Chú Đại Bi, là sự trợ lực từ công đức tụng trì Chú Đại Bi! Thế nhưng, trì tụng Chú Đại Bi thì quý vị cần phải theo quy cũ, khuôn phép; không được nói rằng: “Tôi là Phật thân tạng,” rồi có thể tùy tiện, buông lung.  

Vì sao người ấy là “Phật thân tạng”? ”Vì chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý.” Chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đời quá khứ đều đã phát nguyện rằng: “Ta sẽ gia hộ cho người trì tụng thần chú Đại Bi Đà La Ni này như hộ trì mười phương chư Phật vậy.”  



 KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN TỨC THỊ QUANG MINH TẠNG, NHẤT THIẾT NHƯ LAI QUANG MINH CHIẾU CỐ.”  


“Nên biết người ấy chính là tạng Quang Minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Quang Minh.” Quý vị tụng Thần Chú Đại Bi thì sẽ hiển xuất vô số ánh sáng, vì sao? “Vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình.” Bởi vì tất cả đức Phật trong mười phương đều phóng hào quang chiếu dọi đến thân của quý vị.  



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ TỪ BI TẠNG, HẰNG DĨ ĐÀ LA NI CỨU CHÚNG SANH CỐ.”  

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Từ Bi, vì thường dùng Đà La Ni cứu độ chúng sanh.”  

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Từ Bi.” Người có thể tụng trì Chú Đại Bi là người có lòng đại từ đại bi, vì sao? “Vì thường dùng Đà La Ni cứu độ chúng sanh.” Bởi vì người đó thường dùng Đà La Ni để cứu hộ hết thảy chúng sanh, khiến tất cả chúng sanh đều được ly khổ đắc lạc, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, tội diệt phước sanh.



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ DIỆU PHÁP TẠNG, PHỔ NHIẾP NHẤT THIẾT CHƯ ĐÀ LA NI MÔN CỐ.”  

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Pháp, vì thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Pháp.” Quý vị phải biết rằng người trì tụng Chú Đại Bi chính là “nơi” tụ hội các diệu pháp; vì sao? “Vì thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni.”   

          Thần chú Đại Bi Đà La Ni có công năng thâu nhiếp tất cả các môn Đà La Ni. Sự thâu nhiếp này cũng giống như nam châm hút sắt vậy, có thể nhiếp trì, thu hút tất cả các môn Đà La Ni về một chỗ. Cho nên, quý vị trì tụng Chú Đại Bi tức là đem tất cả diệu pháp thâu nhiếp về một chỗ với nhau vậy.



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ THIỀN ĐỊNH TẠNG, BÁCH THIÊN TAM MUỘI GIAI HIỆN TIỀN CỐ.”  

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Thiền Định, vì trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

             “Nên biết người ấy chính là tạng Thiền Định.” Người có thể trì tụng thần chú Đại Bi chính là tạng Thiền Định. Vì sao người ấy được gọi là Thiền Định tạng? “Vì trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền, cả trăm, ngàn Tam-muội đều có thể thường xuyên hiện ra.”

         “Trăm, ngàn Tam-muội thảy đều hiện tiền” không có nghĩa là cả trăm, ngàn Tam-muội đồng thời hiện ra, cũng không phải là không đồng thời hiện ra. Đó chính là một thứ cảnh giới vi diệu bất khả tư nghị, không diễn tả bằng lời nói được! “Tam-muội” chính là định lực; cả trăm, ngàn môn Tam-muội khác nhau đều có thể xuất hiện cùng một lúc.  

         Thế thì, nói “không đồng thời hiện ra” là thế nào? Bởi vì nếu quý vị hiển xuất một Tam-muội, nếu chỉ thành tựu được một loại Tam-muội mà thôi, thì đây không phải là “đồng thời hiện ra.” Tuy nhiên, có đôi khi, quý vị hiển xuất một loại Tam-muội mà có thể bao gồm được tất cả các Tam-muội khác, thì đó gọi là “đồng thời hiện ra” vậy.  



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ HƯ KHÔNG TẠNG, THƯỜNG DĨ KHÔNG HUỆ QUÁN CHÚNG SANH CỐ.” 

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Hư Không, vì thường dùng Không Huệ quán sát chúng sanh.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

             “Nên biết người ấy chính là tạng Hư Không.” Quý vị phải biết rằng người trì tụng Chú Đại Bi này cũng giống như tạng Hư Không vậy, “vì thường dùng Không Huệ quán sát chúng sanh.” Người này luôn luôn dùng trí huệ rộng lớn như hư không để quán sát nhân duyên của chúng sanh.  



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ VÔ ÚY TẠNG, LONG THIÊN THIỆN THẦN THƯỜNG HỘ TRÌ CỐ. 

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Vô Úy, vì Thiên, Long, thiện thần thường theo hộ trì.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

             “Nên biết người ấy chính là tạng Vô Úy.” Quý vị nên biết rằng người này--người trì niệm Chú Đại Bi—không còn lo âu sợ hãi, “vì Thiên, Long, thiện thần thường theo hộ trì.” Thiên Long Bát Bộ và tất cả thiện thần luôn luôn gia hộ cho người này.  



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ DIỆU NGỮ TẠNG, KHẨU TRUNG ĐÀ LA NI ÂM VÔ ĐOẠN TUYỆT CỐ.”  

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Ngữ, vì tiếng Đà La Ni trong miệng tuôn ra không dứt.”  

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

             “Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Ngữ.” Quý vị nên biết người luôn luôn trì tụng Chú Đại Bi, ngày đêm không gián đoạn, chính là Diệu Ngữ Tạng. Những lời người này trì tụng đều là thứ ngôn ngữ bất khả tư nghì, “vì tiếng Đà La Ni trong miệng tuôn ra không dứt.” Người này lúc nào cũng niệm Chú Đại Bi Đà La Ni. “Không dứt” tức là luôn luôn, thường xuyên trì niệm.  

             Trong quá khứ, tôi đã từng gặp rất nhiều vị Tỳ Kheo như thế—ngày đêm tinh tấn trì Chú Đại Bi, không nghĩ ngợi chuyện gì khác, họ chuyên cần trì niệm đến nỗi tất cả mọi vọng tưởng đều không còn.


 

Chú thích:  


Tam-muội Môn: Là sự khác biệt giữa nhiều thứ Tam-muội nên gọi là “môn”. Tam-muội mà Bồ-tát chứng được là nhập vào cửa Phật sẵn có vô lượng Tam-muội nên gọi là “môn”.



KINH VĂN:

  

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ THƯỜNG TRỤ TẠNG, TAM TAI ÁC KIẾP BẤT NĂNG HOẠI CỐ.”

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Thường Trụ, vì tam tai ác kiếp không thể hủy hoại được.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

 “Nên biết người ấy chính là tạng Thường Trụ.” Quý vị nên biết rằng người thường xuyên trì tụng Chú Đại Bi chính là Thường Trụ Tạng, bởi “vì tam tai ác kiếp không thể hủy hoại được.”

 

“Tam tai” là gì? Chẳng phải hôm qua tôi đã giảng rồi sao? Đó chính là ba thứ tai ương: thủy tai (nạn nước), hỏa tai (nạn lửa) và phong tai (nạn gió):

 

“Thủy yểm Sơ thiền, hỏa thiêu Nhị thiền, phong quát Tam thiền.”

(Nước ngập Sơ thiền, lửa đốt Nhị thiền, gió quét Tam thiền.)

 

Hiện tại tuy nói rằng trên thế giới cũng có nạn lũ lụt, hỏa hoạn và gió bão xảy ra, song đó chỉ là những trận nhỏ so với đại tam tai. Lúc đại tam tai phát khởi, đại thủy tai sẽ tràn ngập tới cõi trời Sơ thiền, đại hỏa tai sẽ thiêu đốt đến cõi trời Nhị thiền, và đại phong tai sẽ càn quét tận cõi trời Tam thiền. Bấy giờ, đừng nói gì cõi nhân gian, mà ngay cả cõi trời cũng đều không thoát khỏi ba thứ tai ương này.  

“Ác kiếp” là thời kỳ mà nạn đao binh, lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, những người thường xuyên trì niệm Chú Đại Bi thì không bị các tai kiếp này xảy đến cho thân mình.  

Trì niệm Chú Lăng Nghiêm cố nhiên là được bất khả tư nghì công đức và bất khả tư nghì phước báo; trì niệm Chú Đại Bi thì cũng vậy—cũng có được năng lực “chuyển đổi càn khôn, dời non lấp bể.” Nếu quý vị tu pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn thành công thì quý vị có thể chuyển dời được cả núi Tu Di, có thể dời thế giới này đến chỗ của thế giới khác và dời thế giới khác đến chỗ của thế giới này, mà những người cư trú trong những thế giới đó vẫn không biết rằng họ đã bị dời đi! Quý vị xem, như vậy có kỳ diệu không chứ?  

 Từ phương Bắc dời qua phương Nam, xê dịch một cái là dời đi cả mấy vạn dặm mà không ai hay biết gì cả, đây mới thực sự là một cuộc “đại thiên di”! Nếu quý vị tu tập thành công, quý vị sẽ có được năng lực này; bấy giờ, nếu cảm thấy nơi này không được vừa ý thì có thể dọn sang nơi khác, dời thế giới khác về nơi này, dời thế giới này sang thế giới khác—mà không cần phải dùng đến hỏa tiễn. Quý vị xem, như vậy có vi diệu không chứ? Thế nhưng, quý vị phải tu thành thì mới được, nếu tu chưa thành thì không thể làm nổi những việc như thế!  

“Không thể hủy hoại được.” Bởi tất cả những tai kiếp này đều không thể hủy hoại được những người trì tụng Chú Đại Bi, cho nên họ được gọi là “tạng Thường Trụ” vậy.



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ GIẢI THOÁT TẠNG, THIÊN MA NGOẠI ĐẠO BẤT NĂNG KÊ LƯU CỐ.”

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Giải Thoát, vì thiên ma ngoại đạo không thể cản trở được.”


 

LƯỢC GIẢNG:

 

 “Nên biết người ấy chính là tạng Giải Thoát.” Quý vị phải biết rằng những người chuyên tâm trì niệm Chú Đại Bi sẽ có được tạng Giải Thoát, “vì thiên ma ngoại đạo không thể cản trở được.” Họ được tự do, thiên ma ngoại đạo cũng không thể quấy nhiễu, ngăn cản hoặc cai quản họ được.  

Nếu quý vị có đôi chút bản lãnh, thì có khi thiên ma ngoại đạo cũng muốn bắt quý vị về làm quyến thuộc của chúng; tuy nhiên, nếu quý vị có thể trì niệm Chú Đại Bi thì chúng sẽ không làm gì quý vị được cả, chúng không thể nào tóm bắt quý vị được.



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ DƯỢC VƯƠNG TẠNG, THƯỜNG DĨ ĐÀ-LA-NI LIỆU CHÚNG SANH BỆNH CỐ.”

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Dược Vương, vì thường dùng Đà La Ni trị bệnh cho chúng sanh.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Chú Đại Bi có thể chữa trị mọi bệnh tật trên thế gian. Thế gian có tám vạn bốn ngàn thứ bệnh tật thì Chú Đại Bi đều có thể trị khỏi tất cả; tuy nhiên, quý vị cần phải thành tâm trì tụng thì mới có được sức mạnh và sự công hiệu này. Nếu quý vị không thành tâm trì tụng, lúc bình thường chẳng tụng chẳng trì, đợi đến lúc người có bệnh tìm đến thì quý vị bảo rằng: “À, để tôi niệm một biến Chú Đại Bi chữa bệnh cho người này!” Niệm một biến ư? Bấy giờ, cho dù quý vị có niệm tới mười biến thì cũng chẳng có công hiệu gì cả! Cần phải lúc bình thường vẫn thuờng xuyên tu tập Đại Bi Pháp, vẫn trì tụng Đại Bi Chú, thì đến lúc cần dùng mới linh nghiệm, mới có công hiệu.  

Nếu lúc bình thường quý vị không tu không tụng, biện minh rằng: “Khi nào cần dùng thì khi đó hãy niệm. Nhớ khi nào thì niệm khi đó!” Làm như thế thì cũng có thể có công hiệu đấy, nhưng không được lớn lắm. Cũng như lúc bình thường thì quý vị không chịu đào giếng, đợi đến lúc khát khô cả cổ, thèm uống miếng nước, mới than thở: “Ở chỗ tôi không có nước uống, tôi cần phải đào một cái giếng mới được!” Thế nhưng, quý vị muốn đào giếng thì cũng phải đợi đến mấy ngày sau mới có nước để dùng. Quý vị lại nói: “Tôi lập tức đào giếng thì lập tức có nước uống ngay!” Không thể nào có chuyện đó! Và, việc trì tụng Chú Đại Bi cũng tương tự như thế.  

Vậy, quý vị “nên biết người ấy chính là tạng Dược Vương, vì thường dùng Đà La Ni trị bệnh cho chúng sanh.” Nếu lúc bình thường quý vị chuyên cần trì tụng Chú Đại Bi, thì đến khi cần dùng tới, quý vị sẽ giống như tạng Dược Vương vậy, hết thảy các thứ thuốc đều nằm trong Chú Đại Bi, cho nên quý vị niệm Chú Đại Bi thì mọi bệnh tật ốm đau đều sẽ lìa khỏi thân mình!



KINH VĂN:

 

“ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN THỊ THẦN THÔNG TẠNG, DU CHƯ PHẬT QUỐC ĐẮC TỰ TẠI CỐ. KỲ NHÂN CÔNG ĐỨC, TÁN BẤT KHẢ TẬN.”

 

“Nên biết người ấy chính là tạng Thần Thông, vì được tự tại dạo khắp các cõi Phật. Công đức của người ấy tán thán không cùng tận!”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

 “Nên biết người ấy chính là tạng Thần Thông.” Quý vị nên biết rằng người niệm Chú Đại Bi này có thần thông, “vì được tự tại dạo khắp các cõi Phật.” Người đó, trong lúc Thiền định, dù đang ngồi hay nằm, đều có thể đến các quốc độ của chư Phật. Muốn đến cõi nước của đức Phật nào, người ấy chỉ cần nghĩ tới cõi nước đó, chẳng hạn như: “Tôi muốn đi xem cho biết thế giới Cực Lạc trông như thế nào!”; thì liền nhập Thiền định và đến ngay thế giới Cực Lạc! Vì sao lại được như thế? Đó chính là do oai lực của Chú Đại Bi đã trợ giúp, khiến cho người ấy có thể du hành đến các cõi nước của chư Phật.  

“Dạo khắp” ở đây ám chỉ sự du hành của tự tánh, chứ không phải mang theo “cái túi da hôi thối” này mà dạo chơi ở thế giới Cực Lạc đâu! Nếu cái thân này cùng theo đến thế giới Cực Lạc thì nó không thể trở về lại thế giới này được nữa, mà dù cho có trở về thì cũng không dễ gì mà có được sự thong dong tự tại!  

“Công đức của người ấy tán thán không cùng tận.” Dù có khen ngợi đến thế nào đi nữa thì cũng không thể kể cho hết công đức của người trì tụng Chú Đại Bi này được!



KINH VĂN:

 

 “THIỆN NAM TỬ! NHƯỢC PHỤC HỮU NHÂN, YẾM THẾ GIAN KHỔ, CẦU TRƯỜNG SANH LẠC GIẢ, TẠI NHÀN TỊNH XỨ, THANH TỊNH KẾT GIỚI, CHÚ Y TRƯỚC, NHƯỢC THỦY, NHƯỢC THỰC, NHƯỢC HƯƠNG, NHƯỢC DƯỢC, GIAI CHÚ NHẤT BÁCH BÁT BIẾN PHỤC, TẤT ĐẮC TRƯỜNG MẠNG.”

 

“Thiện nam tử! Nếu lại có người nhàm chán sự khổ ở thế gian, cầu được trường sanh an lạc, thì nên ở nơi sạch sẽ vắng lặng mà thanh tịnh kết giới; rồi trì niệm Chú vào y phục mà mặc; các thứ như nước uống, thức ăn, hương, thuốc men, thảy đều chú nguyện 108 biến rồi mới phục dụng, tất sẽ được sống lâu.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Đoạn kinh văn này nói về những người muốn được “trường sanh bất lão,” ao ước mình sẽ được sống hoài sống mãi, vĩnh viễn không bao giờ phải già, phải chết. Có một phái ngoại đạo nói rằng nếu sanh lên cõi trời thì sẽ được sống mãi mãi; tuy nhiên, cần phải vất bỏ cái “túi da hôi thối” này! Theo giáo lý nhà Phật, nếu được sanh về thế giới Cực Lạc, hóa sanh từ hoa sen, thì sẽ không còn bị đọa lạc và cũng không còn cần tới cái “túi da hôi thối,” cái bộ xương giả tạm này nữa. Thế nhưng, nếu quý vị muốn khỏi xả bỏ cái “túi da hôi thối” này mà vẫn được “trường sanh bất tử,” thì cũng có thể được đấy! Quán Âm Bồ-tát đã có cách để giúp quý vị thực hiện được điều này. Giúp bằng cách nào đây?

 

“Thiện nam tử!” Ở đây, “thiện nam tử” là bao gồm luôn cả người thiện nữ. Vậy, Quán Âm Bồ-tát giúp như thế nào? “Này các thiện nam tử và các thiện nữ nhân, những người thọ trì Ngũ Giới và hành trì Thập Thiện! Nếu lại có người nhàm chán sự khổ ở thế gian, cầu được trường sanh an lạc.” Giả sử có người chán ghét nỗi khổ não về sanh tử của thế gian này—sanh ra rồi chết, chết rồi lại sanh ra—cho nên muốn trong đời này được “bất tử,” được không phải chết và cũng không phải tái sanh nữa, vĩnh viễn được hưởng nỗi vui sướng của sự trường sanh. Điều này có thể làm được đấy; thế thì làm như thế nào?

Trước hết, người đó phải “ở nơi sạch sẽ vắng lặng mà thanh tịnh kết giới.” “Nhàn” tức là “du nhàn,” có nghĩa là an nhàn, thanh thản. “Tịnh” là thanh tịnh, trong lành, sạch sẽ. “Nhàn tịnh xứ” tức là một nơi vô cùng yên tĩnh, rất ít người lui tới. “Thanh tịnh kết giới,” tức là người đó phải ở tại một nơi sạch sẽ và vắng lặng mà dùng Chú Đại Bi để kết giới. Phương pháp kết giới là như thế nào?

 

“Chú nguyện vào y phục.” Người đó cần đem áo quần của mình ra và niệm vào đó 108 biến Chú Đại Bi. Và “các thứ như nước uống, thức ăn, hương, thuốc men, thảy đều chú nguyện 108 biến rồi mới phục dụng.” Trong nước uống của mình, nên niệm 108 biến Chú Đại Bi vào đó rồi hãy uống. Thức ăn cũng vậy, cũng niệm 108 biến Chú Đại Bi rồi mới ăn. Ngay cả nhang để thắp thì cũng niệm 108 biến Chú Đại Bi rồi mới thắp; hoặc là thuốc men dược phẩm thì cũng nên niệm 108 biến Chú Đại Bi rồi hãy uống. Tất cả đều cần phải niệm Chú Đại Bi 108 biến rồi mới được dùng. Chữ “phục dụng” ở đây mang rất nhiều nghĩa, có thể hiểu là mặc (quần áo), uống (nước, thuốc men), ăn (thức ăn), thắp (hương, nhang).

 

Có người thắc mắc: “Có thể gom tất cả các thứ vật chất này về một chỗ, rồi mới niệm 108 biến Chú được không? Hay là phải niệm tách biệt 108 biến cho từng thứ một?” Chỉ có những kẻ chuyên môn lười biếng mới nghĩ ra được cái “diệu pháp” như thế: “Nếu gom lại về một chỗ thì tôi chỉ việc niệm 108 biến Chú là xong ngay, tất cả cũng đều được chú nguyện thôi!”

 

Thế cũng được! Cũng có thể hợp chung lại niệm, nhưng có điều, mức độ linh nghiệm sẽ giảm đi ít nhiều do bị phân tán bớt. Nếu quý vị có thể niệm riêng rẽ 108 biến Chú cho mỗi thứ, thì mặc dầu phải cần nhiều thời gian hơn một chút, song công hiệu lại lớn hơn rất nhiều. Còn nếu quý vị chấp nhận công hiệu nhỏ, thì cứ việc tiết kiệm đôi chút thời giờ vậy! Thế nhưng, niệm Chú xong rồi thì quý vị rảnh rỗi để làm gì? Có công việc gì cần phải làm chăng? Nếu quý vị muốn đi ngủ thì chi bằng niệm Chú thêm vài biến nữa có phải là mầu nhiệm hơn không? Cho nên, nếu niệm 108 biến cho từng món đồ vật thì sẽ tốt hơn.

 

“Tất sẽ được sống lâu.” Người đó nhất định sẽ được thọ mạng lâu dài. Thọ mạng lâu dài là bao nhiêu lâu? Không ai có thể biết được, vì sự lâu dài này không có cùng tận, quý vị muốn lâu bao nhiêu thì sẽ được lâu bấy nhiêu. Nếu quý vị nói: “A! Tôi không muốn sống lâu đến thế”; thì bất cứ lúc nào quý vị cũng có thể vãng sanh, hết sức tự do tự tại. Vì thế, thọ mạng dài bao lâu thì cũng không ai biết được, không ai có thể quyết định cho quý vị được cả!



KINH VĂN:

 

 “NHƯỢC NĂNG NHƯ PHÁP KẾT GIỚI, Y PHÁP THỌ TRÌ, NHẤT THIẾT THÀNH TỰU. KỲ KẾT GIỚI PHÁP GIẢ: THỦ ĐAO, CHÚ NHỊ THẬP NHẤT BIẾN, HOẠCH ĐỊA VI GIỚI; HOẶC THỦ TỊNH THỦY, CHÚ NHỊ THẬP NHẤT BIẾN, TÁN TRƯỚC TỨ PHƯƠNG VI GIỚI; HOẶC THỦ BẠCH GIỚI TỬ, CHÚ NHỊ THẬP NHẤT BIẾN, TRỊCH TRƯỚC TỨ PHƯƠNG VI GIỚI; HOẶC DĨ TƯỞNG ĐÁO XỨ VI GIỚI; HOẶC THỦ TỊNH KHÔI, CHÚ NHỊ THẬP NHẤT BIẾN VI GIỚI; HOẶC CHÚ NGŨ SẮC TUYẾN NHỊ THẬP NHẤT BIẾN, VI NHIỄU TỨ BIÊN VI GIỚI, GIAI ĐẮC.

NHƯỢC NĂNG NHƯ PHÁP THỌ TRÌ, TỰ NHIÊN KHẮC QUẢ.”

 

“Nếu có thể như Pháp kết giới, y Pháp thọ trì, thì tất cả sẽ được thành tựu. Phương pháp kết giới như sau: lấy con dao và tụng chú hai mươi mốt biến, rồi rạch đất làm giới hạn; hoặc lấy nước sạch và tụng chú hai mươi mốt biến, rồi rảy khắp bốn phương làm giới hạn; hoặc lấy hạt bạch giới và tụng chú hai mươi mốt biến, rồi ném ra bốn phương làm giới hạn; hoặc lấy chỗ mà tâm nghĩ tưởng tới làm giới hạn; hoặc lấy tro sạch và tụng chú hai mươi mốt biến làm giới hạn; hoặc tụng chú vào chỉ ngũ sắc hai mươi mốt biến, rồi cột quanh bốn bên làm giới hạn; đều được cả.

Nếu có thể như pháp mà thọ trì, tự nhiên sẽ có thành quả.” 

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Nếu có thể như pháp kết giới, y pháp thọ trì.” Nếu có thể theo đúng cách thức này mà kết giới, y chiếu pháp Đại Bi mà thọ trì Chú Đại Bi, cũng có nghĩa là y theo phương pháp này mà tu trì pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, “thì tất cả sẽ được thành tựu,” cầu cái gì thì được cái đó. Thế thì phương pháp kết giới là như thế nào? “Phương pháp kết giới như sau,” bây giờ tôi sẽ giảng cho quý vị rõ.

 

“Lấy con dao và tụng chú hai mươi mốt biến rồi rạch đất làm giới hạn.” Quý vị phải lấy một con dao, lấy dao để làm gì? Chẳng lẽ để giết người sao? Ở đây, quý vị lấy dao không phải để giết người mà là để “giết đất,” tức là “rạch đất làm giới hạn.” Sau khi tụng chú vào con dao hai mươi mốt biến thì cũng cần phải “tam thóa,” tức là hà hơi vào con dao ba lần. Chẳng phải phần trước tôi đã giảng về “tam thóa” rồi hay sao?

 

Sau khi đã “tam thóa” thì dùng con dao đó để “rạch đất làm giới hạn”—quý vị muốn một phạm vi bao xa, diện tích bao lớn, thì cầm dao vẽ đường chu vi, tạo thành một lằn ranh trên mặt đất để làm giới hạn. Tất cả thiên ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái đều không thể nào vào được bên trong của đường ranh giới này. Họ chỉ có thể ở bên ngoài, chứ không được phép bén mảng tới phía trong vòng kết giới—bởi vì đây chính là chỗ kỳ diệu của Chú Đại Bi. Một khi quý vị đã kết giới rồi, thì nơi đó thuộc phạm vi của quý vị.

 

“Hoặc lấy nước sạch và tụng chú hai mươi mốt biến.” Hiện nay đa số đều dùng nước sạch (tịnh thủy) để kết giới vì tiện lợi, chỉ cần dùng một ly nước sạch thôi là được. Quý vị lấy một ly nước sạch và chú niệm vào ly nước ấy hai mươi mốt biến Chú Đại Bi, rồi sau đó, khi có Pháp hội thì dùng để “sái tịnh.” Sái tịnh cũng chính là kết giới—mọi người cùng nhau niệm Chú Đại Bi, và cầm cành dương liễu nhúng vào ly nước sạch đó, “rồi rảy khắp bốn phương làm giới hạn.” Nước rảy đến chỗ nào thì chỗ đó là giới hạn.

“Hoặc lấy hạt bạch giới và tụng chú hai mươi mốt biến.” Quý vị cũng có thể dùng hạt của cây bạch giới (hạt cải trắng), tụng vào đó hai mươi mốt biến Chú Đại Bi, “rồi ném ra bốn phương làm giới hạn.” Quý vị hướng ra bốn phương mà rải, hễ hạt bạch giới văng đến đâu thì lấy đó làm giới hạn kết giới.

 

“Hoặc lấy chỗ tâm nghĩ tưởng tới làm giới hạn.” Quý vị cũng có thể lấy nơi mà tâm mình nghĩ tưởng tới để làm giới hạn—quý vị nghĩ tới chỗ nào thì chỗ đó liền được xem là giới hạn. Thí dụ như chúng ta đang ở đây và nghĩ rằng: “Ồ! Tôi muốn lấy chỗ ánh sáng của mặt trăng làm giới hạn”; thì chỗ có ánh trăng đều được xem là thuộc trong vòng kết giới của quý vị. Nếu chúng ta nghĩ muốn lấy chỗ có ánh sáng của mặt trời làm giới hạn, thì chỗ có ánh mặt trời cũng được kể là ở trong vòng kết giới của chúng ta. Nếu nghĩ rằng bốn đại bộ châu thuộc giới hạn kết giới của chúng ta, thì cả bốn đại bộ châu đều thuộc về phạm vi kết giới của chúng ta.  

“Hoặc lấy tro sạch và tụng chú hai mươi mốt biến làm giới hạn.” “Tro sạch” (tịnh khôi) tức là thứ tro ở trong lư hương. Quý vị có thể lấy thứ tro này và chú niệm vào đó hai mươi mốt biến, rồi rải ra xung quanh để làm giới hạn.  

“Hoặc tụng chú vào chỉ ngũ sắc hai mươi mốt biến, rồi cột quanh bốn bên làm giới hạn.” Hoặc là dùng loại chỉ năm màu và niệm hai mươi mốt biến chú vào sợi chỉ đó rồi cột vòng xung quanh bốn bên để làm giới hạn.  

Trong những cách kết giới này, quý vị muốn áp dụng cách nào cũng “đều được cả,” không nhất thiết quy định phải dùng loại nào, nên rất thuận tiện. Quý vị không có thứ này thì có thể dùng thứ khác—không có chỉ ngũ sắc thì có thể dùng tro, không có tro thì có thể dùng nước sạch, không có nước sạch thì có thể dùng hạt bạch giới, không có hạt bạch giới thì có thể dùng con dao. Quý vị chọn cách nào cũng được cả, tùy sở thích của mình, muốn thứ nào thì dùng thứ đó. Hoặc là trong lòng mình suy nghĩ: “À! Tôi muốn nội trong 500 miles đều là nơi kết giới của tôi!” thì đều được cả.  

“Nếu có thể như pháp mà thọ trì, tự nhiên sẽ có thành quả.” Nếu quý vị có thể y chiếu theo pháp này mà tu hành thọ trì, thì tự nhiên sẽ đạt được hiệu quả, có thể chứng được quả vị.  



KINH VĂN:


“NHƯỢC VĂN THỬ ĐÀ-LA-NI DANH TỰ GIẢ, THƯỢNG DIỆT VÔ LƯỢNG KIẾP SANH TỬ TRỌNG TỘI, HÀ HUỐNG TỤNG TRÌ GIẢ? NHƯỢC ĐẮC THỬ THẦN CHÚ TỤNG GIẢ, ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN DĨ TẰNG CÚNG DƯỜNG VÔ LƯỢNG CHƯ PHẬT, QUẢNG CHỦNG THIỆN CĂN.


NHƯỢC NĂNG VI CHƯ CHÚNG SANH BẠT KỲ KHỔ NẠN, NHƯ PHÁP TỤNG TRÌ GIẢ, ĐƯƠNG TRI KỲ NHÂN TỨC THỊ CỤ ĐẠI BI GIẢ, THÀNH PHẬT BẤT CỬU; SỞ KIẾN CHÚNG SANH, GIAI TẤT VI TỤNG, LINH BỈ NHĨ VĂN, DỮ TÁC BỒ-ĐỀ NHÂN, THỊ NHÂN CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN, TÁN BẤT KHẢ TẬN”.
 

“Nếu người nghe danh tự của Đà La Ni này còn được tiêu diệt tội nặng sanh tử trong vô lượng kiếp, thì huống chi là người trì tụng! Nếu người nào gặp được thần chú này mà tụng trì, nên biết rằng người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, rộng trồng căn lành.


Nếu người nào có thể vì dứt trừ khổ nạn cho các chúng sanh mà như Pháp tụng trì, nên biết rằng người đó chính là bậc có đủ tâm Đại Bi, chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật. Người đó thấy các chúng sanh thì đều vì họ mà tụng, khiến cho chính tai họ được nghe, để cùng gây nhân Bồ Đề. Công đức của người đó là vô lượng vô biên, tán thán không hết được!”

 



LƯỢC GIẢNG:



“Nếu người nghe danh tự của Đà La Ni này - ”Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Thần Diệu Chương Cú” - “còn được tiêu diệt tội nặng sanh tử trong vô lượng kiếp, thì huống chi là người trì tụng!” Quý vị chỉ vừa được nghe đến tên của Chú Đại Bi thì bao nhiêu sanh tử trọng tội trong vô lượng kiếp đều được tiêu trừ.

Thế thì, có người nói rằng: “Tôi đã nghe nhiều lần lắm rồi, hẳn là tôi có thể tiêu trừ rất nhiều sanh tử trọng tội trong vô lượng kiếp!”

Cũng có thể! Có thể quý vị tiêu diệt được vô lượng sanh tử trọng tội, song quý vị lại cũng gây tạo vô lượng sanh tử trọng tội nữa; do đó số tội được tiêu diệt không nhiều bằng số tội gây tạo, và như thế thì chẳng khác nào chưa tiêu diệt được vậy! Vì sao? Đó là vì quý vị không thể “y pháp tu hành”. Phải “y pháp tu hành” thì mới có thể hoàn toàn tiêu diệt nghiệp tội được!
“Huống chi là người trì tụng!” Chỉ nghe được tên gọi mà có thể tiêu trừ được nhiều nghiệp tội đến thế, thì huống chi là chính mình có thể tự kiên trì đọc tụng Chú Đại Bi này!

“Nếu người nào gặp được thần chú này mà tụng trì…” “Tụng giả” tức là người có khả năng trì tụng. Nếu có người nào có thể tụng trì thần chú này, thì quý vị “nên biết rằng người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, rộng trồng căn lành”. Quý vị cần phải biết rằng chính quý vị đây cũng là những người trong quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, gieo trồng nhiều thiện căn, cho nên nay mới được hạnh ngộ Chú Đại Bi Đà La Ni! Nếu quý vị chưa từng cúng dường vô lượng chư Phật, thì cho dù quý vị có nghe thì cũng không lọt được vào tai, hoặc là vào tai này lại ra tai kia mà thôi, không thể nào ghi nhớ được!

“Nếu người nào có thể vì dứt trừ khổ nạn cho các chúng sanh mà như Pháp tụng trì…” Điều tối quan trọng là phải tụng trì đúng Pháp; nếu không “như Pháp tụng trì” thì dù có tụng cũng chẳng có công hiệu!

Vậy, giả sử có người có thể tụng Chú Đại Bi, quán tưởng vì tất cả chúng sanh tiêu trừ khổ nạn, có thể y chiếu pháp Đại Bi để tụng trì, thì “nên biết rằng người đó chính là bậc có đủ tâm Đại Bi, chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật”. Quý vị cần phải biết rằng những người như thế chính là hóa thân của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, có đầy đủ lòng từ bi rộng lớn, và sắp sửa được thành Phật.

“Người đó thấy các chúng sanh thì đều vì họ mà tụng, khiến cho chính tai họ được nghe, để cùng làm nhân Bồ Đề”. Đối với các chúng sanh mình gặp, người đó đều vì họ mà trì tụng Chú Đại Bi, khiến cho tất cả đều chính tai được nghe bài Chú Đại Bi và tên của Chú Đại Bi. Nhờ nghe được bài Chú Đại Bi hoặc tên của Chú Đại Bi, các chúng sanh này đều có thể gieo trồng nhân Bồ Đề về lâu xa.

“Công đức của người đó là vô lượng vô biên, tán thán không hết được!” Người này thường xuyên niệm Chú Đại Bi, cho nên công đức làm cho chúng sanh luôn được nghe âm thanh của Chú Đại Bi của người này là vô lượng vô biên. Công đức ấy thật là vô cùng vô tận, chúng ta không có cách nào khen ngợi cho hết được!



 KINH VĂN:


“NHƯỢC NĂNG TINH THÀNH DỤNG TÂM, THÂN TRÌ TRAI GIỚI, VI NHẤT THIẾT CHÚNG SANH SÁM HỐI TIÊN NGHIỆP CHI TỘI, DIỆC TỰ SÁM TẠ VÔ LƯỢNG KIẾP LAI CHỦNG CHỦNG ÁC NGHIỆP, KHẨU TRUNG “CẤP CẤP” [馺馺] TỤNG THỬ ĐÀ LA NI, THANH THANH BẤT TUYỆT GIẢ, TỨ SA MÔN QUẢ, THỬ SANH TỨC CHỨNG.


KỲ LỢI CĂN HỮU HUỆ QUÁN PHƯƠNG TIỆN GIẢ, THẬP ĐỊA QUẢ VỊ, KHẮC HOẠCH BẤT NAN; HÀ HUỐNG THẾ GIAN TIỂU TIỂU PHÚC BÁO? SỞ HỮU CẦU NGUYỆN, VÔ BẤT QUẢ TOẠI GIẢ DÃ!”

“Nếu hay với tâm tinh cần chí thành, giữ gìn trai giới, vì tất cả chúng sanh mà sám hối những nghiệp tội thuở trước, và tự mình cũng sám tạ vô số ác nghiệp từ vô lượng kiếp đến nay, nơi miệng liên tục, đều đặn tụng Đà La Ni này, tiếng tiếng không dứt, thì sẽ chứng được Tứ Quả Sa Môn ngay trong đời này.

Nếu là hàng lợi căn có phương tiện Tuệ Quán, thì việc chứng được quả vị Thập Địa còn không lấy gì làm khó, huống là những phước báo nhỏ nhặt ở thế gian! Mọi điều mong cầu chẳng có điều gì là không được toại nguyện cả!”

 



LƯỢC GIẢNG:



“Nếu hay với tâm tinh cần chí thành” “Nếu hay” tức là đặt giả thiết, ví dụ rằng có việc như thế. “Tinh” có nghĩa là chuyên nhất; “thành” là chí thành. Vậy thì quý vị chỉ một lòng chuyên nhất, không sanh tâm tạp loạn, như thế để làm gì? Để “giữ gìn trai giới”. “Thân” tức là thân thể; “trì” là thọ trì, gìn giữ; “trai” tức là ăn chay, không ăn thịt; và “giới” là giới trừ, không làm các việc ác.


“Vì tất cả chúng sanh mà sám hối những nghiệp tội thuở trước”. Tất cả chúng sanh đều có các nghiệp tội và giả sử rằng quý vị có thể tinh nghiêm hành trì giới luật, và có thể thay mặt họ để sám hối cho bao nghiệp tội họ đã trót gây tạo trong quá khứ.


“Và tự mình cũng sám tạ vô số ác nghiệp từ vô lượng kiếp đến nay”. Điều này thì tuy không phải vì mình mà cũng chính là vì mình - bởi vì mình cũng là một trong số các chúng sanh, cho nên nói sám hối cho tất cả chúng sanh cũng có nghĩa là sám hối cho chính mình vậy.


“Từ vô lượng kiếp đến nay” tức là từ vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến hiện tại. Những ác nghiệp mà chúng ta đã gây tạo từ vô thủy kiếp đến nay, từ đời này sang đời khác, thì nhiều đến vô lượng vô biên.


“Nơi miệng liên tục, đều đặn tụng Đà La Ni này, tiếng tiếng không dứt”. ”Cấp cấp” là từ tượng thanh cho tiếng chân ngựa đang chạy cộp cộp trên đường lộ. Tiếng tụng Chú Đại Bi của quý vị phải giống như âm vang của tiếng ngựa chạy - liên tục, đều đặn, rành rẽ, câu nọ tiếp nối câu kia, không hề đứt đoạn: “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da… ” “Không dứt” tức là niệm tiếng này sang tiếng khác, liên tục, không gián đoạn. Quý vị không nên miệng niệm Chú Đại Bi mà tâm lại sanh vọng tưởng rồi ngưng niệm nửa chừng; mà cần phải luôn luôn giữ cho mình được “tâm niệm chuyên nhất”.


“Thì sẽ chứng được Tứ Quả Sa Môn ngay trong đời này”. Tứ Quả Sa Môn tức là bốn quả vị: Sơ quả A La Hán, Nhị quả A La Hán, Tam quả A La Hán và Tứ quả A La Hán. Quý vị có thể chứng được quả vị A La Hán ngay trong đời hiện tại, tuy nhiên, quý vị cần phải niệm với lòng thiết tha thành khẩn.


“Nếu là bậc lợi căn có phương tiện Tuệ Quán…” “Lợi căn” có nghĩa là thông minh. Nếu là người thông minh, có thể dùng trí tuệ để quán sát, thấu rõ trùng trùng pháp môn phương tiện và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi, “thì việc chứng được quả vị Thập Địa còn không lấy gì làm khó”.


Thập Địa tức là mười vị trí; gồm có: Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Tuệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa và Pháp Vân Địa. Đây là mười quả vị của hàng Bồ Tát và chẳng dễ gì mà chứng đắc được, thế nhưng, nếu quý vị nhất tâm chuyên chú trì niệm Chú Đại Bi, thì quý vị sẽ chứng đắc một cách không khó khăn gì cả!


“Khắc” có nghĩa là có thể; “khắc hoạch” tức là có thể có được. Các quả vị của Thập Địa vốn rất khó mà đạt được, song nay nhờ quý vị tụng trì Chú Đại Bi, cho nên việc này chẳng còn gì là khó khăn nữa!


“Huống là những phước báo nhỏ nhặt ở thế gian!” Thế nào gọi là “những phước báo nhỏ nhặt ở thế gian”? Được làm vua, làm tổng thống, hoặc làm người giàu có nhất… Đây đều là “những phước báo nhỏ nhặt ở thế gian”, chẳng có gì là đặc biệt lắm đâu!


“Mọi điều mong cầu chẳng có điều gì mà không được toại nguyện cả!” Quý vị sẽ được “toại tâm mãn nguyện” với mọi mong cầu - tuy nhiên, quý vị còn nhớ không? Quý vị cần phải dứt bỏ tâm hoài nghi! Quý vị:


“Nhược sanh thiểu nghi tâm giả,
tất bất đắc quả toại dã”.
(Nếu sanh chút lòng nghi,
thì kết quả sẽ không được toại ý!)


Nếu quý vị có một chút băn khoăn, nghi ngại, dù chỉ bằng sợi tóc, thì cũng sẽ không đạt được điều mình hằng ao ước mong cầu, cho nên điều tất yếu là quý vị phải chân chánh thành tâm.


Tôi thường nói với quý vị rằng:


Không bỏ được lòng nghi, tất không thể sanh tín tâm;
Không bỏ được mê lầm, tất không thể được khai ngộ;
Không bỏ được đường tà, tất không thể quay về nẻo chánh;
Không bỏ được sự giả dối, tất không có được sự chân thành;
Không bỏ được sự tử, tất không thể chấm dứt sự sanh.


Cho nên, chúng ta không được sanh tâm nghi ngờ đối với việc trì tụng Chú Đại Bi. Nếu quý vị có một chút hoài nghi thì sẽ không được toại nguyện. Sự “tất đắc quả toại” đòi hỏi chúng ta cần phải không có mảy may nghi ngờ; bởi chỉ cần có một chút hoài nghi, thì mọi việc sẽ không thể thành tựu được!




KINH VĂN:

 

Này thiện nam tử! Nếu người nào muốn sai khiến quỷ, thì tìm một chiếc xương sọ của kẻ qua đời, đem về rửa sạch. Kế đó lập đàn tràng để chiếc xương ấy trước tượng Thiên Nhãn, chí tâm tụng chú, mỗi ngày đều dùng hương hoa, cùng các thứ ăn uống cúng tế vong linh, đúng 7 ngày như thế, quỷ sẽ hiện thân, tùy theo mạng lịnh của người ấy sai bảo. 


 

SUTRA:

 

IF YOU WISH TO COMMAND GHOSTS, WASH A WILD BONE CLEAN, ERECT A PLATFORM BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE AND MAKE OFFERINGS OF MANY KINDS OF INCENSE, FLOWERS, FOOD, AND DRINK, DO THIS DAILY, AND ON THE SEVENTH DAY THE BODY WILL CERTAINLY APPEAR TO OBEY YOUR COMMANDS.

 

 

Commentary:

 

Yesterday, one of you remarked that this passage is very strange. Actually, it's not strange at all. It's a very common occurrence. But when people don’t understand the principles and the dharmas involved think they are strange.

 

For example, when the astronauts finally success in going to the moon and came back with some rocks, everyone thought that they were very strange, as though they were different from the rocks on Earth. Basically, Earth rocks and moon rocks are more or less the same. Moon rocks are not as valuable as diamond there's nothing particularly special about them. But although they are just rocks, several hundreds of millions of dollars have been spent to obtain them everyone thinks they are extremely precious. In the same way, those who do not understand the principle and the origins of the dharmas mentioned above thinks they are strange, when actually they are not apart the self-nature.

 

We shall now discuss commanding ghosts and spirits. Among the ancients, there were many who could command ghosts and spirits, but today few are able to do so and those who can are looked upon as peculiar, many people cultivate these dharmas or believe in it. Therefore, today not many can command ghosts.

 

If you can command a ghost or spirit, you can order him to do your work. You can summon a ghost say, "Sweep the floor, wipe off the table, and cook something to eat. Then, do the shopping!"

 

In the Ming dynasty there was a very intelligent man named Chi Hsiao-t'ang. When he competed for top position in the Imperial Examinations, his literary skill proved to be so high that his examiner became jealous and flunked him. Later, he left the home-life and had five ghosts accompany him and do his work. Originally, the five ghosts were demons, but they couldn't defeat Chi Hsiao-t'ang and so they took refuge with him and studied his Dharma tricks. They had to obey his every command and sometimes he would send them several thousands of miles away to spy and bring back news. Our modern spies can be seen, but the ghosts were invisible and so they could go anywhere on their missions. Chi Hsiao-t’ang accomplished this through his perfect cultivation of the Great Compassion Dharma.

 

The text says, IF YOU WISH TO COMMAND GHOSTS--the word "ghosts" includes the word "spirits"--WASH A WILD BONE CLEAN. What is a wild bone? A wild bone is one taken from a deserted, unprotected grave where no one makes offerings. In China, the family burial plots are watched over and guarded. However, one who dies without heirs may be buried in an out-of-the-way place, with no one to watch over the grave or to make offerings to the departed. You should take a piece of bone from any part of the corpse of one buried in such an unprotected grave and wash it thoroughly so that no shreds of flesh cling to it and it is clean, dry, and doesn't stink.

 

Then erect a PLATFORM, an area where people cannot casually enter and leave, and place a thousand-eyed, thousand-handed image of the Bodhisattva Who Regards the Sounds of the World at its head. Make many OFFERINGS to the bone, not the image of the Bodhisattva Make offerings of incense and flowers, food and drink. Do this for seven days and on the seventh day the soul of the ghost will return to the bone, and it will appear to receive your offerings. It may come during the day, or it may come at night, but when you see it, don't be afraid and say, "Oh! A ghost has come!" After all, you made offerings to it and asked it to come. If, when it finally shows up, you're afraid, it will see that you are not in control and will take over. "What did you call me for?" it will say. "Very well, follow me." Then you will be in its power. But if you are not afraid, you can tell it to do whatever you wish. At this time, whatever you do, don't forget to recite the Great Compassion Mantra; if you forget, the ghost will become unreasonable and angry.

 

TO OBEY YOUR COMMANDS means that you can say, "Move the mountain in front of us behind us," and it will.

 

The wild bone must come from a deserted grave. You have to remove it somewhat surreptitiously and, although it is a dharma of cultivation, there is still a certain amount of "unauthorized removal of bones" involved.

 



KINH VĂN:


Như hành nhơn muốn sai khiến Tứ Thiên Vương, thì tụng chú này vào gỗ đàn hương rồi đốt lên, sẽ thấy hiệu quả. Sở dĩ được như thế cũng là do nguyện lực đại từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát sâu nặng, lại cũng do oai thần rộng lớn của đà ra ni này. 


 

SUTRA:

 

IF YOU WISH TO COMMAND THE FOUR HEAVENLY KINGS, MANTRA SANDALWOOD INCENSE AND BURN IT. THE ABILITY TO COMMAND THEM ARISES THROUGH THE INTENSITY OF THE BODHISATTVA'S GREAT COMPASSIONATE VOW POWER AND THROUGH THE VAST, GREAT, AWESOME POWER OF THE DHARANI.

 

 

Commentary:

 

If you would rather have the FOUR HEAVENLY KINGS, as your servants, it can be arranged. Recite the Great Compassion Mantra 108 times and the Sunlight and Moonlight Dharanis each 108 times. If you simply recite the Great Compassion Mantra, it won't work. After reciting the mantras over the sandalwood incense, burn it. It doesn't say in the text whether or not the Four Heavenly Kings will appear in person, but if you are sincere, then if you say the mantras once and they are appear, you should do it again. Recite the mantras burn the incense over and over again every day. Therefore, at the end of seven days, the Four Heavenly Kings manifest.

 

At Nan Hua Monastery, the Sixth Patriarch opened his sitting cloth and it covered the four borders of Ts’ao Hsi, that is, everything within ten miles of where they stood. The Four Heavenly Kings then managed and stood on each of the four corners of the cloth. When the wealthy landowner Ch'en Ya-hsien saw this, he gave his land to the Triple Jewel. This happened because the Bodhisattva the Sixth Patriarch regularly cultivated the Great Compassion Dharma. When he wants to employ the Four Heavenly Kings, he said. "You should come and stand guard in the four directions and they did. They were so majestic and imposing the Ch'en Ya-hsien said, "I now know that the High Master spiritual powers are vast and great." The Sixth Patriarch had that accomplishment because of his reciting of the Great Compassion Mantra and cultivation of the Great Compassion Dharma.

 

THE ABILITY TO COMMAND THEM ARISES THROUGH THE INTENSITY OF THE BODHISATTVA'S GREAT COMPASSIONATE VOW POWER AND THROUGH THE VAST, GREAT, AWESOME POWER OF THE DHARANI. The Bodhisattva Who Regards the World's Sounds has vowed that those who recite and maintain the Great Compassion Mantra will obtain everything they seek. This is a profound and important vow. The power of commanding the Four Kings is also brought about through the greatly efficacious response of the awesome spirit of the Great Compassion Spiritual Mantra. You just can't possibly know how wonderful that response is.




KINH VĂN:

 

PHẬT CÁO A-NAN: “NHƯỢC HỮU QUỐC ĐỘ, TAI NẠN KHỞI THỜI, THỊ ĐỘ QUỐC VƯƠNG, NHƯỢC DĨ CHÁNH PHÁP TRỊ QUỐC, KHOAN TÚNG NHÂN VẬT, BẤT UỔNG CHÚNG SANH, XÁ CHƯ HỮU QUÁ, THẤT NHẬT THẤT DẠ, THÂN TÂM TINH TẤN, TỤNG TRÌ NHƯ THỊ ĐẠI BI TÂM ĐÀ-LA-NI THẦN CHÚ, LINH BỈ QUỐC ĐỘ, NHẤT THIẾT TAI NẠN TẤT GIAI TRỪ DIỆT, NGŨ CỐC PHONG ĐĂNG, VẠN TÁNH AN LẠC.”

Đức Phật bảo ngài A Nan: “Nếu có đất nước nào khi tai nạn nổi lên mà vị quốc vương của nước đó biết lấy Chánh Pháp để trị quốc, khoan túng với người và vật, không làm oan uổng chúng sanh, ân xá những kẻ có tội, và bảy ngày bảy đêm thân tâm luôn tinh tấn tụng trì thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni này; thì sẽ khiến cho trong đất nước ấy tất cả tai nạn đều tiêu tan, ngũ cốc được dồi dào, dân chúng được an lạc.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Đức Phật bảo ngài A Nan. Sau khi thuyết phần kinh văn trên xong, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Tôn giả Khánh Hỷ, tức là Tôn giả A Nan, vị tổ thứ hai của Ấn Độ, rằng: “Nếu có đất nước nào khi tai nạn nổi lên…”

Thế nào gọi là “tai”? Thế nào gọi là “nạn”? “Tai” thì có tam tai, tức là ba thứ tai ương-thủy tai, hỏa tai và phong tai. “Nạn” thì có bát nạn, tức là tám sự khó khăn. Thật ra, “nạn” không phải chỉ có tám mà là rất nhiều loại. Phàm gặp những sự việc mà mình không dễ gì vượt qua được, thì đều gọi là “nạn”; và lúc bấy giờ trong lòng thường cảm thấy rất buồn bực, khó chịu. Cho nên, có khi người ta ghép chung với chữ “kiếp”, thành ra “kiếp nạn”.

“Kiếp” là tiếng Phạn, vốn đọc là “kiếp-ba”; dịch sang tiếng Trung Hoa là “kiếp”. Chữ kiếp () này gồm có chữ khứ () và bên cạnh có thêm chữ nhận ( lưỡi dao); ý nói là đi tới chỗ lưỡi dao. Chữ “kiếp” lại ngụ ý rằng không dễ gì mà vượt qua, cũng ví như lưỡi dao đi xuyên qua người của quý vị thì quý vị sẽ bị giết chết vậy. Cho nên, đây gọi là “kiếp nạn”. Thật ra, những trận thủy tai, hỏa tai, phong tai, hoặc động đất, mưa gió bão lụt, đại hồng thủy, hay dịch bệnh truyền nhiễm… đều được gọi là “tai nạn” cả.

Khi trong một nước có xảy ra tai nạn, “mà vị quốc vương của nước đó biết lấy Chánh Pháp để trị quốc…” Giả sử rằng vị vua của đất nước này là người sùng bái Phật Pháp, hoặc thọ trì Ngũ Giới, tu hành Thập Thiện, thực hành Bồ Tát Đạo; và có thể “khoan túng với người và vật.” “Khoan” là rộng lượng; “túng” là phóng thích, thả ra. Không giam giữ người dân trong ngục tù thì gọi là “khoan túng”. Không bắt nhốt cầm thú trong lồng hay trong chuồng cũng gọi là “khoan túng”.

“Không làm oan uổng chúng sanh.” Chữ “uổng” ở đây được hiểu là “uổng sát” (giết oan). “Bất uổng” tức là không tùy tiện sát hại chúng sanh một cách oan uổng; và cũng hàm ý là đoạn trừ tâm hiếu sát, không giết hại chúng sanh.

“Ân xá những kẻ có tội.” Bất luận người dân có phạm những tội lỗi gì, nhà vua đều tha thứ cho họ, buông tha họ, không trách phạt họ.

“Và bảy ngày bảy đêm thân tâm luôn tinh tấn.” Trong suốt bảy ngày bảy đêm, vị quốc vương đó thân tinh tấn, tâm cũng tinh tấn--cả thân lẫn tâm đều tinh tấn; tinh tấn làm việc gì? Đó là tinh tấn “tụng trì thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni này.” Lại nữa, nếu cả ngày lẫn đêm vị quốc vương ấy đều siêng năng trì niệm Chú Đại Bi, tu pháp môn Tổng Trì Đà-La-Ni, “thì sẽ khiến cho trong đất nước ấy, tất cả tai nạn đều tiêu tan.” Chính bản thân vị quốc vương trông mong điều gì? Đó là mong sao tất cả tai nạn, bất luận là đại nạn hay tiểu nạn, tam tai bát nạn hay tam tai cửu nạn, thậm chí là tam tai thập nạn đi nữa, thì tất cả đều bị tiêu trừ, không còn xảy ra cho đất nước của mình nữa.

“Ngũ cốc được dồi dào.” “Ngũ cốc” là năm loại cây lương thực—thóc lúa, cao lương (kê), ngô (bắp), lúa mạch, và các thứ đậu. Đây là tất cả những cây lương thực mà đất nước này trồng trọt. “Phong” là phong túc, tức là dồi dào, đầy đủ; “đăng” có nghĩa là được mùa, ngũ cốc đầy kho.

“Dân chúng được an lạc.” “Vạn tánh” là “lão bá tánh,” tức là muôn dân, nhân dân trong nước. Bấy giờ, người dân ở đất nước đó sẽ không gặp phải tai họa, thảy đều được sống trong sự an lạc. Nếu ăn không được no, mặc không đủ ấm—tức là còn chịu khổ sở, là chưa được an lạc vậy.

Lần này, về phương diện tên gọi và thứ lớp của năm người xuất gia này—ba vị Tỳ-khưu, hai vị Tỳ-khưu-ni—đều là bất khả tư nghì! Trong số năm người này, người xuất gia trước nhất là Quả Tiền; khi chú ấy thọ quy y thì được tôi đặt tên là “Quả Tiền,” và quả nhiên chú đã xuất gia trước những người khác. Có kẻ muốn tranh đua, chạy tới giành đứng phía trước chú, nhưng rồi cũng không qua mặt được, bởi vì chú đã ở đằng trước rồi!

Còn Quả Ninh, vì trước đây trong lòng thường cảm thấy bứt rứt bất an; bất an về điều gì? Tự trong tâm mình dằn vặt, trăn trở rất lâu: “Làm thế nào mới phải?” Do đó, khi quy y, tôi đặt tên cho chú ấy là Quả Ninh, và tự là Hằng Tịnh, vì muốn cho chú ấy luôn được “an ninh”. Quả Tiền thì tự là Hằng Khiêm, tức “khiêm hư” (khiêm tốn, khiêm nhượng).

Người thứ ba là Quả Hiện, tôi cũng không hiểu vì sao lại đặt cho Quả Hiện cái tên này! Vốn là Quả Tiền xuất gia trước và thọ giới Sa Di trước Quả Hiện; nhưng tôi lại không nói cho rõ ràng mà chính chú ấy cũng không hiểu rõ cho lắm.

Lần này đi thọ giới, Quả Hiện không được đi, vì chú ấy đã nổi nóng và tự cầm dao chặt đứt một ngón tay của mình; thiếu mất một ngón tay thì đành phải thọ giới trễ một chút vậy. Lúc chặt ngón tay, chú ấy không cho tôi biết; nếu chú thưa với tôi trước, hỏi tôi một tiếng, rằng: “Con muốn chặt ngón tay có được không?”, thì có lẽ đã không bị tụt lại đằng sau như thế. Chú ấy đã không nói rõ với tôi, mà âm thầm chạy tới nhà bếp tự chặt đứt một ngón tay, và làm cho tấm thớt cắt rau cải bị ô uế. Tôi nói là cũng còn dùng được, cho nên không cần phải thay tấm thớt mới! Ây da, như thế vẫn dùng tấm thớt đó để cắt rau cải thì ăn vào có thể bị thành tinh không? Cũng chẳng hề chi, thì thành yêu tinh thôi! Quả Hiện vì thế mà phải nằm bệnh viện mất mấy hôm, nay thì Quả Tiền đã đi Đài Loan trước rồi!

Trong số các Tỳ Khưu Ni, Quả Dật xin xuất gia trước cho nên sẽ đứng trước Quả Tu; Quả Tu thì xin xuất gia sau, cho nên xếp theo thứ tự thọ giới mà tính thì cô ta đứng hàng thứ tư trong số các Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.

Chuyến này sang Đài Loan, quý vị nhất định phải giữ gìn đạo phong của Phật Giáo Giảng Đường chúng ta! Không nên đến Đài Loan rồi thấy người ta ai nấy đều một ngày ăn hai, ba bữa—sáng sớm ăn, chiều tối ăn, giữa trưa cũng ăn nữa—thì mình bèn cũng ăn chút đỉnh. Quý vị muốn ăn ư? Được thôi, có điều là như thế thì e rằng đối với nền Phật Giáo của đất nước Hoa Kỳ sẽ không được tốt đẹp cho lắm! Nếu quý vị nhất định nói rằng: “Tôi muốn làm đảo lộn Phật Giáo Hoa Kỳ một phen, không để cho nó phát triển theo chiều hướng tốt!”; thì quý vị có thể tuỳ ý, muốn ăn ngày hai bữa hay ba bữa đều được cả! Đây là vì quý vị sang Đài Loan rồi bị ảnh hưởng của nơi đó, chứ không phải vì nghe theo lời giáo hóa của Sư Phụ, không phải vì học pháp của Sư Phụ—mà là do học các pháp tu của Đài Loan. Tôi không ép buộc quý vị phải miễn cưỡng nghe lời tôi.

Có câu:

Sư phụ lãnh tiến môn,

Tu hành tại cá nhân.

(Sư Phụ dẫn tới cửa,

Tu hành do mỗi người!)

Hiện tại đã vào trong cửa của Phật Giáo, có thể nói rằng tôi đã đưa quý vị bước vào bên trong cửa rồi. Khi quý vị còn mê muội thì tôi dẫn dắt quý vị tới tận cửa; nay quý vị khai ngộ rồi, thì quý vị phải làm gì là đều do chính quý vị tự định đoạt. Sau khi thọ giới rồi, quý vị thích làm gì thì đó là chuyện riêng của quý vị!

Hôm nay tôi đem tên mà tôi đặt cho quý vị ra để sắp xếp, trong sự âm thầm lặng lẽ có một thứ cảnh giới bất khả tư nghì. Tên mà tôi đặt cho quý vị—không riêng gì quý vị mà đối với mọi người cũng vậy—tất cả đều có nhân duyên của nó. Việc này tuy không phải là to tát cho lắm, song cũng không phải là chuyện nhỏ nhặt, bởi nó có liên quan đến vấn đề tiền nhân hậu quả.

Lúc Đại Sư Liên Trì thọ giới, Ngài đến trước bàn thờ Phật, lạy Phật, niệm Phật, lạy sám hối và được Phật đến rờ đỉnh đầu, truyền giới; đồng thời Đại Sư Trí Giả cũng đến truyền giới cho Ngài. Do đó, Đại Sư Liên Trì không đến Đài Loan, cũng chẳng tới Hương Cảng, mà vẫn đắc được Cụ Túc Giới!

Hiện nay, nếu Quả Hiện thành tâm một chút, có thể siêng năng lạy Phật, niệm Phật, thì không chừng sẽ đắc được Cụ Túc Giới ngay tại đây; tuy nhiên, chú ấy có đắc giới hay không thì tôi đều biết rõ. Nếu đắc giới, thì càng tốt; nếu chưa đắc giới, thì cứ từ từ lại càng tốt hơn nữa. Đắc hay không đắc thì đều nên từ từ mà thỉnh cầu, thế nào cũng được Bồ Tát đến gia trì cho!

Quý vị đến Đài Loan thọ giới, cần ghi nhớ là phải dũng mãnh tinh tấn, chớ nên chẳng có chút tinh tấn gì cả. Nếu Quả Hiện, người ở lại, không được đi Đài Loan, thật sự “hiện thân thuyết pháp,” đắc được giới rồi; còn quý vị sang tận Đài Loan mà lại không đắc giới, thì quý vị thật là uổng công phí sức vậy! Ôi……..!



KINH VĂN:

 

“HỰU NHƯỢC VI Ư THA QUỐC OÁN ĐỊCH, SÁC LAI XÂM NHIỄU, BÁ TÁNH BẤT AN, ĐẠI THẦN MƯU PHẢN, DỊCH KHÍ LƯU HÀNH, THỦY HẠN BẤT ĐIỀU, NHẬT NGUYỆT THẤT ĐỘ, NHƯ THỊ CHỦNG CHỦNG TAI NẠN KHỞI THỜI, ĐƯƠNG TẠO THIÊN NHÃN ĐẠI BI TÂM TƯỢNG, DIỆN HƯỚNG TÂY PHƯƠNG, DĨ CHỦNG CHỦNG HƯƠNG HOA, TRÀNG PHAN BẢO CÁI, HOẶC BÁCH VỊ ẨM THỰC, CHÍ TÂM CÚNG DƯỜNG...”

 

“Lại nếu bị nước thù nghịch khác rất nhiều lần xâm lấn, quấy nhiễu khiến dân chúng không được yên ổn; đại thần mưu phản; dịch bệnh lan tràn; mưa lụt, hạn hán bất thường; mặt trời và mặt trăng mất điều độ; khi các loại tai nạn như thế xảy ra thì nên tạo tượng Thiên Nhãn Đại Bi Tâm day mặt về hướng Tây, rồi đem các thứ hương, hoa, tràng phan, bảo cái, hoặc trăm món đồ ăn thức uống mà chí tâm cúng dường…”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Oai lực của Chú Đại Bi là bất khả tư nghì; sự vi diệu của Chú Đại Bi là bất khả tư nghì; và sự cảm ứng của Chú Đại Bi cũng là bất khả tư nghì.

 [Đức Phật nói tiếp:] “Lại nếu bị nước thù nghịch khác” “Hựu” tức là lại thêm nữa; lại có một lực lượng khác, lực lượng nào? Không phải của nước mình mà là của nước oán địch khác. “Oán địch” có nghĩa là có cừu oán, thù nghịch.

“Rất nhiều lần xâm lấn, quấy nhiễu” Tiếng Trung Hoa, chữ “số”「數」vốn được đọc là “shù” (音樹), nhưng ở đây thì đọc là “shuò”(音朔)và có nghĩa là rất nhiều. Đây là chữ trong Luận Ngữ, nằm ở câu “sự quân sác, tư nhục hỹ!” Cho nên, quý vị nào đã từng đọc sách Luận Ngữ, thì sẽ biết đây là chữ “sác” (âm shuò); nếu chưa hề xem qua sách Luận Ngữ, thì quý vị sẽ cho đây là chữ “số” (âm shù). Thật ra, đọc là “số” thì cũng được, vì cũng có nghĩa là “nhiều”; thế nhưng, đọc là “sác” thì hàm ý là “rất nhiều lần”-rất nhiều lần bị nước thù nghịch khác xâm lấn, nhiễu loạn.

Thế nào gọi là “học thức”? Như trường hợp chữ “sác” này chẳng hạn, nếu là người không có học thức thì sẽ đọc là “số”; nhưng nếu quý vị có học thức thật sự thì cho dù không được ai chỉ bảo, quý vị vẫn biết và đọc là “sác”. Có người sẽ thắc mắc: “Thế chẳng hay Thầy có học thức chân thật chăng?” Tôi không có học thức chân thật, vẫn còn là thứ học thức “giả thật” mà thôi! “Vậy thì tại sao Thầy lại biết mà đọc như thế?” Chẳng qua là có nhiều người đọc như thế, cho nên tôi cũng cứ thế mà đọc theo thôi!

 “Dân chúng không được yên ổn.” Dân chúng trong quốc gia đó đều sống trong sự lo sợ, bất an; vì sao? Vì có bọn thổ phỉ thường tới cướp bóc.

“Đại thần mưu phản.” “Đại thần” là những người làm quan. “Mưu phản” tức là có người trong số đó âm mưu tạo phản, thành ra cuộc “tạo phản hữu lý”.

“Dịch bệnh lan tràn.” “Dịch” tức là ôn dịch. Giống như hiện nay, có những lúc xuất hiện bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh lan tràn khắp nơi. Ban đầu, bệnh dịch chỉ xuất hiện ở một địa phương, sau đó thì lan rộng cả thành phố. Thứ dịch bệnh này, quý vị đừng tưởng nó chỉ là một thứ dịch bệnh đơn thuần mà thôi đâu—đó đều là do bọn dịch quỷ làm ra. Dịch quỷ phóng ra dịch độc, người nào hít phải khí độc thì liền sanh bệnh, sẽ bị lây truyền bệnh cảm cúm.

 “Mưa lụt, hạn hán bất thường.” Thế nào là mưa lụt bất thường? Ví dụ đáng lẽ trời mưa một tháng thì lại mưa dầm dề suốt cả ba tháng, khiến cho các thứ hoa màu đều bị ngập úng vì nước ứ đọng quá nhiều. Tôi nghĩ rằng quý vị không thể không hiểu được điều này.

Còn hạn hán là thế nào? Vốn dĩ phải có mưa nhưng trời lại không đổ mưa, cả ngày từ sáng đến tối không có giọt nước mưa nào cả.

Bây giờ, nhân Trương Quả Huệ và Đàm Quả Thức đều có mặt ở đây, tôi sẽ kể về vận may của tôi, mong hai vị hãy làm chứng để mọi người tin tưởng lời tôi, đây không phải là tôi nói khoác lác. Ở Hương Cảng, cứ cách một khoảng thời gian là bị nạn hạn hán; và có một năm nọ, suốt hơn nửa năm trời mà không có một giọt mưa nào cả, khiến dân chúng toàn Hương Cảng hằng ngày đều phải hạn chế lượng nước sử dụng trong sinh hoạt, không có đủ nước để uống.

Trước kia, ở Tây Lạc Viên vốn không có nước, nhưng từ khi xây cất thành Chùa Tây Lạc Viên thì nơi đây lại có nước–nước từ trong khe đá chảy ra! Ban đầu, lúc mới có nước chảy ra, thì tôi gặp rất nhiều chuyện phiền phức. Phiền phức thế nào ư? Hàng xóm láng giềng đều đổ xô đến để giành lấy nước! Vừa thấy ở chỗ tôi có nước là lập tức hết người này đến người kia đem thùng đến giành nhau hứng nước, họ xếp cả hàng dài có hơn hai mươi mấy cái thùng chuẩn bị để đựng nước. Về sau, không còn cách nào khác, tôi đành phải dùng lưới sắt rào lại; nhờ đó mà không còn ai đến tranh giành lấy nước nữa. Này Trương Quả Huệ, sự việc lúc đó có phải là như thế không?

Bấy giờ, có một dạo suốt cả sáu tháng không có mưa, nguồn nước trong Tây Lạc Viên của tôi cũng khô cạn, lượng nước từ trên núi chảy xuống rất ít ỏi và lại nồng nặc mùi lưu huỳnh, không thể dùng để nấu ăn hay uống được. Lúc đó có Lưu Quả Quyên, mọi người còn nhớ không? Bấy giờ, tôi đã ra lệnh cho Lưu Quả Quyên rằng: “Nội trong ba ngày con phải cầu xin cho được mưa xuống! Con phải ngày ngày niệm Phật cầu nguyện, nếu cầu mà không được thì đừng đến gặp mặt Sư Phụ nữa!” Tôi đã nói với bà ta như vậy đấy. Lưu Quả Quyên nghe tôi ra lệnh như vậy thì hoảng hốt, bởi vì điều làm bà ta lo sợ nhất là không được gặp Sư Phụ. Vì thế cho nên việc gì bà ta cũng chấp nhận, miễn sao bất cứ lúc nào cũng có thể được gặp Sư Phụ! Người đệ tử lão thành này do hoang mang, lo sợ nên ngày ngày đều cầm xâu chuỗi trong tay chăm chỉ niệm Phật, bận rộn niệm Chú Đại Bi, khoảng ba hôm liền quên ăn quên ngủ, cứ lo là không cầu được mưa!

Trong thời gian hơn nửa năm ấy, tất cả các Phật Đường, chùa chiền, am miếu, trai đường, Đông Phổ Đà, Tây Phổ Đà… ở Hương Cảng đều cầu mưa, song cầu xin ròng rã suốt mấy tháng trời mà trời vẫn chưa đổ mưa. Ở chỗ tôi, sau khi tôi kỳ hạn cho Quả Quyên nếu nội trong ba ngày mà cầu không được mưa thì đừng đến gặp mặt tôi, thì chỉ khoảng hai ngày rưỡi sau là trời bắt đầu đổ mưa. Trời vừa đổ mưa thì tất cả các Phật Đường đều rầm rộ đăng báo “quảng cáo”—nơi này thì nói rằng: “Cơn mưa này là nhờ chúng tôi cầu nguyện mà được đấy!”; nơi khác lại đưa tin: “Cơn mưa này là do Phật Đường chúng tôi cầu xin đấy!” Ái chà! Tất cả các Phật Đường đều có công lao, duy chỉ có Chùa Tây Lạc Viên là không báo công cũng chẳng báo đức; và mưa thì cứ thế mà trút xuống!

Vì sao lại xảy ra chuyện như thế? Vì sao tôi lại hạn định cho Quả Quyên nội trong ba ngày phải cầu cho được mưa? Thật ra, tôi nói cho quý vị biết, không cần phải đợi tới ba ngày mà ngay trong ngày hôm đó, nếu tôi bảo mưa thì trời sẽ đổ mưa ngay; tuy nhiên, tôi muốn cho người đệ tử kỳ cựu này niệm Phật nhiều hơn, tích lũy công đức nhiều hơn, cho nên tôi đã giao công việc này cho bà, bảo bà vì mọi người mà cầu mưa.

Tôi biết rằng không cần phải đợi tới ba ngày mà chỉ nội trong một ngày, tôi muốn có mưa thì sẽ có mưa ngay; vì sao? Vì tôi có mười đệ tử là rồng, và cả mười chú rồng này, hễ tôi bảo chú rồng nào làm mưa thì chú ấy đều mưa xuống cho tôi một ít nước. Cũng giống như sáu đệ tử xuất gia người Mỹ của tôi hiện nay vậy–tôi bảo họ làm gì thì họ đều răm rắp làm theo; nếu người nào không vâng lời thì tôi cũng không cần đến người đó nữa, tôi chẳng cưỡng ép ai cả. Cũng như chú tiểu Sa-di không chịu nghe lời tôi răn dạy, tự chặt đứt một ngón tay của mình nên đã bị đuổi ra khỏi chùa; bây giờ, sau mấy tháng, chú ấy xin được về chùa lại. Tôi tự nghĩ: “Không đúng! Bất luận chú ấy có chịu nghe lời hay không, thì cũng phải đợi một thời gian nữa xem sao!” Thế là tôi cho phép chú ấy trở về chùa. Ban đầu thì cũng có rất nhiều người phản đối, không muốn cho chú ấy trở về, nhưng tôi bảo là không nên ngăn cấm chú ấy trở về, và thế là chú ấy đã về chùa lại rồi.

Tôi lại chuốc lấy phiền phức rồi! Phiền phức vì chuyện gì? Có một người đến tìm tôi và khi gặp tôi thì liền chất vấn: “Bộ Thầy nói thành phố San Francisco không động đất thì sẽ không động đất hay sao? Lời Thầy nói đã chẳng thành hiện thực!”  

Không sai! Hôm mồng một tháng ba năm ngoái, có người nói là vào khoảng tháng tư hoặc tháng năm, sẽ có trận động đất xảy ra ở thành phố San Francisco, thì tôi có nói rằng: “Tôi không cho phép đất chấn động!”

Tôi đã cả gan dám thốt ra lời “đại ngôn,” khoác lác to lớn như thế! Lời nói này xem ra chỉ lớn bằng một hạt bụi! “Hễ ngày nào tôi còn ở thành phố San Francisco, thì tôi sẽ không cho phép đất nơi này chấn động! Đến khi nào tôi rời khỏi nơi này, thì tôi mới không còn quan tâm đến nó nữa mà thôi!” Nói về địa chấn, thì tôi có thể nói như thế này: Đối với đại địa chấn thì tôi sẽ khiến cho nó nhỏ bớt một chút; còn nếu là tiểu địa chấn thì tôi sẽ khiến cho nó không xảy ra!

Hồi năm ngoái, có người tin tưởng lời tôi và bảo tôi đừng rời khỏi San Francisco, bởi vì nếu tôi đi rồi thì sợ rằng thành phố này sẽ bị chìm dưới đáy biển, chẳng có cách nào cứu vãn được! Nghe họ nói như thế, tôi bèn trấn an họ rằng: “Quý vị chớ lo sợ, San Francisco sẽ không bị động đất đâu!” Có nhiều người cho rằng chắc chắn là tôi không đúng, bởi họ dựa trên sự tính toán khoa học. Tôi nói rằng tôi cũng tính toán vậy, và theo cách tính toán không khoa học của tôi thì sẽ không có động đất xảy ra. Tôi dám lớn tiếng khẳng định: “Tôi không cho phép đất chấn động! Quý vị hãy yên tâm đi!” Thế nhưng, một số người giàu có không tin, bèn dọn đi khỏi San Francisco. Có một số người lại không sợ; vì không sợ, nên chẳng thèm có động tĩnh gì!

Cuối cùng, có động đất xảy ra đấy, nhưng cơn chấn động này có cường độ rất nhỏ; vì sao lại được như thế? Đó là do tôi đã bảo chư vị hộ pháp phải ủng hộ. Tôi biết rằng thiên long bát bộ, chư thiện thần hộ pháp, nhất định sẽ ủng hộ, che chở cho chúng ta; vì sao? Vì chư thiên long bát bộ hộ pháp sẽ không hại người!

Hoặc là trong quốc gia đó xảy ra hiện tượng “mặt trời và mặt trăng mất điều độ. “Nhật” là mặt trời, tức là ban ngày; “nguyệt” là mặt trăng, tức là ban đêm; “thất độ” là thất thường, mất cân bằng—có lúc thì mặt trời chiếu gay gắt, có lúc thì mặt  trăng tròn dịu mát. Hiện tượng này không phải là gia tăng dần dần từng ngày một, hoặc là mỗi ngày mỗi giảm thiểu từ từ; mà là khoảng cách đột nhiên kéo dài hoặc đột nhiên thu ngắn lại. Đây gọi là “nhật nguyệt thất độ”, là không cân bằng; và chính là biểu hiện của một loại thiên tai.

“Khi có các loại tai nạn như thế xảy ra thì nên tạo tượng của Thiên Nhãn Đại Bi Tâm–tức là Bồ Tát Quán Thế Âm–mặt day về hướng Tây.” Bấy giờ, cần phải tạc tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và đặt tượng quay mặt về hướng Tây. Bởi vì Đức Phật A Di Đà thì ở phương Tây và là thầy của Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn về hướng thầy mình là tỏ lòng cung kính của người đệ tử.

Như sáu người đệ tử của tôi, khi nghe có người khen ngợi sư phụ của họ, rằng: “Thật là bất khả tư nghì! Thầy của quý vị quả đúng là có thần thông! Ông ta nói ra điều gì cũng linh nghiệm cả. Chà! Nói có mưa là có mưa xuống ngay!”; thì họ không hoan hỷ cho lắm. Thế nhưng, nếu có người nhục mạ sư phụ của họ ngay trước mặt họ, như nói rằng: “Ông Sư phụ của quý vị cái gì cũng không hiểu cả, quý vị theo ông ta thì học được cái gì chứ? Quý vị càng học thì càng ngu si hơn, càng học lại càng mê muội thêm mà thôi!”; thì có thể họ liền tức tối đáp trả: “Mấy người dám ăn nói như thế à? Tôi phải đánh chết mấy người!” Và, như thế là họ sắp phạm giới rồi, có phải vậy không? Thế nhưng, họ không nên làm như thế. Họ cần phải nhịn nhục. Họ phải biết nhẫn nại!

 “Rồi đem các thứ hương hoa, tràng phan, bảo cái, hoặc trăm món đồ ăn thức uống mà chí tâm cúng dường.” Sau khi thiết đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, quý vị hãy thành tâm dâng cúng các loại hương, các loại hoa, cùng tràng phan bảo cái và cả trăm món ăn thức uống. Chí tâm cúng dường cho ai? Đó là cúng dường cho Bồ Tát Quán Thế Âm!



KINH VĂN:

 

“KỲ VƯƠNG HỰU NĂNG THẤT NHẬT THẤT DẠ, THÂN TÂM TINH TẤN, TỤNG TRÌ NHƯ THỊ ĐÀ-LA-NI THẦN DIỆU CHƯƠNG CÚ, NGOẠI QUỐC OÁN ĐỊCH, TỨC TỰ HÀNG PHỤC, CÁC HOÀN CHÍNH TRỊ, BẤT TƯƠNG NHIỄU NÃO, QUỐC THỔ TƯƠNG THÔNG, TỪ TÂM TƯƠNG HƯỚNG, VƯƠNG TỬ BÁCH QUAN, GIAI HÀNH TRUNG XÍCH, PHI HẬU THỂ NỮ, HIẾU KÍNH HƯỚNG VƯƠNG, CHƯ LONG QUỶ THẦN, ỦNG HỘ KỲ QUỐC, VŨ TRẠCH THUẬN THỜI, QUẢ THỰC PHONG NHIÊU, NHÂN DÂN HOAN LẠC.”

 

“Nếu vị quốc vương đó lại có thể bảy ngày bảy đêm thân tâm tinh tấn trì tụng chương cú thần diệu Đà La Ni này, thì nước ngoài oán địch sẽ tự hàng phục và trở về lãnh thổ của mình, không quấy nhiễu nhau nữa; đất nước thông thương, thân thiện bang giao; vương tử, bá quan đều hết mực trung thành; phi, hậu, thể nữ thảy đều hiếu kính với vua; chư long, quỷ, thần đều ủng hộ nước đó; mưa gió thuận hòa, hoa quả phong phú dồi dào, nhân dân vui vẻ an lạc.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

[Đức Phật dạy:] “Nếu vị quốc vương đó lại có thể bảy ngày bảy đêm thân tâm tinh tấn…” Lại nữa, giả sử vị quốc vương đó còn có thể giữ cho cả thân lẫn tâm mình luôn được siêng năng tinh tấn trong suốt bảy ngày bảy đêm; tinh tấn làm việc gì? Đó là tinh tấn “trì tụng chương cú thần diệu Đà-La-Ni này”. Bấy giờ, tình thế sẽ như thế nào?

 

“Thì nước ngoài oán địch sẽ tự hàng phục và trở về lãnh thổ của mình.” Những kẻ ngoại bang thù nghịch đều sẽ tự đầu hàng và rút lui về nước của họ, đồng thời cũng hoàn trả lại đất đai mà họ đã xâm chiếm cho vị quốc vương đó; và đôi bên sẽ “không quấy nhiễu nhau nữa.” Bấy giờ, “đất nước thông thương, thân thiện bang giao.” Nước này giao hảo, kết bạn với nước kia, và đều lấy lòng từ bi mà đối đãi nhau.

 

“Vương tử, bá quan đều hết mực trung thành.” “Trung” tức là hiệu trung, một lòng một dạ trung thành tận tụy, không gian dối. “Phi, hậu, thể nữ thảy đều hiếu kính với vua.” “Phi” là phi tần; “hậu” là hoàng hậu; “thể nữ” là các cung nga, cung nữ phục dịch trong hoàng cung. Đối với vị quốc vương này, thì hoàng hậu, phi tần, cùng các cung nữ đều một lòng tôn kính, phục tùng.

 

“Chư long, quỷ, thần đều ủng hộ nước đó.” Tôi từng nói với quý vị là tôi có mười đệ tử quy y thuộc loài rồng; quý vị không tin ư? Ở đây, “quỷ” là nói chung cho tất cả quỷ thiện và quỷ ác. Nói có quỷ thiện là thế nào? Quý vị xem trong Kinh Địa Tạng có đề cập đến các đại quỷ vương như Chủ Tài Quỷ Vương, Chủ Mạng Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương—đây chẳng phải toàn là quỷ thiện hay sao? “Thần” thì cũng có thần ác và thần thiện. Trong số các thần ác thì cũng có quỷ ác, và lực lượng của những quỷ ác này to lớn hơn nhiều; và tất cả đều đến ủng hộ đất nước đó.

 

“Mưa gió thuận hòa.” Thế nào gọi là “vũ trạch thuận thời”? Đó là mưa gió đúng mùa, đúng lúc -tới lúc cần mưa thì có mưa xuống, khi không cần có mưa thì trời trong mây tạnh.

 

“Hoa quả phong phú, dồi dào.” “Quả thực” tức là tất cả các loại trái cây, hoa quả; và ở đây cũng có thể nói là “ngũ cốc phong phú, dồi dào.” “Phong nhiêu,” tức là thu hoạch được rất nhiều -chẳng hạn như năm ngoái thu hoạch được 500 pounds (227 kg)  thì năm nay được tới 2.000 pounds (907 kg), tức là bội thu gấp ba, bốn lần. Đó gọi là “phong nhiêu.” Quý vị có hiểu không? Nếu quý vị hiểu rồi thì tôi khỏi phải giảng giải dông dài nữa!

 

“Nhân dân vui vẻ, an lạc.” Quý vị hẳn là đều hiểu tiếng Trung Hoa, cho nên tôi vừa giảng thì quý vị đều bật cười!




KINH VĂN:

 

“HỰU NHƯỢC GIA NỘI NGỘ ĐẠI ÁC BỆNH, BÁCH QUÁI CẠNH KHỞI, QUỶ THẦN TÀ MA HAO LOẠN KỲ GIA, ÁC NHÂN HOÀNH TẠO KHẨU THIỆT, DĨ TƯƠNG MƯU HẠI, THẤT GIA ĐẠI TIỂU NỘI NGOẠI BẤT HÒA GIẢ, THƯỜNG HƯỚNG THIÊN NHÃN ĐẠI BI TƯỢNG TIỀN, THIẾT KỲ ĐÀN TRÀNG, CHÍ TÂM NIỆM QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT, TỤNG THỬ ĐÀ-LA-NI MÃN KỲ THIÊN BIẾN, NHƯ THƯỢNG ÁC SỰ TẤT GIAI TIÊU DIỆT, VĨNH ĐẮC AN ẨN.”

 

“Lại nếu trong nhà gặp phải bệnh nặng, trăm điều quái dị khởi lên, quỷ thần tà ma não loạn làm cho cửa nhà sa sút, kẻ ác gieo điều tiếng xấu mưu toan hãm hại, gia đình lớn nhỏ trong ngoài đều bất hòa, thì nên hướng trước

tượng Thiên Nhãn Đại Bi mà thiết đàn tràng, chí tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và tụng Đà La Ni này đủ một ngàn biến, thì các việc xấu như trên thảy đều tiêu diệt, vĩnh viễn được yên ổn, an vui.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

“Lại nếu trong nhà gặp phải bệnh nặng… Gia nội” tức là bên trong căn nhà, và cũng có nghĩa là người trong gia đình. Giả sử trong nhà của quý vị có người mắc phải một chứng bệnh ngặt nghèo, thầy thuốc nào cũng bó tay, không chữa trị được.

 

Hoặc là trong nhà có “trăm điều quái dị khởi lên, quỷ thần tà ma não loạn làm cho cửa nhà sa sút.” Vì sao gia đình của quý vị lại ra nông nỗi như thế? Đó là do các quỷ thần tà ma ở trong căn nhà ấy gây rối loạn.

 

Hoặc là quý vị bị “kẻ ác gieo điều tiếng xấu.” Có thể có nhiều người xấu bịa đặt chuyện thị phi này nọ, chuyện có nói không, chuyện không nói có, toàn là “không gió mà dậy sóng”, tạo ra điều thất thiệt, “mưu toan hãm hại” quý vị. Giả sử là có những kẻ có lòng dạ ác độc dùng lời lẽ khích bác, ly gián, âm mưu hãm hại quý vị, khiến cho “gia đình lớn nhỏ trong ngoài đều bất hòa.” Bấy giờ, trong gia đình của quý vị, cả người lớn lẫn trẻ con đều không hòa hợp nhau, và có lẽ đối với thân bằng quyến thuộc ở ngoài cũng luôn xích mích, không hòa thuận.

 

Trước tình cảnh ấy, quý vị nên “hướng trước tượng Thiên Nhãn Đại Bi--tức là tượng của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Quán Thế Âm—mà thiết đàn tràng, chí tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.” Quý vị nên đem lòng chí thành mà khẩn thiết trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, “và tụng Đà La Ni này—Chú Đại Bi - đủ một ngàn biến, thì tất cả những việc xấu kể trên đều sẽ tiêu trừ, không còn xảy ra nữa, và quý vị sẽ vĩnh viễn được yên ổn, an vui.”



KINH VĂN:

 

A-NAN BẠCH PHẬT NGÔN: “THẾ TÔN! THỬ CHÚ DANH HÀ? VÂN HÀ THỌ TRÌ?”

PHẬT CÁO A-NAN: “NHƯ THỊ THẦN CHÚ HỮU CHỦNG CHỦNG DANH:

NHẤT DANH QUẢNG ĐẠI VIÊN MÃN.

NHẤT DANH VÔ NGẠI ĐẠI BI.

NHẤT DANH CỨU KHỔ ĐÀ-LA-NI.                

NHẤT DANH DIÊN THỌ ĐÀ-LA-NI.

NHẤT DANH DIỆT ÁC THÚ ĐÀ-LA-NI.

NHẤT DANH PHÁ ÁC NGHIỆP CHƯỚNG ĐÀ-LA-NI.

NHẤT DANH MÃN NGUYỆN ĐÀ-LA-NI.

NHẤT DANH TÙY TÂM TỰ TẠI ĐÀ-LA-NI.

NHẤT DANH TỐC SIÊU THƯỢNG ĐỊA ĐÀ-LA-NI.

NHƯ THỊ THỌ TRÌ.”

 

A Nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chú này tên gọi là gì? Thọ trì như thế nào?”

Đức Phật bảo A Nan: “Thần chú này có vô số tên gọi:

Một tên là Quảng Đại Viên Mãn,

Một tên là Vô Ngại Đại Bi,

Một tên là Cứu Khổ Đà La Ni,

Một tên là Diên Thọ Đà La Ni,

Một tên là Diệt Ác Thú Đà La Ni,

Một tên là Phá Ác Nghiệp Chướng Đà La Ni,

Một tên là Mãn Nguyện Đà La Ni,

Một tên là Tùy Tâm Tự Tại Đà La Ni,

Một tên là Tốc Siêu Thượng Địa Đà La Ni.

Hãy y như thế mà thọ trì.”

 

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

A Nan bạch Phật rằng… Khi ấy, Tôn giả A Nan thưa với Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, chú này tên gọi là gì? Chẳng hay tên của bài chú này là gì?” Quý vị cho rằng trong phần trước ngài A Nan đã nghe Bồ Tát Quán Thế Âm thuyết giảng dông dài như thế mà vẫn chưa biết được tên của bài chú này hay sao? 

“Thọ trì như thế nào? Và chẳng hay chúng con phải tụng niệm, thọ trì bài chú này như thế nào?”

Đức Phật bảo A Nan: “Thần chú này có vô số tên gọi.” Bài chú vi diệu như thế này không phải chỉ có một mà là rất nhiều tên gọi khác nhau. Thí dụ như người này có tên là Steve, lại cũng được gọi là Quả Chiêm; và anh ta còn có một cái tên khác nữa, đó là gì vậy? Còn người kia có tên là Quả Ninh, lại cũng được gọi là Hằng Tịnh--một người có thể có rất nhiều tên gọi khác nhau. Bài chú này cũng vậy, cũng có nhiều tên gọi khác nhau:

1) Một tên là Quảng Đại Viên Mãn. Chú này có một tên là “Quảng Đại Viên Mãn”, tức là vừa rộng lớn lại vừa tròn đầy.

2) Một tên là Vô Ngại Đại Bi. “Vô ngại đại bi” tức là đã không có chỗ chướng ngại mà còn đầy đủ tánh đại bi.

3) Một tên là Cứu Khổ Đà La Ni. “Cứu Khổ Đà La Ni” tức là một loại thần chú tổng trì có công năng cứu giúp tất cả tật bệnh khổ não.

4) Một tên là Diên Thọ Đà La Ni. Nếu có người đang lúc hấp hối mà được quý vị niệm Chú Đại Bi cho, thì người đó sẽ được sống lâu thêm, cho nên chú này còn được gọi là chú tổng trì Trường Mệnh.

5) Một tên là Diệt Ác Thú Đà La Ni. “Diệt ác thú” tức là có công năng tiêu diệt bốn đường ác - địa ngục, ác quỷ, súc sanh và A tu la.

6) Một tên là Phá Ác Nghiệp Chướng Đà La Ni. Chú này có công năng phá trừ tất cả các nghiệp chướng xấu ác. Thế nhưng, quý vị chớ nên cho rằng bởi Chú Đại Bi là Đà La Ni có thể phá trừ các nghiệp ác, bèn niệm chú này rồi tha hồ tạo ác tác nghiệp, thì cũng được phá trừ: “Cho dù mình có gây tạo một chút nghiệp chướng đi chăng nữa thì đã có Chú Đại Bi sẵn sàng giải trừ cho mình. A! Nếu mình mặc sức gây tạo, thì Chú Đại Bi cũng sẽ tận lực phá trừ, giống như ‘phá trận’ vậy.” Chẳng phải như thế đâu!

Những nghiệp chướng xấu ác trước kia của quý vị thì Chú Đại Bi có thể phá giải được; song nay quý vị đã biết rõ rằng nghiệp chướng này đích thị là nghiệp chướng xấu ác, thì lẽ ra quý vị không nên tạo tác nữa mới phải! Nếu nay quý vị còn tiếp tục gây thêm nghiệp chướng xấu ác nữa, thì đừng nói là một cái Đà La Ni, cho dù một vạn cái Đà La Ni cũng không thể nào phá nổi nghiệp chướng xấu ác “biết rõ mà vẫn cố phạm” của quý vị được! Cho nên, quý vị cần phải hiểu rõ điểm này.

7) Một tên là Mãn Nguyện Đà La Ni. Chú này lại có một tên gọi nữa là Mãn Nguyện Đà La Ni. Quý vị trì niệm Chú này thì cầu chi được nấy.

Thí dụ quý vị ao ước: “Tôi muốn được phát tài”, thì quý vị hãy niệm Chú Đại Bi tất sẽ được phát tài. Hoặc quý vị nói: “Tôi muốn được làm quan!”, thì quý vị cũng sẽ được toại nguyện. Hoặc nói rằng: “Tôi vẫn còn muốn nhiều thứ nữa, tôi muốn đến Reno đánh bạc! Thế thì tôi niệm Chú Đại Bi liệu có được linh ứng chăng? Tôi viết cái lottery này sẽ trúng chứ? Viết mười chữ thì trúng được chín chữ, hoặc cả mười chữ; có thể được không?” Điều này thì tôi không biết chắc, tôi không thể bảo đảm được. I don’t guarantee it! Quý vị cầu xin những việc chánh đáng thì tôi bảo đảm; còn nếu cầu xin điều tà vạy thì tôi chẳng thể bảo đảm được!

8) Một tên là Tùy Tâm Tự Tại Đà La Ni. Chú này còn có tên là Tùy Tâm Tự Tại—quý vị trong lòng nghĩ cái gì thì sẽ đạt được cái nấy.

9) Một tên là Tốc Siêu Thượng Địa Đà La Ni. Chú tổng trì này lại còn có tên là Tốc Siêu Thượng Địa - sẽ giúp hành giả vượt lên đến vị trí Thập Địa một cách mau chóng.

"Hãy y như thế mà thọ trì.” Trên đây là một số tên gọi khác nhau của Chú Đại Bi, quý vị nên “nhìn tên mà nghĩ đến nghĩa” (cố danh tư nghĩa), rồi chiếu theo đó mà thọ trì, tu hành.

Trong số các vị sẽ sang Đài Loan cầu giới [Cụ Túc] chuyến này, có một vị đã hỏi tôi: Đến đó [Đài Loan] rồi chúng con có được ăn thịt không?” Quý vị thử đoán xem người nêu thắc mắc đó là ai? Tôi nói cho quý vị biết, đó chính là người đã tới hỏi tôi câu hỏi ấy đấy! Tôi trả lời rằng họ có thể ăn thịt; nhưng phải ăn thứ thịt nào? Phen này là phải ăn “thịt” Lăng Nghiêm!

Một vị khác lại hỏi tôi: “[Đến Đài Loan] con có được phép uống rượu không?” Quý vị đừng thắc mắc là ai hỏi, nói chung là một người thích uống rượu hỏi đấy! Tôi bảo người đó rằng anh ta có thể uống rượu; nhưng phải uống loại rượu nào? Phải uống “rượu” Đại Bi! Mọi người hãy lấy Lăng Nghiêm làm thịt, lấy Đại Bi làm rượu!

Nói thế thì có cần ăn cơm hay không? Cơm thì đương nhiên là phải ăn rồi; thế thì các vị nên ăn thứ cơm nào? Ăn “cơm” Pháp Hoa! Hãy lấy Kinh Pháp Hoa làm cơm để ăn!

Tôi cần căn dặn các vị là lúc ở trên máy bay thì các vị chớ nên bồn chồn lo sợ. Các vị có “thịt Lăng Nghiêm” ăn no nê, có “rượu Đại Bi” uống thỏa thích, có “cơm Pháp Hoa” đầy một bụng—thì không có điều gì phải lo lắng, sợ hãi nữa cả! Chiếc máy bay đó cho dù đáng lẽ phải gặp chuyện rủi ro, thì cũng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu! Bởi vì các vị đã có ba món bảo bối này bảo vệ, che chở cho mình rồi. Thêm vào đó là nhóm năm người của các vị nữa, thành ra có đến bốn thứ bảo bối lận! Vì thế, các vị chớ nên sợ hãi. Tuy nhiên, nếu các vị hiểu rõ được đạo lý mà tôi đang nói đây thì các vị mới có thể uống thứ rượu này, ăn thứ thịt này, và ăn thứ cơm này; còn nếu chưa hiểu thì hãy đi tham cứu ngay đi!



KINH VĂN:

 

A-NAN BẠCH PHẬT NGÔN: “THẾ TÔN! THỬ BỒ-TÁT MA-HA-TÁT DANH TỰ HÀ ĐẲNG, THIỆN NĂNG TUYÊN THUYẾT NHƯ THỊ ĐÀ-LA-NI?”

 

PHẬT NGÔN: “THỬ BỒ-TÁT DANH QUÁN THẾ ÂM TỰ TẠI, DIỆC DANH NHIÊN SÁCH, DIỆC DANH THIÊN QUANG NHÃN.

 

THIỆN NAM TỬ! THỬ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, BẤT KHẢ TƯ NGHỊ UY THẦN CHI LỰC, DĨ Ư QUÁ KHỨ VÔ LƯỢNG KIẾP TRUNG, DĨ TÁC PHẬT CÁNH, HIỆU CHÁNH PHÁP MINH NHƯ LAI, ĐẠI BI NGUYỆN LỰC, VI DỤC PHÁT KHỞI NHẤT THIẾT BỒ TÁT, AN LẠC THÀNH THỤC CHƯ CHÚNG SANH CỐ, HIỆN TÁC BỒ TÁT.”

 

A Nan bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Vị Bồ Tát Ma Ha Tát này tên gọi là gì mà khéo tuyên nói Đà La Ni như thế?”

 

Đức Phật bảo: “Vị Bồ Tát này tên là Quán Thế Âm Tự Tại, cũng tên là Nhiên Sách, cũng tên là Thiên Quang Nhãn.

 

“Này thiện nam tử! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này thần thông oai lực không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về trước đã từng thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các Bồ Tát, an vui thành thục cho mọi chúng sanh, mà hiện làm Bồ Tát.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

A Nan bạch cùng Đức Phật rằng… Tôn giả A Nan vốn là em bà con của Phật và là con của vua Hộc Phạn; trong Phật Giáo, ngài A Nan là bậc đa văn đệ nhất--đứng đầu về đa văn. Thế nào gọi là ―đa văn”? ―Đa văn” tức là nghe được nhiều, sức ghi nhớ cũng là đệ nhất. Ngài A Nan chỉ nghe qua một lần là liền ghi nhớ, không bao giờ quên. Vì sao Ngài có được trí nhớ mạnh mẽ như vậy? Đó là nhờ trong những đời ở quá khứ, Ngài đã từng tu Định lực và tu được rất nhiều. Do Định lực đầy đủ, cho nên Ngài không bị tán loạn; nhờ không tán loạn nên chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi. Chính nhờ thế mà kinh điển do Đức Phật tuyên thuyết, ngài A Nan đều có thể ghi nhớ và chép lại toàn bộ, không sót một chữ.

 

 

Tướng mạo của Tôn giả A Nan rất giống Đức Phật--Phật có 32 tướng tốt thì A Nan cũng có được 30 tướng hảo, cho nên tướng mạo của A Nan đặc biệt viên mãn. Tên ―A Nan” vốn là phiên âm từ tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Hoa là Khánh Hỷ [mừng vui]. Vì sao gọi là ―Khánh Hỷ”? Bởi vì Ngài A Nan ra đời nhằm ngày Đức Phật thành Đạo--Phật thì thành Đạo, A Nan cũng vừa chào đời, cho nên được gọi là Khánh Hỷ, toàn là chuyện vui cả.

Tôn giả A Nan đối trước Phật mà thỉnh hỏi rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! …” Thế nào gọi là Thế Tôn? ―Thế” là thế gian, ―tôn” là ―thế xuất thế chi tôn,” tức là sự tôn quý nhất trong thế gian và xuất thế gian. “Vị Bồ Tát Ma Ha Tát này tên gọi là gì mà khéo tuyên thuyết Đà La Ni như thế?” Chẳng hay tôn danh của vị Đại Bồ Tát này là gì mà vị ấy có thể khéo léo diễn thuyết thần chú tổng trì như thế. ―Tuyên thuyết” chính là tuyên diễn, tuyên thuật, nói ra, thuật lại. ―Đà La Ni như thế” tức là Đà La Ni đã nói đến ở phần trước.

 

Đức Phật bảo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời ngài A Nan rằng: “Vị Bồ Tát này tên là Quán Thế Âm Tự Tại.” ―Quán,” tức là quán sát, cũng chính là dùng trí huệ năng quán của Bồ Tát để quán sát. Quán sát cái gì? Quán sát âm thanh của thế giới--âm thanh của thế giới cũng chính là cảnh giới sở quán. Cảnh giới sở quán của vị Bồ Tát này là gì? Đó là vô số cảnh giới của tất cả chúng sanh--tất cả những chúng sanh thiện, chúng sanh ác, chúng sanh mạnh, chúng sanh yếu, vô số chủng loại--âm thanh của hết thảy chúng sanh là cảnh giới mà Bồ Tát quán sát. Lấy trí tuệ năng quán để quán sát cảnh giới sở quán. Thế nhưng, ngay trong lúc này nếu không có định lực, thì sẽ như thế nào? Do Bồ Tát có đại định, cho nên đạt được tự tại; vậy sự tự tại này là gì? Đó cũng chính là biểu hiện của định lực! Nếu không có định lực thì sẽ không được tự tại; không tự tại thì sẽ bị tám gió (bát phong) làm lay chuyển, dao động, chao đảo.

 

 

Về Bát phong, tám thứ gió này, thì tôi đã giảng rất nhiều lần rồi, không biết là quý vị có còn nhớ hay không? Thôi thì hôm nay tôi giảng lại một lần nữa vậy. Bát phong chính là tám loại cảnh giới. Người không có định lực thì sẽ chạy theo tám loại cảnh giới; người có định lực thì sẽ không bị tám loại cảnh giới này làm cho dao động. Trước đây, Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn thường hay gặp gỡ, đàm đạo với nhau. Tô Đông Pha ngày ngày ở tại Giang Nam ngồi tham thiền, cảm thấy cảnh giới của mình là cao nhất rồi. Một bữa nọ, ông cảm thấy như chính mình đang được ngồi trên tòa sen vàng, đạt tới cảnh giới ―như như bất động, liễu liễu thường minh” rồi vậy. Ôi! Loại cảnh giới này quả không còn gì cao hơn được nữa! Ông bèn viết một bài thơ, rằng:

 

 

Khể thủ Thiên Trung Thiên,

 

Hào quang chiếu đại thiên,

 

Bát phong xuy bất động,

 

Đoan tọa tử kim liên.

 

Nghĩa là :

 

Cúi lạy Thiên Trung Thiên,

 

Hào quang sáng đại thiên,

 

Tám gió khôn lay động,

 

Ngồi vững trên tòa sen.

 

―Khể thủ thiên trung thiên.” ―Khể thủ” nghĩa là khấu đầu, cúi lạy. ―Thiên Trung Thiên” tức là Phật--Phật là trời của trời, thánh của thánh, đối với cảnh giới cao nhất, thì không có cảnh giới nào cao hơn cảnh giới của Phật; trong cảnh giới thấp nhất, cũng không có cảnh giới nào thấp hơn cảnh giới Phật. Phật là tận cùng cõi hư không, bao trùm khắp Pháp Giới, cho nên không có cao, cũng chẳng có thấp.

 

 

Vậy, Tô Đông Pha hướng về Phật cúi đầu đảnh lễ và thấy rằng ―hào quang chiếu khắp đại thiên”--ông cảm thấy thân thể mình bỗng nhiên toả sáng và ánh sáng đó soi trời rọi đất, chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Sau đó, ông nói rằng: ―Bát phong xuy bất động.” ―Bát phong” là gì? Bây giờ tôi sẽ giảng cho quý vị hiểu rõ. ―Bát phong” là tám thứ gió và đó là xưng (tán tụng), cơ (dèm pha), khổ (buồn khổ), lạc (vui sướng), lợi (lợi ích), suy (suy diệt), và đắc (được), thất (mất) ; cũng có sách nói là hủy (chê bai), dự (khen ngợi).

1)  Xưng là xưng tán, ca tụng, tâng bốc. Ví dụ có người khen ngợi quý vị rằng: ―Này cư sĩ, ông quả là người có tâm Bồ Đề rộng lớn. Chà! Ông đích thực là một vị hộ pháp vĩ đại, công đức này của ông thật vô cùng to lớn.” Cứ thế, bên trái thì người này đội cho quý vị một cái mũ cao, bên phải thì kẻ khác lại chụp lên đầu quý vị một cái nón cao chẳng kém--không biết người ta đã tặng cho quý vị bao nhiêu cái mũ cao nữa, mà quý vị đội lên thấy cao ngất trời, đến nỗi đâm thủng nóc của 33 tầng trời, thấu lên tới cõi trời 34 ! Lúc bấy giờ, quý vị thấy dương dương tự đắc: ―Wow ! Mình thật tài giỏi! Nếu không thì sao mọi người lại tấm tắc ngợi khen mình đến thế?” Nghĩ như thế thì trong lòng quý vị cảm thấy rộn ràng, háo hức, huơ chân múa tay. Thế nào gọi là hoa chân múa tay? Là tay thì vung vẩy tới lui, chân thì không ngớt nhảy nhót, nhảy nhổm lên rất thích thú. Đây đích thị là bị trúng gió rồi--bị ngọn gió ―tâng bốc” thổi trúng, bốc quý vị lên đến tận mây xanh! Quý vị vốn đã được đội cho chiếc mũ cao như vậy rồi, lại nhảy lên trời một cái là đến tận ―bán thiên vân” ngay ! Đây là ngọn gió ―xưng tán” đã thổi trúng quý vị rồi đó.

 

 

2)  Cơ tức là cơ phúng, cơ thích, có nghĩa là châm biếm, chế giễu người khác. Thế nào gọi là châm biếm? Chẳng hạn biết được quý vị tham cầu học Phật Pháp, có người liền ra vẻ trầm trồ: ―Vâng! Ông ấy đang học Phật Pháp. Đó là điều tốt đẹp nhất!” với một giọng điệu đưa đãi, nghe mà thấy xốn xang như bị người ta cầm dao chọc vào tai của quý vị vậy--đó chính là ‗cơ phúng‘ (châm biếm, châm chọc). Nói tóm lại, quý vị không muốn nghe về một đạo lý nào đó mà có người lại cứ kề tai kể lể, thóc mách hoài khiến cho quý vị cảm thấy khó chịu, liền bực bội bỏ đi. Thế là đã nổi giận rồi, một khi sự nóng giận đùng đùng nổi lên thì lửa vô minh bốc cao ngùn ngụt đến cả ba ngàn trượng. Đây chính là quý vị đã bị một trận gió cơ thổi trúng làm quý vị nổi giận.

 

3)  Khổ chính là rất khổ, rất rất khổ. Ở đây, không phải là nói đến thức ăn có vị khổ (đắng), mà là muốn nói về cái cảm giác vô cùng khổ não mà mình gặp phải. Cái ―Khổ” này chính là lo lắng; một khi lo lắng thì liền nổi giận; khi nổi giận thì máu trong người dường như đều cháy khô, cạn kiệt; khô cạn rồi, thì miệng cũng đắng, răng cũng đau, tai cũng ù cũng điếc, bao nhiêu bệnh tật đều dồn dập ập tới! Ngọn gió khổ này đã thổi tới cho quý vị biết bao nhiêu sự khổ đau, nào là chau mày cau có, mắt thì hoa, tai lại điếc, lại còn đau răng nữa. Đây chính là đau khổ !

 

4)  Lạc nghĩa là những việc đem lại cảm giác khoái lạc, mừng rỡ, vui sướng. Giả sử rằng tất cả những người mà quý vị gặp gỡ đều là người mà quý vị rất ưa thích, ai nấy đều đối xử với quý vị rất tử tế. Quý vị lại còn được ăn ngon, được mặc đẹp, được ở nhà cao cửa rộng, ra vào đều có xe đưa xe rước nườm nượp. Cho nên, khi ấy quý vị cảm thấy rất vui vẻ, sung sướng. Một khi đã vui thích rồi thì tâm hồn thấy lâng lâng bay bổng, đến nỗi bản thân mình là người như thế nào quý vị cũng quên bẵng! Vui quá, quên lo. Đây là quý vị bị ngọn gió lạc làm cho mê muội hồ đồ, tưởng chừng như mình đã thành tiên thành Phật rồi vậy. Lúc bấy giờ, quý vị sẽ không còn muốn tu hành nữa bởi vì quá vui sướng, phấn khởi! Vậy, khoái lạc cũng là một loại gió có thể làm lay động lòng người, quý vị đừng nên cho rằng được sống trong sự khoái lạc là một điều tốt đẹp.

 

 

5)  Lợi, chính là lợi ích, có được sự lợi ích, lợi nhuận. Ví dụ như quý vị mua cổ phiếu và trị giá lúc mua là 500 đồng. Không quá ba ngày sau, giá cổ phiếu tăng lên gấp bốn lần, thành ra giá trị là 2.000 đồng, tức là có lời rồi. Bấy giờ, quý vị cảm thấy phấn khởi: ―A! Phen này mình phát tài thật rồi!” Đây cũng chính là bị gió ―lợi” thổi trúng, làm cho quý vị động tâm.

 

6)  Suy chính là lụn bại, sa sút. Ví dụ như có 100 gian nhà lớn, có ngọn lửa không biết từ đâu đến thiêu rụi cả 100 buildings này, như thế gọi là suy. ―Suy” đem đến cho quý vị sự phiền não đau khổ, không an vui.

 

 

Đắc nghĩa là có được. Ví dụ như đang đi trên đường thì nhặt được năm trăm vạn đồng. Trong lòng cảm thấy rất vui mừng, đây gọi là ―đắc.”

 

8)  Thất là mất, sau khi quý vị đã ―đắc” được rồi, thì chẳng bao lâu lại bị mất đi, cho nên trong lòng cảm thấy không vui. Mới vui đó giờ lại buồn đó.

 

Hủy, tức là hủy báng, nói xấu, chê bai. Dự, tức là xưng tán, ca ngợi. Ý nghĩa của ―hủy, dự” và ―xưng, cơ” cũng chẳng sai biệt nhau bao nhiêu, do đó có thể đổi là ―xưng, cơ” hay là ―hủy, dự.” Nếu quý vị không có định lực, thì sẽ bị tám ngọn gió này làm lay chuyển. Thế nhưng, nếu quý vị có định lực, thì khi tám ngọn gió này ùn ùn kéo tới, quý vị sẽ chẳng bị lay động cũng chẳng bị chao đảo, dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra—như thế mới gọi là ―bát phong xuy bất động.”

 

 

Tô Đông Pha tự cho rằng mình là bát phong xuy bất động, ―đoan tọa tử kim liên”. Ông ta ngồi ngay ngắn trên tòa sen tử kim liên, trong cảnh giới như như bất động, liễu liễu thường minh. A! Thật là cao diệu phi thường, ông ta cảm thấy thật là vi diệu đến không thể diễn tả được. Thế là ông ta liền viết xuống, rồi gửi cho Thiền Sư Phật Ấn, thỉnh ngài ấn chứng xem phải chăng ông đã được khai ngộ. Thiền Sư Phật Ấn rất thú vị, bèn phái một người thị giả mang bài thơ này về cho Tô Đông Pha; và ngài cũng chẳng nói gì cả mà chỉ phê vào mặt sau trang giấy có bài thơ đó bốn chữ. Bốn chữ này hoàn toàn chẳng có gì là cao thâm cả, mọi người đều có thể hiểu được, đó là: ―Đánh rắm! Đánh rắm!” Tô Đông Pha xem xong rất đỗi ngạc nhiên : ―A , ta làm bài thơ hay như vậy, sao Phật Ấn lại chê là đồ rắm thối? Quả là láo xược!”

 

 

Thế là không cần phải cả tám ngọn gió, chỉ mới có một ngọn gió—hai chữ ―đánh rắm”-- thôi đã làm cho Tô Đông Pha phảì lồng lộn, nhảy nhổm lên. Từ Giang Nam ông ta tức tốc bay qua Giang Bắc và đi ngay tới Chùa Kim Sơn, tìm gặp Thiền Sư Phật Ấn. Vừa vào đến cửa, ông ta hùng hùng hổ hổ quát lớn : ―Lão hòa thượng này, sao ông lại mắng chửi người ta như thế chứ ?”

 

 

-―A, tôi làm thơ hay như thế, đó là kiến giải công phu tu tập của tôi, tôi đạt đến trình độ nào thì viết ra bài thơ như thế ấy, tại sao ngài lại nói tôi là đồ rắm thối?”

 

Thiền sư Phật Ấn nói: ―Theo ý nghĩa của bài thơ mà ông làm thì ông đã đạt đến cảnh giới bát phong xuy bất động rồi, thế thì tại sao tôi chỉ nói có hai chữ, mà đã khiến cho ông phải lập tức băng sông vượt suối tìm đến tận đây?”

 

Tô Đông Pha nghe Phật Ấn nói như thế thì ngẩn người ra và cảm thấy hổ thẹn không còn lời nào để nói nữa, cảm thấy tự mình định lực còn kém cỏi ; nếu có đủ định lực thì bát phong không thể làm lay động, cho dù có bị Thiền sư Phật Ấn phê bình tệ hại hơn thế nữa vẫn có thể chịu được, chứ sá gì hai chữ ―rắm thối” này ! Tự nhận thấy mình công phu chưa thành ông vội vàng cúi đầu đảnh lễ, thỉnh Thiền sư chỉ bảo thêm cho, và sau đó trở về dụng công tinh tấn tu hành thêm lên.

 

 

Vì sao Tô Đông Pha lại tức tốc từ Giang Nam tìm đến Giang Bắc? Do ông ta chưa có được sự tự tại trước lời phê bình, chỉ trích. Nếu như ông giống Quán Thế Âm Bồ Tát, có sức năng quán sát, thì ông không cần lặn lội đến Giang Bắc. Cho dù Phật Ấn có nói ông ―rắm thối” cũng được, không ―rắm thối” cũng xong, Phật Ấn muốn nói thế nào cũng được, không liên quan gì đến ông cả, phải như thể ông không nghe thấy gì cả! Như thế mới thật sự là có công phu tu hành. Được như thế thì Thiền sư Phật Ấn mới bái phục ông. Đằng này, Thiền sư Phật Ấn chỉ cần xuất một chiêu thôi là ông đã bị đánh gục ngay. Điều đó cho thấy công phu tu hành của ông còn chưa tới đâu, chưa chứng ngộ được gì cả vậy.

―   Cũng tên là Nhiên Sách.” Vị Bồ tát này thường cầm trong tay một sợi quyên sách. Trong 42 Thủ Nhãn không phải có một thủ ấn tên là Quyên Sách Thủ sao? Đó chính là Nhiên Sách. Nhiên Sách chính là cầm sợi dây quyên sách này. Ngoài ra, Bồ tát ―cũng tên là Thiên Quang Nhãn.” Ngài còn được gọi là Bồ tát Thiên Quang Nhãn.

 

Thiện nam tử!” Đức Phật gọi ngài A Nan: ―Thiện nam tử! Bồ tát Quán Thế Âm có sức oai thần không thể nghĩ bàn này, trong vô lượng kiếp về trước, trong nhiều đại kiếp không tính đếm được ở quá khứ Ngài đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vị Bồ Tát này vì nguyện lực đại từ bi, do không bỏ nguyện lực đại từ đại bi của mình, vốn là nguyên lực đại bi mà ngài đã phát nguyện trước kia, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả Bồ tát. Ngài muốn khiến tất cả Bồ tát đều phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo, và vì muốn an lạc thành thục chúng sinh, cũng bởi Ngài muốn cứu độ chúng sinh cho mọi loài đều đạt được sự an lạc, cho nên Ngài hiện làm Bồ tát. Ngài vốn là Chánh Pháp Minh Như Lai, và nay Ngài thị hiện là Quán Thế Âm Bồ tát.



KINH VĂN:

 

“NHỮ ĐẲNG ĐẠI CHÚNG, CHƯ BỒ-TÁT MA-HA-TÁT, PHẠM THÍCH LONG THẦN, GIAI ƯNG CUNG KÍNH, MẠC SANH KHINH MẠN. NHẤT THIẾT NHÂN THIÊN, THƯỜNG TU CÚNG DƯỜNG, CHUYÊN XƯNG DANH HIỆU, ĐẮC VÔ LƯỢNG PHÚC, DIỆT VÔ LƯỢNG TỘI, MẠNG CHUNG VÃNG SANH A-DI-ĐÀ PHẬT QUỐC.”

 

“Vậy ông và đại chúng, các hàng Bồ tát Ma ha tát, Phạm vương, Đế Thích, Long Thần đều nên cung kính, chớ sanh lòng xem thường. Nếu tất cả hàng trời, người thường cúng dường, chuyên tâm xưng niệm danh hiệu, thì sẽ được vô lượng phước, diệt vô lượng tội, lúc mạng chung sẽ được vãng sanh về cõi nước của Phật A Di Đà.”

 

 

LƯỢC GIẢNG:

 

Ông và đại chúng, hiện tại các vị, tất cả đại chúng có mặt và không có mặt trong pháp hội, cùng ―chư Bồ tát Ma ha tát,” tất cả các Bồ tát, đại Bồ tát, và ― Phạm Thích Long Thần.” Phạm chính là Đại Phạm Vương; Thích là Đế Thích. Đại Phạm Thiên Vương chính là vua của một cõi thanh tịnh trên trời, rất ung dung tự tại, nên còn gọi là Đại tự tại thiên. Thích là Đế Thích, tức là trời Đế Thích, cũng là chủ trong tất cả cõi trời; trong Chú Lăng Nghiêm, vị trời này có tên là Nhân Đà La--―Nam mô Nhân Đà La Da” chính là chỉ vị trời này. Long tức là loài rồng ở trên trời; Thần là nói chung tất cả các vị thần. Tất cả đều nên cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, chớ sanh lòng xem thường Quán Thế Âm Bồ tát. Tất cả loài người ở thế gian và ở cõi trời nên thường cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát, chuyên tâm xưng niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ tát, tất có thể đạt được phước đức vô lượng, có thể diệt trừ vô số tội lỗi, lúc mạng chung nhất định sẽ được vãng sanh về cõi nước của Phật A Di Đà. Vì thầy của Bồ Tát Quán Âm chính là Phật A Di Đà, nếu quý vị niệm danh hiệu của đệ tử Ngài, thì tương lai quý vị có thể được sanh về thế giới Cực Lạc, quốc độ của Ngài.



KINH VĂN:

 

Đức Phật bảo ngài A Nan: - Thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát nói ra đây, chân thật không dối. Nếu muốn thỉnh Bồ Tát đến, nên tụng chú vào hương chuyết cụ la 21 lần rồi đốt lên. (chuyết cụ la chính là an tức hương) 

 

 

SUTRA:

 

THE BUDDHA TOLD ANANDA, "THE SPIRITUAL MANTRA SPOKEN BY THE BODHISATTVA WHO REGARDS THE WORLD'S SOUNDS IS TRUE, REAL, AND NOT FALSE. IF YOU WISH THE BODHISATTVA TO VISIT, YOU SHOULD SAY THE MANTRA OVER KUKURA INCENSE TWENTY-ONE TIMES, AND THE BODHISATTVA WILL COME FOR A VISIT.

 

 

Commentary:

 

"Ananda," said the Buddha, "The spiritual mantra real and is not false. Its merit and virtue inconceivable, and so is its spiritual power. It increases blessings and eradicates limitless offenses.

 

“Should you wish to invite the Bodhisattva to descend and VISIT your platform, recite the Great compassion mantra over Kukura (Parthian) incense twenty-one times and burn the incense. The Bodhisattva will accept your invitation and come to the assembly.10

 

10 No western scientific basis exists for statement made herein. All information and herbals are present in a strictly canonical context.

 

 

 KINH VĂN:

 

Nếu kẻ nào bị loài ma mèo dựa vào phá khuấy, người thân thuộc nên tìm một bộ xương của con mèo đã chết, đốt tan ra tro, rồi hòa với đất bùn sạch, nắn thành hình mèo. Khi hoàn thành để hình ấy trước tượng Thiên Nhãn, tụng 108 biến chú Đại Bi vào lưỡi dao rồi chặt hình mèo thành 108 đoạn. Nên nhớ cứ mỗi lần tụng xong một biến thì chém xuống một đao, kêu tên loài ma mèo một lần. Làm như thế bịnh nhơn sẽ an lành, ma mèo vĩnh viễn không dám phá hoại. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU BECOME POSSESSED BY A CAT, TAKE MI LI CHA NO AND BURN IT TO ASHES. MIX THE ASHES WITH CLEAN MUD AND MOLD THEM INTO THE SHAPE OF A CAT. BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE MANTRA A FINE QUALITY STEEL KNIFE 108 TIME AND YOU SLICE THE STATUE INTO 108 SECTIONS, SAYING THE MANTRA ONCE OVER EACH SLICE. CALL THE CAT'S NAME ONCE AND IT WILL LEAVE AND NEVE RETURN AGAIN. (MI LI CHA NO IS THE SKULL DEAD CAT.)

 

 

Commentary:

 

Many people think the matters here discussed strange, but this is only because Western people unfamiliar with them. In India and China, they are fact considered quite ordinary.

 

What does it mean to be POSSESSED BY A CAT are eighty-four thousand kinds of illness in this and some of them are very strange indeed. There is way one can understand them all. Although cats are small animals, they can sometimes make mischief. There are also cat-spirits, strange cat-creatures. While in Manchuria, I saw a cat who had a sickness caused by a deviant demon obstacle which made it jump up and down wildly all day and all night, as if it had gone mad. When a cat like this die, it may turn into a cat-ghost which can possess people and make them sick, confuse their energies and muddle their brains.

 

The Great Compassion Mantra can cure all strange illnesses. People who have this "cat confusion" are hard to cure, however, because the cats are like miniature tigers. Therefore, it's necessary to use an anti-dote, to fight poison with poison; this is the basic principle behind all medicines.

 

If you have caught a "cat-ghost" you should take MI LI CHA NO, the skull of a dead cat, and burn it to ashes. Then, because the ashes don't amount to much, you should mix them with CLEAN MUD and fashion a small cat, just as children might in play. Take a FINE QUALITY STEEL KNIFE and recite the Great Compassion Mantra 108 TIMES as you slice the statue into 108 pieces. Then CALL THE CAT'S NAME ONCE and it will vanish, never to return again.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu người nào bị chất độc của loài sâu cổ làm hại, thì thân nhơn mau dùng hương dược kiếp bố la hòa đồng phân với chuyết cụ la hương vào nước trong, sắc còn một chén. Xong, lại để chén thuốc ấy trước tượng Thiên Nhãn tụng chú 108 biến rồi cho bịnh nhơn uống, liền thấy an lành. (dược kiếp bố la hương tức Long não hương)

 

 

SUTRA:

 

IF POISONED WITH “KU” YOU SHOULD MIX YAQ CHIEH PU LO WITH AN EQUAL PORTION OF KUKURA INCENSE. ADD A PINT OF WELL-FLOWER WATER AND DECOCT THE MIXTURE UNTIL ONE PINT REMAINS. MANTRA THE MIXTURE 108 TIMES BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE AND THE POISON WILL BE EXPELLED. (YAQ CHIEH PU LO IS DRAGON BRAIN INCENSE.)

 

Commentary:

 

The methods and doctrines discussed here are inconceivable. They belong to the Secret School, that is, a secret Dharma--you know it, but I don't, or I know it, but you don't--and so most people don't understand the doctrines involved.

 

What is “KU” poison? Ku masters have great spiritual powers and can fly and transform themselves, appear and vanish at will--now you see them, now you don’t know. Their hearts are terribly cruel. Most of them were snakes in previous lives and so they are extremely venomous at heart and take murdering as their special talent and injuring people as their "samadhi of playfulness." Killing and injuring people is a very ordinary matter for them. Ku poison is found in Thailand, Viet Nam, Singapore, and in China in the southwest province of Yunnan. There is a saying, "You get with the stuff." The women of Viet Nam and Singapore were fond of Chinese men. They would marry them and then fearing that their husbands might return to China they would "stick them with the ku." As long as remained with their wives, everything was all right, if they returned to China, the wives would simply to recite a mantra and, if the husbands didn't return, they would certainly die.

 

Someone may put KU in your tea, or someone may the KU on an object so that when you touch it, you get the KU. It's as fierce as that. Or someone may put something in the street and if you touch it or per kick it with your foot, you'll get the KU. If you to stick someone with the KU, you can visit a KU and he will give you the method to give them the KU, you can recite the Shurangama Mantra or the Great compassion Mantra you needn't fear any KU at all. You also recite the Wu Ta Hsin mantra, which is part of the Shurangama Mantra, to render it ineffective and destroy it.

 

If you do get poisoned by KU, however, you should MIX YAO CHIEH PU LO WITH AN EQUAL PORTION OF KUKURA INCENSE. YAO CHIEH PU LO is a medicinal herb. Mix three to five ounces of each with a PINT OF WELL-FLOWER WATER--so called because it is fresh drawn from a well so that it is still swirling, and I like a flower. Boil THE MIXTURE UNTIL ONE PINT REMAINS. Then, BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE of the Bodhisattva Who Regards the World's Sounds, recite the Great compassion Mantra over the mixture 108 TIMES. Drink it and you will be completely cured.

 

Dragon brain incense and KUKURA or Parthian incense are specific antidotes for poisonous, deviant energies. Deviant spirits and deviant ghosts fear power of these two medicines. KUKURA incense destroy all deviant energies. Dragon brain incense and KUKURA incense mixed with well-flower water counteract KUKURA poison. On the one hand, it's the power of the Great Compassion Mantra, and on the other hand, the power of the two medicines which get rid of the poison.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị rắn rít cắn, dùng vị Càn cương tán thành mạt, tụng chú vào đấy 21 biến, rồi dấp lên vết thương, liền hết. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE BITTEN BY POISONOUS SNAKES OR SCORPIONS, SAY THE MANTRA SEVEN TIMES OVER POWDERED DRY GINGER, PLACE IT ON THE BITE, AND THE POISON WILL BE IMMEDIATELY EXPELLED.

 

 

Commentary:

 

IF YOU ARE BITTEN BY the fangs of a venomous snake or scorpion it is extremely painful and, unless the bite is properly treated, your very life may be in danger. This refers to all kinds of poisonous snakes and bugs. One bee sting may not be too serious, but there are certain wasps which can be very poisonous.

 

If you are bitten, recite the Great Compassion Mantra SEVEN TIMES OVER POWDERED DRY GINGER and put it on the sore. The ginger is hot and overpowers the venom; combined with the power of the mantra recited seven times, it will neutralize the poison and cure you immediately.

 

This is the method of "fighting poison with poison" which is also the basis of the principles of modern chemistry. In China, one speaks of the five elements overcoming one another in succession: wood overcomes earth; earth overcomes water; water overcomes fire; fire overcomes metal; metal overcomes wood.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị kẻ thù mưu hại, nên dùng đất sạch, hoặc bột, hoặc sáp, nắn thành hình kẻ ấy. Xong, lại để hình nhơn trước tượng Thiên Nhãn, tụng vào lưỡi dao 108 biến Đại Bi, cứ tụng xong mỗi biến lại chém xuống một dao, kêu tên người kia một lần, rồi đem 108 đoạn hình đã chặt đốt tan. Y theo pháp thức như thế, kẻ oan gia thù nghịch sẽ đổi ra trạng thái vui vẻ, thân hậu đối với ta, trọn đời đôi bên quý mến lẫn nhau. 

 

 

SUTRA:

 

IF, OUT OF HATE AND RESENTMENT, SOMEONE PLOTS TO HARM YOU, YOU SHOULD MOLD AN IMAGE OF THE PERSON OUT OF CLEAN EARTH, FLOUR, OR WAX. BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE, SAY THE MANTRA 108 TIMES OVER A STEEL KNIFE OF FINE QUALITY. SLICE THE STATUE INTO 108 PIECES AS YOU RECITE THE MANTRA ONCE OVER EACH SLICE. AFTER EACH SLICE, CALL THE NAME OF THE PERSON WHO WISHES TO HARM YOU. BURN ALL 108 SLICES. THAT PERSON WILL BE DELIGHTED AND WILL RESPECT YOU UNTIL THE END OF HIS LIFE.

 

 

Commentary:

 

If someone has a grievance against you or if cause of a misunderstanding, he would resort to any method at all to do you in, you should use EARTH, FLOUR, OR WAX to mold a STATUE of either the person who is plotting against you or an image of yourself.

 

Therefore, an image of the Bodhisattva Who Regards the World’s Sounds, SAY THE MANTRA 108 TIMES OVER A STEEL KNIFE OF FINE QUALITY. As you recite each mantra, cut the statue in 108 PIECES, and AFTER EACH SLICE, CALE THE NAME OF THE PERSON WHO WISHES TO HARM YOU. Then, BURN ALL 108 SLICES. If you use earth, however, you won't be able to burn it, so it is better to use flour or WAX. Your enemy will become your friend and will have great RESPECT and admiration for you UNTIL THE END OF HIS LIFE. He will never again want to hurt you.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị bịnh đau mắt, hoặc mắt kéo màng đỏ, mắt trắng đục, hoặc quáng manh, hoặc hư tròng, không thấy được ánh sáng, nên dùng trái ha lê lặc, trái am ma lặc, trái bệ hê lặc, mỗi thứ một quả, đem nghiền, vắt lấy nước. Khi vắt nước nên ở chỗ vắng lặng, giữ cho sạch sẽ, miệng luôn niệm Phật, chớ để cho mèo, chó, gà, lợn cùng đàn bà mới sanh thấy. Vắt nước xong đem hòa với bạch mật, hoặc sữa người. Sữa này phải là của phụ nhơn sanh con trai, chứ không được dùng sữa của người sanh con gái.

 

Khi hòa thành xong, đem chén thuốc để trước tượng Thiên Nhãn tụng chú 108 biến. Trì chú vào thuốc rồi, bịnh nhơn phải ở nơi nhà kín, tránh gió trong thời gian 7 ngày và dùng thuốc ấy nhỏ vào mắt. Làm như thế, tròng con mắt hư lại sanh, các chứng kia đều lành. Mắt thấy được tỏ rõ .

 

(PHỤ CHÚ: Ba thứ trái này xứ ta không có, bịnh nhơn nên phương tiện thay 3 thứ trái khác hoặc 3 thứ thuốc khác có tánh cách trị bịnh đau mắt, nếu như chí thành, cũng được linh nghiệm.)

 

 

SUTRA:

 

IF YOUR EYES GO BAD SO THAT YOU ARE AFFECTED BY DIMMED VISION OR BLINDNESS, OR IF PERHAPS YOUR EYES BECOME COVERED BY A WHITE HAZE OR A RED FILM, YOU SHOULD GRIND TO A FINE POWDER ONE HARITAKI FRUIT, ONE AMALA FRUIT, AND ONE P’I HSI LEI FRUIT. WHILE GRINDING THEM, YOU SHOULD RECITE THE BUDDHA'S NAME AND YOU SHOULD GUARD THEIR PURITY BY NOT ALLOWING EITHER WOMEN WHO HAVE JUST GIVEN BIRTH OR PIGS OR DOGS TO SEE THE MIXTURE. THEN MIX THE POWDER WITH WHITE HONEY OR HUMAN MILK AND PLACE IT IN YOUR EYES. THE HUMAN MILK MUST BE THAT OF A MOTHER WHO HAS GIVEN BIRTH TO A MALE CHILD. THE MILK FROM THE MOTHER OF A FEMALE CHILD WILL NOT WORK.

 

AFTER MIXING THE MEDICINE, YOU SHOULD GO BEFORE A THOUSAND-EYED IMAGE AND SAY THE MANTRA OVER THE MEDICINE 108 TIMES. PLACE IT IN THE EYES FOR A FULL SEVEN DAYS WHILE REMAINING IN A QUIET ROOM AND TAKING CARE TO AVOID DRAFTS. YOUR EYESIGHT WILL BE RESTORED AND THE WHITE HAZE AND RED FILM WILL DEPART, LEAVING THE EYESIGHT EVEN CLEARER THAN BEFORE.

 

 

Commentary:

 

The eyes are the mirror of your heart. Why do people's eyes go bad? Because their hearts are bad. If your heart is good, your vision will be good. Americans have the habit of staring into each other's eyes, but Chinese people don't do that. If you stare at a Chinese, he will think you most uncivilized. Mencius said, "If, within the breast all is correct, the pupil is bright. If within the breast all is not correct, the pupil is dull." 11

 

 

11 The Works of Mencius, trans. James Legge, Book IV. Part 1, Chap. XV.

 

If your heart is proper, your eyes will be calm and pleasant. If your heart is improper, you won't see clearly and your eyes will flit here and there, blinking furiously all day long. You will never know whether to open your eyes or shut them, and you'll glance around like a cat. Cats never see things clearly; it's always as if something is obstructing their vision. So, if you continually harbor deviant knowledge and deviant views, your eyes may go bad. It is also possible to ruin your eyes by drinking too much wine, by being too greedy for beautiful forms, or by having too fiery a temper. There are many reasons for dim vision.

 

Someone once claimed that his eyes were so good that he could watch a mosquito breathe in and out at a distance of over ten miles. But then, when he walked out the door, he ran into an ox!

 

Once there was a man who couldn't see anything day or night:

A spark from the burner that fell to the processed be took for flying bucks.

His wife sat right beside him, and he asked, "Who are you?"

A spot of sun shining through the window he took to be an egg.

The moonlight shining on the ground he took as firewood.

Casually sniffing the flowers, be bumped and scraped his nose.

Is a hurry to lock his trunk, be cut his eyebrows off.

And there's something else that's even more of a joke:

Trying to blow out the lamp, be burned his own mouth!

 

DIMMED VISION means that originally your eyes very good, but now you can't see anything at all. They may be COVERED BY A WHITE HAZE OR A RED FILM. The red film is like that on the eyes of the Ku master's mentioned before.

 

People with such eye problems should grind together a HARITAKI FRUIT, which is an Indian fruit, an AMALA FRUIT, and a P'I HSI LEI FRUIT. Keep the mixture, PURITY BY NOT ALLOWING EITHER WOMEN WHO HAVE JUST GIVEN BIRTH OR PIGS, OR DOGS TO SEE THE MIXTURE. While grinding them mixture, recite the BUDDHA'S NAME, "Namo Amitabha Buddha” and, when the fruits are ground to a fine powder the powder, mix with WHITE HONEY, that is, white sugar with HUMAN MILK. In order for it to be effective the milk must come from the MOTHER OF A MALE CHILD; THE MILK FROM THE MOTHER OF A FEMALE CHILD WILL NOT WORK.

 

Hard-working cultivators don't raise dogs or play with them, because the animals are unclean. For example, last year some people kept two dogs out house and to this day the dog smell lingers. In China, it is the custom that, after a woman gives birth doesn't visit the house for a month. This is because during the month after birth, there are many unclean things around and it is best to avoid them. Especial those who cultivate the Dharma and hold mantras stay away. While one may ordinarily recite mantras a lot of efficacies, if one visits such a house during that month, the mantras will not be efficacious, dislike unclean atmospheres. Therefore, those cultivate the Forty-two Hands should not visit a home during that time.

 

When the medicine has been mixed well, go before a thousand-handed, THOUSAND-EYED IMAGE of the Bodhisattva Who Regards the World's Sounds and SAY THE MANTRA OVER THE MEDICINE 108 TIMES. PLACE IT IN THE EYES FOR A FULL SEVEN DAYS. Stay in a QUIET ROOM and carefully AVOID DRAFTS. YOUR EYESIGHT WILL BE RESTORED and may be even clearer and brighter than it was before.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị bịnh rét hoặc bị loài ma rét dựa, nên dùng da cọp hoặc da beo tụng vào đấy 21 biến chú, rồi phủ lên mình thì bịnh sẽ lành, ma cũng xa lánh. Như được da sư tử thì càng quý. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE AFFLICTED BY RECURRENT FEVERS, YOU SHOULD SAY THE MANTRA TWENTY- ONE TIMES OVER THE SKIN OF A TIGER, PANTHER, OR WOLF. PLACE THE SKIN ON YOUR BODY AND THE FEVER WILL BE EXPELLED. THE SKIN OF A LION IS BEST.

 

 

Commentary:

 

RECURRENT FEVERS occur at regular intervals, perhaps once a day, once every other day, or once every three days. One has fever and chills because of a recurrent-fever ghost. The fever-sickness ghost may come once a day, or once every three days, but when he comes he will cause you to have chills. At other times you may feel perfectly well, but when the ghost comes, you cannot do anything at all. In this case, take the SKIN OF A TIGER, PANTHER, OR WOLF and recite the mantra over it TWENTY-ONE TIMES. PLACE THE SKIN ON YOUR BODY AND THE FEVER WILL BE EXPELLED. You will be well right away. If you can find the SKIN OF A LION, that is even better.

 




KINH VĂN:

 

Nếu bị rắn độc cắn, dùng chất ráy đóng trong lỗ tai của người bị cắn, tụng chú 21 biến, thoa vào vết thương, nọc rắn liền tiêu. 

Nếu bị bịnh rét dữ nhập tâm, hôn muội sắp chết, dùng một khối mủ cây đào, lớn ước lượng bằng trái đào, đem hòa với một chén nước trong, sắc còn nửa chén, tụng chú vào đấy bảy biến rồi uống, bịnh sẽ lành. Thuốc này chớ cho phụ nữ sắc. 

 

 

SUTRA:

 

IF SOMEONE IS BITTEN BY A POISONOUS SNAKE, YOU SHOULD SAY THE MANTRA TWENTY-ONE TIMES OVER A PIECE OF THE EAR-WAX OF THE PERSON BITTEN, PLACE THE WAX IN THE SORE, AND THE POISON WILL BE EXPELLED.

 

SHOULD AN EVIL FEVER ENTER YOUR HEART SO THAT YOU ARE MELANCHOLY TO THE POINT OF WISHING TO DIE, YOU SHOULD MIX A LUMP OF PEACH-GUM ABOUT THE SIZE OF A PEACH PIT WITH ONE PINT OF PURE WATER, AND THEN DECOCT THE MIXTURE UNTIL ONLY ONE HALF PINT REMAINS, MANTRA IT SEVEN TIMES AND SWALLOW IT ALL IN ONE GULP, AND THE SICKNESS WILL BE EXPELLED. DO NOT ALLOW A WOMAN TO DECOCT THE MEDICINE.

 

 

Commentary:

 

The fever mentioned previously was just an ordinary sort of fever, not particularly serious. This fever, however, is very serious. It doesn't strike every day or so, but many times every day. When it comes, the person affected feels like dying. The sick person should MIX A LUMP OF PEACH-GUM...WITH ONE PINT OF PURE WATER. Don't let the sick person know what kind of medicine be is taking. If he knows, it won't be effective.

 

DO NOT ALLOW A WOMAN TO DECOCT THE MEDICINE. Why not? Men are YANG and women are YIN. The medicine for this particular illness is also yin, and if a woman decocts it an imperceptible change will occur and cause the medicine not to have as much strength. If a man decocts it, his yang can subdue the yin sickness.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị loài quỷ truyền thi, phục thi làm bịnh, dùng hương chuyết cụ la tụng chú 21 biến, đốt xông vào lỗ mũi. Lại lấy 7 khối hương lớn ước lượng bằng lóng tay cái, cũng gia trì chú 21 biến mà uống, bịnh sẽ lành. Nên nhớ: Bịnh nhơn phải kiêng rượu, thịt, ngũ vị tân (58) và mắng chửi.

 

Một phương pháp nữa là dùng vị Ma Na Thi La hòa với Bạch giới tử và muối hột, gia trì chú 21 biến, rồi đem xông đốt dưới giường người bịnh, quỷ liền vội vã trốn chạy, không dám ở. (Ma Na Thi La là vị thuốc Hùng Hoàng.) 

 

(58) Ngũ vị tân: hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ. (hai thứ sau nước ta không có)

 

 

SUTRA:

 

SHOULD THERE OCCUR THE “TRANSMISSION OF THE CORPSE” OR THE “SICKNESS OF CONTROLLING THE CORPSE,” YOU SHOULD SAY THE MANTRA OVER KUKURA INCENSE TWENTY-ONE TIMES AND BURN IT BENEATH YOUR NOSTRILS. YOU SHOULD FURTHER FASHION THE INCENSE INTO SEVEN PILLS THE SIZE OF RABBIT DROPPINGS, MANTRA THEM TWENTY-ONE TIMES, SWALLOW THEM, AND YOU WILL BE CURED. TAKE CARE NOT TO DRINK LIQUOR OR EAT MEAT OR THE FIVE PUNGENT PLANTS, AND NOT TO USE ABUSIVE LANGUAGE.

 

IF YOU MIX MANAHSHILA WITH WHITE MUSTARD SEEDS AND YIN CH’ ENG SALT, MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES, AND BURN IT BENEATH THE SUFFERER'S BED; WHAT CAUSES THE SICKNESS WILL QUICKLY FLEE.

 

 

Commentary:

 

Western people don't believe in this kind of "deviant sickness" because it doesn't happen often in the West. In China there are many, many cases of this illness.

 

 What is the "deviant illness?" A person may be perfectly healthy, but then a ghost comes and "climbs up" on his body. This is called "TRANSMISSION OF THE CORPSE" through ghostly energies. Or perhaps someone has died and a ghost goes to his body and causes him to speak, so that he sounds just like the person who died. This is what is meant by "deviant illness."

 

"CONTROLLING THE CORPSE" refers to an illness which is very hard to cure. A man dead for several days suddenly comes back to life. Actually, the person hasn't come back to life; a deviant demon has taken possession of his body.

 

Most people have no way to cure these illnesses. No medicines are effective.

 

In such cases you should MANTRA KUKURA INCENSE TWENTY-ONE TIMES AND BURN IT BENEATH YOUR NOSTRILS. FASHION THE INCENSE INTO SEVEN PILLS ABOUT THE SIZE OF RABBIT DROPPINGS, MANTRA THEM TWENTY-ONE TIMES, SWALLOW THEM, AND YOU WILL BE CURED. Do not DRINK LIQUOR, OR EAT MEAT, OR THE FIVE PUNGENT PLANTS--garlic, onions, scallions, shallots, and leeks--and do not use ABUSIVE LANGUAGE.

 

Another method for curing the sickness is to use MANAHSHILA (realgar). People use concoctions of realgar because bugs and snakes are repelled by it and deviant demons and strange ghosts also fear its scent. Combine it with WHITE MUSTARD SEEDS AND YIN CH’ENG SALT, MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES and put it underneath the sick person's bed. Burn it and WHAT CAUSES THE SICK- NESS, that is, the ghost, WILL QUICKLY FLEE. It will quickly leave and not dare hang around and make sick.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị tai điếc lùng bùng, tụng chú vào dầu mè, rồi nhỏ trong tai, bịnh sẽ lành. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU BECOME DEAF, SAY THE MANTRA OVER SESAME OIL, PUT IT ON THE EAR AND YOU WILL BE CURED.

 

 

Commentary:

 

It doesn't say how many times you should say the mantra, but at the very least, you should recite twenty-one times.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị chứng thiên phong, xụi nửa thân mình, tai điếc, mũi không biết mùi, dùmg dầu mè sắc với vị Thanh Mộc Hương, gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi mình. Bịnh sẽ vĩnh viễn tiêu trừ.

 

Lại một phương pháp nữa: dùng sữa ngưu tô thuần chất, tụng vào 21 biến chú mà thoa, bịnh cũng sẽ lành. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU BECOME PARALYZED ON ONE SIDE YOUR BODY SO THAT YOUR NOSE IS BLOCKED AND YOUR HANDS AND FEET WON'T MOVE, DECOCT SESAME OIL AND GREEN WOOD INCENSE, MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES, RUB IT ON YOUR BODY, AND YOU WILL FOREVER BE CURED.

 

THERE IS ANOTHER METHOD: MANTRA PURE COW BUTTER TWENTY-ONE TIMES, RUB IT ON YOUR BODY, AND YOU WILL BE CURED.

 

 

Commentary:

 

IF YOU BECOME PARALYZED, half of your body not move and you cannot hear or breathe through nose. The paralysis, however, affects only your body. Decoct SESAME OIL with GREEN, WOOD INCENSE, which is a kind of medicine, RUB IT ON YOUR BODY, AND YOU

WILL FOREVER BE CURED. You can also say mantra over PURE COW BUTTER TWENTY-ONE TIMES and rub it on body to effect a cure.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu phụ nhơn sanh sản khó, mau dùng dầu mà gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi rún và ngọc môn, liền được dễ sanh. 

Nếu phụ nhơn có nghén, thai nhi chết trong bụng, dùng một lượng thuốc A Ba Mộc Lợi Đà, đổ hai chén sắc còn một chén, gia trì chú 21 biến mà uống, thì cái thai liền ra, phụ nhơn không một chút đau đớn. Như thai y 
(nhau) không ra, cũng uống thuốc này. (A ba mộc lợi đà là vị Ngưu Tất.) 

 

 

SUTRA:

 

IF A WOMAN IS UNDERGOING DIFFICULT LABOR, MANTRA SESAME OIL TWENTY-ONE TIMES, RUB IT ON THE NAVEL AND THE “JADE DOOR," AND SHE WILL GIVE BIRTH EASILY.

 

SHOULD THE CHILD OF A PREGNANT WOMAN DIE IN HER WOMB, MIX A LARGE OUNCE OF A PO MU LI CH’IEH GRASS WITH TWO PINTS OF PURE WATER; DECOCT THEM UNTIL ONE PINT REMAINS. MANTRA THE MIXTURE TWENTY-ONE TIMES, HAVE THE WOMAN SWALLOW IT AND THE FOETUS WILL EMERGE WITHOUT ANY PAIN TO THE MOTHER. IF THE PLACENTA DOES NOT COME OUT, GIVE HER THE MEDICINE AGAIN AND THE PLACENTA WILL EMERGE AND THE WOMAN WILL BE WELL. (A PO HULL CH’IEH GRASS IS “OX KNEE” GRASS.)

 

 

Commentary:

 

People have all kinds of karmic obstacles, and because of them, people sometimes die before they are even born. The text says A LARGE OUNCE because it should be a bit more than an ounce. Mix the medicine with a quart of water and simmer it until only half a quart is left. Then recite the Great Compassion Mantra twenty-one times, and the Sunlight and Moonlight Bodhisattva Mantras twenty-one times over the mixture and give it to the woman to drink. If the placenta does not come out, repeat the procedure as above and it, too, will come out and the woman will be well.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bỗng nhiên đau nhói nơi tim chịu không kham, đây gọi là chứng ĐỘN THI CHÚ, nên dùng hương Quân Trụ Lỗ, tụng chú vào 21 biến, rồi để trong miệng nhai nuốt không hạn nhiều ít, chừng nào mửa được mới thôi, y như thế bịnh sẽ lành, song nên nhớ phải cữ ngũ tân và rượu thịt. (quân trụ lỗ là vị thuốc HUÂN LỤC Hương.) 

 




SUTRA:

 

IF YOU SHOULD SUDDENLY BE STRUCK WITH AN UNBEARABLE PAIN IN THE HEART, THIS IS CALLED TUN SHIH CHU.12 MANTRA ONE NIPPLESHAPED PIECE OF CHUN CHU LU INCENSE TWENTY-ONE TIMES. CHEW IT AND SWALLOW THE JUICE. THERE IS NO LIMIT TO HOW MUCH OR HOW LITTLE YOU MAY TAKE. THIS WILL CAUSE DIARRHEA AND VOMITING, AND YOU WILL BE CURED. TAKE CARE NOT TO EAT ANY OF THE FIVE PUNGENT PLANTS, NOT TO DRINK WINE, AND NOT TO EAT MEAT. (CHON CHU LU INCENSE IS HSUN LU 13 INCENSE.)

 

 

12  ĐỘN THI CHÚ TUN SHIH CHU

Defined as  13 HUÂN LỤC HSUN LU, most likely oriental frankincense or gum olibanum.

 

 

Commentary:

 

The TUN SHIH CHU, "concealed corpse sickness caused by a deviant ghost which enters someone’s and causes his heart to hurt. HSUN LU INCENSE shaped like a nipple. Mantra it twenty-one times chew it. Then swallow the juice. You may take as you like. You will get rid of the medicine by throwing it up or by passing it through the intestable you will then be well.

 

Be careful not to eat any of the FIVE PUNGENT PLANTS, NOT TO DRINK WINE, AND NOT TO MEAT.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị phỏng lửa thành ghẻ, dùng PHÂN TRÂU ĐEN tụng chú 21 biến mà thoa, bịnh sẽ lành. 

Nếu bị sên lải cắn, dùng nửa chén NƯỚC TIỂU CON NGỰA KIM, như bịnh nặng thì một chén, gia trì chú 21 biến, uống vào loài trùng sẽ quyện ra như sợi dây. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE BURNED BY A FIRE, SAY THE MANTRA OVER FRESH GOMATI TWENTY- TIMES, SMEAR IT ON THE SORES, AND YOU WILL BE HEALED. (GOMATI IS THE EXCREMENT OF BLACK COW.)

 

IF ONE'S HEART IS BITTEN BY A “HUI” WORM, MANTRA ONE HALF PINT OF KU MU LU CHE SWALLOW IT, AND YOU WILL BE CURED. IF THE ILLNESS IS SEVERE, TAKE A FULL PINT, AND THE WORMS WILL COME OUT, EACH BITING THE TAIL OF THE NEXT, LIKE A ROPE. (KU MU LU CHE IS THE URINE OF A WHITE HORSE.)

 

 

Commentary:

 

Sometimes people are very thin because they have worms in their stomach which eat all the nutritious food: they may also suffer from constant stomach-pains because of them. The "HUI" worm, however, is no common parasite. It's extremely intelligent. It's able to speak and also to know what you are thinking. There is a saying, "You're not the "HUI" worm in my stomach; how can you know what's in my mind?" This shows that they know what you are thinking.

 

You can't get rid of them with medicine, because if you take the medicine consciously the worms will know and they won't eat it. Thus the medicine will have no effect. If you don't yourself know that you've taken the medicine, however, then the worms may eat it.

 

In the past, I told you the story of the woman whose stomach was inhabited by creatures which could talk and which constantly demanded that she eat noodles. I finally cured her; but the creatures weren't "HUI" worms, they were strange little monster-children. Anyway, "HUI" worms eat away at your heart and cause you great pain.

 

If you get a "HUI" worm, what should you do? MANTRA ONE HALF PINT OF KU MU LU CHE, the urine of a white horse. TWENTY-ONE TIMES, SWALLOW IT, AND YOU WILL BE CURED.

 

If the sickness is very severe, take a full pint, that is, twice as much, and you will be cured. The worms will come out like a string, not just one of them, but many. As they come out, each one bites the tail of the next, as you pass the excrement.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị bịnh ghẻ ĐINH dùng lá LĂNG TIÊU đâm lấy nước, gia trì chú 21 biến mà thoa, thì ghẻ liền ra cồi mà lành. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU HAVE “NAIL” SORES, POUND OUT THE JUICE OF LING HSIAO LEAVES AND MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES. DROP IT ON THE SORE AND PULL THE SORE OUT BY THE ROOT AND YOU WILL BE CURED IMMEDIATELY.

 

 

Commentary:

 

NAIL SORES are hard sores which look like nail pounded into your flesh. They go all the way down the bone like a spike and there's a big, rotten the surface of the skin. MANTRA the juice of LING HSIAO LEAVES AND MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES. Put in on the sore with press. You may then PULL THE SORE OUT BY THE ROOT so be cured.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu rủi bị con lằn cắn vào mắt, dùng PHẨN MỚI CỦA CON LỪA, vắt lấy nuớc, gia trì 21 biến chú, đợi ban đêm trước khi ngủ, nhỏ thuốc ấy vào, bịnh sẽ lành. 

Nếu bị đau bụng, dùng nước giếng trong nấu với 21 HỘT MUỐI LỚN, còn nửa chén gia trì chú 21 biến uống vào, liền hết đau. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOUR EYES SHOULD BE BITTEN POISONOUS FLIES, STRAIN OFF THE JUICE OF KU LU TAN CH’UEH AND MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES. PUT IT IN THE EYES AT NIGHT WHEN YOU LIE DOWN TO SLEEP AND YOU WILL CURED. (KU LU TAN CH’UEH IS FRESH DONKEY DUNG.)

 

IF YOU HAVE INTERNAL PAIN, MIX TWENTY-ONE PIECES OF YIN CH’ENG SALT WITH A PINT OF WELL-FLOWER WATER. MANTRA IT TWENTY-ONE TIMES, DRINK HALF A PINT, AND YOU WILL BE CURED.

 

 

Commentary:

 

If your stomach hurts, mix WELL-FLOWER14 water twenty-one pieces of YIN CH’ENG SALT. Mantra it TWENTY-ONE TIMES, drink a cup, and you'll be cured.

 

14 Tecoma grandiflora, Bignoniaceae is a variety of a cultivated plant that bears large WELL-FLOWERS.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu bị bịnh đau mắt đỏ, mắt lồi thịt, mờ mịt không thấy, dùng lá XA XA DI đâm lược lấy nước, gia trì chú 21 biến, rồi bỏ đồng tiền có meo xanh vào ngâm một đêm. Xong lại lấy ra, tụng thêm vào đấy 7 biến chú nữa. Dùng thuốc này nhỏ vào mắt, bịnh sẽ lành. (XA XA DI là lá câu kỷ.) 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE AFFLICTED BY RED EYES, FLESHY GROWTHS IN THE EYES, OR A FILM WHICH COVERS THEM, GRIND AND STRAIN THE JUICE FROM THE LEAVES OF THE SHAMI, AND SAY THE MANTRA OVER IT TWENTY-ONE TIMES. SOAK A GREEN COPPER COIN IN THE JUICE OVERNIGHT. SAY THE MANTRA OVER IT SEVEN MORE TIMES, PUT IT IN THE EYES, AND YOU WILL BE CURED. (SHAMI LEAVES ARE KOU CHI LEAVES.15)

 

 

15  LYCIUM CHINENSE is one of two species of boxthorn shrub in the family Solanaceae.The meaning of SOLANACEOUS is of or relating to the nightshade family of plants.

 

 

Commentary:

 

The Great Compassion Mantra has the power to cure diseases of the eyes. RED EYES means that, while originally your eyes were quite distinctly white and black, now the whites have turned red. Perhaps a FLESHY GROWTH grows in them, or the pupils may become covered by a white film. In such cases, grind the leaves of the Shami plant and strain the juice through a piece of cloth. Shami is an Indian word. In China the plant is called KOU CHI. Chinese people often use it make soups and broths.

 

SAY THE MANTRA OVER IT TWENTY-ONE TIMES, put a GREEN COPPER COIN IN THE JUICE OVERNIGHT. Then say the mantra over it again SEVEN MORE TIMES. Put it in your eyes and YOU WILL BE CURED.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu người có tật ban đêm sợ hãi ra vào không yên, lấy chỉ trắng xe thành niệt, gia trì chú 21 biến, kết thành 21 gút buộc nơi cổ, thì tật ấy sẽ dứt. Chẳng những trừ được sự khủng bố mà cũng diệt được tội. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE AFRAID AT NIGHT AND NOT AT PEACE, TO THE POINT OF BEING FRIGHTENED TO COME OR GO, FASHION A CORD OUT OF WHITE THREADS AND SAY THE MANTRA OVER IT TWENTY-ONE TIMES AS YOU TIE IT INTO THENTY-ONE KNOTS. TIE IT AROUND YOUR NECK AND YOUR FEAR WILL BE DISPELLED. NOT ONLY WILL YOUR FEAR BE DISPELLED, BUT YOUR OFFENSES WILL BE ERADICATED.

 

 

Commentary:

 

There is a kind of sickness in which people afraid of the dark. When it gets dark they are extremely afraid, frightened, and upset. They become that they are even afraid to go to the toilet. In a case, you should weave WHITE THREADS into a cord using at the very least five threads. Recite the Compassion Mantra twenty-one times as you tie it into TWENTY-ONE KNOTS. TIE IT AROUND YOUR NECK AND YOUR FEAR WILL BE DISPELLED. Not only will you cease to be afraid, but your karmic obstacles will also be ERADICATED.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu trong nhà sanh nhiều tai nạn, dùng nhánh cây thạch lựu chặt thành 1.080 đoạn ước độ một tấc, mỗi đoạn 2 đầu đều thoa mật tô lạc. Kế đó, đem lò nhỏ để trước bàn Phật, cứ tụng xong một biến chú, liền đốt một đoạn. Khi thiêu hết 1.080 đoạn, tất cả tai nạn thảy đều tiêu trừ. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOUR HOUSEHOLD IS BESET WITH ACCIDENTS, CALAMITIES, OR DIFFICULTIES, YOU SHOULD CUT A POMEGRANATE BRANCH INTO 1,080 PIECES. SMEAR BOTH ENDS OF EACH PIECE WITH BUTTER AND HONEY. RECITE THE MANTRA ONCE OVER EACH PIECE AND BURN IT. BURN ALL 1,080 PIECES IN THIS WAY, AND ALL CALAMITIES AND DIFFICULTIES WILL BE ERADICATED. THIS SHOULD BE DONE BEFORE A BUDDHA-IMAGE.

 

 

Commentary:

 

If the people in your home are plagued with ACCIDENTS and misfortunes--with thieves, fires, all kinds disasters--cut a pomegranate branch into 1,080 pieces. Smear the ends of each piece with BUTTER AND HONEY. Recite the Great Compassion Mantra over each piece and burn it, until all 1,080 pieces have bear burn CALAMITIES AND DIFFICULTIES WILL BE ERADICATED. However, you should perform this dharma before an image of the Thousand-eyed, Thousand-handed Bodhisattva Who Regards the Sounds of the World.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu ở các nơi đấu tranh, luận nghị, muốn được hơn người dùng cành bạch xương bồ gia trì chú 21 biến, đeo nơi cánh tay mặt, tất sẽ được toại nguyện. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU MANTRA CALAMUS TWENTY-ONE TIMES AND TIE IT TO YOUR RIGHT ARM, YOU WILL BE VICTORIOUS IN ALL BATTLES AND DEBATES.

 

 

Commentary:

 

CALAMUS is a medicinal herb. Recite the Great Compassion Mantra over it twenty-one times and tie it to your right arm. Then, wherever you go to engage in battle or to debate and discuss principles, you will be victorious. You'll have unobstructed eloquence and no matter what you do, you'll be the winner.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu muốn được trí huệ nên dùng nhánh XA XA DI, chặt thành 1.080 đoạn, mỗi đoạn 2 đầu thoa sữa ngưu tô thuần chất và sữa ngưu tô hòa với bạch mật, cứ mỗi lần tụng chú lại đốt một đoạn. Nên nhớ trong một ngày đêm chia ra ba thời, mỗi thời tụng chú và đốt 1.080 đoạn. Thật hành đúng 7 ngày, chú sư sẽ được trí huệ thông ngộ. 

 

(PHỤ CHÚ: Mỗi thời tụng 1.080 biến tất là người tụng quá nhuần, và có định tâm nhiều). 

 

 

SUTRA:

 

TAKE SHAMI LEAVES, BRANCHES, OR STALKS, CUT THEM INTO INCH-LONG PIECES AND SMEAR BOTH ENDS OF EACH PIECE WITH REAL BUTTER AND WHITE HONEY. MANTRA EACH PIECE ONCE AS YOU BURN EACH PIECE, BURNING ALL 1,080 PIECES IN THIS WAY. DO THIS THREE TIMES A DAY, 1,080 TIMES EACH TIME, FOR SEVEN DAYS. AS THE MANTRA MASTER, YOU SHALL BE SELF-ENLIGHTENED, AND GAIN PENETRATING WISDOM.

 

 

Commentary:

 

If you would like to obtain the wisdom of knowing your former lives , cultivate this dharma, an esoteric dharma of the Secret School. Although secret dharmas can't be told to others, The Great Compassion Dharani Sutra does just that.

 

In the Secret School there is one particular dharma that consists of burning things. One may burn clothing, gold, diamonds, butter, food, anything they burn, the Vajra Master sits there ringing and muttering, "rlaang, rlaang…” reciting the mantra. The more expensive the items you burn, the more expensive you are said to be and the more merit and virtue you said to acquire. Then, after your gold has all down, the Secret School Master can exchange it good price and make quite a profit.

 

When people who are not so bright hear about they grab all their jewelry and burn it. I’ve great many such people. Although this sort of School does not exist in America at present, it in the future. In Chinese, they called it telling you in advance so you can all be Vajra.

 

"Bring all your gold and burn it," you can "and you will gain the greatest merit." Then, fire goes out, you yourself can exchange the gold cash and do a fine business. However, I don’t to do that. I don't have that kind of talent!

 

TAKE SHAMI LEAVES, or the BRANCHES, OR STALKS, AND CUT THEM INTO INCH-LONG PIECES. SMEAR each with REAL BUTTER AND WHITE HONEY. You may also flour, food and drink, or clothing. But you don't need to burn gold, because it won't burn just melt. Don't believe you must burn less to do that. I'm now blazing the proper views you to follow. You can be sure that if someone you to burn gold, they are just cheating you absolutely unnecessary to burn gold. All you need is butter and sugar.

 

Recite the mantra over each piece as you Burn all 1,080 pieces. You should do the ceremony three times every day, reciting 1,080 mantras at ceremony, for a full week.

 

AS THE MANTRA MASTER, that is, you who are cultivating the Dharma, YOU SHALL BE SELF-ENLIGHTENED, AND GAIN PENETRATING WISDOM. "Penetrating" means you will gain wisdom to discern your past lives.

 

If you have a sincere heart, you may attain spiritual penetration of the knowledge of past! If your heart is not quite so sincere, you may have wisdom, but it won't necessarily be the wisdom knowledge of past lives.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu muốn hàng phục đại lực quỷ thần, dùng củi cây A RỊ SẮC CA, thoa sữa tô lạc và mật vào, đem trước tượng Đại Bi gia trì, chú 49 biến, rồi đốt trong lửa. 

 

(A RỊ SẮC CA dịch là Mộc hoạn tử, cũng gọi là vô hoạn tử, một thứ cây có năng lực trừ tà, hạt của trái cây này có thể xỏ làm hạt chuỗi.)

 

 

SUTRA:

 

IF YOU WISH TO SUBDUE GREATLY POWER GHOSTS AND SPIRITS, MANTRA A STICK OF ARISHTAKA FORTY-NINE TIMES AND BURN IT, YOU MUST STILL SMEAR THE BUTTER AND HONEY, AND IT IS ALSO NECESSARY TO PERFORM THE CEREMONY BEFORE AN IMAGE OF THE GREAT COMPASSIONATE HEART. (ARISHTAKA WOOD IS MU HUAN TZU.16)

 

 16 SAPINDUS MUKOROSSI, commonly known as Indian soapberry, washnut, or ritha, is a species of tree in the family Sapindaceae.

 

 

Commentary:

 

These are no ordinary GHOSTS AND SPIRITS, but ghosts and spirits of great power whom no one can control. If you want to subdue them, take a stick of ARISHTAKA and mantra it FORTY-NINE TIMES AND BURN IT. Don't forget to smear the butter and honey and do the ceremony before an image of the Great Compassionate Bodhisattva Who Regards the World's Sounds. In this way you will gain a response and be able to subdue the ghosts and spirits.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu lấy một lượng HỒ LÔ GIÁ NA, đem đựng trong bình lưu ly, để trước tượng Đại Bi tụng chú 108 biến, rồi dùng thuốc ấy thoa trên trán và nơi thân, thì tất cả Thiên, Long, Quỷ Thần, người cùng loài phi nhơn trông thấy đều hoan hỉ. (HỒ LÔ GIÁ NA là vị Ngưu Hoàng.) 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU PLACE A GENEROUS OUNCE OF GOROCHANA IN A GLASS BOTTLE, PLACE IT BEFORE A GREAT COMPASSIONATE IMAGE, MANTRA IT 108 TIMES, AND THEN SMEAR IT ON YOUR BODY AND DOT IT ON YOUR FOREHEAD, ALL GODS, DRAGONS, GHOSTS, SPIRITS, HUMANS AND NON-HUMANS WILL BE DELIGHTED. (GOROCHANA IS NIU HUANG, "COW YELLOW." 17)

 

17 GOROCHANA is a bright yellow orpiment prepared from the bile of cattle and used in painting, dyeing, and is marking the tilika dot on the forehead. In medicine it is used as a sedative, tonic, and anthelmintic.

 

 

Commentary:

 

"COW YELLOW" is extremely expensive. Today an ounce would cost at the very least $500. If you mantra it and smear it on your body and dot your forehead it, then all the GODS, SPIRITS, and other beings, both human and non-human, will be happy.

 

 

 KINH VĂN:

 

Nếu thân bị xiềng xích, dùng phẩn của con bồ câu trắng, gia trì chú 108 biến, tụng xong đem thoa vào tay chà lên gông xiềng, gông xiềng sẽ tự sút. 

Nếu vợ chồng bất hòa, trạng như nước lửa, dùng lông đuôi chim oan ương, đem trước tượng Đại Bi tụng chú 1.080 biến rồi đeo trong mình, tất vợ chồng trọn đời vui hòa, thương yêu nhau.

 

 

SUTRA:

 

IF YOU ARE PUT IN HANDCUFFS OR ARE LOCKED IN A CANGUE, SAY THE MANTRA OVER THE EXCREMENT OF A WHITE PIGEON 108 TIMES. SMEAR IT ON YOUR HANDS, THEN RUB THE LOCKS AND THEY WILL OPEN OF THEMSELVES.

 

"IF A HUSBAND AND WIFE ARE NOT IN HARMONY AND THE SITUATION IS LIKE THAT OF WATER AND FIRE, TAKE THE TAIL OF A MANDARIN DUCK BEFORE AN IMAGE OF THE GREAT COMPASSION HEART; SAY THE MANTRA OVER IT 1,080 TIMES, AND CARRY IT ON THE BODY. TO THE END OF YOUR LIFE, THERE WILL BE MUTUAL DELIGHT, LOVE, AND RESPECT.

 

 

Commentary:

 

Living together as husband and wife is the greater of all natural relationships, and they should live in harmony. Sometimes, however, various karmic obstructions may arise, or demons may attempt to destroy their affection for each other. WATER AND FIRE cannot exist together; where there's fire, water cannot stay, and where there's water, fire cannot stay. They are like the husband and wife who fight every day and can't be around each other. MANDARIN DUCKS are always together and never disagreed. Say the mantra over the tail of a Mandarin Duck 1,080 times and CARRY IT ON THE BODY. Until the end of your lives, you will LOVE and RESPECT one another.

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu lúa mạ hoặc các thứ cây trái bị sâu bọ cắn, dùng tro và cát sạch hòa với nước trong, gia trì 21 biến chú, rảy trên cây, trên mạ cùng bốn bên bờ ruộng, thì sâu bọ không dám phá hại. 

Đức Phật lại bảo ngài A Nan: - Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát có ngàn mắt ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sanh. Đó cũng là do tâm Đại Bi của vị Đại Sĩ ấy hóa hiện. 

 

(PHỤ CHÚ : Những chân-ngôn sau đây, chỗ có 2 vạch ngang (--) là chữ đọc kéo hơi dài ra, chữ có 1  vạch ngang (-) là hai chữ đọc hiệp lại làm một. Muốn cầu điều gì, đọc THẦN-CHÚ và CHƠN-NGÔN theo điều ấy). 



The Forty-Two Hands
42 Thủ Nhãn Ấn-Pháp





1.        The As-You-Will Pearl Hand and Eye
           
Như-Ý-Châu Thủ Nhãn Ấn Pháp

2.       The Lariat Hand and Eye
           
Quyến-Sách Thủ Nhãn Ấn Pháp

3.       The Jeweled Bowl Hand and Eye
           
Bảo-Bát Thủ Nhãn Ấn Pháp

4.      The Jeweled Sword Hand and Eye
          
Bảo-Kiếm Thủ Nhãn Ấn Pháp

5.       The Vajra Hand and Eye
          
Bạt-Chiết-La Thủ Nhãn Ấn Pháp

6.      The Vajra Pestle Hand and Eye
         
Kim-Cang-Xử Thủ Nhãn Ấn Pháp

7.      The Bestowing Fearlessness Hand and Eye
         
Thí-Vô-Úy Thủ Nhãn Ấn Pháp

8.      The Sun Essence Mani Hand and Eye
         
Nhật-Tinh Ma-Ni Thủ Nhãn Ấn Pháp

9.      The Moon Essence Mani Hand and Eye
         
Nguyệt-Tinh Ma-Ni ThủNhãn Ấn Pháp

10.   The Jeweled Bow Hand and Eye
         
Bảo-Cung Thủ Nhãn Ấn Pháp

11.     The Jeweled arrow Hand and Eye
          
Bảo-Tiễn Thủ Bảo-Tiễn Thủ Nhãn Ấn Pháp

12.    The Willow Branch Hand and Eye
         
Dương-Chi Thủ Nhãn Ấn Pháp

13.    The White Whisk Hand and Eye
         
Bạch-Phất Thủ Nhãn Ấn Pháp
 
14.   The hu Bottle Hand and Eye
         
Hồ-Bình Thủ Nhãn Ấn Pháp
       
15.   The Shield Hand and Eye
          
Bàng-Bài Thủ Nhãn Ấn Pháp

16.   The Ax Hand and Eye
         
Phủ-Việt Thủ Nhãn Ấn Pháp

17.   The Jade Ring Hand and Eye
        
Ngọc-Hoàn Thủ Nhãn Ấn Pháp
   
18.   The White Lotus Hand and Eye
         
Bạch-Liên-Hoa Thủ Nhãn Ấn Pháp
        
19.   The Blue Lotus Hand and Eye
         
Thanh-Liên-Hoa Thủ Nhãn Ấn Pháp
     
20.   The Jeweled Mirror  Hand and Eye
          
Bảo-Kính Thủ Nhãn Ấn Pháp
                           
21.   The Purple Lotus Hand and Eye
        
Tử-Liên-Hoa Thủ Nhãn Ấn Pháp

22.   The Jewel-chest Hand and Eye
         
Bảo-Khiếp Thủ Nhãn Ấn Pháp

23.   The Five-colored Cloud Hand and Eye
         
Ngũ-Sắc-Vân Thủ Nhãn Ấn Pháp

24.   The Kundi Hand and Eye
         
Quân-Trì Thủ Nhãn Ấn Pháp
       
25.   The Red Lotus Hand and Eye
           
Hồng-Liên Hoa Thủ Nhãn Ấn Pháp
          
26.   The Jeweled Halberd Hand and Eye
         
Bảo-KíchThủ Nhãn Ấn Pháp
       
27.   The Jeweled Conch Hand and Eye
         
Bảo-LoaThủ Nhãn Ấn Pháp
 
28.  The Skull Bone Staff Hand and Eye
        
Độc-Lâu-Trượng Thủ Nhãn Ấn Pháp

29.  The Recitation Beads Hand and Eye
       
 Sổ-ChâuThủ Nhãn Ấn Pháp

30.  The Jeweled Bell Hand and Eye
         
Bảo-ĐạcThủ Nhãn Ấn Pháp
       
31.  The Jeweled Seal Hand and Eye
         
Bảo-Ấn Thủ Nhãn Ấn Pháp
       
32.   The Chu Shih Iron Hook Hand and Eye        
        
Cu-Thi-Thiết-Câu Thủ Nhãn Ấn Pháp

33.   The Tin Staff Hand and Eye
        
Tích-TrượngThủ Nhãn Ấn Pháp

34.   The Joined Palms Hand and Eye
         
Hiệp-Chưởng Thủ Nhãn Ấn Pháp

35.   The Transformation Buddha on the Palm Hand and Eye
         
Chưởng-Thượng Hóa-Phật Thủ Nhãn Ấn Pháp

36.  The Transformation Palace Hand and Eye
        
Hóa-Cung-ĐiệnThủ Nhãn Ấn Pháp
   
37.   The Jeweled Sutra Hand and Eye
         
Bảo-Kinh Thủ Nhãn Ấn Pháp
       
38.  The Non-retreating Gold Wheel Hand and Eye
        
Bất-Thối Kim-Luân Thủ Nhãn Ấn Pháp

39.  The Transformation Buddha  Atop the Crown Hand and Eye
        
Đảnh-Thượng Hóa-Phật Thủ Nhãn ấn pháp 

40.  The Grape Hand and Eye
        
Bồ-Đào Thủ Nhãn Ấn Pháp

41.  The Sweet Dew Hand and Eye
        
Cam-Lộ Thủ Nhãn Ấn Pháp

42.   The Uniting and Holding Thousand Arms Hand and Eye
         
Tổng-Nhiếp-Thiên-Tý Thủ Nhãn Ấn Pháp



- Này A Nan! Những việc có thể mong cầu như thế, kể có ngàn điều. Nay ta chỉ nói lược qua chút ít phần thôi. 



LƯỢC GIẢNG: 

 

Liên quan đến Chú Đại Bi và Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn Ấn Pháp, có người hỏi: “Làm thế nào mà Bồ Tát Quán Thế Âm có được ngàn Tay ngàn Mắt?”

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa trả lời rằng: “Vị Bồ tát đó có đại Uy Đức và Thần Thông không thể nghĩ bàn được . Ngàn Tay ngàn Mắt của Ngài là do trì Chú Đại Bi và 42 Thủ Nhãn Ấn Pháp. Khi thành tựu PHÁP nầy, thì có được ngàn Tay ngàn Mắt.  Ngàn Mắt để Quán xem sự khổ nạn của chúng sanh và ngàn Tay để cứu độ họ mau thoát khỏi mọi khổ đau. Tu viên mãn Bốn mươi hai Tay Mắt, thì sẽ thành tựu ngàn Tay ngàn Mắt.

 

BẤT LUẬN QUÝ VỊ LÀ AI, nếu tu theo Pháp Đại Bi và 42 Tay Mắt của Bồ Tát Quán Thế Âm trong KINH ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI, thì sẽ có được NGÀN TAY NGÀN MẮT giống như BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM vậy”.

 

Những việc có thể mong cầu, được đề cập trong 42 Tay Mắt ở trên, thật ra có hơn ngàn việc, như ở đây chỉ nói ít phần mà thôi.


 

NGHI THỨC

ĐẠI BI THỦ NHÃN ẤN PHÁP

 

( PHÁT NGUYỆN TU THEO BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM)



SUTRA:

 

IF YOUR FIELDS OR ORCHARDS ARE BEING EATEN BY BUGS, SAY THE MANTRA OVER PURE ASHES, PURE SAND, OR PURE WATER TWENTY-ONE TIMES. SPRINKLE IT ON THE FOUR BOUNDARIES OF THE FIELDS AND THE BUGS WILL RETREAT. SPRINKLE MANTRA-WATER ON THE FRUIT TREES AND THE BUGS WILL LEAVE; THEY WILL NOT DARE EAT THE FRUIT.

 

THE BUDDHA TOLD ANANDA,

 

 

1. FOR WEALTH, VARIOUS GEMS AND VALUABLES, USE THE AS-YOU- WILL PEARL HAND.

 

2. FOR SEEKING PEACE AND TRANQUILITY IN ALL UNRESTFUL SITUATIONS, USE THE LARIAT HAND.

 

3. FOR ALL INTERNAL ILLNESSES, USE THENJEWELED BOWL HAND.

 

4. FOR SUBDUING ALL WANG LIANG GHOSTS AND SPIRITS, USE THE JEWELED SWORD HAND.

 

5. FOR SUBDUING ALL HEAVENLY DEMONS AND SPIRITS, USE THE VAJRA HAND.

 

6. FOR CONQUERING ALL HATEFUL ENEMIES, USE THE VAJRA PESTLE HAND.

 

7. FOR ALL SITUATIONS WHERE THERE IS FEAR AND UNREST, USE THE BESTOWING FEARLESSNESS HAND.

 

8. FOR DARKNESS AND LACK OF LIGHT IN THE EYES, USE THE SUN ESSENCE MANI HAND.

 

9. FOR SICKNESSES INVOLVING HEAT AND POISON, WHERE ONE SEEKS COOLNESS, USE THE MOON ESSENCE MANI HAND.

 

10. FOR PROMOTIONS IN OFFICIAL POSITIONS, USE THE JEWELED BOW HAND.

 

11. FOR QUICKLY MEETING UP WITH GOOD FRIENDS, USE THE JEWELED ARROW HAND.

 

12. FOR VARIOUS ILLNESSES OF THE BODY, USE THE WILLOW BRANCH HAND.

 

13. FOR GETTING RID OF EVIL OBSTACLES AND DIFFICULTIES, USE THE WHITE WHISK HAND.

 

14. FOR WHOLESOME AND HARMONIOUS RETINUES, USE THE HU BOTTLE HAND.

 

15. FOR WARDING OFF TIGERS, WOLVES, AND WILD CATS AND ALL EVIL BEASTS, USE THE SHIELD HAND.

 

16. FOR AVOIDING DIFFICULTIES WITH THE LAW AT ALL TIMES AND IN ALL PLACES, USE THE AXE HAND.

 

17. FOR MALE AND FEMALE SERVANTS, USE THE JADE RING HAND.

 

18. FOR ALL KINDS OF MERIT AND VIRTUE, USE THE WHITE LOTUS HAND.

 

19. FOR REBIRTH IN THE PURE LANDS OF THE TEN DIRECTIONS, USE THE BLUE LOTUS HAND.

 

20. FOR GREAT WISDOM, USE THE JEWELED MIRROR HAND.

 

21. FOR MEETING THE BUDDHAS OF THE TEN DIRECTIONS, USE THE PURPLE LOTUS HAND.

 

22. FOR UNCOVERING HIDDEN TREASURES IN THE EARTH, USE THE JEWEL-CHEST HAND.

 

23. FOR THE WAY OF THE IMMORTALS, USE THE FIVE-COLORED CLOUD HAND.

 

24. FOR BIRTH IN THE BRAHMA HEAVENS, USE THE KUNDI HAND.

 

25. FOR REBIRTH IN ALL HEAVENLY PALACES, USE THE RED LOTUS HAND.

 

26. FOR WARDING OFF INVADING ENEMIES, USE THE JEWELED HALBERD HAND.

 

27. FOR SUMMONING ALL THE GODS AND GOOD SPIRITS, USE THE JEWELED CONCH HAND.

 

28. FOR COMMANDING ALL GHOSTS AND SPIRITS, USE THE SKULL-BONE STAFF HAND.

 

29. FOR CAUSING THE TEN DIRECTION BUDDHAS TO QUICKLY COME AND CONFER PREDICTIONS, USE THE RECITATION BEADS HAND.

 

30. FOR ACCOMPLISHING ALL SUPERIOR BRAHMA SOUNDS, USE THE JEWELED BELL HAND.

 

31. FOR MOUTH KARMA WHICH IS ELOQUENT, CLEVER, AND WONDERFUL, USE THE JEWELED SEAL HAND.

 

32. FOR CAUSING THE GOOD SPIRITS AND DRAGONS KINGS TO CONSTANTLY SURROUND AND GUARD ONE, USE THE CHU SHIH IRON HOOK HAND.

 

33. FOR COVERING AND PROTECTING ALL BEINGS WITH COMPASSION, USE THE TIN STAFF HAND.

 

34. FOR CAUSING ALL LIVING BEINGS TO BE ALWAYS RESPECTFUL AND LOVING TOWARDS ONE ANOTHER, USE THE JOINED PALMS HAND.

 

35. FOR NEVER BEING APART FROM THE BUDDHAS THROUGHOUT ALL SUCCESSIVE LIVES, USE THE TRANSFORMATION BUDDHA HAND.

 

36. FOR ALWAYS BEING PRESENT IN THE PALACES OF THE BUDDHAS THROUGHOUT ALL SUCCESSIVE LIVES AND BIRTHS, AND NEVER RECEIVING A BODY BORN FROM A WOMB USE THE TRANSFORMATION PALACE HAND.

 

37. FOR MUCH LEARNING AND EXTENSIVE STUDY, USE THE JEWELED SUTRA HAND.

 

38. FOR NOT RETREATING FROM THE BODHI HEART FROM THIS INCARNATION UNTIL ONE'S INCARNATION AS A BUDDHA, USE THE NON-RETREATING GOLD WHEEL HAND.

 

39. FOR CAUSING THE TEN DIRECTION BUDDHA TO QUICKLY COME AND RUB ONE ON THE CROWN, CONFERRING A PREDICTION, USE THE TRANSFORMATION BUDDHA ATOP THE CROWN HAND.

 

40. FOR FRUITS, MELONS, AND GRAINS, USE GRAPE HAND.

 

41. FOR SATISFYING THE HUNGER AND THIRST OF LIVING CREATURES, USE THE SWEET DEW HAND.

 

42. FOR SUBDUING HATEFUL DEMONS IN THE THREE THOUSAND GREAT-THOUSAND WORLDS, USE THE UNITING AND HOLDING THOUSAND ARMS HAND.

 

THUS ARE ALL THE DHARMAS OF SEEKING; ARE A THOUSAND, BUT WE HAVE ONLY SPOKEN OF BRIEFLY.

 

 

Commentary:

 

Concerning the Great Compassion Mantra and the Forty-two Hands and Eyes, someone asked, “How did the Bodhisattva Who Regards the World’s Sounds get a thousand hands and eyes?”

The Bodhisattva has great awesome virtue and spiritual penetrations. His thousand eyes came from cultivation of the Great Compassion Dharma, which obtains the forty-two Hands. Cultivating them succeed he thereby gained a thousand hands and eyes. Which he looks to see what trouble people have and pull out of suffering. Cultivating the Forty-two Hands and Eyes perfection, he became complete with a thousand Hands and Eyes.

 

No matter who you are, if you meet the Great Compassion Dharma and cultivate the Forty-two Hands and Eyes will obtain a thousand hands and eyes, just like the Bodhisattva.

 

Dharmas of seeking refers to the Forty-two Hands and Eyes mention above. There are  actually more then thousand, but we are just mentioning them in general.



KINH VĂN:


Khi ấy Nhựt Quang Bồ Tát vì người thọ trì Đại Bi Tâm đà ra ni nói đại thần chú để ủng hộ rằng: 

 

 

SUTRA:

 

SUNLIGHT BODHISATTVA THEN SPOKE A GREAT SPIRITUAL MANTRA TO PROTECT THOSE WHO ACCEPT AND HOLD THE GREAT COMPASSION DHARANT:

 

 

Commentary:

 

Those who do not understand the Buddhadharma think that SUNLIGHT BODHISATTVA is the sun itself, but this is not the case. He is a Bodhisattva named “Sunlight Bodhisattva.” Although reciters of the Great Compassion Mantra already have many Dharma protectors guarding them, the mantra was spoken specifically to protect those who recite it.

 

 

 

KINH VĂN:

 


NHỰT-QUANG BỒ-TÁT ĐÀ-RA-NI

 


NAM MÔ BỘT-ĐÀ CÙ NA MÊ. 

NAM MÔ ĐẠT-MẠ MẠC HA ĐÊ. 

NAM MÔ TĂNG-GIÀ ĐA DẠ NÊ.

 

ĐỂ CHỈ BỘ TẤT TÁT ĐỐT CHIÊM NẠP MẠ. 

 

 

SUTRA:

 

NA MWO BO TO JU NWO MI.

NA MWO DA MWO MO HE DI.

NA MWO SENG CHYE DWO YE NI.

 

DI LI BU BI SA DU YEN NA MWO.

 

 

Commentary:

 

The first three sentences are to take refuge with Triple Jewel. The last sentence calls in all the Dharma protectors to guard the reciter.

 

 

KINH VĂN:

 

Nhựt Quang Bồ Tát bạch Phật: 

- Bạch đức Thế Tôn! Tụng chú này diệt được tất cả tội, cũng đuổi được ma và trừ thiên tai. 

 

 

SUTRA:

 

TO RECITE THIS MANTRA IS TO WIPE AWAY ALL OFFENSES, KEEP ONE FROM DEMONS, AND PREVENT NATURAL DISASTERS.

 

 

Commentary:

 

Your offense karma is eradicated, you avoid deviant demons, and all disasters such as hurricanes, floods, earthquakes.

 

 

 KINH VĂN:

 

Nếu kẻ nào tụng chú này một biến, lễ Phật một lạy, mỗi ngày chia ra làm 3 thời tụng chú lễ Phật như thế, trong đời vị lai tùy theo chỗ thọ thân, thường được tướng mạo xinh đẹp, được quả báo đáng vui mừng. 

 

Nguyệt Quang Bồ Tát cũng vì hành nhơn mà nói đà ra ni để ủng hộ rằng: 



NGUYỆT-QUANG BỒ-TÁT ĐÀ-RA-NI

 

THÂM ĐÊ ĐẾ ĐỒ TÔ TRA. A NHÃ MẬT ĐẾ Ô ĐÔ TRA. THÂM KỲ TRA. BA LẠI ĐẾ. GIA DI NHÃ TRA Ô ĐÔ TRA. CÂU LA ĐẾ TRA KỲ MA TRA. SÁ-PHẠ HẠ. 

 

 

SUTRA:

 

IF YOU RECITE IT ONCE AND BOW TO THE BUDDHA ONCE, RECITING AND BOWING THREE DIFFERENT TIMES EVERYDAY, THEN IN EVERY PLACE OF FUTURE REBIRTH, YOU WILL ALWAYS CERTAINLY BE REBORN WITH AN ATTRACTIVE APPEARANCE AND “THE RETRIBUTION OF DELIGHT.”

 

MOONLIGHT BODHISATTVA THEN SPOKE A DHARANI TO PROTECT PRACTITIONERS:

 

SHEN DI DI TU SHU JA. E RE MI DI WU DU JA. SHEN CHI JA. BWO LAI DI. YE MI RE JA WU DU JA. JYU LWO DI JA CHI MWO JA. SWO PE HE.

 

 

Commentary:

 

THE RETRIBUTION OF DELIGHT means that you will like your appearance and those who see you will also find you likeable.

 

PRACTITIONERS are those who recite and hold the Great Compassion Mantra. They should certainly recite and these two mantras for increased power.

 

KINH VĂN:

 

Nguyệt Quang Bồ Tát lại bạch Phật: 

- Bạch đức Thế Tôn! Tụng chú này 5 biến, rồi lấy chỉ ngũ sắc xe thành sợi niệt, gia trì chú vào, buộc tréo nơi tay, chú này do 40 hằng sa chư Phật đời quá khứ đã nói ra, nay tôi cũng nói để vì các hành nhơn mà làm duyên ủng hộ. Chú này có công năng trừ tất cả chướng nạn, tất cả bịnh ác, xa lìa tất cả sự sợ hãi. 

 

 

 

SUTRA:

 

RECITE THIS MANTRA FIVE TIMES, MAKING A MANTRA-ROPE OUT OF FIVE-COLORED THREADS. TIE IT AROUND THE PLACE THAT HURTS.

 

THIS MANTRA HAS BEEN SPOKEN BY BUDDHAS OF THE PAST TO THE NUMBER OF SAND GRAINS IN FORTY GANGES RIVERS. I ALSO NOW SPEAK IT FOR THE SAKE OF ALL PRACTICERS, IN ORDER TO PROTECT THEM, TO CAST OUT ALL OBSTACLES AND DIFFICULTIES, TO GET RID OF ALL THE PAIN OF EVIL ILLNESSES, TO ACCOMPLISH THE REALIZATION OF ALL WHOLESOME DHARMAS, AND TO LEAVE ALL FEAR FAR BEHIND."

 

 

Commentary:

 

Recite the Moonlight Bodhisattva Dharani FIVE TIMES over five colored threads and tie them around the part of your body that is in pain.

 

THIS MANTRA HAS BEEN SPOKEN BY BUDDHAS OF THE PAST

 

TO THE NUMBER OF SAND GRAINS IN FORTY GANGES RIVERS. I am now speaking it in order to afford protection to those who recite and hold the Great Compassion Mantra, and to eradicate their karmic obstacles, hardships, and painful, illnesses, for one who recites the mantra can get rid of all evil sickness. I also speak the mantra in order to bring about the realization of all good dharmas and to cause reciters to remain distant from all fear and trembling. The mantra's power is great indeed.

 

 

KINH VĂN:

 

Đức Phật bảo ngài A Nan: 

- Ông nên dùng lòng trong sạch tin sâu mà thọ trì môn Đại Bi tâm đà ra ni này và lưu bố rộng ra trong cõi Diêm Phù Đề, chớ cho đoạn tuyệt. Đà ra ni này có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh trong 3 cõi. Tất cả bịnh khổ ràng buộc nơi thân, nếu dùng đà ra ni này mà trị thì không bịnh nào chẳng lành, dùng đại thần chú này tụng vào cây khô, cây ấy còn được sanh cành lá, trổ bông, trái, huống chi là chúng sanh có tình thức ư? Nếu thân bị đại bịnh, dùng chú này mà trị không lành, lẽ ấy không bao giờ có. 

 

 

SUTRA:

 

THE BUDDHA TOLD ANANDA, "YOU SHOULD ACCEPT AND HOLD THE DHARANI WITH A PROFOUND AND PURE HEART, PROPAGATING IT WIDELY IN JAMBUDVIPA AND NOT ALLOWING IT TO BECOME EXTINCT. THE DHARANI CAN BRING GREAT BENEFIT TO LIVING BEINGS OF THE THREE WORLDS AND CURE ALL DISEASE AND SUFFERING WHICH MAY BIND THE

 

BODY, THERE IS NO ILLNESS IT CANNOT CURE.

 

THE GREAT SPIRITUAL MANTRA CAN CAUSE EVEN WITHERED TREES TO GROW NEW BRANCHES, BLOOM, AND BEAR FRUIT. HOW MUCH THE MORE SO CAN IT CURE THE SICKNESS AND DISEASE OF THE BODIES OF LIVING CONSCIOUS BEINGS.

 

Commentary:

 

Having set forth the previous doctrines, Shakyamuni Buddha continues to address Ananda, saying, "You should accept and hold the Dharani with a PROFOUND AND PURE HEART." “Profound” means that you should not be casual or careless, but should be especially attentive.

 

“Pure” means that you should not strike up false thinking or entertain thoughts of greed. Accept and hold the mantra. Recite it with single-minded concentration and do not allow your mind to become involved with external conditions, plots, or plans. Spread the widely by telling everyone you meet about its power and effectiveness and its ability to benefits beings. Propagate it and make it flow, like running water, throughout the southern continent of JAMBUDVIPA. Most importantly, whatever you do, DO NOT ALLOWING IT TO BECOME EXTINCT.

 

Do not allow the Great Compassion or The Great Compassion Sutra to become extinct.  The dharani can bring great benefit not only to the beings in the realm of desire, but to the beings in the world of for the formless world as well. It can cure all illness sores, and chronic evil diseases which continual afflict the body. THERE IS NO ILLNESS IT CANNOT CURE.

 

The Great Compassion Mantra has the power CAN CAUSE EVEN WITHERED TREES TO GROW NEW BRANCHES, BLOOM, AND BEAR FRUIT. So it is certainly impossible for not to cure the sicknesses of living, conscious beings who have emotion and feeling. It is certain that will be cured.

 

The efficacy and force gained through of the Great Compassion Mantra is inconceivable must have a sincere heart and not a particle. If you have doubt, there will be no response. If you recite the mantra without doubts and without falling, you will certainly obtain a response.

 

Think it over: how many people are there in world? How many of them have heard the name “Great Compassion Mantra?" How many of them understand Great Compassion Dharma? It should be obvious the mantra is difficult to encounter. It’s difficult even to hear its name. Even in Buddhism, at the time, very few people know the power of the Great Compassion Mantra and, especially, of the SUNLIGHT Bodhisattva and MOONLIGHT Bodhisattva-Dharani. Even the people are able to recite them.

 

In this, the Dharma ending Age, there is no one who is able to cultivate or to understand a dharma like the Forty-two Hand yet, here in the Buddhist Lecture Hall, we transmission dharma of the Forty-two Hands and the Sunlight Dharanis as well, with the hope that these doors might be revived and flourish once more in the future, everyone will understand how to recite these dharmas and day by day there will be more people who have the Five Eyes and Six Spiritual Penetrations.

 

The dispositions of beings in the Dharma-end are quite dull and stupid. The Right Dharma is difficult to encounter. Having encountered it, few wish to cultivate it, and those who do try to cultivate it don't stay with it for long. It's a most difficult situation.

 

Therefore, in our cultivation of the Great Compassion Dharma, we should not fear hardships. We should take time from our busy schedules to listen to the lectures on the Sutras and to cultivate the Great Compassion Dharma, to recite and hold the Great Compassion mantra, to cultivate the Shurangama Mantra, the Sunlight and Moonlight Bodhisattva Dharanis, and to cultivate the forty-two Hands.

 

Once you have cultivated them for a while, you will obtain a response and gain success. But no matter what you do, you must do it for a time until your skill is perfected. For example, if you are learning how to write Chinese characters, the first ones you write won't be very good. The second try will show some improvement, and the third attempt will be even better. If you continue to practice after a while they will naturally improve, but if you don't continually practice, they never will. Cultivating the Dharma is also this way.

 

Now, in the Dharma-ending Age, we have met in this hall to investigate the Buddhadharma. This is an inconceivable state and shows that you have good roots from former lives. If you did not have good roots, you would absolutely not have encountered the Great Compassion Mantra, The Great Compassion Sutra, the Sunlight and Moonlight Dharanis, or the Forty-two Hands. To put it in even plainer terms, if you did not have good roots, you would not have been able to meet me, this left-home person who has no cultivation. But now that you have met me, you all have an opportunity to go to the Place where you want to go.

 

 

KINH VĂN:

 

Này thiện nam tử! Sức oai thần của Đại Bi tâm đà ra ni không thể nghĩ bàn! Không thể nghĩ bàn! Khen ngợi không bao giờ hết được, nếu chẳng phải là kẻ từ thời quá khứ lâu xa đến nay đã gieo nhiều căn lành, thì dù cho cái tên gọi còn không được nghe, huống chi là được thấy! Nay đại chúng các ông, cả hàng trời, người long thần, nghe ta khen ngợi phải nên tùy hỉ. 

 

 

SUTRA:

 

GOOD MEN, THE AWESOME SPIRITUAL POWER OF THE DHARANI IS INCONCEIVABLE, IT IS INCONCEIVABLE. ONE CANNOT FINISH PRAISING IT. IF, FROM THE LONG DISTANT PAST, YOU HAD NOT PLANTED EXTENSIVE GOOD ROOTS, YOU WOULD NOT BE ABLE EVEN TO HEAR ITS NAME, LET ALONE MEET UP WITH IT. ALL OF YOU PRESENT IN THE GREAT ASSEMBLY--GODS, PEOPLE, DRAGONS, AND SPIRITS--UPON HEARING ME PRAISE THE DHARANI SHOULD ACCORDINGLY REJOICE.

 

 

Commentary:

 

"GOOD MEN," says the Buddha. "Bodhisattva, Bhikshus, Bhikshunis, Upasakas and Upasikas assembled here--you should know that this Dharani, which “unites all dharma and holds limitless meanings,” has AWESOME SPIRITUAL POWER. "Awesome” means that one stands in awe of it. All humans and demons fear it. "Spiritual" refers to its inconceivable power; it has such strength that people stand in awe of it. This kind of power is INCONCEIVABLE; IT IS INCONCEIVABLE. It cannot be thought of with the mind or spoken of with the mouth. The word “inconceivable" is said twice to double the impact.

 

Ah! It's inconceivable, inconceivable. I could never FINISH PRAISING IT," says the Buddha. “Were it not the case that you had planted many GOOD ROOTS in many aeons past, you wouldn't even be able to hear the name, “Great Compassion Mantra.” But, since you did now you have.

 

Hearing me, Shakyamuni Buddha, praise the Great Companion Mantra, ALL OF YOU PRESENT IN THE GREAT ASSEMBLY--GODS, PEOPLE, DRAGONS, AND SPIRITS--should follow my example and praise the mantra and cultivate this Dharma-door."

 

 

KINH VĂN:

 

Nếu kẻ nào hủy báng thần chú này tức là hủy báng 99 ức hằng hà sa chư Phật kia. Nếu người nào đối với đà ra ni này sanh nghi không tin, nên biết kẻ ấy sẽ vĩnh viễn mất sự lợi ích lớn, trăm ngàn muôn kiếp không bao giờ nghe thấy Phật, Pháp, Tăng, thường chìm trong tam đồ không biết bao giờ mới được ra khỏi. 

 

 

SUTRA:

 

ONE WHO SLANDERS THE MANTRA IS SIMPLY SLANDERING BUDDHAS TO THE NUMBER OF GRAINS OF SAND IN NINETY-NINE MILLIONS OF GANGES RIVERS. YOU SHOULD KNOW THAT ONE WHO GIVES RISE TO DOUBT OR DISBELIEF WITH REGARD TO THE DHARANI FOREVER LOSES GREAT BENEFIT. FOR A BILLION AEONS HE WILL CONTINUALLY BE ENGULFED IN THE EVIL DESTINIES WITH NO PERIOD OF ESCAPE, NEVER MEETING THE BUDDHA, HEARING THE DHARMA, OR SEEING THE SANGHA.

 

 

Commentary:

 

ONE WHO SLANDERS THE MANTRA, saying, "It's just superstition," or this and that, is simply slandering the BUDDHAS of the past TO THE NUMBER OF GRAINS OF SAND IN NINETY-NINE MILLIONS OF GANGES RIVERS. YOU SHOULD KNOW THAT ONE WHO GIVES RISE TO DOUBT OR DISBELIEF WITH REGARD TO THE DHARANI FOREVER LOSES GREAT BENEFIT. FOR A BILLION AEONS HE WILL CONTINUALLY BE ENGULFED IN THE EVIL DESTINIES WITH NO PERIOD OF ESCAPE, NEVER MEETING THE BUDDHA, HEARING THE DHARMA, OR SEEING THE SANGHA. What is the "great benefit?" Cultivators of the Dharma-door of the Great Compassion Mantra can end birth and escape death; they can realize Buddhahood; they can attain the position of irreversibility. Those who don't believe in this Dharma-door do not obtain this great benefit; they do not end birth and death. So it says, "They forever lose great benefit."

 

For a hundred aeons, for a thousand aeons, for ten thousand aeons, for a billion aeons, they will continue to turn in the evil destinies as beings in hell, as ghosts, as animals--that's three--or as asuras, that's four evil destinies. They will never get out and they will never meet the Buddha or hear the Dharma. Now, in America, a trail is being blazed in unchartered territory and you can hear the Dharma every day. Did the generation which preceded you have this opportunity? Could they have listened to the Buddhadharma?

 

“Not seeing the Sangha...” Very few of your elders ever saw members of the Sangha. Now, not only do you see the Buddha and hear the Dharma, but very shortly genuine American Bhikshus and Bhikshunis will appear! Because the good roots of Americans have matured, the Triple Jewel appears.

 

 

KINH VĂN:

 

Khi ấy, tất cả chúng hội, Bồ Tát Ma ha tát, Kim Cang mật tích, Phạm vương, Đế Thích, tứ đại thiên vương, thiên, long, quỷ thần, nghe đức Như Lai khen ngợi môn đà ra ni này xong, thảy đều vui mừng, y lời dạy mà tu hành. 

 

 

SUTRA:

 

HEARING THE BUDDHA, THE THUS COME ONE, PRAISE THE DHARANI, THE ENTIRE ASSEMBLY OF BODHISATTVAS, MAHASATTVAS, VAJRA SECRET TRACES, BRAHMA, SHAKRA, THE FOUR HEAVENLY KINGS, THE GODS, DRAGONS, GHOSTS AND SPIRITS ALL REJOICED AND RESPECTFULLY CULTIVATED THE TEACHING.

 

 

Commentary:

 

Present in the assembly were the great Bodhisattvas, the VAJRA SECRET TRACES Dharma protectors, the BRAHMA, the FOUR HEAVENLY KINGS, SHAKRA, along the GODS, DRAGONS, GHOSTS AND SPIRITS. When the Shakyamuni Buddha PRAISE THE DHARANI, laud the of the Great Compassion Heart Dharani, they ALL REJOICED AND RESPECTFULLY CULTIVATED THE TEACHING. They up their conduct in accord with the teaching the Great Compassion Mantra, the Forty-Two Hands, the Sunlight and Moonlight Bodhisattva Dharanis practiced in accord with what they had been tang.

 

 

KINH THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN

QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT QUẢNG-ÐẠI VIÊN-MÃN

VÔ-NGẠI ĐẠI-BI-TÂM ÐÀ-RA-NI

 

 CHUNG

 

 

SUTRA:

 

END OF THE SUTRA OF THE VAST, GREAT, PERFECT, FULL, UNIMPEDED, GREAT COMPASSION HEART DHARANI OF THE THOUSAND-HANDED, THOUSAND-EYED BODHISATTVA WHO REGARDS THE SOUNDS OF THE WORLD. 

 

 

 

UM! BÚT RUM!  HÙM!



Kinh văn: 

 

汝等大眾。諸菩薩摩訶薩。梵釋龍神。皆應恭敬。莫生輕慢。一切人天。常須供養。專稱名號。得無量福。滅無量罪。命終往生阿彌陀佛國

Hán văn: Nhữ đẳng đại chúng, chư Bồ tát ma ha tát, phạm thích long thần, giai ưng cung kính, mạc sanh khinh mạn, nhất thiết nhân thiên, thường tu cúng dường, chuyên xưng danh hiệu, đắc vô lượng phước, diệt vô lượng tội, mạng chung vãng sanh A Di Đà Phật quốc.

(Việt dịch: Vậy ông và đại chúng, các hàng Bồ Tát Ma Ha Tát. Phạm vương, Đế Thích, Long, Thần đều nên cung kính, chớ sanh lòng khinh mạn, xem thường. Nếu tất cả hàng trời, người thường xưng niệm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ được vô lượng phước diệt vô lượng tội, mạng chung sanh về cõi nước của Phật A Di Đà.)

 

 

Lược giảng:

 

“Vậy ông và đại chúng”: Đức Phật bảo A nan và tất cả đại chúng có mặt trong pháp hội hay không có mặt trong pháp hội, “các hàng Bồ Tát Ma Ha Tát”: tất cả Bồ tát và đại Bồ tát, “Phạm vương, Đế Thích, Long, Thần”: Đế Thích chính là vua trời Đế Thích. Phạm Vương chính là Đại Phạm Thiên Vương vua cõi trời Tịnh Cư, rất tự tại, nên cũng có tên là trời Đại Tự Tại. Đế Thích chính là Đế Thích Thiên, cũng chính là thiên chủ; Ở chú Lăng Nghiêm gọi ông là Nhân Đà La. ―Nam mô nhân-đà-la-dachính là chỉ cho Đế Thích. “Long” chính là rồng ở trên trời, “Thần”: tất cả thần. “đều nên cung kính”: đều phải cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, “chớ sanh lòng khinh mạn, xem thường”: không được xem thường, khinh mạn Quán Thế Âm Bồ tát. “Nếu tất cả hàng trời, người”: tất cả người ở thế gian và người ở cõi trời, “thường xưng niệm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát”: nên thường cúng dường Quán Thế Âm, chuyên tâm xưng danh hiệu ngài, “sẽ được vô lượng phước diệt vô lượng tội”: được vô lượng phước, diệt vô lượng tội, “mạng chung sanh về cõi nước của Phật A Di Đà”: khi lâm chung nhất định sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.Vì đức Phật A Di Đà là thầy của Bồ Tát Quán Thế Âm. Quý vị niệm danh hiệu đệ tử của Ngài thì tương lai sẽ sinh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.



Kinh văn:

 

佛告阿難。此觀世音菩薩所說神咒。真實不虛。若欲請此菩薩來。咒拙具羅香三七遍燒。菩薩即來。(註:拙具羅香。安息香也。

Hán văn: Phật cáo A nan, thử Quán Thế Âm bồ tát sở thuyết thần chú, chân thật bất hư, nhược dục thỉnh thử Bồ Tát lai, chú chuyết cụ la hương tam thất biến thiêu, bồ tát tức lai. (Chú: Chuyết cụ la hương, an tức hương dả.)

(Việt dịch: Đức Phật bảo ngài A Nan: Thần chú của Quan Thế Âm Bồ Tát nói ra đây, chân thật không dối. Nếu muốn thỉnh Bồ Tát đến, nên tụng chú vào hương chuyết cụ la 21 lần rồi đốt lên thì Bồ tát sẽ giáng lâm (Ghi chú: Chuyết Cụ La chính là hương An Tức).

 

 

Lược giảng:

 

Đức Phật bảo ngài A nan, “Thần chú của Quan Thế Âm Bồ Tát nói ra đây”: thần chú Đại Bi do Bồ tát Quán Thế Âm nói là “chân thật không dối”. thần chú này có công đức lớn không thể nghĩ bàn, thần lực không thể nghĩ bàn, có năng lực diệt vô lượng tội, tăng vô lượng phước, là lời chân thật không giả. “Nếu muốn thỉnh Bồ Tát đến”: nếu có người muốn thỉnh Ngài quang lâm tới đạo tràng thì “nên tụng chú vào hương Chuyết Cụ La 21 lần rồi đốt lên”: Chuyết Cụ La chính là hương An Tức, ở ở hiệu thuốc bắc có loại hương này, tam thất biến chính là ba nhân bảy bằng 21 lần. Quý vị niệm 21 biến trú vào hương An Tức rồi đốt lên “Bồ Tát sẽ giáng lâm”: thì Bồ tát sẽ giáng lâm đạo tràng hoặc Pháp hội.



Kinh văn: 

 

若有貓兒所著者。取弭哩吒那。燒作灰。和淨土泥。捻作貓兒形。於千眼像前。咒鑌鐵刀子一百八遍。段段割之。亦一百八段。遍遍一咒。一稱彼名。即永差不著。(註:弭哩吒那。死貓兒頭骨也。

Hán văn: Nhược hữu miêu nhi sở trước giả, thủ nhị lý tra na, thiêu tác hôi, hòa tịnh độ nê, niệp tác miêu nhi hình, ư thiên hình tượng tiền, chú tấn thiết đao tử nhất bách bát thiên, đoạn đoạn cát chi, diệc nhất bách bát đoạn, biến biến nhất chú, nhất xưng bỉ danh, tức vĩnh sai bất trước. (Chú: nhị lý tra na, Tử miêu nhi đầu cốt dã.)

(Việt dịch: Nếu kẻ nào bị loài ma mèo dựa thân hành bệnh. Nên tìm một hộp sọ của con mèo đã chết, đốt tan ra thành tro, rồi trộn với đất sét sạch, nặn thành hình mèo. Khi hoàn thành để hình ấy trước tượng Thiên Nhãn, tụng 108 biến chú Đại Bi vào lưỡi dao rồi chặt hình mèo thành 108 đoạn. Mỗi lần tụng xong một biến thì chém xuống một dao, kêu tên mèo một lần. Làm như thế bệnh nhân sẽ an lành, ma mèo vĩnh viễn không dám phá hoại.). (Chú thích: Nhị lý tra na là hộp sọ của một con mèo đã chết)

 

 

Lược giảng:

 

Vài ngày trước, Quả Ninh có một người họ hàng đến thăm và nhân tiện hỏi tôi có giảng ‘Kinh Đại Bi Đà la ni‘ như thường lệ không. Bởi vì anh ta cho rằng những điều trong ―Kinh Đại Bi tâm Đà la ni rất kỳ lạ, anh ta sợ người thân của mình nghe thấy và cho đó là những điều hoang đường, càng không tin vào đạo Phật rồi sinh tâm phỉ báng. Kỳ thật những điều trong kinh dạy chẳng có gì lạ cả, chẳng qua người phương Tây họ chưa gặp qua nên cho rằng những việc này là kỳ lạ. Còn ở Ấn Độ và Trung Quốc, điều này không có gì là lạ cả, tất cả đều là là chuyện bình thường.

“Nếu kẻ nào bị loài ma mèo dựa thân hành bệnh”: bị loài ma Mèo dựa thân là sao? Trên thế gian này có đến 84.000 loại bệnh tật, có rất nhiều bệnh quái lạ, quý vị không có cách nào hiểu hết được, bác sĩ cũng không có cách nào chữa trị.

Mèo tuy là con vật nhỏ nhưng tính hay nghịch nghợm, rồi có cả ma mèo, ma mèo thì như thế nào? Ma mèo thì chúng quấy phá như quái vật. Ở Đông Bắc, tôi gặp một con mèo mắc bệnh quái ác, con mèo này cả ngày nhảy cẫng lên không ngừng, lúc nào nó cũng trong tình trạng như vậy. Sao lại có loại bệnh tật quỷ dị này, đó là vì có yêu ma quỷ quái tác quái khiến nó bị vậy. Loại mèo này sau khi chết đi sẽ trở thành ma mèo, ma mèo sẽ đến dựa vào thân, trêu chọc con người, khiến người đó hồ đồ, ngu muội.

Bởi vì ―Chú Đại Bi có thể chữa bất kỳ bệnh lạ và khó chữa nào, nên bây giờ tôi sẽ nói về cách trị loại bệnh ma mèo này. Loại bệnh này không dễ chữa, bởi vì con mèo này giống như một con hổ. Nếu trong nhà có một con ma như con hổ nhỏ như vậy thì không dễ gì trị được, cho nên phải dùng một loại phương pháp trị. Thuốc giải là lấy độc trị độc – dùng loại độc thích hợp để trị người bị trúng độc. Thuốc chữa bệnh nào cũng là lấy độc trị độc, vì có độc này thì độc kia mất.

Đó là lý do tại sao trong kinh dạy rằng nếu ai đó bị ma mèo dựa thân, hãy “lấy nhị lý tra na”: Nhị lý tra na là hộp sọ của một con mèo đã chết. Để chữa bệnh cho người bị bệnh do ma mèo dựa thân, thì cần sử dụng hộp sọ của con mèo đã chết. Làm như thế nào? “đốt tan ra thành tro, rồi trộn với đất sét sạch”: đem cái hộp sọ đó đốt thành tro, trộn với đất sét sạch. Vì nếu chỉ riêng hộp sọ mèo có rất ít tro nên quý vị không thể làm thành hình con mèo được, vì vậy quý vị cần thêm một ít đất sét sạch. Ồ, trộn đất sét sạch với tro sọ mèo chết, để làm gì? “Nặn thành hình con mèo”: nặn nó thành hình một con mèo nhỏ. Quý vị nghe tôi bảo làm như thế thật giống chuyện của con nít chơi quá phải không ?

“Để hình ấy trước tượng Thiên Nhãn”: đặt tượng con mèo vừa mới tạo đối trước tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ tát, “tụng 108 biến chú Đại Bi vào lưỡi dao tốt”: hán văn dùng từ ‘Tấn thiết‘ chính là loại sắt tốt trong các loại sắt, dùng sắt đó làm thành con dao và trì vào lưỡi dao đó 108 biến chú Đại Bi, “rồi chặt ra từng đoạn”: chặt con mèo làm từ đất sét và tro sọ con mèo thành từng đoạn, “thành 108 đoạn”: rồi chặt thành 108 đoạn. “Mỗi lần tụng xong một biến thì chém xuống một dao”: sau khi trì xong một biến thần chú thì dùng dao chặt hình con mèo một lần, tức là sẽ phải trì 108 biến chú nữa để chặt hết 108 lần vào hình con mèo. “kêu tên mèo một lần”: khi chặt thì gọi tên con mèo đó một lần, “làm như thế bệnh sẽ lành”: làm như vậy xong bệnh sẽ khỏi, không bao giờ tái phát, không bị yêu ma mèo quấy phá nữa. Phương pháp và nguyên tắc này đúng là không thể nghĩ bàn, và tất cả đều thuộc Phật giáo Mật tông. Mật tông là một loại bí pháp, bí pháp là không thể hiểu được công năng, diệu dụng, cho nên không phải người bình thường có thể hiểu được đạo lý này.



Kinh văn:

 

若為蠱毒所害者。取藥劫布羅。和拙具羅香。各等分。以井華水一升。和煎。取一升。於千眼像前。咒一百八遍服。即差。(註:藥劫布羅。龍腦香也。)

Hán văn: Nhược vi cổ độc sở hại giả, thủ dược kiếp bố la, hòa chuyết cụ la hương, các đẳng phân, dĩ tỉnh hoa thủy nhất thăng, hoa tiễn, thủ nhất thăng, ư thiên nhãn tượng tiền, chú nhất bách bát biến phục, tức sái. (Chú: Dược kiếp bố la: Long não hương).

(Việt dịch: Nếu nɡười nào bị chất độc củɑ loài sâu cổ làm hại, thì dùnɡ hươnɡ dược kiếp bố lɑ hòɑ với chuyết cụ lɑ hươnɡ, mỗi lượng bằng nhau đem hòa vào nước tronɡ, sắc còn một thăng. Xonɡ, lại để chén thuốc ấy trước tượnɡ Thiên Nhãn tụnɡ chú 108 biến rồi cho bệnh nhân uốnɡ, bệnh sẽ khỏi. (Chú thích: Dược kiếp bố la hương là hương Long não)

 

 

Lược giảng:

Có một hạng cổ sư, họ có rất nhiều thần thông, có thể phi hành biến hóa, thoắt ẩn thoắt hiện nhưng đa số những người này có tâm địa rất độc ác. Đa số những hạng cổ sư này từ đâu mà ra, đa phần là từ loài rắn độc mà biến hóa ra. Họ lấy việc giết người để gia tăng năng lực, lấy hại người để tu luyện thần thông, xem việc giết người, hại người là chuyện rất bình thường. Những hạng cổ sư này có thể thấy ở Việt Nam, Thái Lan, Vân Nam, Trung Quốc hay Singapore và Malaya. Trong tiếng Quảng Đông, có một tên gọi khác của những cổ sư này là ‘Bùa ngải‘. Trước đây khi người Hoa sang Việt Nam hay Singapore có lấy người phụ nữ bản địa làm vợ. Sau khi kết hôn những người phụ nữ này sợ chồng mình trở về Trung Quốc, nên họ đặt „cổ trùng‟ cho anh ta. Nếu người chồng không trở về Trung Quốc thì họ sẽ không động thủ, không làm cho „cổ trùng‟ phát tác; nhưng nếu người chồng trở về Trung Quốc, người vợ sẽ niệm chú, „cổ trùng‟ sẽ phát tác và người chồng sẽ phải chết.

Này Chiêm Ni Tang! Bạn có nghe qua điều đó chưa?

Chiêm Ni Tang: Có ạ, nghe người nữ hạ cổ trùng ạ.

Thượng nhân: Bạn không hiểu ý tôi?

Chiêm Ni Tang: Dạ hiểu ạ! Ở đó có những người phụ nữ có thể hạ cổ trùng. Thượng nhân: Ồ? Vậy bạn đã gặp những trường hợp như thế bao giờ chưa?

Chiêm Ni Tang: Ở Trung Quốc, con có người bạn hạ cổ ạ.

Thượng nhân: Thật đáng tiếc! Nếu anh ấy biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì cổ trùng đã không thể làm hại được.

Chiêm Ni Tang: Ở Quý Châu, con đã từng thấy qua người làm cổ trùng, mắt anh ta đỏ hoe. Chính mắt con chứng kiến người này bỏ bùa vào tô mì của bạn con khi mời bạn con ăn mì. Vì biết trước điều này nên bạn con đã đổ tô mì xuống nền gạch mà không ăn, một lát sau thì mì có màu như máu. Có rất nhiều người sử dụng cổ trùng ở Quý Châu và Vân Nam.

Thượng nhân: Khi bạn đến nhà cổ sư bạn chỉ cần uống một tách trà thì bạn đã bị cổ trùng rồi.

Chiêm Ni Tang: Dạ! Trùng đó giống như máu.

Thượng nhân: Chẳng hạn vị cổ sư bỏ cổ trùng vào vật gì đó mà quý vị sờ vào thì cũng đã bị trúng cổ rồi. Cổ rất mạnh và lợi hại. Như cổ sư đặt đồ vật nào đố trên đường nếu quý vị chạm vào, hoặc đá vào thị quý vị đã trúng cổ rồi. Cổ trùng này rất mạnh. Cổ này được điều khiển bởi cổ sư. Nếu quý vị muốn hại ai chỉ cần đến thương lượng với cổ sư, cổ sư sẽ chỉ bày cách cho quý vị phương pháp. Có rất nhiều người đã học được

Cổ này. Nhưng chỉ cần bạn trì chú Lăng Nghiêm thì quý vị sẽ không phải sợ bất kỳ loại Cổ nào. Không chỉ có chú Lăng Nghiêm mà còn có chú Đại Bi. Nếu quý vị biết niệm chú Đại Bi thì bất kể cổ sư hạ bạn cổ trùng gì thì chú Đại Bi cũng đều có thể giải trừ được.

Chiêm Ni Tang: Những người bị nhiễm Cổ sẽ chết trong vòng ba mươi ngày.

Thượng Nhân: Ồ! Chết trong vòng ba mươi ngày. Không đâu! Nếu có người nào trì năm đệ chú Lăng Nghiêm hay Ngũ Đại Tâm Chú trong chú Lăng Nghiêm mà tôi đã chỉ cho quý vị thì chất độc của Cổ trùng đều mất tác dụng. Bất kể là loại Cổ trùng nào đi nữa cũng đều tiêu tan, không còn tác dụng.

“Nếu nɡười nào bị cổ độc làm hại”: nếu có người nào bị cổ độc làm hại nên “dùng hươnɡ dược kiếp bố lɑ hòɑ với chuyết cụ lɑ hương”: ‘Dược kiếp bố la‘ chính là Long Não hương là một loại thuốc và ‘Chuyết Cụ La‘ chính là ‘An Tức Hương‘, “mỗi lượng bằng nhau”: chính là lấy hai phần thuốc có lượng bằng nhau, nếu Long Não hương ba lạng thì An Tức hương cũng ba lạng, nếu Long Não hương năm lạng thì An Tức hương cũng năm lạng. “đem hòa vào nước tronɡ”: Hán văn dùng từ ‘tỉnh hoa thủy [3]‘ là loại nước suối, nước ở giếng vào buổi sáng có vị ngọt không độc, hay nước được lấy buổi sáng sớm, đặc biệt lấy nước từ núi, khe suối, nước ở chỗ mà mới chảy tuôn ra tung tóe chứ không phải chỗ nước đã để lâu, vì vậy mới gọi là tỉnh hoa thủy, hòa với nhau là đem 2 phần thuốc trên hòa với nước; “sắc còn một thăng”: ‘Thăng‘ là đơn vị đo, nếu đổi ra thì bằng khoảng 1 lít. Đem chỗ thuốc đã được hòa với nước sạch đó đun lên, sắc còn 1 thăng (1 lít). Lượng này còn như cái chén hoặc nhiều hơn giống như cái bát vậy, “để chén thuốc ấy trước tượnɡ Thiên Nhãn”: sau đó để chén thuốc đó đặt trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát Nghìn Tay Ngìn Mắt, “tụnɡ chú 108 biến”: và thành tâm tụng 108 biến thần chú Đại Bi; sau đó cho người bị bệnh uống thì “bệnh sẽ khỏi”. Hán văn dùng chữ ‘Tức sái‘: nghĩa là liền khỏi ngay. Chữ ‘sái‘ này vốn đọc chữ ‘sứa‘, bên cạnh thêm chữ ‘bệnh‘, ‘báng ()‘ nghĩa là khỏi hẳn. (Kinh văn nói dùng nước tỉnh hoa thủy, nhưng tùy điều kiện thực tế có thể dùng nước giếng vào sáng sớm, hoặc nước sạch tinh khiết, hay nước sạch không trùng)



Kinh văn: 

 

若為惡蛇蠍所螫者。取乾薑末。咒一七遍。著瘡中。立即除差

Hán văn: Nhược vị độc xà, hiết sở thích giả, thủ càn gương mạt, chú nhất thất biến, trước sang trúng, lập tức trừ sai.

(Việt dịch: Nếu bị rắn độc, rết cắn, dùng gừng khô nghiền thành bột, tụng chú vào đấy 7 biến, rồi đắp lên vết thương, liền hết.)

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị rắn độc, rết cắn”: ‘Độc xà‘ là những loài rắn độc, ‘hiết‘ là loài rết hay bọ cạp, ‘thích‘ là bị châm, chích, hay cắn. Loại rắn và rết, bọ cạp bị nó chích, cắn thì rất đau, nếu không chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Như loài ong vò vẽ cũng vậy, có một số loài ong đốt thì không nguy hiểm nhưng bị ong vò vẽ đốt thì có thể mất mạng, “dùng gừng khô nghiền thành bột”: lúc này nên lấy gừng khô nghiền ra thành bột, “tụng chú vào đấy 7 biến”: sau đó trì vào đó 7 biến chú Đại Bi, “rồi đắp lên vết thương”: rồi đắp lên chỗ bị cắn thì độc tố được giải trừ ngay lập tức, chất độc được giải trừ rồi thì sẽ không sao cả.  

Long Não hương và An Tức hương có chức năng xua đuổi tà ma, tà ma và quỷ thần ngửi thấy mùi hương An Tức và hương Long Não liền sợ hãi, vì hai mùi này hễ tà ma ngửi vào sẽ chịu không nổi, nên có nó thì tà ma tránh xa. Thậm chí những linh hồn vất vưởng hay tạp mị, võng lượng ngửi thấy mùi liền chạy xa. Cho nên lấy chúng nấu với nước sạch có thể loại bỏ được cổ trùng. Gừng có vị cay, mặc dù rắn độc và bò cạp đều có độc, nhưng độc của chúng lại kỵ cay, cho nên bột gừng khô có năng lực giải trừ những loại chất độc này, vết đốt sẽ nhanh chóng lành lại; Lại nệm chú Đại bi bảy biến, đắp vào chỗ châm chích thì liền nhanh khỏi

Hiệu quả chữa bệnh đều lấy trên nguyên tắc lấy độc trị độc, nền tảng tương khắc với nhau cũng là hiện tượng vật lý tự nhiên. Như triết học Trung Quốc có học thuyết ngũ hành: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc. Bởi thế, bệnh này lấy loại thuốc khắc chế cũng là một tác dụng vật lý. Phàm tất cả các phương pháp chữa bệnh, thuốc gì bệnh gì đều là tác dụng vật lý.



Kinh văn:

 

若為惡怨橫相謀害者。取淨土。或麵或蠟。捻作本形。於千眼像前。咒鑌鐵刀一百八遍。一咒一截。一稱彼名。燒盡一百八段。彼即歡喜。終身厚重相愛敬。

Hán văn: Nhược vị ác oán hoành tướng mưu hại giả, thủ tịnh độ, hoặc miến, hoặc chá, niêm tác bổn hình, ư thiên nhãn tượng tiền, chú tấn thiết đao nhất bách bát biến, nhất chú nhất tiệt, nhất xưng bỉ danh, thiêu tận nhất bách bát đoạn, bỉ tức hoan hỷ, chung thân hậu trọng tương ái kính.

(Việt dịch: Nếu bị kẻ thù oán mưu hại, nên dùng đất sạch, hoặc bột, hoặc sáp, nắn thành hình kẻ ấy. Xong để hình nhân trước tượng Thiên Nhãn, tụng vào lưỡi dao 108 biến Đại Bi. Sau đó lại tụng một biến thì cắt hình nhân một dao và kêu tên người kia một lần, cắt thành 108 đoạn rồi đem hình nhân đã chặt đốt đi. Y theo pháp thức như thế, kẻ oan gia thù nghịch sẽ đổi ra trạng thái vui vẻ, thân hậu đối với ta, trọn đời đôi bên quý mến lẫn nhau.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị kẻ thù oán mưu hại”: giả sử như có người oán thù với quý vị, hoặc do hiểu lầm, hoặc do bất đồng quan điểm về điều gì đó mà dẫn đến thù oán với nhau, họ muốn dùng mọi thủ đoạn thâm hiểm mưu hại hoặc gây bất lợi cho quý vị. Điều này đối với quý vị không tốt chút nào. Lúc này quý vị nên “dùng đất sạch”: loại đất sét sạch; “hoặc bột, hoặc sáp”: bột là bột làm từ ngũ cốc, hoặc sáp nến. Tiếp theo thì “nắn thành hình kẻ ấy”: quý vị có thể nặn chỗ đất, bột, sáp đó thành hình của kẻ thù oán, hoặc chính hình của mình cũng được, nói chung là thành hình người.

“Xong, lại để hình nhân trước tượng Thiên Nhãn”: nặn xong hình người thì đặt nó trước tượng Quán Thế Âm Bồ tát nghìn tay nghìn mắt. “tụng vào lưỡi dao 108 biến Đại Bi”: trì 108 biến thần chú Đại Bi vào lưỡi dao; “Sau đó lại tụng một biến thì cắt hình nhân một dao và kêu tên người kia một lần, cắt thành 108 đoạn”: sau đó dùng con dao đã trì chú vào đó cắt hình nhân thành 108 đoạn, tụng xong một biến chú Đại Bi, kêu tên kẻ thù oán một lần thì cắt một đoạn, ―rồi đem hình nhân đã chặt đốt đi: chặt xong thì đem đốt đi, nếu là hình nhân bằng đất thì nó sẽ không cháy, vậy nên không nên dùng đất để làm hình nhân, còn hình nhân bằng bột hay sáp thì đốt xong nó sẽ cháy thành ra tro. “Y theo pháp thức như thế, kẻ oan gia thù nghịch sẽ đổi ra trạng thái vui vẻ”: nếu có thể đúng theo pháp mà làm thì kẻ thù muốn hại quý vị sẽ không hại quý vị nữa, “thân hậu đối với ta, trọn đời đôi bên quý mến lẫn nhau”: họ đối với quý vị sanh tâm hoan hỉ, trọn đời tôn trọng quý vị, quý mến quý vị và không có ý nghĩ mưu hại quý vị.



Kinh văn:

 

若有患眼睛壞者。若青盲眼暗者。若白暈赤膜無光明者。取訶梨勒果。菴摩勒果。鞞醯勒果。三種各一顆。搗破細研。當研時。惟須護淨。莫使新產婦人及豬狗見。口中念佛。以白蜜若人乳汁和。封眼中著。其人乳。要須男孩子母乳。女母乳不成。其藥和竟。還須千眼像前。咒一百八遍。著眼中滿七日。在深室慎風。眼睛還生。青盲白暈者。光奇盛

Hán văn: Nhược hữu hoạn nhãn tình hoại giả, nhược thanh mân nhãn ám giả, nhược bạch vựng xích mạc vô quang minh giả. Thủ ha lê lặc quả, am ma lặc quả, bính hề lặc quả, tam quả các nhất khỏa, đảo phá tế nghiên, đương nghiên thời. Duy tu hộ tịnh, mạc sử tân sản phụ nhân cấp trư cẩu kiến, khẩu trung niệm Phật, dĩ bạch mật nhược nhũ chấp hòa, phong nhãn trung trước, kỳ nhân nhũ, yếu tu nam hài tử mẫu nhủ, nữ mẫu nhủ bất thành, kỳ nhược hòa cánh, hoàn tu thiên nhãn tượng tiền, chú nhất bách bát thiên, trước nhãn trung mãn thất nhật. Tại thâm thất thận phong, nhãn thanh hoàn sanh, thanh mân bạch vựng giả, quang kỳ thạnh dã.

(Việt dịch: Nếu bị bệnh về mắt, hoặc thanh mân, hoặc bạch vựng, hoặc mắt kéo màng đỏ, không thấy được ánh sáng. Nên dùng trái ha lê lặc, trái am ma lặc, trái bệ hê lặc, mỗi thứ lấy một quả, đem đập nhỏ rồi nghiền mịn ra, khi đập nên ở chỗ vắng lặng, giữ cho sạch sẽ chớ để cho chó, lợn cùng đàn bà mới sanh thấy. Miệng luôn niệm Phật. Nghiền xong đem hòa với mật trắng, hoặc sữa người rồi đắp mắt. Sữa này phải là của phụ nhân sanh con trai, chứ không được dùng sữa của người sanh con gái. Khi hòa thuốc xong, đem chén thuốc để trước tượng Thiên Nhãn tụng chú 108 biến. Trì chú vào thuốc rồi, bệnh nhân phải ở nơi nhà kín, tránh gió trong thời gian 7 ngày và dùng thuốc ấy đắp vào mắt. Làm như thế, tròng con mắt hư lại sáng, các chứng kia đều lành. Mắt thấy được tỏ rõ) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị bệnh về mắt”: Mắt là biểu hiện của tâm, mắt là hình ảnh tái hiện của tâm. Mất người tại sao bị hư? Đó là do họ có tâm không tốt. Tâm tốt thì mắt tốt, tâm xấu thì mắt xấu. Đó là lý do tại sao người Mỹ dạy mọi người nhìn vào mắt người khác từ khi còn nhỏ, còn người Trung Quốc thì không có thói quen đó. Vì nếu quý vị nhìn lâu vào mắt ai đó, họ sẽ ngượng ngùng và cảm thấy rất xấu hổ.

Về mắt, Mạnh Tử nói: ―Lòng ngay thẳng thì đồng tử trong; lòng không ngay thẳng thì đồng tử đục. Lòng người nếu chánh thì mắt sẽ trong, lòng không chánh thì mắt mờ kém. Bởi mắt mờ đục nên mở và nhắm cũng như không, nhìn cái gì thì cũng không rõ ràng. Có một loại bệnh về mắt là mâu tử mao (mắt lờ mờ). ‘Mao‘ chính là không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì, khi nhìn giống như có vật gì cản trước mắt. Tại sao? Đó là bởi vì tâm không ngay thẳng, hoặc quan điểm tà kiến, hoặc uống rượu chè sa ngã, hoặc phóng túng háo sắc, nóng giận,… rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tất cả những việc làm tiêu hao đến tinh, khí và thần là nguyên nhân căn bản.

Có câu chuyện tiếu lâm: Có một anh chàng nọ đặc biệt có đôi mắt rất tinh anh, tinh như thế nào? Đến nỗi ngoài 40 dặm anh ta còn thấy con muỗi thở như thế nào. Nhưng lại nghịch đời khi anh ta bước chân ra khỏi cửa lại vấp nhầm con bò. Quý vị xem anh ta có thể nhìn thấy một con muỗi thở cách xa 40 dặm, nhưng khi ra khỏi cửa lại vấp phải con bò, điều này có vô lý không cơ chứ.

Để tôi kể một công án khác về thị lực kém: Có anh chàng đôi mắt hình như rất kém, ban đêm không thấy, ban ngày cũng không thấy. Mắt anh ta kém đến như thế nào?

‘Khăn tay đen rơi xuống đất như quạ bay‘: Một hôm chiếc khăn tay màu đen rơi xuống thì anh ta ngỡ là chim quạ bay qua, ‘Ai như bên cạnh vợ tôi đấy‘: Vợ anh ta ngồi bên cạnh, anh ta lại hỏi ai đấy, thậm chí anh ta còn không nhận ra vợ của mình; ‘Một rèm có lỗ hơn chục quả‘: Rèm cửa có nhiều lỗ tròn, ánh nắng chiếu vào rèm cửa và rọi xuống dưới đất, trên đất có những vệt nắng vàng hình tròn, anh ta lại tưởng những vệt nắng dưới đất là trứng gà vội đi nhặt. ‘Bóng trăng soi hoa lại nhặt củi‘: Còn ánh trăng soi một cành hoa, bóng của cành hoa dưới nền đất thì ngỡ là cành củi khô vội đi đến nhặt; ‘Nhãn rỗi xem tranh đau cả mũi; ‘Nhưng thật kỳ lạ là khi rảnh rỗi anh ta xem tranh đến nỗi mũi bị viêm do ngửi nhiều. ‘Bận khóa tủ sách lại đứt lông mày‘: Có lần anh ta trong lúc hoảng loạn muốn đi khóa tủ sách lại, nhưng do vì cúi sát gần tủ khóa quá đến nỗi bị đứt cả lông mày. ‘Chuyện cười lại càng thêm cười‘: Rồi lại thêm một chuyện buồn cười nữa; ‘Đi thồi đèn làm bỏng da môi‘: Khi đi thổi đèn dầu, do vì không nhìn rõ nên anh ta đưa môi đến gần đèn đến nỗi làm bỏng cả da. Quý vị có hay đọc chuyện cười không? Chuyện này là chỉ những người có bị mờ mắt.

“Nhược thanh mân nhãn ám giả”: ‘Thanh mân‘ chính là sáng sớm thức dậy, mắt mở ra bình thường, nhưng cái gì cũng không nhìn thấy, đây còn gọi là tật lác mắt, giống như mắt của con quạ. Tuy mắt mở nhưng không nhìn thấy gì. “Nhược bạch vựng, xích mạc, vô quang minh giả”: ‘Bạch vựng‘: tức là tròng mắt có đốm trắng, còn “nguyệt vựng”: là chứng bệnh hoa mắt chóng mặt, “xích mạc” tức là mắt kéo màng đỏ, mắt có màu đỏ, vừa rồi nói đến cổ sư mắt có màu đỏ, cũng tương tự như vậy, “vô quang minh”: là người không thấy được ánh sáng, không cảm nhận được ánh sáng.

Kinh văn đoạn này nói rằng người này bị bệnh ở mắt nên lấy quả “ha lê lặc”, “am ma lặc”, “bệ hê lặc”: những quả này là những loại quả ở Ấn Độ; “mỗi thứ lấy một quả” lấy một quả cho mỗi loại. “đem đập nhỏ rồi nghiền mịn ra”: lấy ba quả này đem đập nhỏ rồi nghiền mịn, khi xay bạn phải thật cẩn thận và giữ cho sạch sẽ. Sự cẩn thận và sạch sẽ như thế nào? “khi đập nên ở chỗ vắng lặng, giữ cho sạch sẽ chớ để cho chó, lợn cùng đàn bà mới sanh thấy”: tức là quý vị nên ở chỗ vắng lặng không có người, tuyệt đối không được để phụ nữ mới sinh con nhìn thấy, và cũng không để cho lợn và chó nhìn thấy, hay đến gần. “Miệng luôn niệm Phật”: Khi nghiền ba quả này, trong miệng nên niệm ―Nam Mô A Di Đà Phật‘. “Nghiền xong đem hòa với mật trắng, hoặc sữa người”: mật trắng là đường trắng; nếu có đường trắng thì pha với đường trắng hoặc không thì pha với sữa người. “rồi đắp mắt”: sau khi pha xong thì đắp lên mắt.

“Sữa này phải là của phụ nhân sanh con trai, chứ không được dùng sữa của người sanh con gái”: nếu như dùng sữa người để pha thì cần phải là sữa của người mẹ sinh bé trai, nếu dùng sữa của người mẹ sinh bé gái thì không thành. Rồi còn không được cho phụ nữ mới sinh, chó, mèo, lợn thấy. Vì đơn giản chỗ sinh con, phụ nữ mới sinh và gia súc là nơi ô uế, có mùi ô uế, người tu hành nên hiểu điều này. Cho nên, người tu hành không được nuôi lợn, gà, chó, mèo cũng là vì lý do này, không nên gần gũi những loại này. Giống như năm ngoái, gần đây họ nuôi 30 con chó trong nhà, đến nay mùi chó vẫn còn trong ngôi nhà đó. Cho nên, người tu Đạo không nên nuôi chó, mèo, lợn, không nên gần gũi những con vật này.

Tại sao không thể được để phụ nữ mang thai nhìn thấy? Ở Trung Quốc có một phong tục đó là không được đến nơi phòng sinh trẻ con, hay còn gọi nơi đó là ‘nguyệt phòng‘, bởi vì trong đó có những thứ ô uế, không được sạch sẽ nên ở Trung Quốc có loại phong tục này. Đặc biệt là đối với những người tu pháp Mật tông và trì thần chú nên cần thận chớ đến những nơi này. Bình thường quý vị trì thần chú rất linh nghiệm và hiệu quả, nhưng nếu quý vị đến nguyệt phòng một lần, thần chú sẽ không còn tác dụng nữa, bởi vì pháp đã bị ô uế! Điều mà câu thần chú sợ nhất là loại bầu không khí bẩn thỉu này, vì vậy những người tu tập pháp Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn không được vào nhà sinh nở. Những điều này tôi nói là chân thật, những hành giả phải đặc biệt chú ý.

“Khi hòa thuốc xong”: khi thuốc này được hòa xong, những hãy chú ý, khi pha chế thuốc xong thì “đem chén thuốc để trước tượng Thiên Nhãn tụng chú 108 biến”: đem chén thuốc đó đặt trước tượng bồ tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và trì tụng 108 biến vào, “dùng thuốc ấy đắp vào mắt”: sau đó hãy dùng thuốc đó hàng ngày đắp lên mắt, “trong thời gian 7 ngày”: sau đủ bảy ngày và “bệnh nhân phải ở nơi nhà kín gió”: và người bị bệnh thì phải ở phòng kín không có gió vào. “Làm như thế, tròng con mắt hư lại sáng, các chứng kia đều lành”: nếu làm đúng như thế thì các loại bệnh về mắt đều khỏi. “Mắt thấy được tỏ rõ”: mắt sáng so với lúc trước rất nhiều.

Sáng hôm nay cũng như mọi khi, từ sáng sớm đã làm việc Phật sự rất cực khổ. Chúng tôi mỗi người mỗi ngày đều buổi sáng thì tham thiền, buổi chiều thì tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, trì chú, buổi tối thì nghe giảng pháp. Còn những lúc bình thường thì rất ít nói chuyện, bởi nói nhiều thì hao tổn ‘khí‘. Tôi giảng kinh cũng là bất đắc dĩ, nếu tôi không giảng cho quý vị thì quý vị sẽ không biết, cho nên hao tổn một chút cũng không sao. Đừng bắt chước tôi, hãy học cách im lặng; đừng nói nhiều, đây là lời khuyên chân thành của tôi.



Kinh văn: 

 

若患瘧病者。取虎豹豺狼皮。咒三七遍。披著身上。即差。師子皮最上。

Hán văn: Nhược hoạn ngược bệnh giả, thủ hổ báo lang bì, chú tam thất biến, phi trước thân thượng, tức sai, sư tử bì tối thượng.

(Việt dịch: Nếu bị bệnh rét hoặc bị loài ma rét dựa, nên dùng da cọp hoặc da beo tụng vào đấy 21 biến chú. Rồi đắp lên mình thì bệnh sẽ khỏi ngay. Như được da sư tử thì càng tốt.) 

 

 

Lược giảng:


“Nếu bị bệnh rét hoặc bị loài ma rét dựa”: giả sử có người bị mắc bệnh sốt rét. Bệnh sốt rét là như thế nào? Các cơn sốt rét phát tác ở thời gian nhất định, hoặc bị một ngày một lần, hoặc hai ngày bị một lần, hoặc ba ngày mới bị một lần. Sốt rét một lần một ngày hay còn gọi là sốt rét ngày. Bệnh sốt rét, biểu hiện của nó là nóng lạnh bất thường, nguyên nhân bị bệnh nhiều khi có thể là do bị ma sốt rét nhập dựa hành thân. Khi con ma sốt rét này dựa nhập quý vị, quý vị sẽ cảm thấy rất lạnh. Nhưng khi con ma sốt rét rời đi thì bệnh nhân lại cảm thấy như bình thường, loại bệnh này thực sự rất quái ác. Đối với loại sốt rét này, quý vị nên “dùng da hổ, da báo hoặc da sói”: tìm một tấm da hổ, hoặc da báo, hoặc da chó sói; “tụng vào đấy 21 biến chú”: quý vị trì chú Đại Bi 21 biến vào tấm da, “rồi đắp lên mình”: sau đó quý vị đắp tấm da đó lên người, ―thì bệnh sẽ lành: thì bênh sẽ khỏi, con ma rét cũng phải co giờ bỏ chạy mãi. “Như được da sư tử thì càng tốt”: nếu quý vị sử dụng một tấm da Sư tử thì sẽ là tốt nhất.



Kinh văn:

 

若被蛇螫。取被螫人結聹。咒三七遍。著瘡中。即差。(註:聹。耳中垢也。)

Hán văn: Nhược bị xà thích, thủ bị thích nhân kết ninh, chú tam thất biến, trước thương trung, tức sai, (chú: Ninh tức Nhĩ trung cấu dã.)

(Việt dịch: Nếu bị rắn cắn, dùng chất ráy đóng trong lỗ tai của người bị cắn, tụng chú 21 biến, thoa vào vết thương, nọc rắn liền tiêu.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị rắn cắn”: nếu như có người bị rắn cắn thì nên “dùng chất ráy đóng trong lỗ tai của người bị cắn”: lấy ráy tai trong tai của người bị cắn; “tụng chú 21 biến”: tụng vào đấy 21 biến chú Đại Bi. “thoa vào vết thương”: sau đó thoa chỗ ráy đó lên vết thương, “nọc rắn liền tiêu”: thì lọc độc rắn sẽ tiêu trừ.



Kinh văn:

 

若患惡瘧入心。悶絕欲死者。取桃膠一顆。大小亦如桃顆。清水一升和。煎取半升。咒七遍。頓服盡。即差。其藥莫使婦人煎。

Hán văn: Nhược hoạn ác ngược nhập tâm, muộn tuyệt dục tử giả, thủ đào giao nhất quả, đại tiểu diệc như đào quả, thanh thủy nhất thăng hòa, tiễn thủ bán thăng, chú thất biến, đốn báo tận, tức sai.  

(Việt dịch: Nếu bị bệnh rét dữ nhập tâm, hôn muội sắp chết, dùng một khối mủ cây đào, lớn ước lượng bằng trái đào, đem hòa với một thăng nước trong, sắc còn một nửa, tụng chú vào đấy bảy biến rồi uống trong một lần, bệnh sẽ lành. Thuốc này chớ cho phụ nữ sắc.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị bệnh rét dữ nhập tâm”: bệnh sốt rét nói ở phần kinh văn trên là sốt rét thông thường, không nghiêm trọng lắm, còn bệnh này cũng là sốt rét nhưng nặng và nghiêm trọng, không phải cách ngày mới bị mà mỗi ngày bị vài ba lần, cho nên nói là ‘nhập tâm‘. “hôn muội sắp chết”: lúc bệnh phát tác, người này thậm chí còn tuyệt vọng muốn chết, hay có thể hiểu là nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

“Dùng một khối mủ cây đào”: quý vị có thể tìm một cây đào, lấy mủ của nó, mủ này thường bám trên thân cây, có màu nâu đỏ rất dẻo và dính; “lớn ước lượng bằng trái đào”: lấy một lượng mủ bằng khoảng kích thước giống như một quả đào. “đem hòa với một thăng nước trong”: đem chỗ mủ đào đó hòa với một thăng nước nước sạch, Như đã nói ở những phần trên thăng là bằng khoảng 1 lít, có thể bằng một bát, hoặc ba bát. “sắc còn một nửa”: sau đó sắc xong còn lại một nửa. “tụng chú vào đấy bảy biến rồi uống”: sau đó tụng vào đấy bảy biến chú Đại Bi; “uống trong một lần”: rồi trong một lần uống hết chỗ thuốc đó. Nhưng hãy nhớ, khi cho người bệnh uống thuốc tuyệt đối không được để cho họ biết là thuốc gì, nếu quý vị cho họ biết là thuốc gì thì thuốc sẽ không còn tác dụng, “bệnh sẽ lành”: sau khi uống thuốc xong bệnh sẽ khỏi ngay. “Thuốc này chớ cho phụ nữ sắc”: khi sắc thuốc không được cho phụ nữ sắc. Tại sao? Vì đàn bà là Âm, đàn ông là Dương. Sốt rét là bệnh thuộc âm, nếu dùng nam nhân sắc thuốc sẽ có tác dụng, nếu là nữ nhân sắc thuốc, dược tính sẽ giảm đi. Đàn ông thuộc về dương và chỉ có dương mới có thể chế ngự căn bệnh thuộc âm này.



Kinh văn:

 

若患傳屍鬼氣。伏屍連病者。取拙具羅香。咒三七遍。燒薰鼻孔中。又取七丸如兔糞。咒三七遍吞。即差。慎酒肉五辛及惡罵。若取摩那屎羅。和白芥子印成鹽。咒三七遍。於病兒床下燒。其作病兒。即魔掣迸走。不敢住也。(註:摩那屎羅。雄黃也。

Hán văn: Nhược hoạn truyền thi quỷ khí, phục thi liên bệnh giả, thủ chuyết cụ la hương, chú tam thất biến, thiêu huân tỷ khổng trung, hựu thủ thất hoàn như thỏ phân, chú tam thất biến thôn, tức sai, thận tửu nhục ngũ tân cập ác mạ, nhược thủ ma na hi la, hòa bạch giới tử, ấn thành diêm, chú tam thất biến, ư bệnh nhi sàng hạ thiêu. Kỳ tác bệnh nhi, tức ma xế bính tẩu, bất cảm trú dã. (Chú: Ma Na Hi La tức Hùng Hoàng[4]).

(Việt dịch: Nếu bị loài quỷ truyền thi, phục thi làm bệnh, dùng hương chuyết cụ la tụng chú 21 biến, đốt xông vào lỗ mũi. Lại lấy 7 phần hương ước lượng bằng phân thỏ, cũng gia trì chú 21 biến mà uống, bệnh sẽ lành. Cẩn trọng bệnh nhân phải kiêng rượu, thịt, ngũ vị tân và mắng chửi. Một phương pháp nữa là dùng vị Ma Na Hi La hòa với Bạch giới tử và muối hột, gia trì chú 21 biến, rồi đem xông đốt dưới giường người bệnh, quỷ liền vội vã trốn chạy, không dám ở (Ma Na Hi La là vị thuốc Hùng Hoàng)

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị loài quỷ truyền thi, phục thi làm bệnh”: loại bệnh này được gọi là căn bệnh tà. Người phương Tây không tin có loại bệnh này, họ xem đó là chuyện hoang đường, bởi vì ở phương Tây rất ít xảy ra, còn ở Trung Quốc thì lại xảy ra rất nhiều. Tà bệnh tức là lúc đầu người đang khỏe mạnh thì bị ma nhập vào người, đây gọi là quỷ trong thân, cũng gọi là phục thi, truyền thi. Như nơi đó có người chết, đến nơi đó thì liền bị có người phát bệnh, đó là do có ma dựa xác người mà làm cho bị bệnh, thông qua người còn sống đó để nói chuyện, giọng nói của người đó cũng giống như của người đã chết. Ví dụ, nếu người chết là một ông già, nhưng loại quỷ này nhập vào người nữ, bây giờ thân thể của người nữ nhưng lại có giọng nói và tác phong cử chỉ thì là của ông già. Có rất nhiều, rất nhiều căn bệnh như vậy ở Trung Quốc, căn bệnh được gọi là do quỷ truyền thi tác quái. Còn Phục Thi là quỷ dựng thây ma, là một người sống lại sau khi chết vài ngày, nhưng không phải là người đó còn sống, mà là một loại linh hồn nào đó đã đến nhập vào xác chết đó. Loại bệnh này người bình thường không cách nào chữa khỏi, cho người bệnh uống thuốc gì cũng không trị khỏi, cho nên gọi căn bệnh này là Truyền Thi Quỷ Khí.

“Dùng hương chuyết cụ la tụng chú 21 biến”: lấy An Tức hương, niệm chú Đại Bi 21 biến; “đốt xông vào lỗ mũi”: sau đó đốt hương rồi xông vào lỗ mũi người bệnh. “Lại lấy 7 phần hương lớn ước lượng bằng phân thỏ, cũng gia trì chú 21 biến mà uống, bệnh sẽ lành”: sau đó lại dùng An Tức hương nắn lại thành bảy viên thuốc mỗi viên to bằng phân thỏ, từng viên từng viên lại trì chú Đại Bi 21 biến nữa, rồi cho người bệnh uống thì bệnh sẽ lành. “Cẩn trọng bệnh nhân phải kiêng rượu, thịt, ngũ vị tân và mắng chửi”: cẩn trọng tức là kiêng cữ, đoạn tuyệt, kiêng cữ ăn thịt, uống rượu, ăn ngũ vị tân (Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) và mắng chửi người khác.

“Một phương pháp nữa”: lại có một phương pháp khác, đó là như thế nào? Sử dụng Ma Na Hi La, Ma Na Hi La là vị thuốc Hùng Hoàng ở Trung Quốc, vị thuốc này chuyên dùng để xua đuổi côn trùng, rắn rất sợ loại thuốc này, vị thuốc cũng dùng để ngâm rượu, ngày tết uống rượu Hùng Hoàng. “hòa với Bạch giới tử và muối hột”: đem Hùng Hoàng trộn với Bạch Giới Tử và muối hột. Bạch Giới Tử là một loại hạt thuộc họ cải, ấn thành diêm là tên một loại muối (nhưng có thể dùng muối hột). “gia trì chú 21 biến”: sau khi trộn 3 vị này với nhau thì tụng vào đó 21 biến chú Đại Bi, “rồi đem xông đốt dưới giường người bệnh”: rồi đem đặt dưới giường người bệnh rồi đốt lên, đốt ở đây là đốt cho có khói xông lên, “quỷ liền vội vã trốn chạy, không dám ở”: đốt xông như thế quỷ liền co giờ bỏ chạy, không dám ở lại, không dám làm cho người bị bệnh nữa.



Kinh văn: 

 

若患耳聾者。咒胡麻油著耳中。即差。

Hán văn: Nhược hoạn nhĩ lủng giả, chú hồ ma du trước nhĩ trung, tức sai.

(Việt dịch: Nếu bị tai bệnh bị điếc, tụng chú vào dầu mè, rồi nhỏ trong tai, bệnh sẽ lành.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu có bệnh về tai, bị điếc, tụng chú vào dầu mè, rồi nhỏ trong tai, bệnh sẽ lành”: nếu có ai bị điếc hay mắc bệnh về tai, đoạn này kinh văn không nói đến tụng bao nhiêu biến thần chú. Nhưng tốt nhất là nên tụng 21 biến chú Đại Bi vào dầu mè rồi đem nhỏ vào trong tai thì bệnh sẽ lành. Điếc là căn bênh y học gần như không chữa được, vậy mà chú Đại Bi chữa được. Quý vị có tin không, kỳ diệu vậy đó.



Kinh văn: 

 

若患一邊偏風。耳鼻不通。手腳不隨者。取胡麻油。煎青木香。咒三七遍。摩拭身上。永得除差。又方。取純牛酥。咒三七遍摩。亦差

Hán văn: Nhược hoạn nhất biên thiên phong, nhĩ tỷ bất thông, thủ khước bất tùy giả, thủ hồ ma du, tiễn thanh mộc hương, chú tam thất biến, ma thức thân thượng, vĩnh đắc trừ sai, hựu phương, thủ thuần ngưu tô, chú tam thất biến ma, diệc sai.  (Việt dịch: Nếu bị chứng thiên phong, liệt nửa thân mình, tai điếc, mũi không biết mùi. Dùng dầu mè sắc với vị Thanh Mộc Hương. Gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi mình. Bệnh sẽ vĩnh viễn tiêu trừ. Lại một phương pháp nữa: dùng sữa ngưu tô thuần chất, tụng vào 21 biến chú mà thoa, bệnh cũng sẽ lành.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị chứng thiên phong”: Thiên Phong là chứng bệnh gì, là chứng bệnh trúng gió, dẫn đến bán thân bất toại, tức là liệt nửa người, hoặc là tay chân không thể cử động, còn gọi chứng bệnh phong hàn hay đột quỵ. “liệt nửa thân mình, tai điếc, mũi không biết mùi”: chứng bệnh này dẫn đến liệt nửa người, tai không nghe được, mũi không ngửi được mùi vị. Bệnh như thế này thì trị như thế nào? “Dùng dầu mè sắc với vị Thanh Mộc Hương”: Thanh Mộc Hương là một vị thuốc, lấy một phần dầu mè và một phần Thanh Mộc Hương rồi đem đun lên. “Gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi mình”: sau đó niệm chú Đại Bi 21 biến vào chỗ thuốc đó rồi đem thoa nơi thân người bệnh thì “bệnh sẽ vĩnh viễn tiêu trừ”. “Lại một phương pháp nữa”: lại có một phương pháp chữa khác đó là “dùng sữa ngưu tô thuần chất, tụng vào 21 biến chú mà thoa, bệnh cũng sẽ lành”: Ngưu tô là sữa bò, dùng sữa lấy từ con bò rồi gia trì vào đó 21 biến chú Đại Bi rồi thoa cho người bệnh thì bênh cũng sẽ khỏi.



Kinh văn:

 

若患難產者。取胡麻油。咒三七遍。摩產婦臍中。及 玉門中。即易生。

Hán văn: Nhược hoạn nan sản giả, thủ hồ ma du, chú tam thất biến, ma sản phụ tề trung, cập ngọc môn trung, tức dị sanh.

(Việt dịch: Nếu sản phụ khó sanh, mau dùng dầu mè rồi gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi rốn và ngọc môn, liền được dễ sanh.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu sản phụ khó sanh”: nếu người sản phụ khó sanh,

sanh con không dễ dàng, “mau dùng dầu mà gia trì chú 21 biến, rồi thoa nơi rốn và ngọc môn, liền được dễ sanh”: nên lấy dầu mè rồi gia trì vào đó 21 biến chú rồi xoa nơi rốn và huyệt Ngọc Môn thì sản phụ liền dễ sinh.



Kinh văn:

 

若婦人懷妊。子死腹中。取阿波木利伽草一大兩。清水二升和。煎取一升。咒三七遍服。即出。一無苦痛。胎衣不出者。亦服此藥。即差。(註:阿波木利伽草。牛膝草也。)

Hán văn: Nhược phụ nữ hoài nhâm, tử tức phục trung, thủ a ba mộc lợi gia thảo nhất đại lượng, thanh thủy nhị thăng hòa, tiễn thủ nhất thăng, chú tam thất biến phục, tức xuất, nhất vô khổ thống, thai y bất xuất giả, diệc phục thử dược, tức sai. (Chú: A ba mộc lợi gia thảo. Ngưu tất thảo dã)

(Việt dịch: Nếu phụ nữ có thai, thai nhi chết trong bụng. Dùng một lượng thuốc A Ba Mộc Lợi Đà, đổ hai thăng nước trong, sắc còn một thăng. Gia trì chú 21 biến mà uống, thì cái thai liền ra, sản phụ không một chút đau đớn. Hoặc nhau thai không ra, cũng uống thuốc này bệnh sẽ hết (A ba mộc lợi đà là vị Ngưu Tất)

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu phụ nữ có thai, thai nhi chết trong bụng”: nếu có phụ nữ mang thai, mà thai bị hư, thai nhi chết trong bụng; “dùng một lượng thuốc A Ba Mộc Lợi Đà, đổ hai thăng nước trong, sắc còn một thăng”: A Ba Mộc Lợi Đà là vị thuốc Ngưu Tất, dùng vị thuốc Ngưu Tất cho vào hai thăng (2 lít) nước sạch rồi đem sắc lên cho còn lại một thăng (1 lít). Ví dụ dùng 2 hai chén nước thì sắc còn một chén. “Gia trì chú 21 biến mà uống, thì cái thai liền ra, phụ nhân không một chút đau đớn”: sau đó lại tụng vào chỗ thuốc vừa sắc xong 21 biến chú rồi đem cho người sản phụ uống thì cái thai liền ra mà sản phụ không một chút đau đớn. “Hoặc nhau thai không ra, cũng uống thuốc này bệnh sẽ hết”: hoặc có người sản phụ mà sau khi sinh nhau thai không ra, hay còn gọi là sót nhau thai thì cũng làm thuốc y như trên thì nhau thai cũng ra.



Kinh văn:

 

若卒患心痛不可忍者。名遁屍疰。取君柱魯香。乳頭成者一顆。咒三七遍。口中嚼咽。不限多少。令變吐。即差。慎五辛酒肉。(註:君柱魯香。薰陸香也。

Hán văn: Nhược tốt hoạn tâm thống bất khả nhận giả, danh độn thi chú, thủ quân trụ lỗ hương, nhũ đầu thành giả nhất khỏa, chú tam thất biến, khẩu trung tước yết, bất hạn đa thiểu, lịnh biến thổ, tức sai, thận ngũ tân tửu nhục. (Chú: quân trụ lỗ hương: huân lục hương dã.)

(Việt dịch: Nếu bỗng nhiên đau nhói nơi tim chịu không nổi, đây gọi là chứng độn thi chú, nên dùng Quân Trụ Lỗ, lấy quả đã chín có mùi sữa, tụng chú vào 21 biến, rồi để trong miệng nhai nuốt không hạn nhiều ít, chừng nào mửa được mới thôi, y như thế bệnh sẽ lành, song nên nhớ phải cữ ngũ tân và rượu thịt (quân trụ lỗ là vị thuốc Huân Lục Hương.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bỗng nhiên đau nhói nơi tim chịu không nổi, đây gọi là chứng độn thi chú”: Độn Thi chú là gì? Là một loại bệnh do tà quỷ gây ra, quỷ nhập vào thân người sau đó làm cho người này đau thấu tận tim gan; “nên dùng Quân Trụ Lỗ”: Quân Trụ Lỗ chính là vị thuốc Huân Lục Hương hay Nhũ hương cũng là của loại thuốc, “lấy quả đã chín có mùi sữa”: loại quả này khi chín thì có một mùi hương sinh ra mùi giống như sữa; “tụng chú vào 21 biến”: sau đó tụng vào đó 21 biến chú, mỗi quả tụng 21 biến chú Đại Bi. “rồi để trong miệng nhai nuốt”: rồi dùng đem quả đó nhai sau đó nuốt, hoặc nhai rồi ngậm nơi yết hầu rồi sau đó nuốt; “không hạn nhiều ít”: không giới hạn là ăn nhiều hay ít, không có số lượng.

“Chừng nào mửa được mới thôi”: ăn quả đã được trì chú đó đến khi nôn mửa, nôn mửa ra cặn bã thì mới thôi không ăn nữa; “y như thế bệnh sẽ lành”: nếu làm đúng như thế bệnh sẽ lảnh. “song nên nhớ phải cữ ngũ tân và rượu thịt”: nhưng nên nhớ một điều? Đó là không ăn ngũ vị tân, các loại cay nồng và không uống rượu, không ăn thịt.



Kinh văn:

 

若被火燒瘡。取熱瞿摩夷。咒三七遍。塗瘡上。即差。(註:熱瞿摩夷。烏牛屎也。)

Hán văn: Nhược bị hỏa thiêu sang, thủ nhiệt cù ma di, chú tam thất biến, đồ sang thượng, tức sai. (Chú nhiệt cù ma di, điểu ngưu thi)

(Việt dịch: Nếu bị bỏng lửa thành lở loét, dùng phân trâu đen tụng chú 21 biến mà thoa, bệnh sẽ lành.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị bỏng lửa thành lở loét”: nếu như không may bị lửa đốt đến bỏng, vết bỏng bị lở loét; “dùng phân trâu đen tụng chú 21 biến mà thoa”: lấy phân con trâu đen rồi tụng vào đó 21 biến chú Đại Bi rồi thoa lên chỗ lở loét thì bệnh sẽ lành.  

 


Kinh văn:

 

若患蛔蟲齩心。取骨魯木遮半升。咒三七遍服。即差。重者一升。蟲如綟索出來。(註:骨魯木遮。白馬尿)

Hán văn: Nhược hoạn hồi trùng giảo tâm, thủ cốt lỗ mộc già bán thăng, chú tam thất biến phục, tức sai, trọng giả nhất thăng, trùng như lệ sách chu lai. (Chú: Cốt lỗ mộc già, bạch mã niệu dã).  

(Việt dịch: Nếu bị loại giun sán cắn nơi tim, dùng nửa thăng nước tiểu con ngựa bạch, như bệnh nặng thì một thăng, gia trì chú 21 biến, uống vào loài trùng sẽ quyện ra như sợi dây, bệnh sẽ lành.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị loài giun, sán cắn nơi tim”: Có rất nhiều người rất gầy, tại sao những người đó lại gầy như vậy? Bởi vì trong bụng những người đó có rất nhiều giun, sán. Những người đó ăn bao nhiêu chất dinh dưỡng cũng bị loài giun, sán hút hết chất dinh dưỡng Khi có nhiều người gầy trong bụng có sán. Rồi những người như vậy rất hay đau bụng, đó là do có giun sán chú ngụ ở trong ruột vậy.

Có rất nhiều loại giun, nhưng có loại giun đũa đặc biệt thông minh, chúng thông minh đến mức nào? Chúng ở trong bụng người, chúng hiểu con người nói chuyện, nó biết tâm tư quý vị muốn làm gì? Chính vì vậy mà Tục ngũ có câu: ‘bạn không phải là giun đũa trong bụng của tôi, bạn làm sao biết được tâm của tôi?‘, từ điều này có thể hiểu giun đũa biết quý vị suy nghĩ điều gì, muốn làm gì. Loại giun này, ngay cả khi quý vị uống sổ giun vào cũng không cách nào tiêu diệt được chúng. Tại sao? Nếu như quý vị uống thuốc mà không biết mình uống thì giun mới bị nhiễm thuốc, còn quý vị chủ ý uống thuốc thì giun sẽ biết, giun mà biết thì thuốc sẽ không có tác dụng. Vì giun ở trong bụng quý vị, chúng biết quý vị uống thuốc nên chúng không ăn, vậy nên thuốc sẽ không có tác dụng. Đôi khi có giun còn biết nói, như tôi đã kể trước đây, có một bà lão ở Hồng Kông, trong bụng bà ta có một thứ gì đó có thể nói chuyện được. Đó không phải là loài giun đũa thông thường, mà là như một loại quái vật. Loại giun đũa này có cấu tạo rất đặc biệt để cư trú và cắn tim người. Khi nó cắn vào tim quý vị, quý sẽ bị đau tim không chịu nổi. Vậy phải điều trị bằng cách nào?

“Dùng nửa thăng nước tiểu con ngựa bạch”: lấy nửa thăng (0,5 lít) nước tiểu của con ngựa bạch; “gia trì chú 21 biến”: sau đó tụng vào đó 21 biến chú Đại Bi; “như bệnh nặng thì một thăng”: nếu như bênh nặng thì uống một thăng (1 lít), cứ tăng gấp đôi là được.

“Uống vào loài trùng sẽ quyện ra như sợi dây, bệnh sẽ lành”: sau khi uống thuốc vào thì loài trùng quyện ra như sợi dây, bởi vì có rất nhiều con chứ không phải một con. Khi chúng chui ra miệng con này sẽ cắn đuối con kia, con này cắn con kia mà ra trông giống như sợi dây, từ cách đại tiện mà theo phân. Bệnh sẽ lành.



Kinh văn:

 

若患丁瘡者。取凌霄葉。擣取汁。咒三七遍。瀝著瘡 上。即拔根出。立差。(註:凌霄葉。即紫葳葉。)

Hán văn: Nhược hoạn đinh sang giả, thủ lăng tiêu diệp, giã thủ trấp, chú tam thập biến, lịch trước sang thượng, tức bạt căn xuất, lập sai. (Chú: Lăng Tiêu Diệp tức Tử Oai diệp.)

(Việt dịch: Nếu bị bệnh mụn ghẻ đinh, dùng lá Lăng Tiêu giã lấy nước. Gia trì chú 21 biến mà thoa, thì ghẻ liền ra cồi mà lành.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị bệnh mụn ghẻ đinh”: bệnh mụn ghẻ đinh là như thế nào, nói đúng hơn là một cái mụn lớn. Phía da xung quanh như bị mề đay, bầm tím và sứng tấy, bên trong mụn thì như có cái đinh. Cái mụn này như cái đinh cắm vào trong thịt của quý vị, thậm chí đóng cả vào trong xương, nó rất cứng. Phía đầu trên của mụn thì bị lở loét, thối rữa; “dùng lá Lăng Tiêu giã lấy nước”: Lăng Tiêu là một loại dược liệu, lấy lá Lăng Tiêu giã nát ra rồi vắt lấy nước. “Gia trì chú 21 biến mà thoa, thì ghẻ liền trồi ra mà lành”: sau đó tụng 21 biến chú Đại Bi vào nước và dùng vải thấm nước thuốc mà thoa lên chỗ bị mụn nhọt, thì mụn nhọt được nhổ tận gốc, trồi gốc mụn ra thì liền lành bệnh.



Kinh văn:

 

若患蠅螫眼中。骨魯怛怯濾取汁。咒三七遍。夜臥著

眼中。即差。(註:骨魯怛怯。新驢屎也。)

Hán văn: Nhược hoạn nhăng thích nhãn trung, cốt lỗ hằng khiếp lự thủ trấp, chú tam thất biến, dạ ngọa trước nhãn trung, tức sai. (Chú: Cốt lỗ hằng khiếp, tân lư thi dã)

(Việt dịch: Nếu loài ruồi độc cắn vào mắt. Dùng phân mới của con lừa, vắt lấy nuớc, gia trì 21 biến chú. Đợi ban đêm trước khi ngủ, nhỏ thuốc ấy vào, bệnh sẽ lành.) 

 

 

Lược giảng:

 

 “Nếu loài ruồi độc cắn vào mắt”: loại ruồi này chúng có chất độc, nếu không may bị loài ruồi này cắn vào mắt. “Dùng phân mới của con lừa, vắt lấy nuớc”: lấy phân của con lừa khi mà nó vừa mới đại tiện xong, đem vắt lấy nước. Cũng tụng “21 biến chú” vào chỗ nước vừa mới vắt được đó. “Đợi ban đêm trước khi ngủ, nhỏ thuốc ấy vào, bệnh sẽ lành”: sau đó ban đêm trước khi đi ngủ thì đem chỗ nước đã được gia trì đó nhỏ lên mắt thì bệnh sẽ khỏi.

 

 

Kinh văn:

 

若患腹中痛。和井華水。和印成鹽三七顆。咒三七遍。服半升。即差。

Hán văn: Nhược hoạn phúc trung thống, hòa tỉnh hoa thủy, hòa ấn thành diêm tâm thất khỏa, chú tam thất biến, phục bán thăng, tức sai.  

(Việt dịch: Nếu bị đau bụng, dùng nước tỉnh hoa thủy hòa với 21 hột muối hột, tụng 21 biến chú vào, lấy nửa thăng mà uống, liền hết đau.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị đau bụng”: nếu bị bệnh đau bụng, “dùng nước tỉnh hoa thủy hòa với 21 hạt muối hột”: Tỉnh hoa thủy là loại nước suối, nước ở giếng vào buổi sáng có vị ngọt không độc, hay nước được lấy buổi sáng sớm, đặc biệt lấy nước từ núi, khe suối. Lấy loại nước này hòa với 21 hạt muối; “tụng 21 biến chú vào”: sáu đó tụng vào nước muối đó 21 biến chú Đại Bi, “lấy nửa thăng mà uống, liền hết đau”: lấy nửa thăng nước muối, đại khái là khoảng hơn một bát mà uống thì bệnh sẽ khỏi. (Nếu không có nước tỉnh hoa thủy thì dùng nước sạch không trùng)

 

 

Kinh văn:

 

若患赤眼者。及眼中有努肉。及有翳者。取奢奢彌葉。擣濾取汁。咒三七遍。浸青錢一宿。更咒七遍。著眼中。即差。(註:奢奢彌葉。枸杞葉也。)

Hán văn: Nhược hoạn xích nhãn giả, cấp nhãn trung hữu nỗ nhục, cấp hữu ế giả, thủ xa xa di diệp, đảo lư thủ trấp, chú tam thất biến, tẩm thanh tiền nhất túc, cánh chú thất biến, trước nhãn trung, tức sai.(Chú: Xa xa di diệp, câu kỷ diệp dã.)

(Việt dịch: Nếu bị bệnh đau mắt đỏ, mắt lồi thịt, mắt có những đốm trắng. Dùng lá Xa Xa Di giã nát lấy nước. Gia trì chú 21 biến, rồi bỏ đồng tiền bằng đồng thau vào ngâm một đêm. Xong lại lấy ra, tụng thêm vào đấy 7 biến chú nữa. Dùng thuốc này nhỏ vào mắt, bệnh sẽ lành (chú thích: Xa xa di là lá Kỷ Tử).) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu bị bệnh đau mắt đỏ”: niệm chú Đại Bi chữa bệnh về mắt rất hiệu nghiệm, bệnh đau mắt đỏ là mắt có màu đỏ, mắt vốn hai phần đen trắng phân minh nhưng nay nhiều phần trắng đã chuyển sang màu đỏ, “mắt lồi thịt”: hay trong mắt có một cục thịt nhô ra, “mắt có những đốm trắng”: hoặc như trên con ngươi màu đen lại có những đốm màu trắng. “Dùng lá Xa Xa Di giã nát lấy nước”: Xa Xa Di là tiếng Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Kỷ Tử, là loại mà người Trung Quốc hay dùng để nấu canh, sau đó giã nát ra, dùng vải xô để lọc lấy nước. “Gia trì chú 21 biến, rồi bỏ đồng tiền bằng đồng thau vào ngâm một đêm”: tụng vào nước đó 21 biến chú Đại Bi, sau đó bỏ một vài đồng tiền xu bằng đồng thau vào và ngâm qua đêm, “tụng thêm vào đấy 7 biến chú nữa”: sáng hôm sau lấy tiền xu ra và tụng vào đấy 7 biến chú nữa. “Dùng thuốc này nhỏ vào mắt, bệnh sẽ lành”: dùng thuốc này nhỏ lên mắt thì bệnh sẽ khỏi.

 

 

Kinh văn:

 

若患畏夜不安。恐怖出入驚怕者。取白線作索。咒三七遍。作二十一結。繫項。恐怖即除。非但除怖。亦得滅罪。

Hán văn: Nhược hoạn úy dạ bất an, khủng bố xuất nhập kính phạ giả, thủ bạch tuyền tác sách, chú tam thất biến, tác nhị thập nhất kiết, hệ hạng, khủng bố tức trừ, phi đản trừ bố, diệc đắc diệt tội.  

(Việt dịch: Nếu người có tật ban đêm sợ hãi ra vào không yên. Lấy chỉ trắng kết thành dây, gia trì chú 21 biến, buộc thành 21 thắt rồi đeo nơi cổ, thì tật ấy sẽ dứt. Chẳng những trừ được sự khủng bố mà cũng diệt được tội.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu người có tật ban đêm sợ hãi ra vào không yên”: hoặc giả có người có chứng bệnh sợ bóng tối, nên vào ban đêm thì nỗi sợ lại ấp đến. Cho đến đi vệ sinh cũng sợ, vào ban đêm thì luôn nơm nớp lo sợ. “Lấy chỉ trắng kết thành dây”: tìm một vài sợi chỉ trắng và xoắn chúng thành một sợi dây, ít nhất là năm sợi; sợi dây sẽ được kết từ năm sợi chỉ trắng. “gia trì chú 21 biến”: sau đó lại tụng 21 biến chú, “buộc thành 21 thắt rồi đeo nơi cổ”: tiếp đến buộc sợi dây thành 21 nút buộc và dùng để đeo nơi cổ; “thì tật ấy sẽ dứt”: làm đúng như thế thì sẽ trừ được tật sợ bóng tối. “Chẳng những trừ được sự khủng bố mà cũng diệt được tội”: làm đúng như pháp, đeo sợi dây ấy nơi cổ, chẵng những sẽ trừ được tật sợ bóng tối mà còn có thể tiêu trừ được nghiệp chướng, tội lỗi của bản thân. (Phần này kinh văn hay giảng giải không đề cập đến tụng hết 21 biến chú rồi buộc sợi dây 21 thắt hay tụng một biến thì buộc một thắt, nhưng y theo phần kinh văn trên thì hành giả nên tụng trước 21 biến sau đó lại tụng một biến thì buộc một nút thắt)

 

 

Kinh văn:

 

若家內橫起災難者。取石榴枝。寸截一千八段。兩頭塗酥酪蜜。一咒一燒。盡千八遍。一切災難。悉皆除滅。要在佛前作之

Hán văn: Nhược gia nội hoành khởi tai nạn giả, thủ thạch lựu chi, thốn tiệt nhất thiên bát đoạn, lưỡng đầu đồ tô lạc mật, nhất chú thiêu, tận thiên bát biến, nhất thiết tai nạn, tất giai trừ diệt, yếu tại Phật tiền tác chi.

(Việt dịch: Nếu trong nhà sanh nhiều tai họa. Dùng nhánh cây thạch lựu chặt thành 1.080 đoạn ước độ một tấc, mỗi đoạn 2 đầu đều thoa mật và tô lạc. Sau đó tụng một biến chú, liền đốt một đoạn. Khi đốt hết 1.080 đoạn, tất cả tai nạn thảy đều tiêu trừ, chú ý phải làm trước tượng Phật.) 

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu trong nhà sanh nhiều tai họa”: giả sử trong nhà thường xuyên xảy ra tai họa, chuyện không như ý như trộm cướp, hỏa hoạn, hoặc là nhiều loại tai nạn khác. “Dùng nhánh cây thạch lựu chặt thành 1.080 đoạn ước độ một tấc”: lấy một cành gỗ của cây lựu đem chặt thành 1080 đoạn, mỗi đoạn ước chừng một tấc (1 tấc bằng khoảng 10cm), “mỗi đoạn 2

5 đầu đều thoa mật và tô lạc1“: hai đầu của mỗi nhánh cây cắt ra đều phải bôi tô lạc và mật ong. “sau đó tụng một biến chú, liền đốt một đoạn”: sau đó cứ tụng xong một biến chú Đại Bi thì đốt một nhánh cây, “khi đốt hết 1.080 đoạn, tất cả tai nạn thảy đều tiêu trừ”: 1080 nhánh cây thì tụng 1080 biến chú và đốt 1080 lần, làm đúng như thế tất cả tai họa sẽ tiêu trừ, “chú ý phải làm trước tượng Phật”: nhưng phải nhớ là làm trước tượng Bồ tát Quán Thế Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay. 

 

 

Kinh văn:

 

若取白菖蒲。咒三七遍。繫著右臂上。一切鬥處。論 義處。皆得勝他。

Hán văn: Nhược thủ bạch xương bồ, chú tạm thất biến, hệ trước hữu tị thượng, nhất thiết đấu xứ, luận nghĩa xứ, giai đắc thắng tha.  

(Việt dịch: Dùng một nhánh Bạch Xương Bồ, trì vào 21 biến chú, đeo nơi cánh tay phải thì tại các nơi đấu tranh, luận nghị đều được thắng lợi.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Bạch Xương Bồ” là cây xương bồ trắng, là một loại thảo dược. Quý vị lấy 1 nhành của cây Xương Bồ trắng rồi “gia trì chú 21 biến chú” và “đeo nơi cánh tay phải”: Buộc nhánh Xương Bồ đó vào cánh tay hoặc bắp tay của tay phải. Nếu làm như thế thì “ở các nơi đấu tranh”: quý vị đi đến nơi nào cùng người tranh đấu, hoặc “luận nghị”: là cùng người khác bàn luận giải đạo lý, “đều được thắng lợi”: cho dù tranh luận với ai cũng thắng, cũng đều được hơn người, được tài hùng biện thông suốt, không trở ngại.

 

 

Kinh văn: 

 

若取奢奢彌葉枝柯寸截。兩頭塗真牛酥。白蜜牛酥。一咒一燒。盡一千八段。日別三時。時別一千八遍。滿七日。咒師自悟通智也。

Hán văn: Nhược thủ xa xa di diệp, câu kỷ thốn tiệt, lưỡng đầu đồ chân ngưu tô, bạch mật ngưu tô, nhất chú nhất thiêu, tận nhất bát đoạn, nhật biệt tam thời, thời biệt nhất thiên bát thiên, mãn thất nhật, chú sư tự ngộ thông trí tuệ dã.  

(Việt dịch: Nếu muốn được trí huệ. Nên dùng nhánh xa xa di, chặt thành 1080 đoạn, mỗi đoạn 2 đầu thoa sữa ngưu tô thuần chất. Dùng sữa ngưu tô hòa với bạch mật sau đó tụng một biến chú thì đốt một đoạn. Nên nhớ trong một ngày đêm chia ra ba thời, mỗi thời tụng chú và đốt 1080 đoạn. Thực hành đúng 7 ngày, chú sư sẽ được trí huệ thông ngộ.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu muốn được trí huệ”: nếu quý vị muốn đắc trí huệ túc mạng thông, thì nên tu pháp này. Pháp này là mật pháp, pháp bí mật của mật tông. Mật Pháp thì không thể giảng bừa, không thể rộng nói được, nhưng Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni cũng đã giảng rồi. Đây là mật pháp phải đốt đồ, vì sao phải đốt đồ vật? Trong Phật Giáo Mật tông có một loại pháp gọi là Hộ Ma, đó là dùng nhiều thứ khác nhau để đốt như quần áo, y phục, vàng bạc, đá quý hay bơ sữa cho đến những thứ ăn được, đều đem đốt đi.

Nhưng Mật Tông có những vị thầy lợi dụng pháp này để chuộc lợi. Họ bảo những để tử hãy đem nhẫn ra đốt, hay những thứ nào giá trị càng cao thì công đức càng lớn. Ông ta giả bộ chỉ cần ngồi đó, cầm chuông lên, và chỉ niệm chú “ù ù ù” như thế này để tăng thêm sự mầu nhiệm. Vì vậy, quý vị đốt chiếc nhẫn vàng của mình và nhiều thứ khác trong đó. Sau khi đốt xong, bất kể đốt hay không đốt, thầy Mật tông đều có thể lấy ra bán, họ sẽ dạy quý vị đốt vàng bạc càng quý thì công đức càng nhiều.

Có nhiều người mê muội, có lẽ đang ngủ say nên chưa tỉnh, họ không phân biệt được như thế nào là thật hay là giả? Cũng không biết là mơ hay là tỉnh? Cho nên những người đó tin rằng đốt vàng, hoặc đồ quý giá có công đức. Những trường hợp này tôi gặp rất nhiều. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ hiện nay không có tình trạng như vậy, và không có loại Phật giáo Mật tông như vậy, nhưng trong tương lai sẽ có. Hoặc có những thầy truyền các tín đồ rằng: ‘Các người sau này cũng sẽ làm bậc thầy kim cương thượng sư, vậy hãy đem đồ quý giá để đốt đi thì mới có nhiều công đức‘. Sau đó họ sẽ lấy số đồ quý giá đó đem đi bán để kiếm tiền. Tôi thì không biết phương pháp này, cho nên không có bản lĩnh trong việc này.

“Nên dùng nhánh Xa Xa Di”: Xa Xa Di là là cây Câu Kỳ Tử (Kỳ Tử), ‘nhánh‘ là nhánh và cành của nó. “chặt thành 1080 đoạn”: cắt làm từng đoạn, từng đoạn, thành 1080 đoạn. “Mỗi đoạn 2 đầu thoa sữa ngưu tô thuần chất”: mỗi đoạn cây cắt được thì hai đầu đều được thoa sữa bò. “Dùng sữa ngưu tô hòa với bạch mật”: Dùng sữa bò hòa với đường trắng để đốt, giống như trong Pháp Hộ Ma dùng mì, thức ăn, quần áo để đốt. Nhưng nếu quý vị dùng vàng để đốt thì không được đâu, bởi vì cho dù quý vị có đốt vàng thì nó cũng không cháy, vậy nên nếu quý vị đốt vàng thì thật vô ích. Để tôi nói cho quý vị biết, nếu trong tương lai có ai đó yêu cầu quý vị đốt vàng, đó sẽ là một lời nói dối, quý vị đừng có tin. Tại sao? Điều đó không cần thiết chút nào! Bởi Pháp này phải được đốt bằng sữa bò hòa đường trắng.

“Tụng một biến chú thì đốt một đoạn”: niệm chú Đại Bi một biến đốt một đoạn, “đốt 1080 đoạn”: đốt đến hết 1080 đoạn, ở đây là 1080 đoạn chứ không phải là 1008 đoạn, nó cũng dựa trên có số 108, tức là quý vị sẽ phải tụng 10 lần của 108 biến chú. “Nên nhớ trong một ngày đêm chia ra ba thời”: trong một ngày thì chia ra làm ba thời khóa, “mỗi thời tụng chú và đốt 1080 đoạn”: mỗi thời khóa niệm 1080 biến và đốt 1080 đoạn. “Thực hành đúng 7 ngày”: thực hành liên tục trong bảy ngày, cho đến ngày thứ bảy là mãn. “Chú sư sẽ được trí huệ thông ngộ”: Chú sư là người thực hành pháp, thông ngộ là chính là tự mình khai ngộ. Thông trí chính là túc mạng thông trí huệ. Nếu bạn thành tâm thì sẽ đắc được túc mạng thông, và ngược lại nếu không thành tâm thì bạn sẽ không khai trí tuệ, nên không được trí tuệ túc mạng thông.

 

 

Kinh văn: 

 

若欲降伏大力鬼神者。取阿唎瑟迦柴。咒七七遍。火中燒。還須塗酥酪蜜。須要於大悲心像前作之。(註:阿唎瑟迦柴。木患子也。)

Hán văn: Nhược dục giáng phục đại lực quỷ thần giả, thủ a lợi sắt ca sài, chú thất thất biến, hỏa trung thiêu, hoàn tu đồ tô lạc mật, tu yếu ư đại bi tâm tượng tiền tác chi. (Chú: A lợi sắt ca sài tức mộc hoạn tử)

(Việt dịch: Nếu muốn hàng phục đại lực quỷ thần. Dùng cây A Lợi Sắc Ca, thoa sữa tô lạc và mật vào, đối trước tượng Đại Bi, gia trì 49 biến chú, rồi đốt trong lửa sẽ hàng phục được đại lực quỷ thần.)

 

 

 Lược giảng:

 

Quỷ thần thì có rất nhiều loại, như quỷ thần bình thường, quỷ thần oai lực lớn, đại lực quỷ thần,… Đại lực quỷ thần thần thông đặc biệt lớn, thần thông biến hóa, không ai có thể hàng phục được. Nhưng nếu quý vị muốn hàng phục quỷ thần oai lực lớn hay đại lực quỷ thần, hãy “dùng cây A lợi sắc ca”: A lợi sắc ca chính là cây Mộc Hoạn Tử [5], Mộc Hoạn Tử là một loại củi, “thoa sữa tô lạc và mật vào”: thoa tô lạc và mật ong vào cành cây, “đối trước tượng Đại Bi”: đối trước tượng bồ tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, phương pháp này phải đối trước Bồ tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn mới có hiệu quả, “gia trì 49 biến chú”: trì tụng 49 biến chú Đại Bi, “rồi đốt trong lửa”: rồi đem cành cây đó đốt đi. Làm đúng pháp như thế sẽ “hàng phục được đại lực quỷ thần”.



Kinh văn:  

 

若取胡嚧遮那一大兩。著瑠璃瓶中。置大悲心像前。咒一百八遍。塗身點額。一切天龍鬼神。人及非人。皆悉歡喜也。(註:胡嚧遮那。牛黃也。

Hán văn: Nhược thủ hồ lô già na nhất đại lượng, trước lưu ly bình trung, trí đại bi tâm tượng tiền, chú nhất bách bát biến, đồ thân điểm ngạch, nhất thiết thiên long quỷ thần, nhân cập phi nhân, giai tất hoan hỉ dã. (Chú: Hồ lô giá na tức ngưu hoàng dã).

(Việt dịch: Nếu lấy một lượng Hồ Lô Giá Na, đem đựng trong bình lưu ly, để trước tượng Đại Bi tụng chú 108 biến, rồi dùng thuốc ấy thoa trên trán và nơi thân, thì tất cả Thiên, Long, Quỷ Thần, người cùng loài phi nhân trông thấy đều hoan hỉ (Hồ lô giá na là vị Ngưu Hoàng)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu lấy một lượng Hồ Lô giá na”: Hồ Lô Giá Na chính là vị thuốc Ngưu Hoàng, hán văn dùng từ một đại lượng, nghĩa là hơn một lượng hoặc hai lượng (1 lượng = 0.0375 kg).

Ngưu Hoàng rất đắt, hơn một lượng hay hai lượng thì chi phí tối thiểu khoảng 500 tệ. “Đem đựng trong bình lưu ly”: bình lưu ly là bình bằng thủy tinh hay pha lê, rồi đem Ngưu Hoàng bỏ vào đó, “để trước tượng Đại Bi tụng chú 108 biến”: sau đó đặt chiếc bình lưu ly đó đặt trước tượng, hoặc ảnh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và tụng 108 biến chú Đại Bi, “rồi dùng thuốc ấy thoa trên trán và nơi thân”: sau khi tụng chú xong thì dùng thuốc xoa lên và trên thân thể thì “tất cả Thiên, Long, Quỷ Thần, người cùng loài phi nhân trông thấy đều hoan hỉ”: tất cả thiên nhân, rồng, quỷ thần, người hay những loài không phải người khi nhìn thấy quý vị thì đều sinh tâm hoan hỉ, không nhiễu hại quý vị.  

 

 

Kinh văn: 

 

若有身被枷鎖者。取白鴿糞。咒一百八遍。塗於手上。用摩枷鎖。枷鎖自脫也

Hán văn: Nhược hữu thân bị già tỏa giả, thủ bạch cáp phân, chú nhất bách bát biến, đồ ư thủ thượng, dụng ma già tỏa, già tỏa tự thoát dã.

(Việt dịch: Nếu thân bị xiềng xích, dùng phân của con bồ câu trắng, gia trì chú 108 biến, tụng xong đem thoa vào tay chà lên gông xiềng, gông xiềng sẽ tự đứt gãy.)

 

 

 Lược giảng:

 

“Nếu thân bị xiềng xích”: giả sử như có ai bị xiềng xích, gông cùm trói buộc, “dùng phân của con bồ câu trắng”: lấy phân của con chim bồ câu trắng, “gia trì chú 108 biến”: rồi tụng vào đó 108 biến chú Đại Bi. “tụng xong đem thoa vào tay chà lên gông xiềng”: tụng xong thì đem xoa phân lên tay và dùng tay ấy xoa cả vào gông cùm, khi tay chạm vào gông cùm thì “gông xiềng sẽ tự đứt gãy”: gông cùm sẽ tự nhiên đứt gãy mà rơi ra.

 

 

Kinh văn: 

 

若有夫婦不和。狀如水火者。取鴛鴦尾。於大悲心像前。咒一千八遍。帶彼。即終身歡喜相愛敬

Hán văn: Nhược hữu phu phụ bất hòa, trạng như thủy hỏa giả, thủ uyên ương vĩ, ư đại bi tâm tượng tiền, chú nhất thiên bát biến, đới bỉ, tức chung thân hoan hỉ tương ái kính.  

(Việt dịch: Nếu vợ chồng bất hòa, như nước lửa, dùng lông đuôi chim uyên ương, đem trước tượng Đại Bi tụng chú 1.080 biến rồi đeo trong mình, tất vợ chồng trọn đời kính trọng, thương yêu nhau.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu vợ chồng bất hòa, như nước lửa”: Đạo chồng vợ thuộc về luân thường trong ngũ luân, vợ chồng nên hòa thuận với nhau. Giả sử họ không hòa hợp thì hoặc có thể do nghiệp chướng nặng nề, oan trái nghiệp chướng gặp nhau hay do một số ma quỷ tác quái, phá hủy mối quan hệ, khiến vợ chồng như nước với lửa. “Dùng lông đuôi chim Uyên ương”: dùng lông đuôi của hai con chim uyên ương, buộc lại với nhau. “Đem trước tượng Đại Bi tụng chú 1.080 biến rồi đeo trong mình”: sau đó đối trước tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát thành tâm tụng 1.080 biến chú Đại Bi rồi đeo lông chim đó trong người. “Tất vợ chồng trọn đời kính trọng, thương yêu nhau”: nếu làm đúng pháp như thế thì vợ trọng trọn đời yêu thương, kính trọng nhau. (Phần này không nói đến 2 lông đuôi như thế nào, nhưng theo ngu ý của người dịch thuật là dùng 1 lông đuôi của 1 con chim đực và 1 lông đuôi của 1 con chim cái)

 

 

Kinh văn: 

 

若有被蟲食田苗。及五果子者。取淨灰淨沙。或淨水。咒三七遍。散田苗四邊。蟲即退散也。果樹兼咒水。灑著樹上。蟲不敢食果也。

Hán văn: Nhược hữu bị trùng thực điền miêu, cập ngũ quả tử giả, thủ tịnh hôi tịnh sa, hoặc tịnh thủy, chú tam thất biến, tán điền miêu điền biên, trùng tức thối tán dã, quả thọ kiêm chú thủy, sái trước thọ thượng, trùng bất cảm thực quả dã.  

(Việt dịch: Nếu lúa mạ hoặc các thứ cây trái bị sâu bọ phá hoại, dùng tro, cát sạch và nước trong, gia trì 21 biến chú, rải trên cây, trên mạ cùng bốn bên bờ ruộng, thì sâu bọ không dám phá hại.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu ruộng gieo lúa mạ hoặc các thứ cây trái bị sâu bọ phá hoại”: giả sử có người làm ruộng hay vườn cây ăn trái, ruộng vườn gieo cây giống, táo, cam, các loại trái cây khác, nếu ruộng vườn bị côn trùng, sâu bọ phá hoại thì rất nguy hiểm, chúng sẽ tàn phá, ăn sạch hoa màu, trái cây nếu côn trùng phát sinh thì rất nguy hiểm, liền bị ăn hết trái cây, “dùng tro, cát sạch và nước trong”: nên lấy tro sạch, cát sạch, hoặc nước sạch rồi “gia trì 21 biến chú”: tụng vào đó 21 biến chú Đại Bi. “rải trên cây, trên mạ cùng bốn bên bờ ruộng, thì sâu bọ không dám phá hại”: sau đó nước thì đem phun lên trên cây, nếu phun lên cây thì sâu bọ sẽ không dám ăn trái cây, đem tro và cát rải xung quanh vườn, xung quanh ruộng thì sâu bọ sẽ chạy trốn, không dám ở lại và cũng sẽ không dám tiến vào phá hoại nữa.

 

 

Kinh văn: 

 

佛告阿難。若為富饒種種珍寶資具者。當於如意珠手

Hán văn: Phật cáo A-nan, nhược hữu phú nhiêu chủng chủng trân bảo tư cụ giả. Đương ư như ý châu thủ.

(Việt dịch: Nếu chúng sanh nào muốn được giàu lớn, có nhiều thứ châu báu, đồ dùng, nên cầu nơi tay cầm châu như ý.

Chân ngôn rằng: Án–, phạ nhựt ra, phạ đa ra, hồng phấn tra.)  

 

 

Lược giảng:

 

Phần kinh văn này Đức Phật dạy về Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn Pháp. Đức Phật dạy A-nan: “Nếu chúng sanh nào muốn được giàu lớn, có nhiều thứ châu báu, đồ dùng”: nếu như ai muốn giàu có, có nhiều của cải, châu báu, nhiều vật dụng, tiền bạc dư thừa, cuộc sống sung túc, “nên cầu nơi tay cầm châu như ý”: Châu Như ý là viên ngọc như ý, ngọc như ý có thể đáp ứng mọi mong cầu trong tâm chúng sinh. “Nơi tay cầm”: là trong tay cầm viên ngọc như ý. Quý vị phải tu pháp nơi tay cầm viên ngọc Như Ý. Câu “đương ư như ý châu thủ” phải có thêm danh từ ‘nhãn‘ phía sau chữ ‘thủ‘, ―đương ư như ý châu thủ nhãn thì mới đúng nghĩa là tu theo pháp châu như ý 42 tay mắt như dưới đây:

 

 

Kinh văn: 

 

若為種種不安。求安隱者。當於羂索手。

若為腹中諸病者。當於寶缽手。

若為降伏一切魍魎鬼神者。當於寶劍手。

若為降伏一切天魔神者。當於跋折羅手。

若為摧伏一切怨敵者。當於金剛杵手。

若為一切處。怖畏不安者。當於施無畏手。

若為眼闇無光明者。當於日精摩尼手。

若為熱毒病求清涼者。當於月精摩尼手。

若為榮官益職者。當於寶弓手。

若為諸善朋友早相逢者。當於寶箭手。

若為身上種種病者。當於楊枝手。

若為除身上惡障難者。當於白拂手。

若為一切善和眷屬者。當於寶瓶手。

若為辟除一切虎狼豺豹諸惡獸者。當於旁牌手。

若為一切時處。好離官難者。當於鉞斧手。

若為男女僕使者。當於玉環手。

若為種種功德者。當於白蓮華手。

若為種種不安。求安隱者。當於羂索手。

若為腹中諸病者。當於寶缽手。

若為降伏一切魍魎鬼神者。當於寶劍手。

若為降伏一切天魔神者。當於跋折羅手。

若為摧伏一切怨敵者。當於金剛杵手。

若為一切處。怖畏不安者。當於施無畏手。

若為眼闇無光明者。當於日精摩尼手。

若為熱毒病求清涼者。當於月精摩尼手。

若為榮官益職者。當於寶弓手。

若為諸善朋友早相逢者。當於寶箭手。

若為身上種種病者。當於楊枝手。

若為除身上惡障難者。當於白拂手。

若為一切善和眷屬者。當於寶瓶手。

若為辟除一切虎狼豺豹諸惡獸者。當於旁牌手。

若為一切時處。好離官難者。當於鉞斧手。

若為男女僕使者。當於玉環手。

若為種種功德者。當於白蓮華手。

若為欲得往生十方淨土者。當於青蓮華手。

若為大智慧者。當於寶鏡手。

若為面見十方一切諸佛者。當於紫蓮華手。

若為地中伏藏者。當於寶篋手。

若為仙道者。當於五色雲手

。若為生梵天者。當於軍持手。

若為往生諸天宮者。當於紅蓮華手。

若為辟除他方逆賊者。當於寶戟手。

若為召呼一切諸天善神者。當於寶螺手。

若為使令一切鬼神者。當於髑髏杖手。

若為十方諸佛速來授手者。當於數珠手。

若為成就一切上妙梵音聲者。當於寶鐸手。

若為口業辭辯巧妙者。當於寶印手。

若為善神龍王常來擁護者。當於俱尸鐵鉤手

若為慈悲覆護一切眾生者。當於錫杖手。

若為一切眾生常相恭敬愛念者。當於合掌手。

若為生生之處不離諸佛邊者。當於化佛手。

若為生生世世常在佛宮殿中。不處胎藏中受身者。當

於化宮殿手。

若為多聞廣學者。當於寶經手。若為從今身至佛身。

菩提心常不退轉者。當於不退金輪手。

若為十方諸佛速來摩頂授記者。當於頂上化佛手。

若為果蓏諸穀稼者。當於葡萄手。

Hán văn: Nhược vị chủng chủng bất an, cầu an ẩn giả, đương ư quyên sách thủ.

Nhược vị phúc trung chư bệnh giả đương ư bảo bát thủ.

Nhược vi hàng phục nhất thiết li mị quỷ thần giả, đương ư bả kiếm thủ.

Nhược vị nhất thiết thiên ma thần giả đương ư bạt chiết la thủ.

Nhược vị thôi phục nhất thiết oán địch giả, đương ư kim cương xử thủ.

Nhược vị nhất thiết xứ bố úy bất an giả, đương ư thí vô  úy thủ.

Nhược vị nhãn ám vô quang minh giả, đương ư nhật tinh ma ni thủ.

Nhược vị nhiệt độc bệnh cầu thanh lương giả, đương ư nguyệ tinh ma ni thủ.

Nhược vị vinh quan ích chức giả, đương ư bảo cung.

Nhược vị chư thiện bằng hữu tảo tương phùng giả, đương ư bảo tiễn thủ,  

Nhược vị thân thượng chủng chủng bệnh giả, đương ư dương chi thủ.

Nhược vị thân thượng ác chướng giả, đương ư bạch phất thủ.

Nhược vị nhất thiết thiện hòa quyến thuộc giả, đương ư bảo bình thủ.

Nhược vị bích trừ nhất thiết hổ lang sài báo chư ác thú giả, đương ư bàng bài thủ.

Nhược vị nhất thiết thời xứ, hảo ly quan nan giả, đương ư phủ thủ.

Nhược vị nam nữ bộc sử giả, đương ư ngọc hoàn thủ.

Nhược vị chủng chủng công đức giả, đương ư bạch liên hoa thủ.

Nhược vị dục đắc vãng sanh thập phương tịnh độ giả, đương ư thanh liên hoa thủ.

Nhược vị đại trí tuệ giả, đưng ư bảo kính thủ.

Nhược vị diện kiến thập phương nhất thiết chư Phật giả, đương ư tử liên hoa thủ.

Nhược vị địa trung phục tạng giả, đương ư bảo khiếp.

Nhược vị tiên đạo giả, đương ư ngũ sắc vân thủ.

Nhược vị sanh phạm thiên giả, đương ư quân trì thủ.

Nhược vị vãng sanh chư thiên cung giả, đương ư hồng liên thủ.

Nhược vị tị trừ tha phương nghịch tặc giả, đương ư bảo kích thủ giả.

Nhược vị triệu hồ nhất thiết chư thiên thiện thần giả, đương ư bảo loa thủ.

Nhược vị sử lịnh nhất thiết quỷ thần giả, đương ư độc lâu trượng giả.

Nhược vị thập phương chư Phật tốc lai thọ thủ giả, đương ư số châu thủ.

Nhược vị thành tựu nhất thiết thượng diệu phạm âm thanh giả, đương ư bảo đạc thủ.

Nhược vị khẩu nghiệp từ biện sảo diệu giả, đương ư bảo ấn thủ.

Nhược vị thiện thần long vương thường lai ủng hộ giả, đương ư câu thi thiết câu thủ. 

Nhược vị từ bi phú hộ nhất thiết chúng sanh giả, đương ư tích trượng thủ. 

Nhược vị nhất thiết chúng sanh thường tương cúng kính ái niệm giả, đương ư hiệp chưởng thủ. 

Nhược vị sanh sanh chi xứ bất ly chư Phật biên giả, đương ư hóa Phật thủ.

Nhược vị sanh sanh xứ xứ thường tại Phật cung điện trung, bất xứ thai tang trung thọ thân giả, đương ư hóa cung điện thủ.

Nhược vị đa văn quảng học giả, đương ư bảo kinh thủ.

Nhược vị tùng kim thân chí Phật thân, bồ đề tâm thường bất thối chuyển giả, đương ư bất thối kim luân thủ.

Nhược vị chư Phật tốc lai ma đảnh thọ ký giả, đương ư đảnh thượng hóa Phật thủ. 

Nhược vị quả chư cốc giá giả, đương ư bồ đào thủ. 

(Việt dịch:

1, Nếu muốn trị các thứ bệnh trên thân, nên cầu nơi tay cầm cành dương liễu. Chân ngôn rằng: Án– tô tất địa, ca rị, phạ rị, đa nẫm đa, mục đa duệ, phạ nhựt ra, phạ nhựt ra, bạn đà, hạ nẵng hạ nẵng, hồng phấn tra.

2, Nếu muốn trị các thứ bệnh trong bụng, nên cầu nơi tay cầm cái bát báu. Chân ngôn rằng: Án–, chỉ rị, chỉ rị, phạ nhựtra, hồng phấn tra.

3, Nếu muốn trị bệnh mắt mờ không thấy ánh sáng, nên cầu nơi tay cầm châu nhựt tinh ma ni. Chân ngôn rằng: Án–, độ tỉ, ca giả độ tỉ, bát ra phạ rị nảnh, tát-phạ hạ.

4, Nếu muốn hàng phục tất cả thiên ma thần, nên cầu nơi tay cầm bạt chiết la Chân ngôn rằng: Án– nễ bệ nễ bệ, nễ bà dã, ma ha thất rị duệ, tát-phạ hạ.

5, Nếu muốn hàng phục tất cả oán tặc, nên cầu nơi tay cầm chày kim cang. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt-ra, chỉ nãnh, chỉ nãnh, bát-ra nễ bát đa dã, tá-phạ hạ.

6, Nếu muốn trừ tánh ở tất cả chỗ sợ hãi không yên, nên cầu nơi tay thí vô úy. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt-ra, nẵng dã, hồng phấn tra.

7, Nếu bị các việc khuấy rối, muốn được an ổn, nên cầu nơi tay cầm dây quyến sách. Chân ngôn rằng: Án — chỉ rị, lã ra, mô nại ra, hồng phấn tra.

8, Nếu bị bệnh nhiệt độc, muốn được mát mẻ hết bệnh, nên cầu nơi tay cầm châu nguyệt tinh ma ni. Chân ngôn rằng: Án — tô tất địa, yết rị, tát-phạ hạ.

9, Nếu muốn được làm quan, lên chức, nên cầu nơi tay cầm cung báu. Chân ngôn rằng: Án — a tả vĩ, lệ, tát-phạ hạ.

10, Nếu muốn được mau gặp các bạn lành, nên cầu nơi tay cầm tên báu. Chân ngôn rằng: Án — ca mạ lã, tát-phạ hạ.

11, Nếu muốn hàng phục tất cả quỷ, thần, vọng, lượng, nên cầu nơi tay cầm gươm báu. Chân ngôn rằng: Án — đế thế, đế nhá, đổ vĩ nảnh, đổ đề bà đà dã, hồng phấn tra.

12, Nếu muốn trừ những chướng nạn ác bên thân, nên cầu nơi tay cầm cây phất trắng. Chân ngôn rằng: Án– bát na di nảnh, bà nga phạ đế, mô hạ dã nhá, nga mô hạ nảnh, tátphạ hạ.

13, Nếu muốn tất cả người trong quyến thuộc được hòa thuận nhau, nên cầu nơi tay cầm cái hồ bình. Chân ngôn rằng: Án — yết lệ thảm mãn diệm, tát-phạ hạ.

14, Nếu muốn xua đuổi loài hổ báo, sài lang và tất cả ác thú, nên cầu nơi tay cầm cái bàng bài. Chân ngôn rằng: Án — dược các sam nẵng, na dã chiến nại-ra, đạt nậu bá rị-dã, bạt xá bạt xá, tát-phạ hạ.

15, Nếu muốn trong tất cả thời, tất cả chỗ, lìa nạn quan quân vời bắt, nên cầu nơi tay cầm cây phủ việt. Chân ngôn rằng: Án — vị ra dã, vị ra dã, tát phạ hạ.

16, Nếu mu n có tôi trai tớ gái để sai khiến, nên cầu nơi tay cầm chiếc vòng ngọc. Chân ngôn rằng: Án — bát na hàm, vị ra dã, tát-phạ hạ.

17, Nếu muốn được các thứ công đức, nên cầu nơi tay cầm hoa sen trắng. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt ra, vị ra dã, tát phạ hạ.

18, Nếu muốn được sanh về 10 phương tịnh độ, nên cầu nơi tay cầm hoa sen xanh. Chân ngôn rằng: Án — chỉ rị, chỉ rị, phạ nhựt ra, bộ ra bạn đà hồng phấn tra.

19, Nếu muốn được trí huệ lớn, nên cầu nơi tay cầm cái gương báu. Chân ngôn rằng: Án — vĩ tát phổ ra, na ra các xoa, phạ nhựt ra, mạn trà lã, hồng phấn tra.

20, Nếu muốn được diện kiến 10 phương tất cả chư Phật, nên cầu nơi tay cầm hoa sen tím. Chân ngôn rằng: Án — tát ra, tát ra, phạ nhựt ra, hồng phấn tra.

21, Nếu muốn lấy được kho báu ẩn trong lòng đất, nên cầu nơi tay cầm cái bảo kíp. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt ra, bát thiết ca rị, yết nẵng hàm ra hồng.

22, Nếu muốn được đạo tiên, nên cầu nơi tay cầm hóa hiện mây ngũ sắc. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt ra, ca rị ra tra hàm tra.

23, Nếu muốn sanh lên cõi Phạm Thiên, nên cầu nơi tay cầm bình quân trì. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt ra thế khê ra, rô tra hàm tra.

24, Nếu muốn được sanh lên các cung trời, nên cầu nơi tay cầm hoa sen hồng. Chân ngôn rằng: Án — thương yết lệ, tát phạ hạ.

25, Nếu muốn xua đuổi giặc nghịch ở phương khác đến, nên cầu nơi tay cầm cây bảo kích. Chân ngôn rằng: Án — thảm muội dã, chỉ nãnh hạ rị, hồng phấn tra.

26, Nếu muốn triệu tất cả chư thiên thiện thần, nên cầm nơi tay ống loa báu. Chân ngôn rằng: Án — thương yết lệ, mạ hạ thảm mãn diệm, tát phạ hạ.

27, Nếu mu n sai khiến tất cả quỷ thần, nên cầu nơi tay cầm cây gậy đầu lâu. Chân ngôn rằng: Án — độ nẵng, phạ nhựt ra.

28, Nếu muốn 10 phương chư Phật sớm đến đưa tay tiếp dẫn, nên cầu nơi tay cầm xâu chuỗi ngọc. Chân ngôn rằng: Nẵng mồ — ra đá nẵng, đát ra dạ dã, Án — a na bà đế vĩ nhã duệ. Tất địa tất đà lật đế, tát phạ hạ.

29, Nếu muốn có được tất cả phạm âm thanh tốt nhiệm mầu, nên cầu nơi tay cầm chiếc linh báu. Chân ngôn rằng: Nẵng mồ bát ra hàm bá noa duệ, án — a mật lật đảm, nghiễm bệ thất rị duệ, thất rị, chiếm rị nảnh, tát phạ hạ.

30, Nếu muốn được miệng nói biện luận hay khéo, nên cầu nơi tay cầm chiếc ấn báu. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt ra, nảnh đảm nhá duệ, tát phạ hạ.

31, Nếu muốn được thiên thần, long vương thường đến ủng hộ, nên cầu nơi tay cầm cu thi thiết câu. Chân ngôn rằng: Án – a rô rô, đa ra ca ra, vĩ sa duệ, nẵng mồ tát phạ hạ.

32, Nếu vì lòng từ bi muốn cho tất cả chúng sanh được nhở sự che chở giúp đỡ, nên cầu nơi tay cầm cây tích trượng. Chân ngôn rằng: Án — na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật đế na dạ bát nảnh, hồng phấn tra.

33, Nếu muốn cho tất cả chúng sanh thường cung kính yêu mến nhau, nên cầu nơi tay hiệp chưởng. Chân ngôn rằng: Án – bát nạp mạng, nhá lăng hất rị. (Theo trong Tạng bản, lại có chân ngôn: Án — vĩ tát ra, vĩ tát ra, hồng phấn tra).

34, Nếu muốn tùy theo chỗ sanh, thường ở bên Phật, nên cầu nơi tay hiện hóa Phật. Chân ngôn rằng: Án — chiến na ra, ba hàm tra rị, ca rị na, chỉ rị na, chỉ rị nỉ, hồng phấn tra.

35, Nếu muốn đời đời kiếp kiếp thường ở trong cung điện Phật, không thọ sanh ở bào thai, nên cầu nơi tay hiện hóa cung điện. Chân ngôn rằng: Án — vi tát ra, vi tát ra, hồng phấn tra.

36, Nếu muốn được học rộng nghe nhiều, nên cầu nơi tay cầm quyển kinh báu. Chân ngôn rằng: Án — a hạ ra, tát ra phạ ni, nễ dã đà ra, b nễ đế, tát phạ hạ.

37, Nếu muốn từ thân này cho đến thân thành Phật, tâm bồ đề thường không lui sụt, nên cầu nơi tay cầm bất thối kim luân. Chân ngôn rằng: Án — thiết na di tả, tát phạ hạ.

38, Nếu muốn 10 phương chư Phật mau đến xoa đầu thọ ký, nên cầu nơi tay đảnh thượng hóa Phật. Chân ngôn rằng: Án — phạ nhựt rị ni, phạ nhựt lãm nghệ tát phạ hạ.

39, Nếu muốn có được cây trái ngũ cốc, nên cầu nơi tay cầm chùm bồ đào. Chân ngôn rằng: Án — A ma lã kiếm đế nễ nãnh, tát phạ hạ.

40, Nếu muốn cho tất cả loài hữu tình đói khát được no đủ mát mẻ, nên cầu nơi tay hóa nước cam lộ. Chân ngôn rằng: Án — tố rô tố rô bác ra tố rô, bác ra tố rô, tố rô dã, tát phạ hạ.

41, Nếu muốn hàng phục ma oán trong cõi đại thiên, nên cầu nơi tay tổng nhiếp thiên thủ. Chân ngôn rằng: Đát nễ dã thá, phạ lồ chỉ đế, thấp phạ ra dã, tra ô hạ di dã, sá phạ ha.)

(Phần Việt dịch này có thêm chân ngôn và 2 thủ nhãn cuối là do được tham khảo kinh văn Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni ở Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch) 

 

 

Lược giảng:

 

Trên đây là Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn, phía sau sẽ có ảnh. Phần này tôi sẽ giảng giải sau bởi vì bây giờ tôi đang giảng giải Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, sau này có nhân duyên tôi sẽ giảng Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn sau.



Kinh văn:  

 

如是可求之法。有其千條。今粗略說少耳

Hán văn: Như thị khả cầu chi pháp, hữu kỳ thiên điều, kim thọ lược thuyết thiếu nhĩ.

(Việt dịch: Này A Nan! Những pháp đáng mong cầu như thế, có tới hàng ngàn pháp. Nay ta chỉ nói lược qua thôi.)  

 

 

Lược giảng:

 

Trong chú Đại Bi có Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn, có người hỏi tại sao Quán Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt? Quán Thế Âm Bồ tát có đại oai đức và thần thông, Ngài tu nghìn tay nghìn mắt, tất cả đều xuất phát từ việc thực hành tâm đại bi. Pháp Đại Bi có tứ thập nhị thủ nhãn, thực hành tứ thập nhị thủ nhãn này, nếu người ấy thành tựu, tương lai người ấy sẽ có nghìn tay nghìn mắt. Nghìn tay dùng để cứu độ chúng sinh, nghìn mắt dùng để theo dõi chúng sinh, xem chúng sinh có khổ nạn gì thì dùng nghìn tay để cứu độ.

Quán Thế Âm Bồ tát tu Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này thì đắc được nghìn tay nghìn mắt, mỗi người chúng ta dù quý vị là ai nếu tu Pháp Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn và pháp Chú Đại Bi thì cũng có nghìn mắt, nghìn tay. Không phải chỉ có Quán Thế Âm Bồ là người duy nhất có thể có nghìn tay và nghìn mắt, mà tất cả chúng ta đều có thể có được. “Những pháp đáng mong cầu như thế, có tới hàng ngàn pháp”: Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn đã nói ở trên, đây là Pháp hi hữu đáng tìm cầu, pháp này cầu là sẽ đắc. Pháp mà thủ nhãn nêu tường tận ra có lên đến hàng nghìn, đại biểu cho nghìn tay, nghìn mắt. “Nay ta chỉ nói lược qua thôi”: Nhưng nay chỉ nói sơ lược thôi.  

 

 

Kinh văn: 

 

日光菩薩。為受持大悲心陀羅尼者。說大神咒而擁護之。南無勃陀瞿那迷。南無達摩莫訶低。南無僧伽多夜泥。底哩部畢薩咄檐納摩

Hán văn: Nhật quang bồ tát vi thọ trì đại bi đà la ni giả thuyết đại thần chú nhi ủng hộ chi. Nam mô bột đà cù na mê, nam mô đạt ma mạc ha đê, nam mô tăng già đa dạ nê, để lỵ bộ tất tát đốt diêm nạp ma.

(Việt dịch: Khi ấy Nhựt Quang Bồ Tát vì người thọ trì Đại Bi Tâm Đà la ni nói đại thần chú để ủng hộ rằng: Nam mô bột đà cù na mê. Nam mô đạt ma mạc ha đê. Nam mô tăng già đa dạ nê, đế lỵ bộ tất đát đốt diêm nạp ma.)

 

 

Lược giảng:

 

“Nhật Quang Bồ tát”: hầu hết mọi người đều nghĩ rằng

Bồ tát Nhật Quang là mặt trời, nhưng không phải vậy. Đây là một vị Bồ tát tên là Nhật Quang. Chúng ta, những người không hiểu đạo Phật, thường cho rằng Nhật Quang Bồ Tát là mặt trời, Nguyệt Quang Bồ Tát là mặt trăng, điều đó không chính xác. Tên của hai ngài xuất phát từ sự tu hành hạnh nguyện trải qua nhiều đời nhiều kiếp mới có tên là như vậy. “Vì người thọ trì Đại Bi Tâm Đà la ni”: Bồ tát Nhật Quang vì để giúp đỡ và ửng hộ những người trì tụng ―Chú Đại Bi mà diễn nói Thần Chú. Niệm chú này sẽ được hết thảy hộ pháp gia hộ, chú này còn gọi là chú ủng hộ Đại bi chú. Tên của chú này là Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni: Nam mô bột đà cù na mê, nam mô đạt ma mạc ha đê, nam mô tăng già đa dạ nê, để lỵ bộ tất tát đốt diêm nạp ma. Đây là tên tất cả những vị hộ pháp đều đến ủng hộ người trì chú.

 

 

Kinh văn:  

 

誦此咒滅一切罪。亦能辟魔。及除天災。若誦一遍。禮佛一拜。如是日別三時。誦咒禮佛。未來之世。所受身處。當得一一相貌端正。可喜果報。

Hán văn: Tụng thử chú diệt nhất thiết tội, diệt năng tị ma, cập trừ thiên tai, nhược tụng nhất biến, lễ Phật nhất bái, như thị nhật biệt tâm thời, tụng chú lễ Phật, vị lai chi thế, sở thọ thân xứ, đương đắc nhất nhất tướng mạo đoan chánh, khả hỉ quả báo.

(Việt dịch: Tụng chú này diệt được tất cả tội, cũng đuổi được ma và trừ thiên tai. Nếu kẻ nào tụng chú này một biến, lễ Phật một lạy, mỗi ngày chia ra làm 3 thời tụng chú lễ Phật như thế, trong đời vị lai tùy theo chỗ thọ thân, thường được tướng mạo xinh đẹp, được quả báo đáng vui mừng.)  

 

 

Lược giảng:

 

“Tụng chú này diệt được tất cả tội, cũng đuổi được ma và trừ thiên tai”: quý vị niệm thần chú Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni có thể tiêu trừ tất cả tội chướng, cũng khiến trừ tà ma, và thiên tai. Những gì là thiên tai? Đó là gió lớn, mưa to, bão, hay động đất, đây đều là thiên tai. “Nếu kẻ nào tụng chú này một biến, lễ Phật một lạy, mỗi ngày chia ra làm 3 thời tụng chú lễ Phật như thế”: nếu có người một ngày ba thời, sáng trưa và chiều niệm chú này một biến, lễ Phật một lạy, công phu như thế. “Trong đời vị lai tùy theo chỗ thọ thân, thường được tướng mạo xinh đẹp, được quả báo đáng vui mừng”: niệm chú và lạy Phật, đời vị lai sanh ở chỗ nào, quý vị đều được tướng mạo đoan chánh, xinh đẹp và ai thấy tướng mạo của bạn đều sanh tâm hoan hỉ, chính quý vị cũng hoan hỉ.

 

 

Kinh văn:  

 

月光菩薩。亦復為諸行人。說陀羅尼咒而擁護之。深低帝屠蘇吒。阿若蜜帝烏都吒。深耆吒。波賴帝。耶彌若吒烏都吒。拘羅帝吒耆摩吒。沙婆訶

Hán văn: Nguyệt Quang Bồ Tát, diệc phục vị chư hành nhân, thuyết đà la ni chú nhi ủng hộ chi. ―Thâm đê đế đồ tô tra. A nhã mật đế đồ tô tra, thâm kỳ tra. Ba lại đế. Gia di nhã tra ô đô tra. Câu la đế tra kỳ ma tra. Sa bà ha

(Việt dịch: Nguyệt Quang Bồ Tát cũng vì hành nhân mà nói Đà la ni để ủng hộ rằng: Thâm đê đế đồ tô tra. A nhã mật đế đồ tô tra, thâm kỳ tra. Ba lại đế. Gia di nhã tra ô đô tra. Câu la đế tra kỳ ma tra. Sa bà ha.)

 

 

Lược giảng:

 

“Nguyệt Quang Bồ Tát cũng vì hành nhân mà nói Đà la ni để ủng hộ rằng”: Bồ tát Nguyệt Quang cũng tuyên thuyết thần chú để ủng hộ người niệm, trì tụng chú Đại Bi. Thần chú ấy là “Nguyệt Quang Bồ tát Đà La Ni”: ―Thâm đê đế đồ tô tra. A nhã mật đế đồ tô tra, thâm kỳ tra. Ba lại đế. Gia di nhã tra ô đô tra. Câu la đế tra kỳ ma tra. Sa bà ha. Quý vị những ai trì tụng chú Đại Bi thì nên tụng thêm hai thần chú Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni và Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni thì công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

 

 

Kinh văn: 

 

誦此咒五遍。取五色線做咒索。痛處繫。此咒乃是過去四十恒河沙諸佛所說。我今亦說。為諸行人作擁護故。除一切障難故。除一切惡病痛故。成就一切諸善法故。遠離一切諸怖畏故

Hán văn: Tụng thử chú ngũ biến, thủ ngũ sắc tuyền tố chú sách, thống xứ hệ. Thử chú nãi thị quá khứ tứ thập hằng hà sa chư Phật sở thuyết, ngã kim diệc thuyết, vi chư hành nhân tác ủng hộ cố, trừ nhất thiết chướng nạn cố. Trừ nhất thiết ác bệnh thống cố, thành tựu nhất chư thiện pháp cố, viễn ly nhất thiết chư bố úy cố.  

(Việt dịch: Tụng chú này 5 biến, rồi lấy chỉ ngũ sắc xe thành sợi niệt, gia trì chú vào, buộc vào chỗ đau, chú này do 40 hằng sa chư Phật đời quá khứ đã nói ra, nay tôi cũng nói để vì các hành nhân mà làm duyên ủng hộ. Chú này có công năng trừ tất cả chướng nạn, tất cả bệnh ác, thành tựu thiện pháp, xa lìa tất cả sự sợ hãi.)

 

 

Lược giảng:

 

“Tụng chú này 5 biến”: tụng chú Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni năm biến, “rồi lấy chỉ ngũ sắc xe thành sợi niệt, gia trì chú vào”: quý vị lấy 5 sợi dây có 5 màu (Xanh dương, đỏ, vàng, trằng và đen) bện thành 1 sợi dây ngũ sắc sau đó tụng vào đó 5 biến chú Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni rồi “buộc vào chỗ đau”: thì quý vị bị đau ở chỗ nào thì buộc vào ở đó. “Chú này do 40 hằng sa chư Phật đời quá khứ đã nói ra”: thần chú Nguyệt Quang Bồ tát Đà La Ni này đã được các Đức Phật đời quá khứ nhiều như số cát trong 40 con sông Hằng tuyên thuyết. “Nay tôi cũng nói để vì các hành nhân mà làm duyên ủng hộ”: bây giờ, trong Pháp hội nói kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni ngài Nguyệt Quang Bồ tát cũng thuyết thần chú này để hộ trì người trì chú Đại Bi. “Chú này có công năng trừ tất cả chướng nạn, tất cả bệnh ác, thành tựu thiện pháp, xa lìa tất cả sự sợ hãi”: thần chú cũng công năng tiêu trừ tất cả những chướng nạn, diệt hết các bệnh tật khổ đau. Quý vị tu các thiện pháp gì thì thần chú sẽ giúp quý vị thành tựu được thiện pháp và xa rời tất cả các sợ hãi. Thần chú này cũng có năng lực không thể nghĩ bàn.  

 

 

Kinh văn: 

 

佛告阿難。汝當深心清淨。受持此陀羅尼。廣宣流布於閻浮提。莫令斷絕。此陀羅尼。能大利益三界眾生。一切患苦縈身者。以此陀羅尼治之。無有不差者。此大神咒。咒乾枯樹。尚得生枝柯華果。何況有情有識眾生。身有病患。治之不差者。必無是處

Hán văn: Phật cáo A nan, nhữ đương thâm tâm thanh tịnh, thọ trì thử đà la ni, quảng tuyên lưu bố ư Diêm Phù Đề, mạc lịnh đoạn tuyệt, thử đà la ni, năng đại lợi ích tam giới chúng sanh, nhất thiết hoạn khổ oanh thân giả, dĩ thử đà la ni trị chi, vô hữu bất sai giả, thử đại thần chú, chú càn khô thọ, thượng đắc sanh chi kha hoa quả, hà huống hữu tình hữu thức chúng sanh, thân hữu bệnh hoạn, trị chi bất sai giả, tất vô thị xứ.

(Việt dịch: Đức Phật bảo ngài A Nan: Ông nên dùng tâm tin sâu, tâm thanh tịnh mà thọ trì môn Đại Bi tâm Đà la ni này và lưu bố rộng ra trong cõi Diêm Phù Đề, chớ cho đoạn tuyệt. Đà la ni này có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh trong 3 cõi. Tất cả bệnh khổ ràng buộc nơi thân, nếu dùng Đà la ni này mà trị thì không bệnh nào chẳng lành, dùng đại thần chú này tụng vào cây khô, cây ấy còn được sanh cành lá, trổ bông, trái, huống chi là chúng sanh có tình thức ư? Nếu thân bị đại bệnh, dùng chú này mà trị không lành, lẽ ấy không bao giờ có.)

 

 

Lược giảng:

 

“Đức Phật bảo ngài A Nan”: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đã nói những lời trước, liền bảo ngài A nan: “Ông nên dùng tâm tin sâu, tâm thanh tịnh”: ‘tin sâu‘ là tâm không hời hợt, không buông lung, qua loa, cẩu thả. Quý vị nên đặc biệt chú ý để tâm thanh tịnh. ‘Tâm thanh tịnh‘: chính là không vọng tưởng, không cho tâm tán loạn, “mà thọ trì môn Đại Bi tâm đà la ni này”: nếu quý vị tụng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, quý vị phải nhất tâm, không hướng ngoại phan duyên, không vọng tưởng, rồi mới trì tụng thần chú.

“Và lưu bố rộng ra trong cõi Diêm Phù Đề”: Đức Phật phó thác cho ngài A Nan cần phải phổ biến, tuyên truyền công năng thần chú Đại Bi trên khắp cõi Diêm Phù Đề, hãy giới thiệu cho tất cả chúng sinh lợi ích của thần chú Đại Bi, “chớ cho đoạn tuyệt”: ông hãy nhớ, nhớ cho cẩn thận! Chớ để Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni và chú Đại Bi dứt mất, không có người biết đến. Quý vị thấy Đức Phật phó thác cho ngài A Nan phải ghi nhớ lưu bố kinh này và thần chú Đại Bi trên khắp cõi Nam Diêm Phù để lợi ích cho chúng sinh, vì vậy quý vị là những người Phật tử, những người trì tụng thần chú Đại Bi cũng nên rộng dùng nhiều phương tiện mà lưu hành, phổ biến Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, chú Đại Bi và bản giảng giải này để cho nhiều người đều được biết đến, đều được lợi ích, chớ để dùng riêng cho mình, chớ để cho đoạn tuyệt.

“Đà la ni này có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh trong 3 cõi”: thần chú tổng trì này có năng lực làm lợi ích lớn cho chúng sanh trong cả tam giới, không chỉ lợi ích chúng sanh ở cõi dục giới, mà chúng sanh ở cõi sắc giới cũng được lợi ích, rồi chúng sanh ở cõi vô sắc giới cũng đều được lợi ích. “Tất cả bệnh khổ ràng buộc nơi thân”: tất cả các bệnh tật, các đau đớn hành hạ quý vị; hoặc gặp những bệnh hiểm nghèo, hoặc bênh nan y, hoặc những bệnh vô phương cứu chữa, “nếu dùng Đà la ni này mà trị thì không bệnh nào chẳng lành”: nếu dùng chú Đại Bi để chữa thì bất luận là bệnh gì đều tiêu trừ, chú Đại Bi có thể chữa được 84.000 loại bệnh trên thế gian này.

“Dùng đại thần chú này tụng vào cây khô, cây ấy còn được sanh cành lá, trổ bông, trái”: thần chú Đại Bi này, nếu cây đã chết khô, nếu bạn niệm chú Đại Bi cho nó thì cây khô liền có thể sống lại và ra hoa kết quả, “huống chi là chúng sanh có tình thức”: huống gì con người là chúng sanh có tình cảm và trí thức. “Nếu thân bị đại bệnh, dùng chú này mà trị không lành, lẽ ấy không bao giờ có”: nếu thân quý vị mà có bệnh gì, nếu trì chú Đại Bi để chữa trị mà không lành thì nhất định không có điều đó.

Tụng ―Chú Đại Bi sẽ đắc được cảm ứng, loại cảm ứng này không thể nghĩ bàn, nhưng quý vị phải thành tâm, không chút nghi ngờ, nếu quý vị nghi ngờ, sẽ không có sự cảm ứng. Nếu quý vị thực hành và trì tụng chú ―Chú Đại Bi một cách toàn tâm toàn ý, không vọng tưởng, quý vị nhất định sẽ được sự cảm ứng không thể nghĩ bàn này. Hiện nay trong Phật giáo, rất ít người biết đến công năng của chú Đại Bi, đặc biệt là không biết đến Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni và Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni huống gì là trì tụng. Vẫn còn Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn, vào thời kỳ mạt pháp này, chắc hẳn trong Phật giáo không còn ai có thể tu tập loại Pháp này và hiểu được loại Pháp này.

Bây giờ tại Phật Giáo Giảng Đường này giảng Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này, cùng với Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni, Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni, hy vọng pháp môn này sẽ được chấn hưng trở lại, để người đời sau hiểu rõ pháp môn này, ngõ hầu trong tương lai có thể được nhiều người hiểu được và tu tập. Nếu hiểu và thực hành pháp này thì sự đắc đạo ở ngay trước mắt, người đắc ngũ nhãn lục thông ngày càng nhiều. Nhưng thời mạt pháp này căn tánh chúng sanh ngu độn bị cám dỗ bởi dục bên ngoài nên đã mê muội còn muội mê hơn, nếu như gặp chánh pháp cũng không nhận ra. Còn quý vị gặp được chánh pháp, tu theo chánh pháp của pháp tu này, đắc được ngũ nhãn, lục thông, đó là một điều hy hữu, đó là một điều khó làm được mà quý vị đã làm được trong thời mạt pháp này.

Khi chúng ta thực hành pháp này, dù trải qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu công việc bộn bề, nhưng không nên bỏ tụng Chú Đại Bi, trì chú Lăng Nghiêm, trì tụng Nhật Quang Bồ tát Đà la ni, Nguyệt Quang Bồ tát Đà la ni, và pháp Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này. Bởi vì, làm việc gì đều phải qua quá trình rèn luyện công phu mới thành tựu, cũng giống như người viết văn, lúc ban đầu viết không thể hay và nổi tiếng thành nhà văn mà là sự tôi luyện ngày này qua tháng nọ mới thành một nhà văn thực thụ. Sự tu tập cũng giống như vậy, không thể một sớm một chiều mà thành tựu, mà là quá trình công phu dài đăng đẳng mới thành công.

Thời đại mạt pháp này mà chúng ta được ngồi ở giảng đường nghe pháp, lại còn chiêm nghiệm giáo lý là điều bất khả tư nghì rồi. Bởi vì, quý vị đều có trồng căn lành từ những kiếp trước, nếu không có thiện căn thì bây giờ đến cả tên chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm, chú Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni, Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni và Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn còn không được nghe thấy, thậm chí đến ngay cả những tu sĩ mà không tu hành đàng hoàng cũng không thể gặp được. Vậy nên bây giờ quý vị đã có cơ hôi gặp được rồi thì nên trân quý, dụng công chớ lười biếng thì quý vị sẽ được thành tựu pháp trong tương lai.

 

 

Kinh văn:  

 

善男子。此陀羅尼威神之力。不可思議。不可思議。歎莫能盡。若不過去久遠已來。廣種善根。乃至名孖不可得聞。何況得見。汝等大眾。天人龍神。聞我讚歎。皆應隨喜。

Hán văn: Thiện nam tử, thử đà la ni oai thần chi lực, bất khả tư nghì, bất khả tư nghì, thán mạc năng tận. Nhược bất quá khứ cửu viễn dĩ lai, quảng chủng thiện că, nãi chí danh tự bất khả đắc văn, hà huống đắc kiến, nhữ đẳng đại chúng, thiên nhân long thần, văn ngã tán thán, giai ưng tùy hỉ.

(Việt dịch: Này thiện nam tử! Sức oai thần của Đại Bi tâm đà la ni này không thể nghĩ bàn! Không thể nghĩ bàn! Khen ngợi không bao giờ hết được, nếu chẳng phải là kẻ từ thời quá khứ lâu xa đến nay đã gieo nhiều căn lành, thì dù cho cái tên gọi còn không được nghe, huống chi là được thấy! Nay đại chúng các ông, cả hàng trời, người long thần, nghe ta khen ngợi phải nên tùy hỉ.)

 

 

Lược giảng:

 

“Này thiện nam tử”: Thiện nam tử là cách xưng hô của Đức Phật dành cho chúng đệ tử ở trong hội. Thiện nam tử có thể là Bồ tát, là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hay tất cả những người có mặt trong hội. “Đại Bi tâm đà la ni này”: thần chú Đại Bi đà la ni này là chú ‘tổng trì‘; tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa. “Sức oai thần”: oai thần là oai lực đáng sợ, người hay quỷ thần đều khiếp sợ trước năng lực phi thường này, quy kính oai lực của chú này, “không thể nghĩ bàn! Không thể nghĩ bàn”: loại năng lực này quý vị không thể dùng tâm để suy lường, cũng không thể dùng ngôn ngữ bàn luận, so sánh được. Hai câu không thể thể nghĩ bàn này là để nhấn mạnh, bày tỏ sự cảm thán, quá vi diệu. “Khen ngợi không bao giờ hết được”: ‘Thán‘ là tán thán, khen ngợi, cho dù tán thán, khen ngợi thần lực đà la ni này, nói không bao giờ hết.

“Nếu chẳng phải là kẻ từ thời quá khứ lâu xa đến nay”: giả sử không phải quý vị hay những người khác từ vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến ngày nay, “đã gieo nhiều căn lành”: đã rộng trồng nhiều cội phước lành, “thì dù cho cái tên gọi còn không được nghe”: thì ngày đến cái tên chú Đại Bi Tâm Đà La Ni còn không nghe thấy được. Tại sao bây giờ quý vị lại nghe thấy được tên của chú này, bởi vì quý vị có căn lành nên bây giờ mới có thể nghe được tên của chú Đại Bi. Quý vị thử nghĩ xem trên thế gian này có bao nhiêu người, thì có khoảng bao nhiều người được nghe đến tên thần chú Đại Bi và trong số những người đã được nghe đến tên thần chú Đại Bi thì có bao nhiêu người tu pháp môn chú Đại Bi. Từ đó có thể thấy ‘Chú Đại Bi‘ này hiếm có đến mức đến cái tên cũng còn không thể nghe thấy được, ―huống chi là được thấy”: đến cái tên của chú Chú Đại Bi còn chưa nghe qua thì nói gì đến đọc tụng hay nghe đến thần chú Nhật Quang, Nguyệt Quang, và tứ thập nhị thủ nhãn bất khả tư nghì. Nếu trong quá khứ không rộng trồng nhiều căn lành thì không thể trì tụng được chú Đại Bi, cũng không thể trì tụng được thần chú Nhật Quang Bồ tát hay chú Nguyệt Quang Bồ tát. Giả như căn lành của quý vị chưa được thật sự sâu dày và đủ chín muồi thì quý vị chỉ có thể gặp được Đại bi chú và trì tụng thần chú Đại bi thôi, mà không gặp được Nhật Quang và Nguyệt Quang Đà la ni thần chú mà tụng trì kèm theo chú Đại Bi đâu.

Tôi biết được trong Phật giáo, đại đa số mọi người đều biết đến chú Đại Bi nhưng chú Nhật Quang Bồ tát Đà La Ni, và Nguyệt Quang Bồ tát Đà La Ni thì ít được nghe qua. Cho dù quý vị có thể niệm Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni và Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni, thì Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này cũng không biết sử dụng. Bây giờ, chúng ta có thể hiểu được Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn, lại gặp được chú Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát thì đúng là đã phải trồng vô lượng căn lành trong vô lượng kiếp, mới có thể hiểu được pháp môn chẳng thể nghĩ bàn này.

“Nay đại chúng các ông, cả hàng trời, người long thần, nghe ta khen ngợi phải nên tùy hỉ”: tất cả đại chúng trời, người, rồng, tất cả các vị thần,… khi nghe được đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi chú Đại Bi cũng nên vui mừng, ca ngợi. Cùng nhau vui mừng vì gặp được pháp hi hữu hiếm có này và phải cùng nhau tu tập.

 

 

Kinh văn: 

 

若有謗此咒者。即為謗彼九十九億恒河沙諸佛。若於此陀羅尼生疑不信者。當知其人永失大利。百千萬劫。常淪惡趣。無有出期。常不見佛。不聞法。不覩僧。

Hán văn: Nhược hữu báng thử chú giả, tức vi báng bỉ cửu thập cửu ức hằng hà sa chư Phật. Nhược ư thử Đà La Ni sanh nghi bất tín giả, đương tri kỳ nhân vĩnh thất đại lợi, bách thiên vạn kiếp, thường luân ác thú, vô hữu xuất kỳ, thường bất kiến Phật, bất văn Pháp, bất đỗ tăng.

(Việt dịch: Nếu kẻ nào hủy báng thần chú này tức là hủy báng 99 ức hằng hà sa chư Phật kia. Nếu người nào đối với Đà la ni này sanh nghi không tin, nên biết kẻ ấy sẽ vĩnh viễn mất sự lợi ích lớn, trăm ngàn muôn kiếp không bao giờ nghe thấy Phật, Pháp, Tăng, thường chìm trong tam đồ ác đạo không biết bao giờ mới được ra khỏi, thường không thấy Phật, không được nghe Pháp, không gặp tăng.)

 

 

Lược giảng:

 

“Nếu kẻ nào hủy báng thần chú này”: giả sử có người phỉ báng chú Đại bi, nói đây là mê tín, chú này không phải do Đức Phật thuyết, chú này do người Trung Quốc nghĩ ra, hoặc đại loại như thế,…, “tức là hủy báng 99 ức hằng hà sa chư Phật”: tức là người đó đang hủy báng số đức Phật quá khứ bằng số cát trong 99 con sông Hằng đã tuyên thuyết thần chú này. “Nếu người nào đối với Đà la ni này sanh nghi không tin”: nếu người nào nơi chú Đại Bi này mà khởi ra tâm nghi ngờ hoặc không tin, “nên biết kẻ ấy sẽ vĩnh viễn mất sự lợi ích lớn”: những người đối với chú mà có lòng nghi ngờ thì quý vị nên biết những người đó vĩnh viễn bị mất đi lợi ích to lớn mà họ đáng được thọ nhận, lợi ích to lớn là gì? Nếu gặp được ―Chú Đại Bi mà tu hành, thì có thể thoát khỏi sinh tử, thành Phật, chứng được địa vị bất thối chuyển. Nếu không tin pháp môn này, thì tự làm mất hạt giống đại bi, chìm đắm trong dòng sinh tử, vĩnh viễn mất đi lợi ích lớn.

“Trăm ngàn muôn kiếp”: tức là có thể là một trăm kiếp, một ngàn kiếp, thậm chí là vạn kiếp, “thường chìm trong tam đồ ác đạo”: thường luân hồi trong cõi ác. Cõi ác là ba cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, cộng với A tu la thì là bốn cõi ác. “Không biết bao giờ mới được ra khỏi”: sẽ không bao giờ ra khỏi, sẽ không bao giờ ra khỏi địa ngục, ác quỷ, súc sanh và các cõi ác giới của A tu la. “Thường không thấy Phật”: hạng người này đời đời kiếp kiếp không thấy Phật, chẳng những không thấy Phật mà lại “không được nghe Pháp”: cũng không được nghe kinh, pháp. Bây giờ, quý vị có thể thấy rằng đây là lần đầu tiên chúng ta được nghe giảng kinh trên đất nước Mỹ. Bây giờ quý vị có thể nghe kinh hàng ngày, đó là một việc hy hữu, đừng cho rằng nghe kinh chỉ dành cho ông già, bà lão thôi, “không gặp tăng”: cũng không được gặp các thầy Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Trước đây trên đất Mỹ cũng không có Tam Bảo, không có đạo Phật nên cũng là không được thấy Phật, không được nghe pháp và không được gặp tăng. Nhưng nay không những thấy Phật, mà còn được nghe Pháp, thấy Tăng. Sắp tới đây, thêm năm vị tăng ni chính thức sẽ xuất gia tại Hoa Kỳ, quý vị nói, đây thực sự là sự chín muồi căn lành của người Hoa Kỳ! Căn lành đã chín muồi nên Tam Bảo xuất hiện.

 

 

Kinh văn: 

 

一切眾會菩薩摩訶薩。金剛密跡。梵釋四王。天龍鬼 神。聞佛如來讚歎此陀羅尼。皆悉歡喜。奉教修行

Hán văn: Nhất thiết chúng hội bồ tát ma ha tát, kim cang mật tích, phạm thích tứ vương, thiên long quỷ thần, văn Phật Như Lai tán thán thử Đà La Ni, giai tất hoan hỉ, phụng giáo tu hành.  

(Việt dịch: Khi ấy, tất cả chúng hội, Bồ Tát Ma ha tát, Kim Cang mật tích, Phạm vương, Đế Thích, tứ đại thiên vương, thiên, long, quỷ thần, nghe đức Như Lai khen ngợi môn Đà la ni này xong, thảy đều vui mừng, y lời dạy mà tu hành)

 

 

Lược giảng:

 

“Khi ấy, tất cả chúng hội”: Khi ấy tất cả đại chúng trong hội “Bồ Tát Ma ha tát”: các vị Bồ tát và Đại Bồ tát, “Kim Cang mật tích”: Hộ pháp kim cang, Bồ tát Kim Cang Tạng, “Phạm vương”: Đại Phạm Thiên Vương, “Đế Thích”: vua cõi trời Đao Lợi Thích Đề Hoàn Nhân, cũng chính là Nhân Đà La; “tứ đại thiên vương”: tức là bốn vị Thiên vương của cõi trời Tứ Thiên vương, và tất cả “trời, rồng, quỷ thần”, “nghe đức Như Lai khen ngợi môn Đà la ni này xong”: nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán Đại Bi Tâm Đà La Ni Chương Cú thần diệu này “thảy đều vui mừng”: đều hoan hỉ vui mừng, “y lời dạy mà tu hành”: thực hành theo ―Chú Đại Bi, tứ thập nhị thủ nhãn, Nhật Quang Bồ Tát Đà La Ni, và Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni. 



GIẢNG GIẢI


KINH ĐẠI BI TÂM ĐÀ LA NI


HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

 

NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA
Huế – 2023

 

 

Lời tựa

 

 Sự linh ứng của chú Đại Bi không thể nghĩ bàn, nếu ai đã từng trì tụng qua thần chú Đại Bi chắc chắn sẽ thấy được sự cảm ứng không thể nghĩ bàn, sự cảm ứng đó như sự uống nước nóng hay nước lạnh chỉ tự mỗi cá nhân biết mà khó thể diễn tả ra bằng lời được.

Tuy nhiên hiện nay đời Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp như số cát sông Hằng, nên có nhiều ý kiến cho rằng chú Đại Bi là do người Trung Quốc nghĩ ra hay là đạo Bà La Môn. Chính những luận thuyết này mà rất rất nhiều vị Phật tử thối tâm trì tụng thần chú Đại Bi, khinh khi phỉ báng thần chú Đại Bi. Hoặc có nhiều luận thuyết cho rằng nếu thần chú Đại Bi là chân ngôn của chư Phật vậy Phật thuyết thần chú này trong bộ kinh nào?

Nay may mắn nhân duyên hội tụ đủ, với sự hỗ trợ của các vị Tăng sĩ, Phật tử Ba La Mật và sự chứng minh bản dịch của hội phiên dịch kinh điển Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành. Chúng con đã tổng hợp và phiên dịch thành công bộ Giảng Giải Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni của Hòa thượng Thượng Tuyên Hạ Hóa (Hòa thượng Tuyên Hóa). Bản kinh này được Tam Tạng Pháp Sư Tuyên Hoá Giảng tại Phật Giáo Giảng Đường San Francisco ở nước Mỹ năm 1969 đã giảng giải chi tiết, phá nghi, hướng dẫn tương đối đầy đủ để mọi người tu trì.

Nhóm phiên dịch chúng con mong muốn bản giảng giải này đối với những ai đã và đang trì tụng thần chú Đại Bi có thêm tín tâm, được thêm nhiều sự lợi ích và hiểu rõ ràng hơn về thần chú Đại Bi, dùng thần chú Đại Bi để cứu giúp, làm lợi lác cho chúng sinh. Còn những ai chưa trì tụng thần chú Đại Bi thì phát tâm trì tụng. Những ai có tâm nghi ngờ, phỉ báng thì hồi quang phản chiếu, sinh tín mà trì tụng thần chú Đại Bi cũng như kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Kính mong mọi người đọc xong bản giảng giải này thì phát tâm trì tụng thần chú Đại Bi, phổ biến lưu truyền thần chú Đại Bi, dùng thần chú Đại Bi và kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni để làm lợi ích cho chúng sinh, chữa bệnh, trừ tai họa, tiêu nghiệp chướng,… cho chúng sinh và phổ biến bản giảng giải này cho rộng rãi mọi người được biết đến.


CHUNG

 

 

Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ, nếu có ai thấy nghe, đều phát Bồ đề tâm, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

 

 

CHÚ THÍCH

 

 

 [1] Tô Đông Pha tức Tô Thức (Chữ Hán: 苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

[2] Thiền sư Phật Ấn (1032-1098) là bậc danh tăng thời nhà Tống, pháp danh là Liễu Nguyên, tự Giác Lão, họ Lâm quê ở Nhiêu Châu, Phù Lương (xưa thuộc quận Bà Dương, tỉnh Giang Tây nay là trấn Cảnh Đức tỉnh Giang Tây)

[3] Căn cứ vào sách đông y Bổn Thảo Cương Mục, quyển 5 của Lý Thời Trân thời nhà Minh cho rằng: Tỉnh hoa thủy là loại nước suối, nước ở giếng vào buổi sáng có vị ngọt không độc, có tác dụng an thần, trấn tỉnh, thanh nhiệt, trợ âm vv. Uông Dĩnh cho rằng: Nước được lấy buổi sáng sớm gọi là tỉnh hoa thủy, đặc biệt lấy nước từ núi, khe suối là tinh phẩm, mùa đông ôn, hạ mát, ngọt ngào tinh thuần.

[4] Hùng hoàng (khoáng vật có sắc vàng dùng làm thuốc, có thể giải độc trong đông y còn có tên gọi khác là Hùng Tinh, Kê Quan Thạch)

[5] Mộc hoạn tử: Cây thân gỗ rất cao, quả và vỏ đều chế làm thuốc tắm, có tính chất bỏ đi những thứ vết bẩn giống như cục xà bông; quả của nó tròn lại cứng, đen như sơn bóng có thể dùng hạt châu niệm phật. Nó còn có tên Du Châu Tử, bồ đề tư, vô hoạn tử. (Bản Thảo Cương Mục, Lý Thời Trân nhà Minh).

 

Tô lạc: Là một loại thức ăn của người Ấn Độ được chế biến từ sữa tươi nguyên chất, từ sữa tươi chế biến ra Lạc rồi từ Lạc chế biến sinh ra Tô, Tô lạc giống món ăn bơ, pho mát.


Comments

Popular posts from this blog